60% doanh nghiệp Anh ở Trung Quốc thấy kinh doanh khó hơn năm ngoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 kể từ cuối năm ngoái, nhiều thách thức và sự bất ổn vẫn tồn tại, góp phần tạo ra đánh giá tiêu cực của các công ty Anh tại Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc (Doanh Nghiệp Anh tại Trung Quốc: Khảo sát Tâm lý 2023-2024), được công bố ngày 12/12, 60% doanh nghiệp Anh cho biết hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc năm nay khó khăn hơn năm ngoái, với nhiều công ty đã trì hoãn việc đầu tư vào đất nước này. “Trong số 60% doanh nghiệp nhận thấy việc kinh doanh khó khăn hơn, 78% trong số này cho rằng sự gia tăng khó khăn này là do các yếu tố kinh tế”.

Trong khi mức độ bi quan giảm xuống 29%, so với mức cao kỷ lục 42% từ năm ngoái khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách zero-Covid, các doanh nghiệp Anh vẫn do dự về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc với “sự lạc quan quay trở lại một cách chậm chạp”.

Theo khảo sát, sau khi kết thúc thời kỳ “bi quan đỉnh điểm” trong đại dịch, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và bối cảnh địa chính trị ngày càng bất ổn đã khiến các doanh nghiệp không chắc chắn về triển vọng trong năm 2024 và các năm sau.

Cuộc khảo sát cho thấy các điều kiện kinh tế hiện tại của Trung Quốc, những thách thức dai dẳng trong nền kinh tế toàn cầu và mối lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị đã dẫn đến một môi trường kinh doanh không chắc chắn. Điều này tác động đến niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh đối với Trung Quốc.

Cuộc khảo sát cho thấy: “Nhiều công ty đang do dự trong việc tăng đầu tư vào Trung Quốc, trong đó một tỷ lệ lớn nhất các doanh nghiệp Anh tiếp tục áp dụng cách tiếp cận ‘chờ và xem’ bằng cách duy trì mức đầu tư hiện tại trong năm tới”.

Các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra khó chịu với Trung Quốc trong phần lớn thời gian của năm nay do các yếu tố như sự phục hồi sau đại dịch yếu hơn dự kiến, một loạt các cuộc đột kích văn phòng công ty của chính quyền Trung Quốc, các chính quyền địa phương thiếu tiền và đưa ra ít ưu đãi đầu tư hơn, và lợi suất đầu tư cao hơn ở Mỹ.

Ông Julian Fisher, chủ tịch hội đồng cho biết: “Trong những năm trước, 80% [các công ty] đã đầu tư nhiều hơn vì tiềm năng thị trường, nhưng có vẻ như chúng ta hiện đang bước vào một giai đoạn [mọi thứ trở nên] thực sự rõ ràng”.

Các công ty Anh cũng đang hạ thấp tầm quan trọng của nền kinh tế số hai thế giới trong hoạt động toàn cầu của họ so với năm 2021. Tỷ lệ coi Trung Quốc là ưu tiên đầu tư cao đã giảm xuống 31% vào năm 2022 và sau đó tăng một chút lên 40% vào năm 2023, so với 59% vào năm 2021.

Các doanh nghiệp Anh cho rằng sự bất ổn kinh tế ở Trung Quốc là lý do chính (72%) khiến họ giảm đầu tư. Căng thẳng địa chính trị được xếp là yếu tố thứ hai với 53%, tiếp theo là những thách thức kinh tế toàn cầu, đứng thứ ba với 38%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Anh, thương mại giữa Anh và Trung Quốc trị giá 140 tỷ USD vào năm ngoái, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Anh.

Báo cáo của EuroCham

Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc (EuroCham), trong báo cáo Khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023 của Trung Quốc (công bố ngày 21/6/2023), cũng nhấn mạnh môi trường kinh doanh đang ngày càng tồi tệ ở nước này.

60% doanh nghiệp Anh ở Trung Quốc thấy kinh doanh khó hơn năm ngoái
Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/09/2019. (Ảnh: Noel Celis /AFP qua Getty Images)

Báo cáo cho thấy 64% số người được hỏi cho biết việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn vào năm ngoái.

Báo cáo cho biết: “Sự suy giảm tâm lý kinh doanh diễn ra trong ba năm qua là rất đáng kể và không thể đảo ngược chỉ sau một đêm”.

Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng giảm rủi ro từ Trung Quốc, “các khoản đầu tư bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc khi các chiến lược giảm rủi ro xuất hiện”.

Báo cáo nêu rõ: “Do môi trường kinh doanh thử thách và khó lường hơn của Trung Quốc, chiến lược đầu tư và vận hành của các công ty châu Âu đang được điều chỉnh cho phù hợp”.

Hai lý do hàng đầu khiến các doanh nghiệp Liên minh Châu Âu chuyển dịch hoặc cân nhắc việc rời khỏi Trung Quốc bao gồm giảm thiểu tác động tách rời khỏi Trung Quốc và tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Xu hướng này cho thấy các nhà đầu tư có ý định "giảm thiểu rủi ro và xây dựng tính vững chắc, thay vì lý do kinh doanh thuần túy".

Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết: “Các xu hướng tiêu cực mà chúng tôi thấy trong cuộc khảo sát năm nay là đáng lo ngại và phản ánh cả những thách thức gần đây - do những bất ổn trong môi trường chính sách của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng - và sự dai dẳng của các rào cản tiếp cận thị trường đã tồn tại từ lâu”.

