Một trận động đất lớn tại sao lại được một sức mạnh thần bí lùi lại 3 năm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận động đất lớn này đã được cảnh báo ba năm trước khi nó xảy ra, nhưng lại bị trì hoãn trong ba năm bởi một lực lượng thần bí. Chuyện gì đã xảy ra?

Bao Chửng là một vị quan thanh liêm chính trực thời nhà Tống, ông luôn bảo vệ công lý cho người dân, được ca ngợi là danh hiệu "Bao Thanh Thiên". Tiến sĩ Ngưu Thụ Mai triều Thanh cũng được ca ngợi là “Ngưu Thanh Thiên”. Ông cai quản địa phương dựa trên nguyên tắc không làm phiền dân chúng, thận trọng, quyết đoán trong việc xét xử án tù, và tìm hiểu những tâm tư của người dân, nên được dân chúng yêu mến và ca ngợi là “Ngưu Thanh Thiên”. Ngay cả tên trùm xã hội đen Hà Nguyên Phú ở huyện lân cận cũng kính phục và tìm gặp “Ngưu Thanh Thiên”.

Ngưu Thụ Mai là người Đồng Vị, tỉnh Cam Túc, vào năm Đạo Quang thứ 28 (năm 1848), ông chuyển đến làm quan phủ Ninh Viễn (nay là thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên). Không ngờ, hai năm sau, vào ngày mồng bảy tháng tám năm Đạo Quang thứ 30, một trận động đất lớn đã làm rung chuyển Ninh Viễn. Trận động đất gây ra thương vong rất nặng nề, và một số điều kỳ lạ đã xảy ra trước và sau trận động đất.

Trận động đất lớn này đã được cảnh báo ba năm trước khi nó xảy ra, nhưng lại bị trì hoãn trong ba năm bởi một lực lượng thần bí. Chuyện gì đã xảy ra?

Cảnh báo động đất lớn

Nhà ngoại giao thời Vãn Thanh Tiết Phúc Thành [1] đã ghi lại trong "Dung am bút ký" rằng, ba năm trước khi trận động đất xảy ra (tức là năm Đạo Quang thứ 27, tức năm 1847), một Đạo sĩ bất ngờ xuất hiện ở trong thành phủ Ninh Viễn. Hàng ngày ông đến khu vực trung tâm thành phố và hò hét lớn: "Trâu rống đất nứt!". Nhưng mọi người đều nghĩ ông ta là một kẻ điên, và cho rằng ông ta đang nói linh tinh. Đạo sĩ thấy mọi người thờ ơ chẳng để ý đến lời ông nói, nên sau đó ông biến mất không dấu vết.

Ba năm sau, xảy ra một trận động đất lớn, những điều mà Đạo sĩ nói về "Trâu rống đất nứt!" cuối cùng cũng được sáng tỏ. Khi đó những người sống sót mới nhận ra rằng, những gì Đạo sĩ nói "Trâu rống đất nứt!" chính là lời cảnh báo sớm về thảm họa này! Vị Đạo sĩ đó không phải là người điên, mà là một Chân nhân có công năng túc mệnh thông. Tuy nhiên, rất nhiều người không tin đã chết trong trận động đất, và không có cơ hội để hối hận.

Vào thời điểm đó, thảm họa rất bi thảm, thương vong nặng nề. Theo "Dung am bút ký" ghi chép: "Trận động đất ở phủ Ninh Viễn, Tứ Xuyên, hàng chục dặm xung quanh quanh thành phủ, tường thành và nhà cửa sụp đổ, người dân và gia súc chết nhiều vô kể”.

Còn trong "Thanh sử cảo" cũng có ghi chép rằng, toàn bộ thành phủ Ninh Viễn đã sụp đổ trong trận động đất lớn này. "Trận động đất khiến cả thành phủ đổ sụp xuống, rất nhiều người thương vong".

Toàn bộ thành phủ đã bị gỗ và đá chặn lại, không còn nhìn thấy những con đường và làn đường ban đầu nữa. Không còn nhìn thấy những tòa nhà cũ nữa.

