Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ thế kỷ 21 nhìn ra xa, vực thẳm nằm giữa (hai trường phái) cổ điển và hiện đại quả khiến người ta rùng mình kinh hãi. Làm thế nào để vượt qua vực thẳm này? Làm thế nào để xây dựng lại một cung điện nghệ thuật giữa đống hoang tàn của nền văn minh hiện đại? Làm thế nào để giúp nhân loại vốn đã mất đi tiếng nói chung có thể tìm về âm thanh chân chính của mình?

Bắt đầu từ năm 2004, trên thế giới xuất hiện một loại hình triển lãm nghệ thuật lưu động độc đáo - "Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn". Trong những năm qua, những tác phẩm hội họa này đã băng sông vượt núi, đến với hơn 40 quốc gia và hơn 200 thành phố trên khắp thế giới. Khán giả chăm chú ngắm nhìn những bức tranh trên tường một hồi lâu không muốn rời đi. Dù mang màu mắt khác nhau, nhưng các khán giả đều không kiềm được những giọt nước mắt vui mừng.

"Triển lãm nghệ thuật này thật đáng kinh ngạc. Những bức tranh hội tụ đủ những bi thương, nhưng đồng thời cũng thể hiện tất cả niềm hy vọng".

"Đây là một bức tranh phi thường, nó giống như một bức Thần họa vậy. Năng lượng phát ra từ bức tranh thật thần bí".

“Khi chiêm ngưỡng những bức tranh này, trong giây lát, tôi như đã ngừng thở, tôi sốc đến mức toàn thân sững lại ngay tại đó”.

“Đây là cuộc triển lãm ngoạn mục nhất mà tôi từng xem, nó khiến trái tim tôi rung động sâu sắc”.

“Mỗi bức tranh là một tác phẩm đỉnh cao, là kết tinh tâm huyết nghệ thuật của sự dày công tôi luyện, khiến tâm hồn thanh tịnh, giúp việc sáng tác được thăng hoa”.

Tại đây, trong thế kỷ mới của nhân loại, một cuộc cách mạng nghệ thuật xuất phát từ tâm hồn đã được khai màn.

Bức tranh “Đến vì bạn”, tác giả: Chu Di Tú, Trần Tiếu Bình; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas. (Trung tâm nghệ thuật Đệ tử Pháp Luân Đại Pháp)

Lời tựa “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”: sự biến dị và quay trở về của nghệ thuật hiện đại

"Ấn tượng - Mặt trời mọc" là bức tranh nổi tiếng của họa sĩ người Pháp Claude Monet vào năm 1872. Dựa trên bức tranh này, nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy đã đề xuất cái tên "Chủ nghĩa ấn tượng". Bức tranh này là một bức biếm họa, không có giá trị. (Wikipedia)

Niềm tin vững chắc được sinh ra từ trong khổ nạn: sự ra đời trong gian khổ này đã làm nên thuật luyện kim trong nghệ thuật và cũng xuyên suốt mỹ học của "Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn". Chân, Thiện, Nhẫn: các mĩ đức bất biến này được thể hiện nhất quán trong các bức tranh của những họa sĩ này, thể hiện phong cách của riêng họ với quang phổ phong phú. Từ góc nhìn tâm linh của người tu luyện và năng lượng thiện lương của người tu luyện, nhóm họa sĩ này đã tìm ra con đường biến bóng tối trở thành hào quang trong nghệ thuật.

Cơn bão xuyên thế kỷ của chủ nghĩa hiện đại

"Ấn tượng"

Năm 1839, chiếc máy ảnh đầu tiên được phát minh. Nhật nguyệt thăng trầm cùng với tốc độ không thể cảm nhận được, con mắt của máy móc đã thay thế con mắt vốn được trời ban của con người và khai sinh ra một phương thức quan sát mới.

Năm 1874, một cuộc triển lãm tranh đặc biệt được tổ chức tại Paris. Trong cuộc triển lãm này, trên bức tranh mang tên "Ấn tượng - Mặt trời mọc", mặt trời đỏ chìm nổi trong một mảng sáng tối. Vài nét vẽ sáng tối màu cam, lục, đen chìm nổi, đan xen với nhau, trở thành chủ thể của bức tranh.

