Khai quật lăng Tần Thủy Hoàng lần 3: Sự thật bất ngờ được tiết lộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đội khảo cổ bất ngờ phát hiện ra một hố áo giáp bằng đá khổng lồ, có diện tích đến hơn 13.000 mét vuông. Tuy nhiên, toàn bộ hố chôn đã bị đốt cháy rất nghiêm trọng, liệu đây có phải là bằng chứng cho thấy Hạng Vũ đã đốt lăng Tần Thủy Hoàng như sử sách từng nhắc tới hay không?

Các chuyên gia hiện nay cho rằng, diện tích của toàn bộ lăng mộ Tần Thủy Hoàng có quy mô bằng 78 lần so với Tử Cấm Thành, và phần diện tích đã được khai quật hiện nay là chưa đến 3%.

Việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng diễn ra rất chậm, hố số 1 đã được khai quật tổng cộng ba lần. Lần thứ 3 đã kéo dài 14 năm cho đến tận ngày nay. Quả là một kỳ công. Vậy trong lần mới nhất các nhà khảo cổ tìm thấy những bí ẩn gì?

Bí ẩn kiếm cổ

Sử ký kể lại điển tích "Kinh Kha ám sát vua Tần", rằng vào lúc nguy cấp nhất khi sát thủ Kinh Kha đuổi theo Tần Thủy Hoàng với một con dao tẩm độc trên tay. Lúc này, quần thần ở dưới đều hô to: "Bệ hạ đang mang kiếm sau lưng". Nhờ đó, Tần Thủy Hoàng đã rút ra một cây kiếm và giết chết Kinh Kha.

Trước đó chúng ta đều biết rằng các nhà khảo cổ đã đào được những thanh kiếm trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Chúng dài đến hơn 90 cm, và tất cả đều được đúc bằng đồng. Về mặt lý thuyết, đồng không cứng bằng sắt nên hầu như không thể đúc được một thanh kiếm đồng dài 90 cm. Tuy nhiên, hãy nhìn tám đường vân trên thân kiếm, có chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ dày, chỗ mỏng.

Cách thiết kế này quả thật rất tài tình, vì họ đã xác định chính xác điểm chịu lực của thanh trường kiếm. Tại điểm có lực tác dụng, lưỡi kiếm sẽ rộng ra hoặc dày hơn. Hơn nữa, còn có một lớp muối oxit crom chống rỉ phủ trên bề mặt của thanh kiếm. Đây là một kỹ thuật mà đến tận thời hiện đại chúng ta mới tìm ra. Lớp oxit crom này giúp thanh kiếm không bị rỉ sét sau hơn 2.000 năm.

Như vậy, các chuyên gia đã giải mã được câu chuyện “nhà vua mang kiếm”. Với một thanh kiếm dài như vậy, có thể dễ dàng chống lại con dao găm 10 cm của Kinh Kha. Nhưng, một thanh trường kiếm 90cm đã được vua Tần đeo ở đâu, có phải ông đã mang trên lưng giống như các Đạo sĩ không, thay vì đeo ở thắt lưng? Mãi đến cuộc khai quật lần thứ ba này thì vấn đề mới được làm sáng tỏ. Kiếm được đeo ở thắt lưng.

Lần khai quật thứ 3, thấy trên kiếm có cái như móc khóa. Trong sử sách nó có tên là kiếm trệ, là bộ phận giữ kiếm, được làm từ ngọc quý, giúp thanh kiếm có thể trượt tự do ở thắt lưng, nó được tìm thấy cùng với những đồ vật trên xe ngựa đồng đã được khai quật trước đây. Như vậy kiếm trệ đã giúp Tần Thủy Hoàng đeo thanh kiếm ở eo và đẩy ra sau lưng, khi đó có thể dễ dàng rút kiếm ra, giết chết Kinh Kha.

