Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước khi nhóm họa sĩ tại “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn” quay trở về với mĩ học cổ điển, họ đều đi quanh co trên con đường nghệ thuật của chính mình.

Một con đường chân chính

“Tôi vẫn luôn tìm kiếm ánh sáng trên con đường sáng tạo nghệ thuật, nhưng điều tôi nhận ra lại là sự ảm đạm của con đường phía trước. Mùa xuân năm 1995, tôi sáng tác ra tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hiện đại ‘Cuối thế kỷ XX’ trong nỗi lo âu cực độ” - Trương Côn Luân - nhà điêu khắc lớn tuổi nhất trong nhóm họa sĩ, tự thuật.

Lý Viên - người đang suy tư một mình tại Nhật Bản, cũng trải qua nỗi lo âu tương tự: “Năm 1996, tôi bắt đầu cảm nhận được sự suy tàn và ngày tận thế của văn hóa nghệ thuật….Tôi cảm thấy mình phải suy xét vấn đề này, tôi đã đọc rất nhiều sách, tôi thấy nếu con người chúng ta phát triển theo phương hướng hiện tại thì không có lối thoát, và đó sẽ là ngõ cụt. Sau khi đã đọc nhiều sách, tôi chắc chắn rằng có một con đường theo hướng ngược lại, đó là một con đường chân chính".

Uông Vệ Tinh cũng đã trải qua một chặng đường bấp bênh: “Tôi theo đuổi cái đẹp, luôn muốn theo đuổi loại hình nghệ thuật thuần túy, một thứ vĩnh hằng, nhưng tôi lại không tìm thấy nó trong xã hội hiện đại. Tôi nghĩ nếu không tìm được, thì thực tại duy nhất chính là sự tan vỡ. Bởi vì trong tất cả những thứ tôi nhìn thấy, không có thứ gì hoàn mĩ. Nếu thực tại là sự tan vỡ, vậy tôi biểu đạt sự tan vỡ".

“Qua tu luyện, tôi hiểu rằng, thực tại mà chúng ta biểu đạt chỉ đại diện cho tâm trạng khi đó của chúng ta. Đối với người tu luyện, khi tố chất nội tại thay đổi thì điều họ muốn biểu đạt cũng khác đi. Điều tôi muốn biểu đạt lúc này chính là vẻ đẹp của kim cương, chính là loại ánh sáng như vậy. Khi tôi ở trong trạng thái của một viên đá, tôi sẽ biểu đạt viên đá. Khi tôi không còn ở trong trạng thái của một viên đá, tôi không còn muốn biểu đạt viên đá nữa”.

Từ một viên đá tan vỡ cho đến ánh sáng của kim cương - Uông Vệ Tinh đã miêu tả chân thực nỗi trăn trở của một họa sĩ hiện đại. Trong nỗi trăn trở này còn chứa một loại bi thương: đó là vết sẹo hằn trên người họa sĩ hiện đại. Trong sáng tạo chung của nhân loại, chúng ta thấy nhân loại đã rơi vào tình cảnh bối rối, tuyệt vọng mà không thể tự giải thoát. Duy chỉ có viên đá đã tan vỡ trên mặt đất là thực tại. Với một cảm giác tuyệt vọng khó tả, các họa sĩ hiện đại vẽ nên những sự vật biến dạng, xấu xí tương thông với tâm hồn của họ. Bởi vì từ vị trí của họ, không thể nhìn thấy những sự vật khác. Chỉ khi hiểu được điều này, chúng ta mới có thể thực sự hiểu được nghệ thuật hiện đại.

Đối với nhóm họa sĩ này, việc từ bỏ những thành tựu trong nghệ thuật hiện đại và kiên quyết quay trở về với tinh thần cổ điển chính là cứu rỗi chính mình. Họ thấy rõ rằng ngoài điều đó ra, không còn con đường nào khác. Ngoài điều đó ra, cũng không còn cách cứu vãn nào khác.

