Chống tham nhũng: Quy định cấm bố trí người nhà làm lãnh đạo tại 13 ngành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114, yêu cầu không bố trí người nhà làm lãnh đạo trong các cơ quan ở 13 ngành để kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong môi trường nhà nước, bao gồm:

  1. Nội vụ
  2. Thanh tra
  3. Tài chính
  4. Ngân hàng
  5. Thuế
  6. Hải quan
  7. Công thương
  8. Kế hoạch đầu tư
  9. Tài nguyên môi trường
  10. Quân đội
  11. Công an
  12. Tòa án
  13. Viện kiểm sát

Ngoài ra, còn có những quy định như sau:

- Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

- Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

- Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác này.

- Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

- Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

- Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý...

- Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

- Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

- Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

- Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi...

Cán bộ, công chức, viên chức nếu vi phạm quy định nêu trên thì sau 12 tháng mới được xem xét quy hoạch. Người bị cảnh cáo sẽ bị xem xét miễn nhiệm, sau 30 tháng mới được quy hoạch. Người bị cách chức, sau 60 tháng mới được xem xét quy hoạch.

Thời gian vừa qua, nhiều nơi xảy ra tình trạng bổ nhiệm người nhà cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo để lợi dụng chức quyền, ăn hối lộ và có tình trạng gây nhũng nhiễu người dân.

Tuyết Nhi
(Tổng hợp)

Việt Nam Chính trị

Chống tham nhũng: Quy định cấm bố trí người nhà làm lãnh đạo tại 13 ngành