Kiếm trệ đã giúp Tần Thủy Hoàng đeo thanh kiếm ở eo và đẩy ra sau lưng, khi đó có thể dễ dàng rút kiếm ra, giết chết Kinh Kha. (Chụp video)

Bàn đạp yên ngựa, Parthia

Trong game Age of Empires, có hai kỹ thuật rất mạnh mẽ đó là bàn đạp yên ngựa và Parthia. Bàn đạp giúp cho kỵ sĩ có thể ngồi vững trên yên ngựa, còn kỹ thuật Parthia là sau khi kỵ binh thả lỏng hai tay, có thể vừa phi ngựa vừa bắn tên.

Các học giả phương Tây có xu hướng cho rằng chúng bắt nguồn từ các nước ở vùng Trung Á, Ba Tư và Ấn Độ. Hãy tưởng tượng những kỵ binh Ba Tư với bàn đạp yên ngựa, kiếm trệ và kỹ thuật Parthia sẽ mạnh mẽ anh dũng như thế nào. Họ có thể vừa phi ngựa vừa bắn tên ở khoảng cách xa, và khi đến gần, họ sẽ dùng kiếm để chiến đấu linh hoạt, vận dụng thành thục 3 loại kỹ thuật này có thể dễ dàng đánh bại kẻ địch.

Vào các năm từ 1967 đến 1995, các chuyên gia liên tiếp khai quật được một số kiếm trệ chạm khắc ngọc bích tại khu vực Stara Zagora của Bulgaria. Đó có phải là những món đồ của Trung Quốc được bán cho Bulgaria vào thời cổ đại, hay là di sản của Ba Tư được kỵ binh Bulgaria kế thừa?

Các chuyên gia phương Tây cho rằng chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có lẽ từ lâu Tần Thủy Hoàng đã biết rằng ở phía tây Đại Tần có Đế chế Parthia, được bao quanh bởi Ấn Độ và Hy Lạp. Lẽ nào Tần Thủy Hoàng có chiến lược rằng đầu tiên là thống nhất 6 nước ở phía Đông, sau đó bình định Bách Việt ở phía Nam và Hung Nô ở phía Bắc, bước tiếp theo là tiến về phía Tây và gửi thông điệp của Đại Tần đến Alexander Đại đế và đế chế Hy Lạp.

Đó chỉ là giả thuyết, hãy quay trở lại với cuộc khai quật lần thứ ba ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Nỏ liên hợp

Phát hiện mới có liên quan đến cung liên hợp. Các chuyên gia phương Tây từng tin rằng nó là phát minh của các dân tộc trên thảo nguyên như tộc người Hung Nô. Họ đã sử dụng gỗ, sừng và gân của bò hoặc cừu, từ đó chế tạo ra một cây cung ngắn nhưng có lực phóng rất mạnh, thích hợp để sử dụng trên yên ngựa.

Trong khi quân đội của nhà Tần, nhà Hán sử dụng cách cưỡi ngựa và bắn cung khác với người Hung Nô. Họ tập trung xây dựng các công sự như Vạn Lý Trường Thành, sử dụng chiến thuật phòng thủ và chiến tranh tiêu hao. Tuy nhiên, trong lần khai quật này, bức ảnh dưới đây đã phá vỡ quan điểm. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, nỏ của nhà Tần được sản xuất hàng loạt theo quy trình công nghiệp, có thể tháo rời và lắp ráp theo ý muốn, giống những loại súng trường hiện nay.

Tương truyền rằng, tầm bắn hiệu quả của loại nỏ liên hợp của nhà Tần là 800 mét, gấp đôi so với súng trường AK. Tất nhiên, điều này có thật hay không, chúng ta chưa thảo luận ở đây. Nếu cung và ngựa của quân Tần đánh theo đúng kịch bản, thì thực sự rất mạnh.

Nỏ liên hợp của nhà Tần được sản xuất hàng loạt theo quy trình công nghiệp. (Chụp video)

Khi tiếp tục khai quật, một phát hiện khác đã đưa các chuyên gia trở lại mùa hè năm 1997.

Bí ẩn về những chiếc áo giáp đá bị cháy

Năm 1997, đội trưởng của đội khảo cổ bất ngờ phát hiện ra một hố áo giáp bằng đá khổng lồ ở góc đông nam của khu di tích, có diện tích đến hơn 13.000 mét vuông. Tuy nhiên, những cổ vật ở đây rất kỳ lạ: thứ nhất, toàn bộ hố chôn đã bị đốt cháy rất nghiêm trọng; thứ hai, có rất nhiều áo giáp bằng đá.

