Chuyên gia: Thành lập các nhóm công tác Mỹ - Trung là để ngăn chặn ‘khoảnh khắc Lehman’ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã thành lập các nhóm làm việc với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và tài chính. Một nhà quan sát về Trung Quốc tin rằng động thái này được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cú sốc đáng kể đối với Mỹ và thế giới trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo vào ngày 22/9 rằng một trong 2 nhóm công tác sẽ tập trung vào các chủ đề kinh tế, hợp tác với Bộ Tài chính Trung Quốc; và nhóm còn lại là về các chủ đề tài chính, hợp tác với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc).

Việc thành lập các nhóm công tác có thể được coi là kết quả của các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao Mỹ với các đối tác Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc vào mùa hè này. Những nỗ lực đó bao gồm cuộc nói chuyện vào tháng 7 giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng), cũng như cuộc đối thoại vào cuối tháng 8 giữa Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao).

“Chuyến đi của tôi tới Trung Quốc nhằm mục đích thiết lập một kênh liên lạc lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, bà Yellen viết trên X vào ngày công bố các nhóm công tác.

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Lý Yên Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng Mỹ đã thành lập các nhóm làm việc để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới.

“Washington đang thiết lập các kênh liên lạc kinh tế với Bắc Kinh; họ cũng đang hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đẩy nhanh việc phong tỏa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Lý nói.

Ngăn chặn ‘khoảnh khắc Lehman’

Theo ông Lý, những tương tác gần đây của Washington với Bắc Kinh và việc thành lập các nhóm công tác có thể nhằm mục đích giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Ông Lý tin rằng “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc đang đến gần với tốc độ nhanh hơn.

Thuật ngữ này ám chỉ đến sự sụp đổ năm 2008 của Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư ở Mỹ vào thời điểm đó. Công ty này tuyên bố nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 15/9/2008, gây ra cơn sóng thần tài chính toàn cầu.

Ông Lý cho biết, các cuộc khủng hoảng nợ địa phương và bất động sản của Trung Quốc đang đè nặng lên toàn bộ hệ thống tài chính và kinh tế của nước này.

Chuyên gia: Các nhóm công tác Mỹ - Trung được thành lập nhằm ngăn chặn ‘khoảnh khắc Lehman’ ở Trung Quốc
Nhân viên ngân hàng bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Trung Quốc ở khu vực Tây Đơn của Bắc Kinh vào ngày 8/5/2013. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhiều lần cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế đang suy thoái. Tuy nhiên, chiến lược này cũng đã làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc khi Fed tăng lãi suất ở Mỹ.

Kết quả là tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ Trung Quốc tiếp tục giảm, làm trầm trọng thêm dòng vốn chảy ra ngoài. Cuối cùng, ngân hàng trung ương Trung Quốc bị cuốn vào một vòng tròn ác tính.

Một cuộc thăm dò vào tháng 9 của Bank of America cho thấy các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm.

Các nước phương Tây đang lo ngại rằng cuộc khủng hoảng thị trường tài chính Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng domino đối với nền kinh tế tài chính toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden cho biết tại một buổi gây quỹ chính trị ngày 10/8 rằng Trung Quốc đang gặp “gặp rắc rối” do tốc độ tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp cao. Ông nói rằng Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ” đang đe dọa nền kinh tế thế giới.

Suy thoái kinh tế đã tác động tồi tệ nhất đến các nền kinh tế châu Á và châu Phi cho đến nay. Vào tháng 7, Nhật Bản báo cáo xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm, sau khi Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu ô tô và công nghệ. Vào tháng 8, các ngân hàng trung ương của Hàn Quốc và Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng của họ với lý do nền kinh tế Trung Quốc yếu kém.

Cũng trong tháng 8, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố thành lập một “đội thanh tra liên chính phủ” đặc biệt có nhiệm vụ giám sát “các yếu tố rủi ro lớn” đối với nền kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.

Lĩnh vực bất động sản sụp đổ

Sau ba năm thực hiện các biện pháp chống Covid-19 và phong tỏa nghiêm ngặt, nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào một bước ngoặt suy thoái lịch sử, bằng chứng là tiêu dùng yếu và sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.

Vào ngày 22/9, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Evergrande, tuyên bố sẽ từ bỏ kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ trị giá 35 tỷ USD, với lý do doanh số bán bất động sản yếu hơn dự kiến.

