Lão Tử: Đạo thường vô vi nhi vô bất vi

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Vô vi” và “vô bất vi” có nội hàm sâu sắc, vậy chúng có nghĩa là gì và mang ý nghĩa như thế nào?

Lão Tử là triết học gia vĩ đại thời Xuân Thu, cùng thời với Khổng Tử, là tác giả của Đạo Đức Kinh với năm nghìn chữ Hán. Lão Tử nói “Đạo đức” là nguyên lý của vạn vật trong vũ trụ. Ngoài Thánh Kinh ra, Đạo Đức Kinh cũng là tác phẩm được dịch sang văn tự nước ngoài có số lượng phát hành nhiều nhất. Năm 1987, tờ New York Times đã bình chọn Lão Tử là một trong mười tác giả hàng đầu từ cổ chí kim.

Khổng Tử từng học lễ từ Lão Tử, khi trở về, Khổng Tử nói: “Ta đã nhìn thấy ‘rồng’”. Trong “Thiên Vận" sách "Trang Tử” có ghi lại rằng:

Khổng Tử kiến Lão Đam quy, tam nhật bất đàm. Đệ tử vấn viết: “Phu tử kiến Lão Đam, diệc tương hà quy tai?”

Khổng tử viết: “Ngô nãi kim ư thị hồ kiến long! Long, hợp nhi thành thể, tán nhi thành chương, thừa vân khí nhi dưỡng hồ âm dương. Dư khẩu trương nhi bất năng hiệp. Dư hựu hà quy Lão Đam tai”.

Tạm dịch:

Khổng Tử đến gặp Lão Tử thỉnh giáo về lễ, sau khi trở về, trầm mặc ba ngày không nói chuyện. Đệ tử hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Thầy đi gặp Lão Tử, thầy có khuyên bảo ông ấy điều gì không?”

Khổng Tử nói: “Ta đã nhìn thấy rồng! Rồng cưỡi mây, thuận theo âm dương, biến hóa khôn lường, thâm sâu không thể thăm dò. Ta chỉ có thể há miệng, không nói được lời nào, làm sao ta có thể khuyên bảo Lão Tử được?”

Khổng Tử dạy người đạo lý làm người xử sự, các đệ tử của Khổng Tử đã biên soạn “Luận ngữ” và truyền lại cho hậu thế. Lão Tử dạy người đạo tu luyện, tu thành chân nhân, ông thấy xã hội bại hoại, chính cục hỗn loạn, không thể thay đổi được nữa, nên ông đã viết Đạo Đức Kinh năm nghìn chữ, truyền lại cho viên quan trấn thủ Hàm Cốc quan là Doãn Hỷ, rồi cưỡi trâu xanh từ Hàm Cốc quan đi về phía Tây.

“Đạo đức” là gì?

Từ “đạo đức” bắt nguồn từ “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử. “Đạo đức” mà Lão Tử nói là nguyên lý của vạn vật trong vũ trụ. Thông thường, cái mà chúng ta gọi là “Đạo đức” chú trọng vào “đức”, nói một cách đơn giản thì chính là thiện tâm, chính trực và tuân thủ quy tắc.

Chương 42 của Đạo Đức Kinh viết: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, xung khí dĩ vi hòa”.

Tạm dịch: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Vạn vật đều có hai khí âm và dương, hai khí âm dương xung đột và hài hòa lẫn nhau.

Vạn vật đều tôn “Đạo” và trọng “đức”.

Chương 51 của Đạo Đức Kinh viết: “Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi; thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý đức”.

Tạm dịch: Đạo sinh vạn vật, đức nuôi dưỡng vạn vật, vật chất tạo ra hình hài vạn vật, hoàn cảnh khiến vạn vật sinh trưởng. Do đó vạn vật không gì là không tôn sùng Đạo và trân quý đức.

Vì sao con người có “Đạo đức”?

“Đạo đức” của con người tồn tại ở chỗ nào? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, vì nó liên quan đến giá trị và tôn nghiêm của con người. Khoa học hiện đại cho rằng con người tiến hóa từ khỉ, nhưng Lão Tử nói rằng con người là một trong “tứ đại của vũ trụ” và vô cùng trân quý.

Chương 25 của Đạo Đức Kinh viết: “Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”.

Tạm dịch: Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn, Người cũng lớn. Vũ trụ có bốn thứ lớn, mà người là một trong số đó! Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên.

Khoa học hiện đại cho rằng sinh mệnh của con người chỉ có thân xác “hữu hình”; tuy nhiên, Đạo gia cổ xưa (bao gồm Đông y) cho rằng sinh mệnh con người có “Tam bảo”: tinh, khí và thần.

Tây y chỉ có thể nghiên cứu đến cái “tinh” hữu hình, chứ không thể khám phá được “khí” và “thần” vô hình. “Tinh” là hữu hình, tầng thứ thấp nhất, tương đương với vật chất tinh hoa trong cơ thể con người; “khí” là một loại năng lượng, thuộc về vô hình (mắt không thể nhìn thấy), đồng thời là nguồn gốc của các hoạt động sống của con người; “thần” còn được gọi là “nguyên thần”, cũng thuộc về vô hình, tầng thứ cao nhất, là chủ thực sự của con người, còn bộ não chỉ là một cơ quan được chỉ huy bởi “nguyên thần”.