AmCham: Tỷ lệ lạc quan xuống thấp kỷ lục

Theo cuộc thăm dò thường niên do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải thực hiện, luật pháp mơ hồ, căng thẳng với Washington về công nghệ, vấn đề địa chính trị và sự chậm lại của nền kinh tế là những trở ngại chính đối với các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Báo cáo Kinh doanh Trung Quốc 2023 do AmCham công bố vào ngày 10/9 cho biết: “Năm 2023 được cho là năm mà niềm tin và sự lạc quan của nhà đầu tư phục hồi trở lại sau nhiều năm gián đoạn và hạn chế do Covid”. “Tuy nhiên, theo khảo sát năm 2023 của chúng tôi về các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, sự phục hồi đã không thành hiện thực và tâm lý kinh doanh tiếp tục xấu đi”.

AmCham khẳng định rằng những lo ngại - chẳng hạn như môi trường kinh doanh ngày càng tồi tệ của Trung Quốc và những nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế của đất nước - làm giảm sự lạc quan và định hình cách các công ty hoạt động ở Trung Quốc.

60% doanh nghiệp Anh ở Trung Quốc thấy kinh doanh khó hơn năm ngoái
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/3/2023. (Ảnh: Greg Baker/ AFP qua Getty Images)

Báo cáo cho biết: “Bất chấp việc những hạn chế của thời đại Covid đã kết thúc, tỷ lệ các công ty tự mô tả mình là lạc quan hoặc hơi lạc quan vẫn đạt mức thấp kỷ lục là 52%”.

Đó là mức độ tự tin thấp nhất mà AmCham ghi nhận kể từ khi báo cáo kinh doanh thường niên Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt vào năm 1999.

60% trong số 325 người được hỏi coi căng thẳng Mỹ - Trung là một khó khăn kinh doanh chính, ngang bằng với tỷ lệ người được hỏi coi sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc là một thách thức đáng kể.

Cuộc thăm dò cho thấy các doanh nghiệp thậm chí còn kém lạc quan hơn so với một năm trước, khi các quy định "zero-Covid" của Trung Quốc dẫn đến việc đóng cửa toàn bộ các thành phố, đình chỉ mạng lưới giao thông và hoạt động đi lại trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Cuộc thăm dò cũng cho thấy các công ty Mỹ coi mối đe dọa từ sự gián đoạn như vậy là "yếu tố thúc đẩy" để chuyển hướng sang các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Nhiều công ty Mỹ nói rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế gần đây đã chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược, trong lúc 60% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng sự cởi mở hơn và tính dễ dự đoán hơn trong môi trường pháp lý là những yếu tố quan trọng có thể giúp họ tự tin hơn.

Bên cạnh đó, “tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt cũng trở nên tồi tệ hơn bởi các chính sách ưu ái các công ty địa phương hơn các công ty nước ngoài và tòa án có xu hướng ủng hộ các công ty Trung Quốc trong các quyết định bảo vệ sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế và nhãn hiệu”, AmCham nêu rõ.

Cuộc thăm dò cho thấy 56% - nhiều hơn 9 điểm so với năm 2020 - số người được hỏi cho rằng các doanh nghiệp địa phương đang được hưởng lợi từ sự thiên vị. Quan chức Trung Quốc cần tạo ra một môi trường pháp lý dễ dự đoán hơn, trong lúc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, đảm bảo đối xử bình đẳng đối với các doanh nghiệp quốc tế.

Theo những người được hỏi, những thách thức pháp lý khác đang ngày càng trở nên gay gắt bao gồm nội địa hóa dữ liệu và các yêu cầu an ninh mạng khác (70%), tình trạng thiếu vắng các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) và việc thực thi pháp luật (63%).

Các doanh nghiệp Mỹ coi mối đe dọa từ những gián đoạn như vậy là một "yếu tố thúc đẩy" để chuyển hướng sang các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Mặc dù 2/3 số công ty được thăm dò không thay đổi hoặc không xem xét thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh tại Trung Quốc, “sự miễn cưỡng - cho đến nay - không tiến tới nội địa hóa hoàn toàn nói lên bản chất của [các] công ty đa quốc gia”, AmCham nói.

Các tập đoàn Mỹ này cũng do dự trong việc trao cho nhân viên có trụ sở tại Trung Quốc nhiều quyền tự chủ hoạt động hơn và trong một số trường hợp, họ đang lùi lại một số quy trình nội địa hóa và loại bỏ một số quyền lực địa phương.

Tuy nhiên, hai lựa chọn phổ biến nhất đối với một phần ba số công ty còn lại, những đối tượng đã thay đổi hoặc đang xem xét thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh tại Trung Quốc, là chuẩn bị cho việc tách/nội địa hóa (44%) và phân tách các hệ thống và tiêu chuẩn tại Trung Quốc với phần còn lại của thế giới (29%).

Báo cáo của AmCham cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề chính góp phần tạo ra áp lực tách rời khỏi Trung Quốc là sự không chắc chắn về định hướng chính sách trong tương lai của Trung Quốc và sự mơ hồ về định hướng chính sách của Mỹ trong tương lai, tiếp theo là thuế quan và các rào cản thương mại, và cuối cùng là khả năng xảy ra chiến tranh vũ trang.

Trong khi 72% người được hỏi nói rằng các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc sẽ thay thế hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc, số còn lại cảm thấy rằng việc tách rời không cần thiết sẽ gây bất lợi cho các công ty Mỹ do bị tách khỏi môi trường cạnh tranh.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

60% doanh nghiệp Anh ở Trung Quốc thấy kinh doanh khó hơn năm ngoái