Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan niệm nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sĩ nên “làm nổi bật bản thân”; tuy nhiên, các nghệ sĩ tu luyện lại học cách “buông bỏ tự ngã”, đạt đến cảnh giới cao hơn là “vô tư, vị tha”. Các nghệ sĩ Chân - Thiện - Nhẫn tập hợp trí tuệ và hợp tác cùng nhau, từ khi cấu tứ đến khi hoàn thành, có thể có nhiều nghệ sĩ cùng gia tham gia vào tác phẩm, nhưng họ tuân thủ một nguyên tắc chung, đó là sử dụng nghệ thuật chính thống Thần truyền để thể hiện các tác phẩm sống động như thật, quang minh, thuần thiện thuần mỹ và dẫn dắt đạo đức con người thăng hoa.

Phỏng vấn các nghệ sĩ: Nghệ thuật thăng hoa

Hình 1: Bức tranh “Vận càn khôn”; phác họa bố cục bởi Trương Côn Luân, vẽ bởi Trần Tiếu Bình; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 68×136 inch; năm 2007.

Mùa hè năm 2003, khi thế giới đang phải hứng chịu đại dịch SARS, các nghệ sĩ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khắp nơi trên thế giới đã nhân cơ hội “mùa ít khách du lịch” đặc biệt này để đến Washington, giao lưu thảo luận về mối quan hệ giữa sáng tác nghệ thuật và tu luyện. Trong thời gian này, Đại sư Lý Hồng Chí đã đến hội trường và chỉ dạy các học viên từ góc độ tu luyện:

“Mỹ thuật đối với nhân loại mà nói là rất trọng yếu, nó cũng giống như các văn hoá khác của nhân loại, là có thể ở xã hội nhân loại mà khởi một loại tác dụng hướng đạo đối với quan niệm của con người, ảnh hưởng tới quan niệm thẩm mỹ của con người. Đối với ‘thế nào là đẹp, thế nào là cảm thụ cái đẹp đúng đắn mà nhân loại nên có’, chúng là có tương quan chặt chẽ với chuẩn mực nền tảng của đạo đức nhân loại. Nếu con người coi cái không đẹp là đẹp, thế thì đạo đức nhân loại là đã ‘xong’ rồi”. “Tu luyện ấy, chư vị nguyên lai là đang ‘tu chính’ bản thân mình, tu bỏ đi hết thảy những gì bất hảo. Chư vị ở đâu cũng cần phải làm người tốt, như vậy trong lĩnh vực nghệ thuật chư vị cũng phải làm người tốt, trong tác phẩm của chư vị cũng phải biểu hiện tốt đẹp, biểu hiện ‘chính’, biểu hiện thuần, biểu hiện Thiện, biểu hiện quang minh”. (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003])

Các nghệ sĩ hiểu rằng nghệ thuật của nhân loại gắn bó mật thiết với đạo đức xã hội; nghệ thuật chính thống trong quá khứ được Thần truyền lại cho con người, đề cao thiện và mỹ, khởi tác dụng tích cực đối với đạo đức con người. Tuy nhiên, nghệ thuật ngày nay đã dần biến dị do đạo đức băng hoại, nhưng là người tu luyện thì cần phải quay trở về con đường chính thống. Phương hướng cơ bản đã rõ ràng, các họa sĩ cũng đạt được nhận thức chung trong cuộc thảo luận sau đó và quyết định chuẩn bị một cuộc triển lãm dựa trên việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và đặt tên là “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”.

“Chân, Thiện, Nhẫn” là những chân lý vũ trụ mà Pháp Luân Công tuân thủ, những người tu luyện được hưởng lợi ích cả về thể chất và tinh thần trong thực tiễn, thực sự trải nghiệm được cảnh giới an hòa và mỹ hảo trong quá trình đề cao. Tuy nhiên, dưới sự tuyên truyền bịa đặt từ các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều người trên thế giới đã hiểu sai về Pháp Luân Công, cũng không biết mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cũng như không biết đến nhiều câu chuyện cảm động lòng người của các học viên kiên định vào “Chân - Thiện - Nhẫn” khi ở trong nghịch cảnh.

