Học sinh cấp THCS tăng mạnh, Hà Nội lo thiếu giáo viên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2024, bài toán thiếu giáo viên vẫn đang là vấn đề nan giải khi Hà Nội tăng gần 62.000 học sinh trung học cơ sở so với cùng kỳ năm 2023.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tính đến tháng 1/2024, quy mô giáo dục cấp THCS thành phố Hà Nội có 675 trường với gần 601.000 học sinh, tăng 6 trường và gần 62.000 học sinh so với cùng kỳ năm 2023.

Vậy trong số các cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, quy mô học sinh cấp THCS của Hà Nội tăng nhiều nhất. Trong đó, khối 6 có số lượng học sinh là cao nhất với hơn 189.000 em (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp theo, số học sinh khối lớp 7 là gần 150.000 em; số học sinh khối lớp 8 là hơn 129.000 em và số học sinh khối lớp 9 là 133.000 em (so với cùng kỳ năm trước, số học sinh các khối lớp 7, 8 và 9 đều tăng từ 21% đến gần 25%).

Toàn thành phố Hà Nội có 2.222.246 học sinh (tăng 68.917 học sinh so với cùng kỳ năm trước); có 124.493 giáo viên (tăng 1.525 giáo viên so với cùng kỳ năm trước), trong đó, số giáo viên cấp THCS hiện nay là hơn 35.000 người, tăng hơn 1.700 người so với cùng kỳ năm 2023; có 66.110 phòng học (tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước).

Đầu năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội đã phải tổ chức tuyển dụng viên chức và ký hợp đồng giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học ở các cơ sở giáo dục. Song song với đó, Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đã xây mới, sửa chữa nhiều phòng học để đáp ứng yêu cầu về chỗ học cho học sinh.

Đối với bậc THCS, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn tích hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và môn Lịch sử - Địa lý là 2 bộ môn tích hợp từ 5 môn học riêng rẽ theo chương trình giáo dục hiện hành.

Khi mới triển khai, các nhà trường lúng túng , vướng mắc trong bố trí giáo viên đứng lớp bởi bởi vì đội ngũ lâu nay chưa được đào tạo dạy học tích hợp. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn để các nhà trường có thể phân công giáo viên riêng lẻ để dạy từng phân môn trong môn tích hợp, hoặc từng bước bố trí một giáo viên dạy môn tích hợp.

Thiếu giáo viên hiện đang là nỗi lo chung của nhiều nhà trường tại Hà Nội. Cô Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Nhà trường hiện không thiếu giáo viên dạy các môn năng khiếu nhưng lại thiếu giáo viên dạy văn hóa.

Năm vừa rồi, trường đề xuất 10 biên chế để đảm bảo công tác dạy học và được huyện duyệt 5 chỉ tiêu. Tuy nhiên, có 2 giáo viên dù đã đỗ biên chế nhưng lại bỏ, không đến nhận quyết định. Nhà trường đã phải bổ sung bằng cách tuyển giáo viên hợp đồng trong khi chờ đợi.

Hai nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng tăng là do làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp dẫn và khó tuyển thêm người mới.

Tương tự như năm học trước, số giáo viên bỏ ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... Ở khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Việt Nam Giáo dục

Học sinh cấp THCS tăng mạnh, Hà Nội lo thiếu giáo viên