Liệu đây có phải là bằng chứng cho thấy Hạng Vũ đã đốt lăng Tần Thủy Hoàng như sử sách từng nhắc tới? Tại sao có nhiều áo giáp làm bằng đá như vậy?

Để sản xuất những bộ giáp này, phải mài đá thành từng mảnh nhỏ rồi ghép lại thành áo giáp đá, ước tính rằng một bộ được tạo thành từ 612 mảnh đá và phải mất ít nhất từ 344 đến 444 ngày để một người thợ lành nghề hoàn thành. Như vậy không thể sản xuất trên quy mô lớn. Hơn nữa chúng rất nặng và giòn, dễ làm binh lính bị kiệt sức. Vì vậy, có lẽ chúng không thực sự được dùng trong chiến đấu. Vậy tại sao lại có nhiều áo giáp đá được chôn trong lăng mộ như vậy?

Bộ áo giáp bằng đá trong Lăng Tần Thủy Hoàng. (Wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Cho đến lần khai quật thứ ba, một sự kiện kỳ lạ xuất hiện tại hố số 1. Các chuyên gia phát hiện được một đường hầm, dường như đã bị mở ra trước đó. Những tượng chiến binh và ngựa bằng đất nung ở đây đều dấu hiệu bị đốt cháy và hư hại nghiêm trọng, rất giống với hố áo giáp đá đã tìm thấy trước đây. Chẳng lẽ thực sự là do Hạng Vũ?

Các chuyên gia đã đưa ra hai giả thuyết: thứ nhất, áo giáp đá được sử dụng để huấn luyện, giúp binh sĩ tăng sức chiến đấu khi ra chiến trường. Thứ hai, theo truyền thống mai táng của người Trung Quốc cổ đại, thì Hoàng đế sẽ được mặc áo giáp ngọc chỉ vàng, hoàng tử sẽ mặc áo giáp ngọc chỉ bạc, còn có loại áo giáp ngọc chỉ đồng cho những cấp bậc thấp hơn.

Như vậy, lẽ nào những chiếc áo giáp đá này được sử dụng để mai táng những tướng sĩ có công?

Điều này cũng có thể giải thích tại sao Hạng Vũ lại tập trung phá hủy chúng. Có thể Hạng Vũ đã tìm thấy tượng của những tướng lĩnh nhà Tần đã giết ông nội và chú của mình trong hố áo giáp đá nên mới tập trung đốt phá ở đây.

Tuy nhiên vẫn còn có một bí ẩn khác. Trên bản đồ 2D, chúng ta sẽ thấy kết cấu của những hố khai quật này. Trong đó, hố số 1 là đội hình hỗn hợp của bộ binh, kỵ binh, cung thủ và binh xa, hố số 2 là đội hình hình vuông của chiến xa, vậy hố số 3 thì sao? Cách bố trí và những trang bị ở đây rất cao cấp, rõ ràng đây phải là hố dành cho chỉ huy. Tuy nhiên, các chuyên gia không tìm được tượng đất nung của vị tướng nào ở đây.

Sau đó, họ đã tìm được rất nhiều xương động vật và hai nhánh sừng hươu bị gãy, họ đoán rằng, đây có lẽ là thuật bói toán ở thời cổ đại trước khi ra trận. Vị trí này có lẽ là mạc phủ của các tướng quân. Các chuyên gia phân tích rằng chiến binh và ngựa bằng đất nung đại diện cho đội quân hộ vệ cho Tần Thủy Hoàng. Và người lãnh đạo của đội quân này rất quan trọng nên có khả năng là được Tần Thủy Hoàng sắp xếp đi theo bên mình.

Thủy quân của Đại Tần?

Trên thực tế, ngay từ năm 1976, các chuyên gia đã phát hiện ra hố số 4 lấp ló bí ẩn nằm giữa hố số 2 và hố số 3. Nó chứa đầy phù sa và sỏi. Do đó, một số chuyên gia suy đoán rằng nó có thể là đội hải quân huyền thoại của Đại Tần?