Trong số những nghệ sĩ này, có ít nhất hai người là Phàn Hồng và Trương Côn Luân đã bị cầm tù và tra tấn ở Trung Quốc; cảm thụ của họ đặc biệt sâu sắc. Vì vậy, các họa sĩ đều mong muốn dùng trải nghiệm của bản nhân cũng như những gì mà họ đã nghe, đã thấy. Đồng thời, thể hiện một cách trung thực thông qua những nét vẽ và sự khéo léo tỉ mỉ của mình, để người dân trên thế giới có thể hiểu đúng về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra.

“Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn” vẫn còn một điều độc đáo khác, đó là sự hợp tác nhóm. Quan niệm nghệ thuật hiện đại nói chung đều cho rằng nghệ sĩ nên “làm nổi bật bản thân, thể hiện bản thân”; tuy nhiên, các nghệ sĩ tu luyện lại học cách “buông bỏ tự ngã”, đạt đến cảnh giới cao hơn là “vô tư, vị tha”. Các nghệ sĩ Chân - Thiện - Nhẫn tập hợp trí tuệ, hợp tác cùng nhau và bổ sung thiếu sót của nhau.

Vì vậy, từ khi cấu tứ đến khi hoàn thành, có thể có nhiều nghệ sĩ cùng gia tham gia vào tác phẩm. Tất nhiên, nguyên tắc biểu đạt chung của họ là áp dụng kỹ thuật tả thực chính thống. Điều này đã đáp lại lời chỉ dạy của Đại sư Lý được đề cập ở trên – sử dụng nghệ thuật chính thống Thần truyền để thể hiện các tác phẩm sống động như thật, quang minh, thuần thiện thuần mỹ và dẫn dắt đạo đức con người thăng hoa.

Nhà điêu khắc Trương Côn Luân

Hình 2: Nhà điêu khắc Trương Côn Luân. (Phòng tư liệu Tân Kỷ Nguyên)

Giáo sư Trương Côn Luân, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Điêu khắc thuộc Học viện Nghệ thuật Sơn Đông, là người điều phối chính của cuộc triển lãm. Trước khi tiếp xúc với Pháp Luân Công, ông “là người hoàn toàn vô Thần trong suốt nhiều thập kỷ”. Tuy nhiên, Pháp Luân Công đã mở rộng tầm nhìn của ông, giúp ông hiểu rằng những bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và vật chất vượt xa nhận thức của con người; ông bắt đầu tin chắc vào sự tồn tại của Thần Phật. Dù bị cầm tù, tra tấn, tẩy não và lao động cải tạo, ông vẫn kiên định với đức tin của mình.

Trong “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”, ngoài “Bức tường đỏ” và “Cái lồng” phản ánh những điều mà chính ông đã gặp phải, Giáo sư Trương Côn Luân đã sáng tác những tác phẩm ẩn chứa Thiên cơ và mang khí thế khoáng đạt với biên độ lớn, trong đó có không ít tác phẩm triển hiện Thần, Phật, thiên quốc, địa ngục cùng những cảnh tượng thiện ác hữu báo, chẳng hạn như những hình ảnh vừa khéo léo tỉ mỉ vừa mang hàm ý sâu sắc như bức “Bài vị đồ” và bức “Bi hỉ lệ”.

Khi được hỏi rằng đã hình dung những hình ảnh này như thế nào, Giáo sư Trương nói: “Thực ra, tôi không dành nhiều thời gian để tưởng tượng, vì đó là sự thật tồn tại khách quan. Ví dụ, trong bức “Vận càn khôn”, Sư phụ dẫn dắt đệ tử của mình đi cứu độ chúng sinh; tôi cũng đích thân tham gia và có cảm nhận sâu sắc. Bức “Bi hỉ lệ” được sáng tác từ sự cảm khái khi Sư đồ Đại Pháp tận tâm tận sức cứu người, nhưng thế nhân lại mê quá sâu và không cảm nhận được, đặc biệt, dưới những lời dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nhiều người đã mất đi cơ hội được cứu độ”.

“Người hiện đại khi sáng tác nhìn vấn đề tương đối hạn hẹp, đôi khi trầm tư suy nghĩ đi tìm đề tài. Còn người tu luyện thì nhìn vấn đề từ góc độ vi quan của Pháp lý luật vũ trụ, họ có thể dễ dàng nhìn ra bản chất của vấn đề; những ý tưởng sáng tạo sẽ tuôn trào như nước. Là người sáng tác nghệ thuật, chúng ta cần để lại cho hậu nhân giai đoạn lịch sử huy hoàng nhất của nhân loại”.

