Chu Công dạy con: Kính trọng bề trên, bản thân khiêm tốn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bá Cầm, Khang Thúc nghe xong đột nhiên hiểu ra được đạo lý tôn ti trật tự, người trẻ tuổi phải kính trọng người lớn tuổi, thế là hai cậu mang lòng cung kính lại tới gặp cha. Vừa vào cửa, hai cậu cung kính bước, tới sảnh đường cung kính quỳ bái, hành lễ tham kiến. Chu Công thấy hai con hoàn toàn thay đổi, rất đỗi vui mừng, xoa đầu vỗ về hai cậu, cho ăn cơm, rồi hỏi vị hiền nhân nào đã dạy dỗ.

Chu Công Cơ Đán, là nhà chính trị nổi tiếng thời đầu Tây Chu, ông là con trai Chu Văn Vương, là em Chu Vũ Vương, cũng là chú của Chu Thành Vương. Chu Công phò tá Chu Vũ Vương tiêu diệt Thương Trụ Vương, triều Thương diệt vong. Sau khi Chu Vũ Vương mất, do cháu trai Chu Thành Vương tuổi còn nhỏ, nên Chu Công nhiếp chính giúp vua. Ông thảo phạt phản loạn, chế định điển chương chế độ của triều đình, có cống hiến cực lớn đối với sự an định của vương triều Tây Chu. Do ông một đời tận tụy phục vụ triều đình, ra sức lễ hiền đãi sĩ thu dụng nhân tài, có đầy đủ những phẩm chất cao quý, nên hậu thế xem ông như bậc Thánh hiền mẫu mực.

Chu Công có yêu cầu hết sức nghiêm khắc đối với con trai mình, từ nhỏ đã yêu cầu hiểu lễ nghi, nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp. Con trai ông là Bá Cầm và Khang Thúc, lúc nhỏ tới gặp cha, Chu Công chẳng nói một lời, chỉ lấy roi đánh phạt. Liên tục ba lần đều như vậy. Khang Thúc bị đòn đau nên sợ, thương lượng với Bá Cầm, cả hai cùng đi thỉnh giáo hiền nhân Thương Tử. Thương Tử nhẫn nại nghe xong lời kể, cũng không giảng giải gì cho hai cậu, ông chỉ bảo: “Trên núi Nam Sơn có cây tùng cao vút, sao các con không tới đó mà xem?”

Hai cậu đi xem, thấy cây cao vòi vọi, quay về kể lại cho Thương Tử. Tới lúc này Thương Tử mới nói: “Cây cao vòi vọi, đây chính là đạo làm cha”.

Nói rồi, ông lại bảo hai cậu tới chân núi Nam Sơn để nhìn cây thị.

Bá Cầm, Khang Thúc tới đó xem, thấy cây thị phía bắc núi và cây tùng phía nam núi trông khác hẳn nhau, giống như dáng cúi đầu cung kính. Thương Tử giảng giải: “Cây thị dáng cúi đầu cung kính, đây chính là đạo làm con.”

Bá Cầm, Khang Thúc nghe xong đột nhiên hiểu ra được đạo lý tôn ti trật tự, người trẻ tuổi phải kính trọng người lớn tuổi, thế là hai cậu mang lòng cung kính lại tới gặp cha. Vừa vào cửa, hai cậu cung kính bước, tới sảnh đường cung kính quỳ bái, hành lễ tham kiến. Chu Công thấy hai con hoàn toàn thay đổi, rất đỗi vui mừng, xoa đầu vỗ về hai cậu, cho ăn cơm, rồi hỏi vị hiền nhân nào đã dạy dỗ. Hai cậu trả lời đó là Thương Tử, Chu Công khen ngợi: “Thương Tử thật là bậc quân tử!”

Bá Cầm được phong đất ở Lỗ, Chu Công không yên tâm. Khi Bá Cầm lên đường, Chu Công căn dặn: “Ta là con của Văn Vương, em của Vũ Vương, chú của Thành Vương, đối với thiên hạ thì địa vị cũng không nhỏ. Nhưng ta vẫn ‘Nhất mộc tam xúc phát, nhất phạn tam thổ bộ’ (một lần gội đầu 3 lần không chải tóc, 1 bữa cơm 3 lần nhả cơm ra - xem giải nghĩa ở phần cuối bài), nghĩ cách đãi sĩ chiêu hiền, chỉ lo nỗi không thu được nhân tài. Con sang nước Lỗ, thận trọng chớ kiêu ngạo!”

Ông tha thiết dặn dò con trai nên noi gương cha mà lễ hiền đãi sĩ, tôn kính trưởng bối hiền nhân, bản thân phải khiêm tốn, chớ ỷ thế mà kiêu ngạo.

Trong lời ông nói có câu “Nhất mộc tam xúc phát, nhất phạn tam thổ bộ” là câu chuyện nổi tiếng về việc chiêu hiền đãi sĩ của ông. Tương truyền có lần Chu Công đang gội đầu, bỗng nhiên có người cầu kiến, Chu Công vừa nghe thấy liền vội vã không kịp chải đầu, chỉ vén tóc qua loa chạy ra tiếp khách (Thời cổ để tóc dài, nên không thể chải đầu nhanh được). Cứ như vậy mà việc gội đầu của ông bị gián đoạn đến ba lần, đều do vội để ra tiếp khách.

“Nhất phạn tam thổ bộ” là câu chuyện tương tự: Chu Công đang dùng bữa, có người cầu kiến, Chu Công không kịp nhai nuốt miếng cơm, vội nhổ ra để đi tiếp khách. Bữa cơm ấy cũng bị gián đoạn ba lần như vậy do có khách cầu kiến, minh chứng cho tâm tình bức thiết của ông trong việc tìm kiếm hiền tài. Sau đó, câu thành ngữ “Nhất mộc tam xúc phát, nhất phạn tam thổ bộ” trở thành điển cố nổi tiếng về việc chiêu hiền đãi sĩ.

Có thể nói, Chu Công rất khắc khổ dụng tâm dạy con.

Nguồn tư liệu: "Sử ký - Lỗ Chu Công thế gia"; "Thượng thư-Đại truyện-Tử tài"

Trần Tất Khiêm - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chu Công dạy con: Kính trọng bề trên, bản thân khiêm tốn