Từ Trạch Thuần, Tổng đốc Tứ Xuyên vào thời điểm đó, cho biết trong công văn tấu trình lên triều đình nhà Thanh: “Theo báo cáo của Minh Khiêm, tri huyện huyện Tây Xương, vào giờ Hợi (9-11 giờ tối) ngày mồng bảy tháng tám, huyện thành bất ngờ xảy ra một trận động đất, làm rung chuyển huyện thành, nhà sập. Toàn thành kêu khóc ầm ĩ, không thể giải cứu vì đêm tối và mưa”.

Vì trận động đất xảy ra vào ban đêm và trời mưa nên nhân lực từ các nơi khác không kịp đến ứng cứu. Ông cũng kể rằng vào lúc bình minh, “cả thành phủ bị gỗ và đá chặn lại. Đường phố, ngõ hẻm, chùa chiền, tháp canh, nha thự văn võ, nhà tù, nhà kho đều sụp đổ… Binh lính và dân thường bị đè chết, số người thiệt mạng nhiều vô kể".

Con trai của Ngưu Thụ Mai đã chết trong trận động đất, và không có cách nào cứu sống lại được. Bản thân Ngưu Thụ Mai cũng bị mắc kẹt trong đám sụp đổ của bức tường bị sập, ba ngày sau đó ông được cứu nhưng bị thương ở chân, bị tàn tật và di chuyển khó khăn.

Tại sao Thần Thành Hoàng trì hoãn trận động đất?

Ngưu Thụ Mai trong lòng cảm thấy bực bội, tin rằng mình không hề vi phạm đạo đức phong thái của người xưa, ông luôn siêng năng làm việc quan, có lương tâm trong sáng, không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm, nhưng lại bị cái họa lớn này, con trai bị chết, bản thân ông cũng bị thương. Phải chăng Thần Thánh giám sát cũng có sai sót? Cả thành phố lớn như vậy, chẳng lẽ đều là người ác sao? Vì vậy, ông đã viết một bài sớ chất vấn vị Thần Thành Hoàng của Địa phủ.

Ban đêm, Ngưu Thụ Mai nằm mộng thấy Thần Thành Hoàng đến thăm, và nói với ông rằng: “Ông viết văn chỉ trích, lời ngay thẳng, khí hiên ngang, đáng tiếc là ông không hiểu được Đạo của quỷ Thần, nên ta đến nói chuyện. Hết thảy tai họa đều là do tội lỗi tích tụ của mọi người gây ra. Tuyệt đối không phải ngẫu nhiên đâu".

Sau đó Thành Hoàng lại giải thích thêm cho ông, kỳ thực Thành Hoàng đã nhận được mệnh lệnh tiến hành trận động đất này ba năm trước.

Thành Hoàng nói: “Cảnh ngộ của ông quả thực rất tàn khốc, nhưng đây là sắc lệnh không thể vi phạm. Đã ba năm trôi qua kể từ khi ta phụng mệnh Thiên Đế thi hành sắc lệnh này, ta đã nhiều lần xin gia hạn, và nó đã được trì hoãn hết lần này đến lần khác, cho đến khi không thể trì hoãn được nữa. Trong ba năm trì hoãn này, ta đã dốc hết tâm huyết nghĩ cách để khiến những người sống ở đây mà không phải chịu kiếp nạn trong thảm họa này rời đi. Còn những người định số phải chịu kiếp nạn này mà lại không sống ở đây, thì ta phải nghĩ cách khiến họ đến sống ở đây. Ta bận rộn cả ngày, không có nổi một khắc rảnh rỗi. Về phần ông mà nói, vốn cũng là định số chịu kiếp nạn này. Ta quan sát và biết ông đời này là người chân thành và chính trực, nên dốc sức xin Thiên Đế để ông không phải chết, và cũng đã tốn rất nhiều tâm sức".

Thế là Ngưu Thụ Mai không còn oán Trời trách người nữa, và càng dốc sức xem xét kiểm điểm bản thân nhiều hơn nữa.