“Đạo đức” của con người chính là “nguyên thần” tồn tại trong con người.

Có người sẽ hỏi rằng, tại sao “nguyên thần” của con người lại có chữ “thần” và còn giống với chữ “Thần” trong Thần Tiên mà chúng ta nói đến? Bởi vì “nguyên thần” của con người đến từ thế giới của Thần (Thiên quốc), vì vậy, “nguyên thần” của con người cũng thần thánh, thuần chân và thiện lương giống như Thần vậy. Bởi vì con người có “nguyên thần” nên mới có “đạo đức”, có tấm lòng cảm thông và trái tim thiện lương.

Tại sao “đạo đức” lại quan trọng?

Lão Tử nói “Đạo đức” là nguyên lý của vạn vật trong vũ trụ, vì vậy, “đạo đức” là trụ cột vô hình của xã hội và là lực lượng ổn định xã hội, quốc gia. “Đạo đức” cao thượng thì thiên hạ thái bình; “đạo đức” thấp kém thì thiên tai nhân họa.

Trong “Mục dân thiên" sách "Quản Tử” viết: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ quốc chi tứ duy, tứ duy bất trương quốc nãi diệt vong”. Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là các chuẩn tắc đạo đức, là trụ cột vô hình duy trì quốc gia. Nếu đạo đức không được phát huy thì quốc gia sẽ diệt vong.

Trong Thánh Kinh có kể về câu chuyện Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại: “Thẩm phán Sô-đôm và Gô-mô-rơ, lật đổ hai thành phố này và thiêu hủy chúng thành tro bụi như một lời cảnh báo cho những người vô đạo ở hậu thế; chỉ cứu giúp Lót, người đàn ông chính trực đau buồn giữa những con người hành ác dâm dục”.

Theo Sáng thế Ký - Thánh Kinh: “Người dân Sô-đôm phạm tội ác cùng cực ngay trước mặt Giê-hô-va”, “Họ gian dâm, làm những chuyện hoang đường”.

Cuộn giấy “Thanh ngưu Lão Tử đồ” của Tống Khách Ty. (Cung cấp bởi Bảo tàng Cố cung Quốc gia)

Thế nào là “vô vi” và “vô bất vi”?

Chương 37 của Đạo Đức Kinh viết: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi dĩ vô danh chi phác. Vô danh chi phác, phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định”.

Tạm dịch: Đạo thuận theo tự nhiên (không làm gì trái tự nhiên, giống như không làm gì) mà không gì là không làm (tác động đến tất cả). Bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa phát triển. Biến hóa phát triển mà tư dục phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tức Đạo) mà trấn áp. Mộc mạc vô danh thì không còn tư dục. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định, yên tĩnh.

“Vô vi” không phải là không làm gì, mà là không làm bừa, không làm việc theo ham muốn của bản thân, cần thuận theo tự nhiên, tự nhiên là vũ trụ, tức làm việc thuận theo nguyên lý của vũ trụ (tức thuận theo Đạo).

Nhưng người bình thường không làm được việc này, truy cầu những ham muốn cá nhân, theo đuổi danh vọng, tiền tài, tình yêu, truy cầu phú quý, truy cầu hưởng thụ cá nhân, tiếc rằng, chạy đôn chạy đáo cả một đời, nhưng cuối cùng lại không có gì.

Lão Tử cũng hiểu rõ tâm trạng của thế nhân, vì vậy, chương 41 của Đạo Đức Kinh viết: “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”.

Tạm dịch: Người căn cơ cao nghe Đạo thì gắng sức làm theo; người căn cơ bình thường nghe Đạo thì nửa tin nửa ngờ; người căn cơ thấp kém nghe Đạo thì chỉ biết cười to. 'Đạo' mà không bị người căn cơ thấp kém chê cười thì đó không phải là Đạo đích thực.

“Vô bất vi” có nghĩa là không việc gì là không làm được, không việc gì là không thành, làm việc gì cũng thành công, đây mới là chuyện đẹp đẽ nhất trong đời người. Nhưng trước hết cần làm được “vô vi”, không có ham muốn cá nhân, không mưu cầu lợi ích cá nhân cho mình, không làm tổn hại đến lợi ích của người khác, làm được điều này thì không hề dễ dàng.

Chương 41 của “Đạo Đức Kinh” chỉ dạy vua chúa đạo trị quốc, các cá nhân cũng được thụ ích. Lão Tử dạy chúng ta cách đạt đến “vô vi”. Chúng ta cần “trấn chi dĩ vô danh chi phác”, “vô danh chi phác” là bản chất của Đạo, cần chất phác và trung hậu; cần “bất dục”, loại bỏ vị tư và ham muốn; cần “tĩnh”, tâm tư tĩnh lặng, như vậy mới có thể đạt đến cảnh giới “vô vi”.

Vương Nguyên Phủ - Epoch Times

Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lão Tử: Đạo thường vô vi nhi vô bất vi