Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (6)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những trải nghiệm của các học viên Pháp Luân Đại Pháp chứa đầy những điều gợi mở kỳ diệu khó tin và không thể diễn tả bằng lời. Những trải nghiệm siêu phàm cùng những hình ảnh vi quan dưới cọ vẽ của họ, đang kể về một Thần thoại vượt ngoài hết thảy sức tưởng tượng của con người.

Thưởng thức hội họa Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn: Thần thoại thời hiện đại

Hình 1: Bức tranh “Chủ Phật giáng lâm đồ”; tác giả: Trương Côn Luân, Trần Tiếu Bình; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 300×120cm; năm 2007

Chủ Phật giáng lâm đồ

Chúng ta đang sống trong một Thần thoại thời hiện đại. Đây là thời đại mà vạn vật đã mất đi trật tự của nó; đồng thời, cũng là thời đại mà Thần tích tái hiện. Từ trong bóng tối và hư vô sâu thẳm nhất, xuất hiện huyền cơ kỳ diệu. Khi chúng ta lãng quên Thần, thì Thần lặng lẽ quay trở lại, và để lại dấu ấn không thể xóa nhòa.

Ở nửa trên của bức tranh, Thánh Vương từ không gian cao xa đang dang rộng đôi tay hướng về thiên địa. Trước sự hiện diện của Ngài, đám mây sáng dưới chân Ngài giống như bông tuyết, đại khung xanh thẳm cùng những đám mây an tường và ánh sáng vàng phía sau Ngài tạo nên vầng sáng quang huy, giống như âm thanh bí mật trong vũ trụ. Đôi cánh lớn trong suốt và đầy màu sắc đang sải rộng hướng lên trên - đôi cánh ẩn tàng nguồn năng lượng lớn mạnh và từ bi, làm chủ toàn bộ bức tranh - trao cho bức tranh một sức mạnh phi phàm. Tia sáng phát ra từ lòng bàn tay Ngài xuyên qua tầng tầng không gian và xuyên thấu bóng tối ở hạ giới.

Hình 2: Một phần của bức tranh “Chủ Phật giáng lâm đồ”

Theo tia sáng đi xuống là những vòng kim quang tỏa khắp thập phương thế giới, tượng trưng cho vị Phật Chủ đại từ bi giáng lâm đến tầng tầng không gian, và kết duyên với chúng sinh để thành tựu việc cứu độ gian nan này.

Trong tầng thế giới thứ nhất, những người mặc trên mình áo bào cổ xưa tụ hợp dưới vòng sáng, hai tay hợp thập, ở giữa là thệ ước trang nghiêm. Một việc quan trọng gì đó đang diễn ra, lưu lại cảnh tượng vĩnh hằng này trong vũ trụ.

Hình 3: Một phần của bức tranh “Chủ Phật giáng lâm đồ”

Đi tiếp xuống phía dưới, những sinh linh nhỏ hơn đang quỳ lạy trước bậc Thánh Vương trong vầng sáng, một số thì dâng lễ vật hướng về phía trước. Một vài nét vẽ ngắn gọn triển hiện cả một thế giới. Ở phía dưới bên phải, một nhóm sinh mệnh phía xa đứng trên mây và tiến thẳng về nơi vầng sáng.

Hình 4: Một phần của bức tranh “Chủ Phật giáng lâm đồ”

Xuống tiếp nữa, tông màu trở nên tối hơn. Trong bóng tối, những sinh mệnh nhỏ bé hoặc xếp thành từng hàng từng hàng, hoặc theo nhóm ba đến năm người, quỳ lạy trên mặt đất với tư thế kỳ diệu và thành kính. Tia sáng xuyên qua bóng tối và chiếu thẳng xuống hạ giới tối tăm nhất.

Hình 5: Một phần của bức tranh “Chủ Phật giáng lâm đồ”

Làm thế nào để kể về lịch sử huy hoàng của thiên khung? Từ xa xưa, Phật Chủ đã đến tầng tầng thế giới và lập thệ ước với các Vương ở đó. Họ cùng nhau phát thệ sẽ hạ thế, và đưa ra lựa chọn chính xác vào thời khắc cuối cùng của thành - trụ - hoại - diệt của vũ trụ, cứu độ các sinh mệnh trong thế giới của mình.

