Thanh niên '4 không' tại Trung Quốc: không yêu đương, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cụm từ 'thanh niên 4 không' đang trở nên phổ biến trên Internet Trung Quốc. Theo một thống kê của Quảng Châu, có 8% sinh viên đại học và thanh niên đang đi làm lựa chọn "4 không", trong đó không bao gồm thanh niên thất nghiệp.

Gần đây, một tài liệu của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã được lan truyền trên Internet. Tiêu đề của văn bản đó là: "Hiện tượng 'thanh niên 4 không’ đang gia tăng ở thành phố Quảng Châu, đề nghị thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường xây dựng thành phố theo định hướng phát triển thanh niên”.

Theo tài liệu này, sau các cụm từ như “vật lộn trong vòng xoáy”, “nằm thẳng / nằm ngửa” thì cụm từ “thanh niên 4 không” lại dần trở thành một từ thông dụng mới trên Internet Trung Quốc. Văn bản này cũng nhắc nhở chính quyền cần chú ý tới việc làm sao để biến hiện tượng “4 không” thành “4 muốn” (muốn yêu đương, muốn kết hôn, muốn mua nhà, muốn sinh con).

Tài liệu trên cũng tiết lộ rằng trong cuộc khảo sát đặc biệt về “Tình hình Phát triển Thanh niên Quảng Châu” do Ủy ban Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Quảng Châu thực hiện, có 15.501 câu hỏi - đáp hợp lệ đã được thu thập. Trong đó có 1.215 câu trả lời là của sinh viên đại học và thanh niên đang đi làm. Họ mang đủ các đặc điểm của “4 không” và chiếm ít nhất 7,9%.

Tài liệu này không đề cập liệu cuộc khảo sát trên có bao gồm thanh niên thất nghiệp hay không.

Tài liệu bị rò rỉ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó, Trung Quốc đã chính thức công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đạt mức kỷ lục 20,8%. Sau đó, phía chính quyền tiết lộ rằng, tỷ lệ thất nghiệp này không bao gồm những người không có khả năng lao động và những người không sẵn sàng làm việc (chẳng hạn như học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường); ngoài ra những người làm trên 1 tiếng mỗi tuần cũng được tính là “có việc làm". Theo ngoại giới phân tích, "tiêu chuẩn việc làm" này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã bị "đánh giá thấp một cách nghiêm trọng".

Tài liệu nêu trên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Quảng Châu cũng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi. Có cư dân mạng chế giễu rằng, trước tiên chính phủ phải tìm ra nguyên nhân khiến những người trẻ "nằm thẳng" rồi hãng tùy bệnh mà bốc thuốc, cách làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với những khẩu hiệu sáo rỗng. Cũng có cư dân mạng nói rằng, khi nào chính phủ giải quyết các vấn đề về việc làm, nhà ở, lương hưu và chi phí chăm sóc trẻ em thì những người trẻ tuổi mới dám "sôi nổi hoạt bát".

Trước tình hình suy thoái kinh tế tại Trung Quốc, áp lực sinh tồn của tầng lớp đáy ngày càng tăng, việc "nằm thẳng" càng trở nên phổ biến ở nước này. Điều đó phản ánh sự bất lực, tuyệt vọng và sự phản kháng thầm lặng của những người trẻ tuổi. “Thanh niên 4 không” là một trong những biểu hiện của tâm lý "nằm thẳng".

Theo một báo cáo do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố hồi tháng 6, tổng số lượng đăng ký kết hôn tại nước này đã giảm 8 năm liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm qua. Năm ngoái, toàn Trung Quốc chỉ còn 6,83 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn. Ngoài ra, trong năm 2020, độ tuổi trung bình ở nhóm kết hôn lần đầu là 28,6 tuổi, cao hơn gần 4 tuổi so với năm 2010.

Ngoài "thanh niên 4 không", trên Internet Trung Quốc còn có một cụm từ thông dụng khác để mô tả trạng thái sinh tồn của những người trẻ tuổi ngày nay, đó là "xoáy - thẳng - trườn - trút". “Xoáy” là vật lộn, canh tranh kịch liệt với nhau trong vòng xoáy xã hội; “thẳng” là nằm thẳng, chỉ duy trì những nhu cầu sinh tồn tối thiểu; “trườn” là chạy ra khỏi Trung Quốc; và “trút” là công kích người khác một cách bừa bãi để trút giận.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thanh niên '4 không' tại Trung Quốc: không yêu đương, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con