Sau đó, có thông báo rằng ông Hứa Gia Ấn, chủ tịch Tập đoàn Evergrande, phải đối mặt với các biện pháp cưỡng chế “vì nghi ngờ vi phạm pháp luật và phạm tội”, theo bản tin ngày 28/9 từ công ty.

Chuyên gia: Các nhóm công tác Mỹ - Trung được thành lập nhằm ngăn chặn ‘khoảnh khắc Lehman’ ở Trung Quốc
Ông Hứa Gia Ấn phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 4 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Ông Lý cho rằng rõ ràng các phương pháp tự cứu mình của Evergrande “không còn có thể đương đầu với tốc độ suy thoái của thị trường bất động sản”. Ông nói thêm rằng sự đổ vỡ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc “nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì thế giới bên ngoài đang chứng kiến”.

Các gã khổng lồ bất động sản khác của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. Vào tháng 9, Country Garden tránh được vỡ nợ trong gang tấc, trong khi nhà phát triển bất động sản hàng đầu Sunac nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Trong khi đó, vào tháng 8, Zhongzhi Enterprise Group, công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, được cho là quản lý tài sản trị giá 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (137 tỷ USD) và là đơn vị đầu tư mạnh vào bất động sản, cũng vỡ nợ.

Khủng hoảng nợ địa phương khiến công chức không được trả lương

Một yếu tố khác làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của Trung Quốc là số nợ khổng lồ của địa phương. Goldman Sachs ước tính nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã lên tới 94 nghìn tỷ CNY (khoảng 13 nghìn tỷ USD).

Vào tháng 8, Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ đã cử các nhà điều tra đến hơn 10 tỉnh để “kiểm tra tài khoản của họ” và tìm cách cắt giảm nợ.

Các khoản nợ khổng lồ của địa phương thường xuyên khiến các công chức ở Trung Quốc không có thu nhập ổn định và bị nợ lương, đôi khi trong nhiều tháng.

Chuyên gia: Các nhóm công tác Mỹ - Trung được thành lập nhằm ngăn chặn ‘khoảnh khắc Lehman’ ở Trung Quốc
Nhân viên theo dõi học sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 07/06/2016. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Theo một bài báo trên cổng thông tin Trung Quốc NetEase vào ngày 14/9, Tập đoàn xe buýt Thiên Tân thuộc sở hữu nhà nước, nằm cách Bắc Kinh khoảng 72 dặm, đã trì hoãn chi trả một phần tiền lương của tài xế xe buýt trong khoảng thời gian ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay. Công ty có 1,83 triệu nhân viên.

Các nhân viên ở Thiên Tân phàn nàn trên mạng xã hội địa phương rằng họ không nhận được tiền làm thêm giờ đáng lẽ phải có; trong khi một số bị đình chỉ bảo hiểm y tế, theo thông tin của NetEase.

Trang tin tức Trung Quốc Jiemian News dẫn lời một tài xế xe buýt Thiên Tân nói rằng tiền lương và trợ cấp nắng nóng mùa hè của ông đã không được trả trong ba tháng tính đến ngày 20/9.

Tiền lương chưa được trả đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở một số nơi: một video trực tuyến vào ngày 4/9 cho thấy hàng trăm giáo viên trung học ở tỉnh Hà Nam đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi để đòi tiền lương của họ. Họ đã không được trả tiền lương trong vài tháng.

Gần đây, hơn 30 người đã biểu tình bên ngoài Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình thành phố Quế Lâm ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, trong một video được đăng lên mạng xã hội. Họ giương biểu ngữ có dòng chữ “Không có lương trong sáu tháng! Chúng tôi muốn sống sót!”

Giáo sư Yang Fan tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc cho biết trong một bài đăng ngày 17/2 trên Weibo rằng tình hình tài chính của Trung Quốc không còn đủ khả năng chi trả cho 81 triệu công chức.

Theo dữ liệu chính thức, năm 2022, doanh thu tài chính của Trung Quốc là 2.037 tỷ CNY (279 tỷ USD), trong khi chi ngân sách đạt 2.606 tỷ CNY (356 tỷ USD). Khoảng cách thâm hụt tài chính lên tới 572 tỷ CNY (77 tỷ USD), và con số này tăng lên hàng năm. Mức thâm hụt này có thể so sánh với GDP của Tứ Xuyên, tỉnh lớn thứ năm của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Thành lập các nhóm công tác Mỹ - Trung là để ngăn chặn ‘khoảnh khắc Lehman’ ở Trung Quốc