Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi có tính mở, tránh tình trạng 'khoanh mò'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đề thi từ năm 2025 phát triển thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh.

Chiều 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm 2025 hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn theo kiểu cũ trước đây; thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018); xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn toán), 2,35 điểm (với môn lý, hóa, sinh,...).

Với dạng câu hỏi đúng/sai giúp kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao. Ở dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.

Cấu trúc định dạng đề thi đã được nhiều địa phương triển khai ra đề thi thử nghiệm với học sinh lớp 10 và 11, được đánh giá hàm lượng đủ sâu để đánh giá năng lực tư duy của học sinh, tránh tình trạng khoanh mò, học sinh sẽ phải vận dụng sáng tạo, và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ngoài ra, đề còn phát triển về nội dung để phù hợp với thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 như thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đồng thời đề tạo thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018, giảm bớt khối lượng và sai sót công việc trong tổ chức thi.

Với tính toán như hiện nay, Bộ GD&ĐT cho rằng đề thi tốt nghiệp năm 2025 giúp giảm bớt khối lượng và sai sót công việc tổ chức thi, giảm số tờ giấy thi, giảm bớt rủi ro khi in ấn và ghép tờ đề thi.

Cụ thể, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn Đúng hoặc Sai. Thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn Toán, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Việt Nam Giáo dục

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi có tính mở, tránh tình trạng 'khoanh mò'