Đây là một hành động dũng cảm và không thể thiếu. Từ trên đỉnh thương khung, Thánh Vương triệu hoán chúng sinh với lòng từ bi hồng đại. Đây là thời điểm canh tân vũ trụ và tái tạo càn khôn, các sinh mệnh trong vô lượng thế giới cùng tham gia vào kế hoạch cứu chuộc vĩ đại này. Tất cả đều tập trung bên cạnh vị Thánh Vương áo trắng: ý chí cứu vớt các sinh mệnh đã quán thông toàn bộ vũ trụ.

Không thể phủ nhận rằng, Thần thoại hiện đại này có vẻ là một câu chuyện ly kỳ. Trợ lực cho Thần thoại kỳ diệu này là sự kiên nhẫn bất biến của các đệ tử Đại Pháp trong khi đối mặt với cuộc bức hại, là sự mỹ thiện thuần túy, cao thượng và không một chút giả dối trong bức tranh này. Những điều mà các học viên Đại Pháp thể ngộ được thường đạt đến cảnh giới huyền bí khiến người ta rơi lệ. Ý nghĩa ẩn sâu trong đó vượt khỏi mọi hình ảnh trên thế gian và vượt khỏi mọi ngôn ngữ của con người.

Hòa tan trong Pháp

Dưới ánh sáng dịu nhẹ, người phụ nữ vừa bế một đứa trẻ đang ngủ say vừa đọc sách. Một bên dưới ánh đèn, họa sĩ vẽ hoa sen thanh tịnh mọc lên khỏi mặt nước, ngụ ý rằng đây là thời khắc quan trọng để con người thanh lọc bản thân trong hồng trần hỗn loạn. Bức tranh thể hiện ra sự tường hòa và tĩnh lặng, thoạt nhìn thì chỉ đơn thuần là một bức tranh vẽ cảnh gia đình ấm áp. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, cuốn sách mà người phụ nữ đang đọc không phải là một cuốn sách bình thường, cuốn sách này là điểm nhấn của toàn bộ bức tranh và nằm ở trung tâm của bức tranh.

Hình 6: Bức tranh “Hòa tan trong Pháp”; tác giả: Trần Tiếu Bình; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 200×120cm; năm 2005 (The Epoch Times)

Nếu người xem quan sát kỹ, sẽ thấy trên bìa sách màu vàng đề ba chữ “Chuyển Pháp Luân”, đây là cuốn sách trọng yếu chỉ đạo các học viên đề cao tu luyện của Đại sư Lý Hồng Chí - người sáng lập Pháp Luân Công. Cuốn sách minh xác chỉ ra đặc tính tối cao của vũ trụ là “Chân, Thiện, Nhẫn”, trực tiếp nói “sự sản sinh ra sinh mệnh chân chính của con người chính là sinh ra trong không gian vũ trụ”. Thông qua học Đại Pháp, người học đồng hóa với các đặc tính của vũ trụ và quay trở về với bản tính tiên thiên của mình. Bởi vì Sáng Thế Chủ đã dùng bộ Pháp này để tạo nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ, trong đó có con người, vì vậy, xét theo một ý nghĩa nào đó, bộ Pháp này là cội nguồn của vũ trụ và người mẹ căn bản nhất của vạn vật trong vũ trụ.