Xuất hiện trước mắt người dân Paris là một bức tranh cận cảnh tự nhiên được mặt phẳng hóa bằng các mảng sáng tối, một góc nhìn mới cắt bỏ cách phối cảnh và bối cảnh trong tranh cổ điển, tập trung vào tiền cảnh đã ra đời. Đứng trước bức tranh bắt trọn khoảnh khắc ấn tượng này, những người Paris vốn đã quen thuộc với kho tàng nghệ thuật được cất giữ trong Viện bảo tàng Louvre cũng không khỏi kích động.

Họ không ngờ rằng những tác phẩm bị hắt hủi và nguyền rủa này lại vén màn cho một trào lưu xuyên thế kỷ và lật đổ mỹ học trong hơn hai nghìn năm qua của nhân loại. Ấn tượng thoáng qua mang theo khung cảnh của đô thị hiện đại, hình thành nên phong cách nghệ thuật của thời đại mới. Cũng giống như nền văn học hiện đại hướng tới dòng ý thức và chuyển biến tâm lí nhân vật, những bức tranh hiện đại với góc nhìn tập trung vào nội cảnh cũng ra đời.

Kết hợp cùng với cuộc cách mạng khoa học bắt đầu vào thế kỷ XVI, trường phái ấn tượng là một đường ranh giới của nền văn minh. Tạm biệt thời đại cổ điển lấy bầu trời làm nền, tạm biệt chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn lưu luyến đối với khu vườn hoan lạc đã mất, chúng ta bước vào kỷ nguyên hiện đại với con người và tầm nhìn của con người làm tiêu chuẩn cơ bản. Về cái gọi là con người, sau cách mạng khoa học và công nghiệp thì đã sinh ra một chủng người hoàn toàn mới cả về tư duy và phương thức quan sát.

Những con người đã thay đổi sáng tạo ra nền nghệ thuật biến đổi — Có lẽ đây là số mệnh đã được định sẵn và không thể tránh khỏi của lịch sử.

Họa sĩ cổ điển cuối cùng: Jean-Francois Millet

Để hiểu được những điều mà trường phái ấn tượng đã làm, chúng ta cần hiểu được Jean-Francois Millet - họa sĩ sinh ra ở vùng nông thôn nước Pháp cùng thời với những họa sĩ này. Nhiều họa sĩ theo trường phái ấn tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Millet, họa sĩ Van Gogh còn gọi ông là “người cha đẻ chân chính của nghệ thuật hiện đại”. Tuy nhiên, giữa Millet và những người theo trường phái ấn tượng có sự chuyển hướng cơ bản, sự chuyển hướng này minh họa cho sự khác biệt to lớn giữa hội họa cổ điển và hiện đại.

Millet tin chắc rằng nghệ thuật là đứa con của tự nhiên. Dưới ngòi bút của ông, từng lạp tử trong khí quyển, ánh sáng huy hoàng, từng nếp nhăn trên quần áo trên cơ thể con người đều được miêu tả một cách chuẩn xác nhất. Millet yêu thích mọi sự vật trong thiên nhiên và đã nâng bức tranh đồng quê lên đến tầm tôn giáo. Ông đối đãi với mọi sự vật bằng sự “quan sát có hiểu biết”. Xuất phát từ tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc này, các bức tranh của ông tiếp cận đến cảnh giới vi quan. Thông thường, các nhân vật trong tranh của ông trung hậu mà vững chắc như những tượng đài.

“The Angelus”, từ năm 1857 đến năm 1859, tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ trường phái Barbizon người Pháp - Jean-Francois Millet, mô tả một cặp vợ chồng nông dân đang gác lại công việc và thành kính cầu nguyện khi tiếng chuông nhà thờ ở đằng xa vang lên. (Wikipedia)

Millet đã dùng toàn bộ tâm hồn của mình để miêu tả sự trang nghiêm và hiền hậu của tự nhiên, mỗi một lạp tử dường như đều có thể cảm nhận và chạm đến được. Tuy nhiên, giới tự nhiên mà Millet dành cả cuộc đời để tiếp cận đã tan rã và biến dạng dưới ngòi bút của các họa sĩ trường phái ấn tượng, trở thành những bức tranh hiện đại chứa đầy ý chí, phong cách cá nhân và đặt màu sắc lên trước sự vật được miêu tả.

