4 thói quen không nên làm sai vào mùa đông để tránh gây hại cho tim và mạch máu não

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào mùa đông, chúng ta có xu hướng ngủ nhiều hơn và khó dậy sớm vào buổi sáng. Một mặt là do môi trường bên ngoài lạnh giá, nhiệt độ thấp khiến não “tỉnh táo” chậm hơn. Mặt khác, đây cũng có thể là do cơ thể kích hoạt cơ chế tự bảo vệ!

Cần biết rằng, các trường hợp khẩn cấp về tim mạch như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não thường phổ biến hơn vào mùa đông, và sáng sớm được xem là "thời điểm nhạy cảm".

Vào mùa đông, tốt hơn là bạn nên "lười biếng" một chút, tại sao lại nói như vậy?

Khi thức dậy, bạn hãy dành vài phút để tinh thần trở nên tỉnh táo trước khi đứng lên. Điều này rất tốt cho tim mạch và ngăn ngừa rủi ro liên quan đến các bệnh về mạch máu não. Càng cố gắng ra khỏi giường nhanh chóng, bạn càng đối mặt với nguy cơ sức khoẻ lớn hơn. Ngoài ra, bạn có thể làm gì để phòng ngừa rủi ro khi thức dậy vào mùa đông?

Bốn điều không nên làm sai khi thức dậy vào mùa đông

1. Không dùng lực quá mạnh khi đại tiện

Một số người mắc các bệnh như tăng huyết áp và xơ cứng động mạch, độ đàn hồi của mạch máu kém và không chịu được áp lực quá lớn. Việc nín thở và dùng lực để rặn có thể khiến mạch máu bị vỡ và chảy máu.

Khuyến nghị:

Ngay cả khi bị táo bón, bạn đừng cố gắng dùng sức khi đại tiện. Tránh sử dụng điện thoại di động khi đại tiện, cố gắng giải quyết vấn đề trong vòng 2-3 phút, thời gian lâu nhất không quá 5 phút.

Đối với người bệnh táo bón, bạn có thể rèn luyện thói quen đại tiện bằng cách ngồi xổm. Theo thời gian, phản xạ có điều kiện bắt đầu hình thành. Khi đến lúc, bạn cảm thấy muốn đi đại tiện, nhu động đẩy ở đường tiêu hoá sẽ xảy ra.

2. Tránh uống quá nhiều nước trong một lần

Mùa đông khí hậu hanh khô, sau khi ngủ dậy dễ bị khô miệng, có người sẽ uống rất nhiều nước trong một hơi.

Nhưng uống nhiều nước sẽ làm tăng tải cho tim. Đối với những người yếu tim còn có thể bị khó thở, đánh trống ngực cùng những cảm giác khó chịu khác.

Khuyến nghị:

Sau khi ngủ dậy, bạn nên uống một cốc nước nhỏ trước, 200-300 ml, không uống lượng nước (hơn 500ml) cùng một lúc.

Khi uống nước, tránh uống nước một lần, cách đúng là ngậm một ngụm nước trong miệng và nuốt từ từ nhiều lần.

3. Tập thể dục buổi sáng không nên vận động quá mạnh

Nếu nhiệt độ buổi sáng quá thấp sẽ kích thích hưng phấn thần kinh giao cảm, tăng co mạch, gây biến động huyết áp, có thể dẫn đến bệnh tim mạch, mạch máu não, đặc biệt đối với người cao tuổi.

Khuyến nghị:

Vào mùa đông, tốt nhất bạn nên chuyển các bài tập thể dục buổi sáng sang thời điểm ấm áp hơn vào buổi chiều. Khởi động thật kỹ trước khi tập luyện, thời gian khởi động thường không dưới 10 phút. Không nên chọn những môn thể thao cường độ cao, tập đến khi ra mồ hôi nhẹ, không nên ra quá nhiều mồ hôi.

Khi tập luyện, bạn nên chú ý đến từng bước một, không nên thực hiện các bài tập như nín thở, squat hoặc gắng sức quá mức.

4. Ăn sáng đúng giờ nhưng không ăn quá nhiều

Sau một đêm tiêu hóa, thức ăn đã cạn kiệt, chỉ số đường huyết thường xuống thấp vào buổi sáng. Lúc này, nếu bạn không ăn, cơ thể sẽ sử dụng glycogen dự trữ trong cơ và glycogen trong gan, điều này sẽ tăng áp lực cho cơ và gan.

Ăn sáng là đúng, nhưng đừng ăn quá nhiều. Nếu bạn mắc bệnh tim mạch vành, sau bữa ăn no, một lượng lớn máu sẽ chảy về đường tiêu hóa để “hỗ trợ” tiêu hóa thức ăn, dễ gây nhồi máu cơ tim.

Khuyến nghị:

Ngay cả khi thức dậy muộn, bạn vẫn nên ăn sáng. Nếu vẫn còn 2-3 tiếng trước bữa trưa, bạn nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa nhưng đa dạng nhất có thể.

Ăn cho đến khi no khoảng 70-80%, tức là trạng thái dạ dày cảm thấy no nhưng kể cả khi ăn thêm vài miếng cũng không bị khó chịu hoặc tức bụng.

Lời khuyên:

Đối với những người khó dậy vào mùa đông, chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào đồng hồ báo thức.

Trên thực tế, bạn có thể mở rèm một chút trước khi đi ngủ, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào phòng vào sáng hôm sau, sau khi cơ thể cảm nhận được sự tiếp xúc với ánh sáng, nồng độ melatonin trong máu sẽ giảm xuống, giúp bạn dễ thức dậy hơn. Có thể nói đây là một cách tuyệt vời để thức dậy mà không cảm thấy uể oải và tránh được nhiều rủi ro.

Tất nhiên, nếu bạn phải dậy sớm hơn, việc bật đèn trong phòng ngủ ngay khi thức dậy cũng có thể khiến não bộ tỉnh táo nhanh chóng.

Theo Song Yun - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

4 thói quen không nên làm sai vào mùa đông để tránh gây hại cho tim và mạch máu não