Từ góc nhìn này, quan niệm nghệ thuật được thể hiện trong tranh không chỉ là hình ảnh người mẹ bế con đọc sách, mà thực tế, trong quá trình chuyên tâm đọc sách, người phụ nữ cũng đang tiến gần hơn đến người mẹ nguyên thủy đã sinh ra cô ấy, và quay trở về trong vòng tay của mẹ. Mối quan hệ giữa “Pháp và người phụ nữ” tương ứng với “người phụ nữ và đứa trẻ”, một bên là “phàm tục”, một bên là “hồi thăng”, tầng thứ phân minh. Do sự khúc xạ của cuốn sách, khuôn mặt của người phụ nữ càng trở nên hồng hào và rạng rỡ hơn, điều này cũng thể hiện ánh sáng vàng rực rỡ của cuốn sách; và ánh đèn lúc này giống như ánh sáng ban mai, cũng giống như ánh sáng từ ái của Sáng Thế Chủ, phá trừ bóng tối, đánh thức sự mê mờ, đem lại hy vọng cho thế nhân.

“Con người phải phản bổn quy chân, đó mới là mục đích chân chính để làm người”. Các Pháp lý trong cuốn “Chuyển Pháp Luân” giống như những ngọn hải đăng, dẫn đường cho chúng ta trở về nhà, nhưng trở về nhà là về đâu? Trở về nơi mà chúng ta bắt đầu, ở đó, người mẹ thực sự sản sinh ra linh hồn chúng ta vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi những đứa con đang mê lạc ở nhân gian trở về nhà.

Bảo lãnh chữa bệnh

Khi nói về những bức tranh mà mình sáng tác cho cuộc triển lãm, họa sĩ Trần Tiếu Bình nói: “Cuộc bức hại này diễn ra sau lưng mọi người, rất nhiều người không biết điều này, chúng tôi muốn nói rõ sự thật thông qua những bức tranh của mình”. Họa sĩ Đổng Tích Cường sử dụng phương pháp đặc tả để miêu tả cái chết của đệ tử Đại Pháp, vì thế, mang trên mình một sứ mệnh to lớn.

Hình 7: Bức tranh “Bảo lãnh chữa bệnh - Con trai của tôi”; tác giả: Đổng Tích Cường; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 122×122cm; năm 2005

Bức tranh tập trung vào khoảnh khắc bi thương thông qua sự thay đổi màu sắc giữa màu vàng nhạt và màu đen, chuyển hướng tầm mắt của người xem vào đôi mắt sâu thẳm và muốn buộc tội của bà lão cũng như tờ giấy lạnh lẽo trên tay bà. Xuất phát từ thời đại thất tín bội nghĩa, chúng ta được mời làm nhân chứng cho khoảnh khắc bi thương này.

Hình 8: Đôi mắt của bà lão trong bức tranh “Bảo lãnh chữa bệnh”

Ngoài tầm mắt của khán giả, thảm kịch thầm lặng này đã xảy ra trên mảnh đất Trung Quốc. Đó là bí mật được bộ máy nhà nước (Trung Quốc) giấu kín, và ánh sáng mặt trời thể không chiếu tới. Họa sĩ đã điều chỉnh tiêu cự tiến gần hơn, toàn bộ phông nền dường như bị cắt đi, chỉ còn lại cặp mẫu tử thiên nhân cách biệt. Người mẹ đã già, tuyệt vọng, đôi mắt đang nhìn trừng trừng của bà cũng đã trũng sâu. Người con trai còn trẻ, tuấn tú, nhưng lại không còn hơi thở. Làn da vẫn còn tươi của anh hiện lên một lớp màu đen chẳng lành. Một bàn tay nhăn nheo, thô ráp nâng đỡ bờ vai người con trai trẻ tuổi đã khuất, hơi ấm của lòng bàn tay chạm vào làn da lạnh lẽo, tạo nên sự tương phản khiến người xem không khỏi ớn lạnh.

Hình 9: Bàn tay nhăn nheo, thô ráp nâng đỡ bờ vai người con trai trẻ tuổi đã khuất, hơi ấm của lòng bàn tay chạm vào làn da lạnh lẽo, tạo nên sự tương phản khiến người xem không khỏi ớn lạnh

Tờ giấy trên ngực của học viên này ngăn cách anh với người mẹ già của mình: “bảo lãnh chữa bệnh” là một tờ giấy thông báo do trại lao động đưa ra nhằm trốn tránh trách nhiệm khi học viên Đại Pháp đã hấp hối, nhưng nhiều lúc, khi người nhà đi đến trại lao động, điều mà họ nhận được chỉ là một thi thể đã lạnh.