Góp phần tạo nên sự biến đổi này, ngoài sự biến đổi của thời đại, còn có sự thay đổi về tâm hồn của các họa sĩ. Các họa sĩ trường phái ấn tượng sống ở Paris - thủ đô hoa lệ của thế kỷ 19, không còn lắng nghe những âm thanh tĩnh lặng của tự nhiên, mà hướng sự chú ý đến những cỗ xe ngựa và sự hối hả trên đường phố, hướng đến khung cảnh nội tâm rối loạn của chính họ, cho đến khi cả một thế giới bao trùm trong hội họa cổ điển dần biến mất khỏi tầm mắt của họ.

Bi kịch của Van Gogh là một đại diện của hội họa hiện đại. Cuối cùng, bằng chủ nghĩa cá nhân cực đoan, góc nhìn sai lầm cùng với đôi khi là tâm hồn rối loạn và tuyệt vọng, con người hiện đại đã sáng tạo ra nghệ thuật hiện đại chối bỏ tinh thần cổ điển. Trong những ngày cuối cùng ở Saint-Rémy, Van Gogh đã quay trở lại và vẽ mô phỏng lại (các bức tranh của/phong cách của) Millet để an ủi tâm hồn đang cuồng loạn của mình. Câu chuyện bi thương này ít khi được người ta nhắc tới, nhưng lại là phép biện chứng mạnh mẽ nhất giữa hiện đại và cổ điển.

Thời đại của chúng ta

Nghệ thuật do con người cùng tạo ra là thước đo để lý giải trạng thái sinh tồn của con người. Triển hiện một cách trung thực và đáng ngạc nhiên về thời đại mà chúng ta đang sống.

Đã hơn 170 năm kể từ khi chiếc máy ảnh đầu tiên xuất hiện. Còn nhớ năm đó, chiếc hộp gỗ mới lạ “bùm” một tiếng, thổi ra một màn khói dày, con người từ các bộ lạc và làng mạc nguyên thủy thì thầm cạnh tai nhau: “Nhìn kìa, nó sẽ đánh cắp linh hồn của con người!”

Từ kỹ thuật chụp ảnh đơn sơ cho đến chiếc màn hình lớn đầy màu sắc mà trên đó là các nhân vật to lớn hơn cả người thật đang chiến đấu, sinh diệt như ngày nay, cách mà con người quan sát và biểu đạt đã trải qua một quá trình thay đổi lớn. Nội hàm của sự vật bị bỏ quên ở bên ngoài con mắt của máy móc và con người đã mất đi cách quan sát chân chính của mình.

Bức ảnh "Đại lộ Temple" được chụp tại Paris vào cuối năm 1838 hoặc đầu năm 1839 này là bức ảnh đầu tiên chụp lại con người. Bức ảnh được phơi sáng hơn mười phút, mặc dù xe cộ qua lại trên đường, nhưng chỉ có một người đánh giày có thời gian đứng đủ lâu và được máy ảnh chụp lại. (Wikipedia)

Vừa khởi động, chủ nghĩa hiện đại đã tiến về phía trước với tốc độ tối đa. Khi hội họa hiện đại đạt tới trạng thái miêu tả cơ thể người biến dạng trong các bức tranh trừu tượng và phác họa đầu tượng lãnh đạm theo phong trào số đông, thứ bị giải cấu trúc chính là bản thân sinh mệnh của con người. Khi chúng ta tiến một bước đến gần hơn với chủ nghĩa tối giản loại bỏ cảm xúc và biểu đạt, cũng như đạt tới nghệ thuật khái niệm và cách bài trí phản nghệ thuật, phản mỹ học, thì thứ đang bị tiêu hủy chính là bản thân sự sáng tạo.

Trong nghệ thuật cổ điển, nhà sáng tạo độc nhất vô nhị sáng tạo ra tác phẩm độc nhất vô nhị và cũng thể hiện ra sinh mệnh độc nhất vô nhị. Chúng ta cách xa họa sĩ cổ điển cuối cùng như những ngôi sao từ hàng năm ánh sáng. Nói lời tạm biệt với những bức điêu khắc Hy Lạp cổ đại và những bức tranh sơn thủy khổng lồ, giờ đây chúng ta có những chiếc lon súp Campbell cỡ lớn được treo trên tường trong phòng trưng bày nghệ thuật, những tác phẩm điêu khắc trông giống như phế liệu hay những dấu vết của thuốc súng sau vụ nổ. Sinh mệnh của con người và nghệ thuật do con người sáng tạo ra đã rơi xuống tới điểm giới hạn của bi kịch.