Thuật luyện vàng trong nghệ thuật

Đối với nhóm họa sĩ tại “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”, làm thế nào để tinh luyện nghệ thuật từ thực tại trần trụi là một vấn đề nan giải.

Năm 1999, sương mù dày đặc bao trùm lấy vùng đất Trung Quốc - nền văn minh lâu đời nhất trên trái đất. Dưới sự điều khiển của chủ nghĩa vô Thần, đức tin đã bị bóp méo và hủy hoại. Đối với một nhóm người tu luyện Chân - Thiện - Nhẫn, bộ máy nhà nước (Trung Quốc) đã giăng lưới rộng khắp trời đất. Hàng chục triệu người tu luyện buộc phải ly tán, bị bắt vào tù và phải chịu đựng sự tra tấn, sau đó, họ mất tích tại các trại lao động. Cho đến một ngày, một thi thể đầy những vết sẹo kỳ lạ xuất hiện ở một nơi nào đó.

Về sau, người ta mới biết chuyện gì đã xảy ra trên cơ thể của họ. Tim, thận và giác mạc của họ bị đánh cắp, bán với giá cao, và cấy ghép vào cơ thể của người khác, cơ thể trống rỗng của họ bị đưa đến lò thiêu, trang sức bằng vàng trong miệng và trên tay họ thì bị người trông coi lò thiêu lột và đem bán.

Những người gặp nạn vì đức tin và nhóm họa sĩ này cùng là những học viên Pháp Luân Đại Pháp. Nói cách khác, khổ nạn mà nhóm họa sĩ này miêu tả cũng có thể xảy đến với họ bất cứ lúc nào. Khi được hỏi về sự sỉ nhục phải chịu đựng khi ở trong tù, ông Trương Côn Luân giật mình, quay người đi và trầm mặc một hồi lâu. Với những điều không thể diễn tả bằng lời, các họa sĩ đã đem chúng vẽ từng nét từng nét lên tấm vải vẽ (canvas: loại vải dùng để vẽ tranh sơn dầu).

Làm thế nào để miêu tả sự thật tàn khốc này? Làm thế nào để chắt lọc bột vàng từ trong bóng tối độc hại và vẽ nó lên tấm vải vẽ?

Trong suốt lịch sử hội họa, chúng ta hiếm khi thấy được tinh thần giống như những gì được miêu tả trong tranh của nhóm họa sĩ này. Trong tranh của họ, ánh mắt và khuôn mặt người chứa đựng những cảm xúc trầm lặng mà nặng trĩu.

Bức tranh "Cô nhi lệ" của Đổng Tích Cường. (Epoch Times)

“Khi vẽ tranh cổ điển cần phải trầm tĩnh lại, từng nét vẽ đều cần trầm tĩnh lại. Đặc biệt là khi vẽ mắt, ánh mắt của một đệ tử Đại Pháp bị bức hại….Vẽ tranh bức hại không hề dễ dàng, người tu luyện không giống người bình thường, mặc dù phải chịu bức hại, nhưng vẫn có một trái tim từ bi, không dễ để thể hiện ra sự từ bi và nhẫn chịu từ trong ánh mắt” - Hoạ sĩ Đổng Tích Cường - người miêu tả ánh mắt khó quên trong hai bức tranh “Cô nhi lệ” và “Con trai của tôi” - cho biết.

Kathleen Gillis nói: “Đối với nhân vật trong bức tranh ‘Tinh thần kiên nhẫn bất khuất’, tôi muốn thể hiện sự từ bi và sức mạnh của anh ấy. Còn bàn tay đó, vẽ bàn tay đó là trải nghiệm mĩ hảo nhất mà tôi cảm nhận được….Hãy nhìn kỹ bàn tay đó, bạn sẽ thấy đường vân trên các đốt ngón tay giống như những Pháp Luân đang phát xạ hướng ra ngoài, tôi đã cố gắng vẽ nên sự từ bi của bàn tay đó”.