Đây là điều mà người thân của vô số học viên Đại Pháp gặp phải. Điều khó khăn nhất của thảm kịch này là họ phải nhẫn nhục chịu đựng, không có nơi để tố cáo, không có nơi để cầu cứu kêu oan, thậm chí, cũng không có nơi để rơi lệ. Có lẽ vì thế mà họa sĩ đã không vẽ một giọt nước mắt nào trên đôi mắt sâu thẳm của bà lão. Cơn phẫn uất rực cháy trong lòng bà đã đốt cạn nước mắt. Đối mặt với cái chết không có lời giải thích, không có lý do, không có sự tôn nghiêm, ôm lấy thân thể vẫn còn mềm mại nhưng đã mất hết hy vọng và tương lai này, sự phẫn nộ đã vượt qua cả bi thương và đốt cháy đôi mắt của bà.

Một chuyện mà trước đây chưa từng xảy ra nay đã xảy ra: nhìn chăm chú vào ánh mắt tuyệt vọng và bi phẫn ẩn sâu trong những vết khắc của năm tháng của bà lão, khiến đôi mắt của chúng ta đau nhói. Chúng ta phát hiện rằng, việc trở thành nhân chứng cho khoảnh khắc bi thảm bị che giấu trước mắt thế nhân không phải là một việc dễ dàng. Những gì chúng ta chứng kiến ​​là một bí mật đau đớn không thể quên lãng trong thời đại này.

Bi hỷ lệ

Bức tranh này xuất hiện vào đầu thế kỷ XXI. Dù là màu sắc, nét vẽ hay chủ đề, bức tranh này đều gần với những hình ảnh ngày tận thế dưới cọ vẽ của họa sĩ thời Trung cổ và càng gần với cơ thể con người biến dạng và đau khổ trong “Khu vườn lạc thú trần tục” của họa sĩ Hieronymus Bosch.

Hình 10: Bức tranh “Bi hỷ lệ”; tác giả: Trương Côn Luân; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 120×300cm; năm 2007

So với những tác phẩm vạch trần cuộc đàn áp thời đầu, bức tranh này đã bước vào một giai đoạn khác. Trong tranh, họa sĩ không còn thể hiện những trường hợp bị bức hại hay mất đi mạng sống nữa. Những gì được triển hiện ở đây là sự diệt vong của cả quần thể. Đó là chủ đề về sự diệt vong và cứu rỗi mà chúng ta đã quen thuộc. Bức tranh có kết cấu dài và hẹp này thách thức cảm thụ về cái đẹp của chúng ta và mang đến cho người xem trải nghiệm nghệ thuật độc đáo.

Bức tranh được chia thành ba phần trên, giữa và dưới, có một chữ S lớn chạy từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Ở giữa bức tranh, một ngọn lửa đỏ rực bùng cháy giữa không trung, trong ngọn lửa là cơ thể con người đang quay cuồng và rơi xuống, cùng một cây cột khổng lồ bị gãy đổ. Xuống tiếp, trong làn khói đỏ đen, càng có nhiều người vật lộn từ trên không rơi xuống, trên người và cổ tay có quấn vải đỏ. Trong ngọn lửa, mũ miện, đồ vật và con người cùng nhau rơi xuống. Với cảnh từng người bị treo ngược cùng cây cột khổng lồ bị gãy đổ, họa sĩ đã thể hiện một nền văn minh sụp đổ và sự trầm luân của nhân loại.

Ở phần dưới cùng của bức tranh, những thi thể và xương người biến dạng nhợt nhạt nằm ngổn ngang, xếp chồng lên nhau, là một cảnh tượng kinh hoàng. Ở phía dưới bên phải, một người đang vùi đầu bỏ chạy. Đó là những người chưa xóa bỏ ấn ký của thú, và chưa từ bỏ cái ác. Hai màu xám trắng tàn nguội tạo thành một đống hoang tàn chết chóc, gió lạnh hiu hiu, tựa như địa ngục.