Họa sĩ Trần Tiếu Bình

Hình 3: Họa sĩ Trần Tiếu Bình. (Phòng tư liệu Tân Kỷ Nguyên)

Giáo sư Trương Côn Luân đã phối hợp chặt chẽ với họa sĩ Trần Tiếu Bình, một số tác phẩm có biên độ lớn thường do Giáo sư Trương lên ý tưởng và bố cục, sau đó, do cô Trần Tiếu Bình hỗ trợ hoàn thiện. Bởi vì nữ họa sĩ trẻ tuổi này đã theo danh sư học thư pháp và tranh thủy mặc Trung Quốc từ khi còn nhỏ, cô cũng giỏi về màu nước và phấn màu. Sau khi chuyển đến Canada, ban đầu cô dự định cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghệ thuật, tuy nhiên, tin tức về cuộc đàn áp tàn bạo liên tục được báo cáo, khiến cô bật khóc hết lần này đến lần khác và không thể yên lòng ngồi xuống vẽ tranh.

Vào tháng 10 năm 2001, cô Trần tham gia hoạt động đi bộ xuyên Canada nhằm thỉnh nguyện cho các học viên Pháp Luân Công, từ Vancouver đến Calgary, một hàng người mang theo biểu ngữ trên lưng, trèo đèo vượt núi dưới mưa tuyết lạnh giá trong suốt một tháng, dọc đường đi, họ kêu gọi chính phủ và các phương tiện truyền địa phương hãy nỗ lực để chấm dứt cuộc bức hại này.

Tấm lòng thương xót của cô Trần Tiếu Bình một lần nữa được thể hiện tại “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”. Trước đó, cô Trần không có kinh nghiệm vẽ tranh sơn dầu, nhưng để tham gia “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”, cô đã học lại từ đầu và đạt được thành quả phi thường. Hầu hết mọi người đều cho rằng đó là tài năng thiên phú, nhưng cô cho rằng đó hoàn toàn là cơ duyên trong tu luyện.

“Lúc bắt đầu, tôi chỉ hy vọng rằng việc dùng bút vẽ có thể nói rõ sự thật, cứu người và sớm chấm dứt cuộc bức hại. Bởi vì cuộc bức hại phần nhiều được thực hiện ở hậu trường, hầu hết mọi người không biết về chuyện này. Và chúng tôi sử dụng thủ pháp vẽ tranh sơn dầu tả thực để thể hiện nó, để mọi người có thể cảm thụ được sự thật, có thể trực tiếp đánh thức lương tri của người dân trên thế giới”. Bởi vì động cơ sáng tạo là thuần chính, là vô tư vị tha, cùng với sự chân thành, việc vẽ tranh giống như nhận được sự gia trì, càng vẽ càng trở nên tốt hơn.

Nhiều tác phẩm của họa sĩ Trần Tiếu Bình dựa trên những câu chuyện có thật cảm động. “Một tác phẩm nghệ thuật muốn lay động lòng người thì trước tiên nó phải lay động chính mình”. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Tiếng hát thức tỉnh lương tri”, cô gái người Mỹ Sara bị bắt khi đến Trung Quốc thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng cô rất bình tĩnh và từ bi nói với cảnh sát rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và cất tiếng hát ca khúc Đại Pháp mang tên “Đắc độ”, giọng hát thuần tịnh đã khiến cảnh sát rơi nước mắt.

Bức tranh “Lời kêu gọi thuần chân” được cô Trần Tiếu Bình vẽ sau khi chứng kiến ​​các học viên Đại Pháp không quản nắng mưa giảng rõ sự thật và kêu gọi lương tri trên đường phố Manhattan trong suốt nhiều năm. Đôi mắt thuần chân mà tha thiết của cô gái trong bức tranh thực sự đã chạm đến trái tim của khán giả và khiến họ khó có thể quên được.

Cô Trần Tiếu Bình cho rằng mỗi bức tranh đều không hề dễ dàng, trước hết tác phẩm cần để người xem chỉ nhìn thoáng qua liền hiểu được điều mình muốn truyền tải, sau đó là vấn đề kỹ thuật về cách thể hiện. Lấy tác phẩm “Chấn động” làm ví dụ: “Kỳ thực, trong quá trình thực hiện, tôi mò mẫm trong thống khổ, nhiều lúc, tôi không thể vẽ tiếp. Thời gian vẽ tranh thực sự không mất quá nhiều thời gian, điều tốn nhiều thời gian hơn chính là quá trình suy ngẫm và cân nhắc, chẳng hạn như vấn đề làm thế nào để xử lý ánh sáng của bức tranh”.