“Rất nhanh tôi đã phát hiện ra rằng khi tôi cho rằng một bức tranh đã hoàn thành, thì kỳ thực, nó vẫn chưa hoàn thành, vẫn còn rất xa. Trong nghệ thuật đương đại, những bức tranh được cho là mới mẻ và giàu sức biểu cảm, đối với chúng tôi mà nói, chúng mới chỉ là những bài tập trong bước đầu”.

Những lời nói của họa sĩ người Canada - Kathleen Gillis - khiến chúng tôi chợt nhận ra rằng sự cách biệt giữa nhóm họa sĩ này và nghệ thuật đương đại là thứ không thể đo bằng thước. Yêu cầu cao độ về kỹ năng cơ bản đã trở thành nền tảng để những họa sĩ này miêu tả bóng tối.

“Qua các bài giảng của Sư phụ, tôi hiểu được rằng sự vật càng tinh tế, càng vi quan thì càng sống động như thật. Sau khi hiểu ra đạo lý này, tôi phát hiện ra rằng, nếu chúng ta không ngừng làm cho bức tranh trở nên tinh tế tỉ mỉ hơn, mức độ tinh xảo của nó có thể vượt qua cả những bức ảnh. Khi vượt qua những bức ảnh, tôi quay đầu lại ngắm nhìn bức tranh thì thấy nó sống động hơn, chân thực hơn và cảm động hơn. Tôi cảm thấy rằng mình đã nắm bắt được tinh túy trong hội họa cổ điển". - Lý Viên - tác giả của bức tranh “Gặp nạn ở Trung Nguyên” mang tinh thần cổ điển sâu sắc từ kỹ thuật đến nội hàm - nói.

Bức tranh "Gặp nạn ở Trung Nguyên" của Lý Viên. (Epoch Times)

Vật chất và tinh thần là nhất tính: cũng giống như vậy, kỹ xảo và nhân cách là hai mặt của một thể. Thể hội đến từ tu luyện đã được áp dụng vào quá trình trau dồi nghệ thuật của những họa sĩ này, chỉ dẫn họ đề cao trong nghệ thuật.

Trần Tiếu Bình nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta vẽ càng đơn giản, càng không hiển lộ kỹ xảo thì càng tốt, như vậy mới có thể truyền đạt những lý niệm hoàn mĩ hơn, bao gồm thể hội về Chân - Thiện - Nhẫn, vạch trần sự tàn bạo, thông qua những bức tranh này để bảo vệ sự tôn nghiêm của những người tu luyện”.

Bức tranh "Thiên - Nhân hợp nhất" của Trần Tiếu Bình. (NTD)

Từ bức tranh “Thiên nhân hợp nhất” vào những ngày đầu cho đến bức tranh “Chấn động” mới nhất, tranh của Trần Tiếu Bình đều thể hiện sự trang nghiêm và bình hòa. Cô nói một cách đơn giản mà sâu sắc: “Bức tranh mang giá trị cao, vậy thì nhân phẩm cũng phải cao”.

Bức tranh “Trong mưa” - Lời kêu gọi thuần chân; tác giả: Trần Tiếu Bình; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 66×92cm; năm 2005. (Trung tâm nghệ thuật Đệ tử Pháp Luân Đại Pháp)

“Chúng ta biết rằng ‘văn như kỳ nhân, họa như kỳ nhân’ (văn nào người vậy, tranh nào người vậy). Khi bạn vẽ từng nét vẽ, tất cả thông tin như phẩm cách, tu dưỡng, kinh nghiệm, thậm chí cả sức khỏe của họa sĩ đều sẽ được thể hiện ở trong đó. Nó giống như chiếc gương phản chiếu thế giới nội tâm của bạn”. Từ năm 2007, Trương Côn Luân - người đã rửa bỏ dấu vết nghệ thuật hiện đại - đã thể hiện chiều hướng lớn nhất trong tranh của mình.

“Là một nghệ sĩ, khi biết bao người bị bức hại tới chết, nếu chúng ta vẫn chỉ là một người bàng quan, không nói một lời, thì thực chất, chúng ta không phải là một nghệ sĩ chân chính. Bởi vì con người có tâm hồn, có lương tâm và có đạo nghĩa” - Uông Vệ Tinh nói về bản chất của sự vật.