Theo sử sách ghi lại, sau khi nhà Tần diệt Ba Thục, tướng quân Tư Mã Thác từng dẫn theo 100.000 thủy quân, với hàng vạn chiếc thuyền lớn đến xâm lược nước Sở, rồi từ nước Sở xuôi dòng để chinh phục tộc Bách Việt.

Cùng lúc đó, sử sách cũng ghi lại quá trình Tần Thủy Hoàng cho người phía đông tìm Thần tiên, ở bờ biển Sơn Đông, lên một chiếc thuyền lớn, ra khơi rất xa, còn có câu chuyện dùng cung nỏ lớn để bắn chết cá voi.

Từ đó chúng ta có thể suy đoán rằng đế quốc Đại Tần có lực lượng hải quân rất hùng hậu. Trong "Sơn Hải Kinh" và một số sử liệu, chúng ta có thể tìm được dấu vết của thủy quân nhà Tần, ví dụ như những ghi chép về Đông Phương Sóc đến Bắc Cực, Từ Phúc đến Nhật Bản, v.v..

Chúng ta hãy nhìn lại những cổ xe ngựa bằng đồng được khai quật ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, phần mái che và vòng dây đeo trên cổ ngựa đã sử dụng công nghệ hàn điện thời hiện đại, phần cán dù có lắp đặt bánh răng, có thể dựa vào vị trí của mặt trời, để thay đổi góc độ che nắng. Như vậy nếu chúng ta đào ra những tàu chiến thủy quân thì sẽ tuyệt vời thế nào.

Đội hình phalanx

Trong lần khai quật thứ ba vẫn còn một số phát hiện mới, có những chiếc vòng đồng hình tròn, vậy chúng có công dụng gì? Các chuyên gia phát hiện phần cán gỗ của chúng dài từ 4,3 mét đến 6,7 mét, vậy đây là thiết bị gì? Sách cổ "Khảo công ký" ghi lại cụ thể những quy tắc chế tạo các loại binh khí, nói rằng không có loại vũ khí nào có thể cao gấp 3 lần chiều cao của một binh sĩ.

Chiều cao trung bình của các chiến binh đất nung là 1,75 mét, gấp 3 lần là 5,25 mét, và những binh khí có cán tìm được trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng thường dài không quá 3m. Như vậy làm thế nào giải thích về những chiếc cọc tròn dài từ 4,3 và 6,7 mét này? Có thể quân Tần đã áp dụng chiến thuật đội hình phalanx, vung những ngọn giáo dài hơn 6 mét để chặn những cơn mưa tên, đồng thời tiến lên từng bước để tiêu diệt kẻ thù.

Cũng có giả thuyết cho rằng những chiếc cột tròn dài này là cột cờ trong đội hình quân sự, chứ không phải những mũi giáo dài trong đội hình phalanx rất nổi tiếng mà Alexander Đại Đế từng áp dụng.

undefined
Đội hình phalanx rất nổi tiếng mà Alexander Đại Đế từng áp dụng. (Miền công cộng)

Ngoài ra, trong vài năm gần đây, một số tượng đất nung về diễn viên nhào lộn và di vật văn hóa kỳ lạ như lạc đà vàng đã được khai quật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Bức tượng nhỏ này, tại sao lại thực hiện tư thế yoga nằm ngửa? Đó có phải là một bậc thầy yoga Ấn Độ? Còn con lạc đà vàng, lẽ nào đây là bằng chứng Tần Thủy Hoàng đã tìm ra con đường tơ lụa ở Tây Vực?

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng luôn khiến chúng ta kinh ngạc về một thời kỳ lịch sử mà có lẽ đã rất huy hoàng, hùng mạnh và ẩn chứa những công nghệ bí ẩn.

Phương Lam
Theo Ngẫm radio



BÀI CHỌN LỌC

Khai quật lăng Tần Thủy Hoàng lần 3: Sự thật bất ngờ được tiết lộ