Tự cứu mình khi động đất, tu thiện có dư phúc lành

Người dân Tứ Xuyên lưu truyền rằng, Ông Trời đã để lại Ngưu Thanh Thiên là để khuyến thiện. Bản thân Ngưu Thụ Mai tự trách mình vì đức mỏng, không có khả năng bảo vệ mọi người. Từ đó, ông ngày càng yêu cầu bản thân phải trau dồi đạo đức, tự suy xét kiểm điểm bản thân và tu thân. Ông cũng quyên góp một số tiền tiết kiệm đáng kể, cố gắng hết sức mình cứu trợ và chăm sóc cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, và mọi người cũng ngày càng yêu mến ông hơn. ([2] "Thanh sử cảo - Liệt truyện 266")

Sau đó, vào năm Đồng Trị thứ nhất, Ngưu Thụ Mai được thăng chức Án sát sứ Tứ Xuyên, mọi người vui vẻ nói với nhau: "Ngưu Thanh Thiên đã trở lại!"

Ngưu Thụ Mai được thăng chức Án sát sứ Tứ Xuyên. (Tranh Hạ Quỳnh Phần - Epoch Times)

Quả nhiên, lời cuối cùng của Thần Thành Hoàng trong giấc mơ đêm đó đã được ứng nghiệm: “Ông hãy cố gắng trở thành một vị quan tốt, sau này sẽ được thăng chức án sát sứ”.

Thành Hoàng nói rằng, mọi tai họa đều là do tội lỗi tích lũy của mọi người gây ra, và không hề ngẫu nhiên. Làm thế nào để đối chiếu với thực tế? Lấy một trường hợp trong số đó làm ví dụ, phủ Ninh Viễn là nơi dâm loạn nhất, đây là điều được người dân thời đó lan truyền. Sau trận động đất, quan lại dẫn người đi tìm kiếm và kiểm kê các nạn nhân trong đống đổ nát. Họ tìm thấy hơn 3.000 thi thể nam nữ ôm nhau thiệt mạng trong trận động đất đêm hôm đó, trong đó chỉ có khoảng 800 thi thể là các cặp vợ chồng. Điều này phản ánh Thượng Thiên nổi giận với phong thái tà dâm của người dân nơi này.

Mặt khác, cũng có những người không đáng chết đã thoát khỏi thảm họa trong trận động đất. Theo “Giác viên bút ký” của Hoàng Thư Vân - một nhân sĩ Tứ Xuyên thời Trung Hoa Dân Quốc, đã ghi chép rằng, Thần Thành Hoàng cũng đã nói với Ngưu Thụ Mai rằng: "Có ba gia đình thực sự khó có thể rời đi trong thời gian ngắn. Hiện tại họ đều đã bình an vô sự. Một nhà là một người phụ nữ đức hạnh ở phố X, góa bụa ba đời, nuôi một đứa cháu trai nhỏ. Một nhà là một thầy thuốc, trong đời chưa từng bán thuốc giả, nếu có ai nhờ ông ấy đi khám bệnh, thì dù trời mưa, đêm khuya, đường lầy lội, ông ấy cũng sẽ đến đó ngay, và tận tâm chữa trị. Một nhà là một bà lão bán bánh rán, bà lão và đứa cháu trai nhỏ của bà không bị nạn gì. Ngài quay lại điều tra xem, tôi không nói dối ngài”.

Sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, Ngưu Thụ Mai sai người đi tìm kiếm, và tìm thấy ba gia đình. Cả góa phụ và thầy thuốc đều bình an vô sự, còn bà lão bán bánh rán, sau nhiều lần tìm kiếm, đã được tìm thấy trong góc trống được tạo thành bởi xà nhà. Bà lão thường buôn bán ở đây, mỗi khi gặp người già yếu, tàn tật, dù không đủ tiền bà vẫn bán hàng cho họ. Thỉnh thoảng bà bố thí mà không lấy một xu.

Quả nhiên nhà tích thiện ắt có dư phúc lành!

