Hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: Thành công có nhiều lối đi 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần 300.000 thí sinh bỏ cơ hội xét tuyển vào đại học, mạnh dạn chọn những hướng đi khác cho mình.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học lần thứ nhất, có khoảng gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông bỏ xét tuyển đại học.

Nhiều người cho rằng con số hơn 30% học sinh bỏ cơ hội vào đại học tại Việt Nam là một dấu hiệu tốt, vì có thể các em có nhiều cơ hội khác tốt hơn hoặc phù hợp hơn.

Là một trong số hơn 300.000 thí sinh không đăng ký bất kỳ nguyện vọng xét tuyển đại học nào, Lê Ngọc Ánh - học sinh Trường THPT Kỳ Lâm, Hà Tĩnh, cho biết em sẽ học tiếng nước ngoài để đi xuất khẩu lao động. Với lựa chọn này, Ánh mong ước được “đổi đời” vì gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.

Ngọc Ánh bộc bạch: “Em là người không ngại vất vả, đi xuất khẩu lao động cũng là cách kiếm tiền chân chính đồng thời còn đỡ đần được mẹ và các em. Thay vì cứ cố chấp học đại học theo mong muốn bản thân mà mọi người phải chạy vạy khắp nơi thì em sẽ chọn đi xuất khẩu lao động. Em dự tính đi xuất khẩu lao động 4 - 5 năm rồi sau đó trở về xin một công việc gần nhà để làm”.

Không riêng Ngọc Ánh từ chối bước vào cánh cổng trường đại học, em Trịnh Thuỳ Linh - học sinh Trường THPT C Bình Lục, Hà Nam, cũng lựa chọn con đường du học theo hệ vừa học vừa làm.

Lý do em đưa ra, một phần là nhìn vào thực tế nhiều anh chị khóa trước tốt nghiệp đại học ra khó xin việc, phần nữa là năng lực học tập của mình không quá nổi trội, khó có cơ hội thi đỗ vào các trường đại học top đầu. Với các trường đại học tầm trung, cơ hội việc làm lại càng khó khăn hơn.

Nói về tình hình du học nghề ở Đức, ông Vũ Xuân Sơn, đại diện một tổ chức giáo dục, cho biết: "Sau khi học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xong, lượng hồ sơ đăng ký đi học nghề ở Đức tăng lên đáng kể. Năm nay, số lượng hồ sơ chúng tôi nhận được cũng tăng gấp nhiều lần so với những năm trước".

Theo ông Sơn, từ tháng 3/2020 nước Đức bắt đầu thực hiện chính sách cho phép nhập cư lao động nằm ngoài Liên minh châu Âu. Việc này giúp cho điều kiện đi Đức trở nên dễ dàng hơn so với trước đây rất nhiều. Chỉ cần chứng chỉ A2, B1, mọi người đã có thể xuất cảnh, nhập học nghề, thời gian rút ngắn hơn rất nhiều. Số lượng ngành nghề và công việc đa dạng hơn, như điều dưỡng, đầu bếp, nhà hàng, khách sạn, bán hàng, cơ khí, cơ điện tử, hay ô tô.

Trước đây, các bậc phụ huynh cho rằng vào đại học là cánh cửa duy nhất để thành công, nở mày nở mặt với họ hàng nên đã luôn định hướng con em đăng ký theo lối mòn, để có cái mác đại học. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ bỏ tiền cho người nhà đi cửa sau để vào bằng được một trường đại học nào đó. Nhưng thực tế cho thấy sau khi ra trường, nhiều bạn trẻ thất nghiệp hoặc làm trái nghề, khiến tiền của lãng phí, bằng cấp để trưng bày.

Vậy nên, các bậc phụ huynh từ sớm nên nắm bắt xu hướng của xã hội, đồng thời quan tâm, tìm hiểu thật kỹ nhu cầu cũng như năng lực, sở trường - sở đoản để các con lựa chọn đúng đắn và phù hợp nhất, tránh đi đường vòng chỉ vì cái danh hão huyền.

Tuyết Nhi (tổng hợp)

Việt Nam Giáo dục

Hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: Thành công có nhiều lối đi