Quá đa nghi, ông Tập trúng 'kế phản gián' của Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã xảy ra một cơn địa chấn hiếm hoi khi cả chỉ huy và chính ủy đều bị thay thế. Phân tích chỉ ra rằng, nếu ông Tập Cận Bình thực sự xử lý lãnh đạo lực lượng tên lửa vì làm rò rỉ bí mật, thì nó giống như phiên bản đương đại của "Tưởng Cán đọc trộm thư", có thể bản tính đa nghi của ông Tập đã khiến ông ấy trúng kế phản gián.

Ngày 31/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức bổ nhiệm ông Vương Hậu Bân và ông Từ Tây Thịnh lần lượt làm Tư lệnh và Chính ủy của Lực lượng Tên lửa. Động thái này đã chứng thực rằng nguyên chỉ huy Lý Ngọc Siêu và nguyên chính ủy Từ Trung Ba đã bị cách chức, và tin đồn Lực lượng Tên lửa bị thanh trừng cũng được xác nhận.

Tờ South China Morning Post của Hong Kong và các kênh truyền thông khác trước đó đưa tin rằng, các quan chức cấp cao của Lực lượng Tên lửa gần đây đang bị thanh trừng vì làm rò rỉ bí mật. Chỉ huy Lý Ngọc Siêu và một số quan chức quân sự cấp cao khác đã bị bắt đi để điều tra.

Biến động nhân sự bất thường này trong quân đội Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của ngoại giới.

Nhà báo nổi tiếng Nhật Bản Akio Yaita đã đăng bài phân tích cho rằng, những thay đổi lần này trong Lực lượng Tên lửa không liên quan đến tham nhũng mà là vấn đề “lòng trung thành” bị nghi ngờ.

Ông Yaita sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, hiện ông là Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của hãng truyền thông Nhật Bản Sankei Shimbun.

Ông cho rằng sự thay đổi này phải liên quan đến một vấn đề to lớn trong Lực lượng Tên lửa, ngòi nổ của vụ việc có thể là một báo cáo về Lực lượng Tên lửa Trung Quốc do một tổ chức nghiên cứu của Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái.

Báo cáo có tiêu đề "Tổ chức Lực lượng Tên lửa Trung Quốc" do Hoa Kỳ công bố đã liệt kê thông tin khá chi tiết về binh chủng này, bao gồm: phiên hiệu của tất cả các đơn vị tác chiến thuộc Lực lượng Tên lửa, vị trí của tất cả các căn cứ, họ tên và ngày nhận chức của tất cả chỉ huy trong các đơn vị, tọa độ chính xác của kho đạn dược và căn cứ sửa chữa hậu cần, v.v. Nội dung chi tiết đến mức mỗi một đại đội được trang bị những gì, tất cả đều được ghi lại rõ ràng, thậm chí cả các đơn vị của đội nấu ăn và quân khuyển cũng được liệt kê vào.

Trong bài phân tích gần đây đăng trên Facebook cá nhân ngày 3/8, ông Akio Yaita cho rằng đây có thể là một sách lược của quân đội Mỹ, họ cố tình công khai một số tin tình báo cơ mật để kích động tính cách đa nghi của ông Tập Cận Bình, từ đó gây lục đục nội bộ cho Lực lượng Tên lửa Trung Quốc.

Nhà báo Yaita chỉ ra rằng hiếm khi trong lịch sử quân sự thế giới, một bộ chỉ huy của quân đội lại bị thay thế tập thể. Ông cho rằng sự thay đổi này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của quân đội và sẽ khiến Lực lượng Tên lửa khó khôi phục hiệu quả chiến đấu trong thời gian gần.

Ông Akio Yaita chỉ ra, quân đội khác với công ty thông thường, mệnh lệnh do bộ chỉ huy ban hành có thể quyết định sự sống chết của binh lính, sự tín nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới là điều không thể thiếu. Nhưng ông Tập Cận Bình lại một phát đánh sập toàn bộ bộ chỉ huy, chắc chắn sẽ làm tinh thần quân đội bị tổn hại nghiêm trọng. Theo thông lệ nhất quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong thời gian dài tới, Lực lượng Tên lửa sẽ “tẩy sạch nọc độc còn sót lại trong bộ chỉ huy cũ” và chấn chỉnh, cài cắm thân tín vào bộ chỉ huy mới, ít nhất trong 2 - 3 năm tới sẽ rất khó để lấy lại sức chiến đấu.

Ông cho rằng, cơn địa chấn lần này trong Lực lượng Tên lửa không liên quan gì đến tham nhũng, vì tham nhũng là chuyện thường ngày trong quân đội ĐCSTQ, và ông Tập Cận Bình đã quá quen với việc truy bắt các quan chức tham nhũng trong quân đội, cho dù có phát hiện ra một vụ tham nhũng động trời thì cũng sẽ bắt lớn tha nhỏ, giết một người răn trăm người. Lần này làm to chuyện như vậy, nguyên nhân ắt hẳn là vấn đề "lòng trung thành".

Theo ông Akio Yaita, báo cáo về Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ do tổ chức tư vấn Hoa Kỳ công bố đã tiết lộ chi tiết cách phân bổ 150.000 sĩ quan và binh sĩ thuộc Lực lượng Tên lửa, tên của các sĩ quan ở mỗi căn cứ, mối quan hệ trực thuộc, cách triển khai binh lực và vũ khí… Điều này khiến ông Tập Cận Bình nghĩ rằng, nhất định là cán bộ cấp cao trong Lực lượng Tên lửa đã làm lộ bí mật.

Sự việc trên làm ông Akio Yaita liên tưởng tới câu chuyện "Tưởng Cán đạo thư" (Tưởng Cán đọc trộm thư) trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa". Tưởng Cán là mưu sĩ của Tào Tháo, ông phụng lệnh đi thuyết phục danh tướng Chu Du của nhà Đông Ngô quy hàng. Chu Du đã dùng kế phản gián để khiến Tưởng Cán xem trộm thư giả, ngược lại khiến Tào Tháo xử chém hai thống lĩnh thủy quân của mình là Sái Mạo và Trương Doãn. Thủy quân của Tào Tháo mất đi chỉ huy như rắn mất đầu, cuối cùng đại bại trong trận Xích Bích.

Ông Yaita phân tích, đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, quân đội Mỹ kiêng dè nhất là lực lượng tên lửa mang tên lửa liên lục địa của Trung Quốc. Cũng có thể quân đội Hoa Kỳ đã lấy được một phần tình báo cơ mật về Lực lượng Tên lửa và cố tình công bố một phần thông tin đó trong một báo cáo công khai để kích động sự đa nghi của ông Tập. Kết quả là, Lý Ngọc Siêu và Từ Trung Ba trở thành phiên bản hiện đại của Sái Mạo và Trương Doãn.

Chiêu này trong Tam thập lục kế gọi là "kế phản gián”, cũng có thể gọi là mượn dao giết người. Ông Yaita nói rằng, nếu đây là sự thật thì nó quá đặc sắc, nói không chừng trong tương lai có thể dựng thành phim.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Quá đa nghi, ông Tập trúng 'kế phản gián' của Mỹ?