Chúng ta đang sống ở đầu thế kỷ 21 sau khi cơn bão của chủ nghĩa hiện đại đã quét qua, nhìn vào vực thẳm giữa nghệ thuật hiện đại và cổ điển, cùng với sự đồng bộ của nền văn minh nhân loại, nghệ thuật hiện đại đã rơi vào tình cảnh bi thảm. Một loại hư vô điên cuồng được cấy ghép vào nền văn minh, phá hủy nghệ thuật và ý nghĩa của sự vật từ cốt lõi.

Nói một cách nghiêm túc thì chúng ta đang sống trong thời đại không có nghệ thuật. Từ góc nhìn tâm linh của các nền văn minh cổ đại, nghệ thuật là một món quà do trời ban và là một xúc tu vàng mà qua đó con người có thể hồi tưởng về thế giới siêu hình xa xôi. Thông qua nghệ thuật, con người có thể biểu đạt những tình cảm cao quý. Theo một ý nghĩa vô cùng chân thành, con người không có nghệ thuật là những sinh mệnh không sinh khí, đã mất đi biểu cảm và tiếng nói, cũng giống như những loài chim thú đã mất đi tiếng kêu của mình.

Trừ khi chúng ta nhìn vào những bức vẽ sơn dầu hoang vu, những tác phẩm điêu khắc lạnh lẽo nằm trong phòng trưng bày nghệ thuật, nhìn vào những hình ảnh súng đạn khốc liệt cùng cảnh tượng ngày tận thế song hành với thực tại trong rạp chiếu phim và nói: "Không sai, đây mới là tả thực tâm hồn của chúng ta. Nó sống động và chân thực". Trừ khi chúng ta can tâm ôm lấy đống hoang tàn hiện đại này, chúng ta không thể không thừa nhận rằng: con người với tâm hồn nguy hiểm đang sống trong một thời đại nguy hiểm do quần thể con người tạo ra.

Quay trở về

Chân, Thiện, Nhẫn

Giữa đống hoang tàn của nền văn minh, để quay trở về với sự nghiệp sáng tác chân chính thì cần phải có dũng khí lớn và đòi hỏi lực lượng lớn mạnh mới.

Vào đầu thế kỷ mới, một sự kiện đi ngược lại chủ nghĩa ấn tượng trong hơn một trăm năm qua đã xảy ra. Một nhóm họa sĩ đã quay trở về với mỹ học cổ điển và đường tầm mắt (đường chân trời) cổ điển một cách toàn diện. Trên các bức tranh sơn dầu của họ, sinh mệnh độc nhất vô nhị của con người và ý nghĩa thực sự bị lãng quên của sinh mệnh đã xuất hiện trở lại. Từ năm 2004, nhóm họa sĩ này đã đi khắp thế giới để để trưng bày “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”, hé lộ sự thật bị con người lãng quên.

Tại đây, đường tầm mắt cổ điển hướng lên, kéo dài vô tận, tới tận thiên giới, Thần và các sứ giả của Thần. Từ một hướng khác, nhóm họa sĩ này đi sâu vào cốt lõi đen tối của thời đại này. Bóng tối này ẩn mình khỏi ánh sáng mặt trời và là sự thật bị giam cầm, bị loại bỏ khỏi tầm mắt của con người.

Góc nhìn hướng lên kéo dài vô tận và hành động đi sâu vào bóng tối: kiểu tả thực bề sâu hai chiều này là một thách thức. Đối với những người sống an nhàn trong cuộc sống vật chất và hài lòng với kiến ​​thức được nuôi dưỡng qua từng ngày, những bức hội họa này sẽ khiến họ cảm thấy bất an. Chăm chú ngắm nhìn từng bức tranh sơn dầu hé lộ sự thật được treo trên tường, những người không hiểu chuyện như phải chịu một sự đả kích nặng nề: "Không thể nào! Sự thật không thể như thế này".

Sự thật quả là khiến người ta cảm thấy bất an. Nhưng bóng tối cực độ lại là điều khiến người ta cảm thấy bất an cực độ. Trong thời đại chủ nghĩa hư vô đang thịnh hành, đường tầm mắt vô tận trong những bức tranh tả thực cổ điển của nhóm họa sĩ này như một tia sét, xẻ đôi bầu trời đêm đen tối của hiện tại.

(Còn tiếp)

Hạ Đảo - Tân Kỷ Nguyên
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (1)