Phần trên của bức tranh là ba vị Thần Phật đứng lặng trên mây. Đây là sự kết hợp đặc biệt giữa phương Đông và phương Tây: dáng hình điềm tĩnh, cùng với đôi cánh và quyền trượng hòa vào làm một. Nhìn đám người dưới chân rơi rớt, quay cuồng, bị ngọn lửa nuốt chửng, nước mắt lăn dài trên má họ. Ở bên trái, các đệ tử Đại Pháp cùng tay nắm tay, cố gắng hết sức để cứu vớt những sinh mệnh trượt khỏi mây và rơi xuống vực thẳm hủy diệt vĩnh viễn. Trong cuộc đại trầm luân kinh tâm động phách này, trong tư thế gắng sức kéo người còn mang theo thệ nguyền từ bi hồng đại, đang ở trong thời khắc mành chỉ treo chuông.

Hình 11: Một phần của bức tranh “Bi hỷ lệ”, triển hiện các vị Thần Phật
Hình 12: Một phần của bức tranh “Bi hỷ lệ”, thể hiện cảnh cứu người

Phía trên các đệ tử Đại Pháp, các sinh mệnh có cánh bay về phía thế giới tràn ngập ánh sáng thần thánh. Vị Thần khoác Đạo bào quay đầu lại nhìn sự trở về thù thắng này mà rơi lệ. Thần cũng rơi lệ. Nước mắt của họ rơi xuống mặt đất và tạo thành biển cả. Nhìn vào đại cục trong thời khắc cuối cùng của thành - trụ - hoại - diệt của vũ trụ, những giọt nước mắt bi thương và vui mừng đồng thời rơi xuống.

Hình 13: Một phần của bức tranh “Bi hỷ lệ”, thể hiện cảnh quay trở về

Trong bức tranh đáng kinh ngạc này, họa sĩ đã chân thực triển hiện chân tướng mà anh biết đến. Ở đây, trong “Chân” hàm chứa tất cả Thiện, tất cả Nhẫn và cả sức nặng đau thương nhất. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chú tâm lắng nghe sự thật được kể bằng màu sắc và bố cục chứa đầy nỗi lo âu này.

Bức tranh này xuất hiện trong thế kỷ mới tràn ngập tâm tư về ngày tận thế, khi sóng thần, động đất, vòi rồng, hỏa hoạn liên tiếp xảy ra. Những gì bức tranh kể chính là lời tiên tri về ngày tận thế mà chúng ta đã được nghe từ lâu. Những lời tiên tri về ngày tận thế trong lịch sử dường như cực kỳ xa xôi; nhưng vào thời kỳ cuối của nền văn minh này, con người bắt đầu cảm nhận được tính chân thực của lời tiên tri này, và sự gần kề không thể khinh suất của nó. Một kế hoạch thần thánh đang được triển hiện. Ở đây chứa đựng sự vui mừng và bi thương, đồng thời còn mang theo ý nguyện vô cùng to lớn.

Trong số những người bị cuốn vào biển lửa này, có bao nhiêu sinh mệnh đáng quý mê lạc trong luân hồi? Sự hồng truyền của Đại Pháp chính là để đánh thức con người trong thời khắc mê lạc này, nhận ra chân tướng về sinh mệnh vĩnh hằng của mình, và bắt đầu con đường quay trở về. Sự hủy diệt đáng sợ trong bức tranh làm nổi bật tâm nguyện mong chờ con người thức tỉnh của họa sĩ.

Đặt bức tranh này vào bối cảnh của “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”, chúng ta thấy một kế hoạch cứu chuộc hoàn chỉnh và một bức tranh ẩn dụ trọn vẹn về sinh mệnh. Nhân loại đã đi đến thời khắc cuối cùng mà họ đã chờ đợi hàng tỷ năm. Hết thảy đều có duyên cớ, hết thảy đều có bắt đầu và kết thúc.

Hạ Đảo, Khâu Hinh Hiền - Tân Kỷ Nguyên
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (6)