Đón lành tránh dữ, chuyển họa thành phúc

Vị Đạo sĩ đã cảnh báo trước cho người dân Ninh Viễn ba năm, rằng một trận động đất sẽ xảy ra, trùng với thời điểm Thần Thành Hoàng nhận được lệnh của Thiên Đế thực hiện thảm họa. Điều này chứng tỏ “thảm họa không phải ngẫu nhiên”, trong cõi hư vô đã có định số. Đạo sĩ là người tu hành có thành tựu, và có khả năng hiểu được vận mệnh, đã đưa ra những lời cảnh báo sớm cho mọi người, tất nhiên là với hy vọng cứu được những người có thể tin vào điều đó. Đôi khi những lời tiên tri không ứng nghiệm ngay lập tức. Nó có thể giống như trận động đất lớn ở phủ Ninh Viễn, là do Thần linh ở không gian khác đã trì hoãn kéo dài thời gian về sau, điều này không phải là không có căn cứ.

Tương ứng với thế giới hỗn loạn ngày nay, sự hỗn loạn lần lượt xuất hiện, đồng thời cũng có một số lời tiên tri kỳ lạ, chẳng hạn như các nhà tiên tri, ngoại cảm và những người bán dao chịu (xa đao nhân) đã cảnh báo mọi người. Bất kể mọi thứ dù cho có liên quan đến mình hay không, thì trong thời loạn thế nguy hiểm này, tai họa xảy ra vô thường, liệu chúng ta cũng có thể tự suy xét kiểm điểm bản thân và tu thân hay không?

Ngưu Thụ Mai sống theo những chuẩn mực đạo đức cổ xưa, và sống đúng với lương tâm của mình khi làm những việc trong đời. Có thể thấy, những món nợ nghiệp chướng mà con người phải trả không chỉ ở đời này, mà cả những món nợ nghiệp chướng chưa trả từ tất cả các đời trước, kiếp này đều mang theo bên mình. Việc trả nợ khi gặp tai họa là định số do sinh mệnh cấp cao hơn sắp đặt để trả nợ. Tuy nhiên, Ngưu Thụ Mai đã tuân theo những yêu cầu đạo đức của bản thân trong cuộc sống này, và trở thành một "Ngưu Thanh Thiên", yêu thương và bảo vệ mọi người. Những hành động của ông đã được các vị Thần ở không gian khác công nhận, từ đó đã hóa giải kiếp nạn của định số. Sau khi trải qua kiếp nạn, ông càng tăng cường tự suy xét kiểm điểm bản thân sâu sắc hơn. Không những tai họa của ông biến mất, mà công danh của ông còn được thăng tiến cao hơn, và nhận được nhiều phúc lành hơn.

Thần Thành Hoàng đã mất ba năm để sắp xếp ở một không gian khác, để những người vô tội có thể di chuyển đi nơi khác, không phải chịu tai họa, còn những người đáng phải chịu kiếp nạn thì được chuyển đến, để kiếp nạn trong định số của họ xảy ra. Do đó nói rằng “tai họa không phải là ngẫu nhiên”, điều này đáng để chúng ta suy nghĩ sâu sắc. Chúng ta có thể làm gì trong thời loạn thế ngày nay, mới có thể đón lành tránh dữ, chuyển họa thành phúc?

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Tường Hòa biên dịch

Ghi chú:
[1] “Thanh sử cảo - Liệt truyện 266”

[2] Tiết Phúc Thành (1838 - 1894) là người gốc Vô Tích, Giang Tô và là một nhà ngoại giao vào cuối thời nhà Thanh. Trong những năm đầu, ông gia nhập Mạc phủ Tăng Quốc Phiên với tư cách là phó cống. Sau đó, ông làm việc với Lý Hồng Chương trong lĩnh vực ngoại giao, và liên tiếp giữ chức án sát sứ Chiết Giang và Hồ Nam. Năm 1889, ông đến Anh, Pháp, Bỉ và Ý với tư cách là phái viên Trung Hoa Dân Quốc tại bốn nước đó.

Nguồn: "Thanh sử cảo - Liệt truyện 266", "YDung am bút ký", "Giác viên bút ký"



BÀI CHỌN LỌC

Một trận động đất lớn tại sao lại được một sức mạnh thần bí lùi lại 3 năm?