Bức tranh “Chấn động” còn đến từ câu chuyện tu luyện có thật của học viên Trung Quốc được đăng trên trang Minh Huệ (Minghui.org), đó là Thần tích mà những người tu luyện với tâm thái thuần tịnh triển hiện ra. Đây cũng là cảnh giới thăng hoa của đệ tử Đại Pháp trong tu luyện mà cô Trần Tiếu Bình muốn biểu đạt.

Hình 4: Bức tranh “Chấn động”; tác giả: Trần Tiếu Bình; kích thước: 30×60 inch; năm 2009.

Lúc đầu, cô Trần Tiếu Bình sử dụng luồng ánh sáng mãnh liệt, giống như cảnh tượng thăng thiên của Chúa Giê-su và Thánh Mẫu trong nhiều bức tranh nổi tiếng, một luồng ánh sáng mạnh phía sau làm nổi bật cảnh tượng mà họ bay lên bầu trời. Nhưng cô Trần Tiểu Bình nhận thấy trong bức tranh của mình, cô gái mặc đồ trắng rất tươi sáng, nếu nền lại sáng nữa thì sẽ không nổi bật.

Sau khi vẽ một hồi lâu, hiệu quả đạt được không mấy lý tưởng, nên lúc đó, tôi cảm thấy khá khó chịu. Một ngày nọ, tôi ngộ ra rằng, kỳ thực, loại ánh sáng ‘Thiện’ ấy không cần phải mãnh liệt và bức bách như vậy, nó rất nhẹ nhàng và toát ra sự từ bi. Sau này, tôi thực sự đã thay đổi nó, hiệu quả quả thực rất tốt. Đây là điều Sư phụ đã ban cho tôi trong quá trình tu luyện, tôi cũng ngộ ra rằng sự thay đổi này là điều đúng đắn, Đại Pháp đã ban cho chúng tôi rất nhiều trí huệ để đột phá vấn đề. Loại ánh sáng đó mới thực sự là ánh sáng của Thiện và từ bi mà một người tu luyện nên có, thể hiện ra năng lực của Thiện một cách chân chính”.

Cô Trần Tiếu Bình cũng thường xuyên hỗ trợ hoàn thiện hoặc chỉnh sửa một số tác phẩm có sẵn ý tưởng và bố cục, nhưng chưa được hoàn thành do vấn đề trùng lặp hoặc kỹ thuật. Các nghệ sĩ thông thường đều coi trọng bản thân và không muốn để người khác sửa đổi tác phẩm của mình. Người thực hiện sửa đổi cũng phải tôn trọng cấu tứ hoặc bút pháp trước đó của tác giả và không được sửa đổi theo ý mình. Còn người tu luyện thì cần buông bỏ cái tôi.

“Tôi chỉ nghĩ rằng làm thế nào để tạo ra nhiều tác phẩm đẹp cho cuộc triển lãm tranh, nếu mọi người có thể cùng nhau tạo ra một bức tranh thành công, tôi sẽ rất vui khi được làm điều này”.

"Trước đây, tôi chỉ coi trọng vẻ đẹp bên ngoài, còn bây giờ, tôi tập trung hơn vào việc nhận thức vẻ đẹp bản chất bên trong của sự vật, vẻ đẹp này khơi gợi thiên tính hướng tới cái đẹp của con người, từ đó tạo ra sự cộng hưởng. Hạnh phúc đến từ sự buông bỏ, chứ không phải đạt được, còn nghệ thuật thì đến từ cuộc sống chân thành, cao hơn cả cuộc sống”.

"Tu luyện là việc hàng đầu. Khi trạng thái tu luyện của chúng ta đề cao, kỹ thuật của bạn cũng sẽ được cải thiện. Vật chất và tinh thần là nhất tính, tinh thần của bạn thăng hoa, phương diện vật chất của bạn cũng thăng hoa theo. Đây là cảm thụ của tôi. Càng vẽ, tôi càng cảm thấy bản thân còn nhiều thiếu sót và còn rất xa mới có thể đạt tới sự hoàn mỹ. Hội họa là sự theo đuổi và thăng hoa không ngừng nghỉ”.

(Còn tiếp)

Hạ Đảo - Tân Kỷ Nguyên
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (3)