Chỉ bằng cách không ngừng đào sâu vào nội tâm, không ngừng tịnh hóa tự thân, họa sĩ mới có được sức mạnh để đối mặt với bóng tối. Đối với những họa sĩ tu luyện này, để gánh vác sứ mệnh gian khổ, điều cốt lõi không phải là kỹ xảo, mà là phẩm cách. Chỉ bằng cách dùng tất cả sức cảm thụ để nhìn rõ cuộc bức hại này, chỉ có sự từ bi lớn nhất, một họa sĩ mới có thể thăng hoa, mới có thể phơi bày sự tàn ác mà thực tế không thể diễn tả được.

Niềm tin vững chắc được sinh ra từ trong khổ nạn: sự ra đời trong gian khổ này đã làm nên thuật luyện vàng trong nghệ thuật và cũng xuyên suốt mĩ học của “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”. Chân, Thiện, Nhẫn: các mĩ đức bất biến này được thể hiện nhất quán trong các bức tranh của những họa sĩ này, thể hiện phong cách của riêng họ với quang phổ phong phú.

Trải qua năm tháng dài đằng đẵng, nội tâm tình cảm của con người trở nên rối loạn, nặng nề và chứa đựng nhiều cung bậc khác nhau. Thành thực mà nói, dùng chủ nghĩa hiện thực cổ điển bình hòa khó có thể miêu tả được hoàn cảnh sinh tồn hiện nay của con người. Từ đề tài đến phong cách, những họa sĩ này đang đối mặt với nội dung tinh thần mà con người đã đánh mất từ ​​lâu. Không thể phủ nhận rằng việc vươn tới nội dung tinh thần này là một con đường hồi quy đầy gian nan.

Từ góc nhìn tâm linh của người tu luyện và năng lượng thiện lương của người tu luyện, nhóm họa sĩ này đã tìm ra con đường biến bóng tối trở thành hào quang trong nghệ thuật.

Bầu trời chủ nghĩa cổ điển

Sau khi vượt qua cơn bão chủ nghĩa hiện đại, nhóm họa sĩ tu luyện này đã chuyển hướng tới bầu trời chủ nghĩa cổ điển. Góc nhìn cổ điển không phù hợp với thẩm mĩ hiện đại này thể hiện một phương thức tư duy khác và một khả năng sinh hoạt khác. Đây chính là ý nghĩa của “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”: cuộc triển lãm nghệ thuật toàn cầu này chỉ ra phương hướng tương lai đi ngược với thời đại của nền văn minh nhân loại.

Hành động thực sự táo bạo cần có sự hỗ trợ của tinh thần nội tại. Để miêu tả hiện thực nặng trĩu, những họa sĩ này đã nhận được sự gia trì siêu hình. Cũng giống như các đệ tử Đại Pháp bị giam trong ngục tù, đức tin của họ càng lớn thì sức mạnh gia trì này càng lớn. Đức tin về mặt tinh thần và nghệ thuật: đức tin có cùng một cội nguồn này chiếu rọi và khuấy động lẫn nhau, cho ra đời những bức tranh quý giá trong lịch sử nhân loại.

Trong tranh của nhóm họa sĩ này xuất hiện các Thiên Thần và Thiên sứ mang đôi cánh tự do du hành thời không, từng xuất hiện trong các bức tranh cổ điển vốn đã thất lạc từ lâu. Trong giấc mơ của một cô gái lưu lạc, một Thiên sứ mang đôi cánh trắng đang chơi khúc nhạc violin tươi đẹp (“Không chốn nương thân”, Lý Viên).

Bức tranh “Không chốn nương thân”; tác giả: Lý Viên; thể loại: tranh sơn dầu; kích thước: 48×36 inch; năm 2006.

Trên bầu trời buổi tụ hội của các đệ tử Đại Pháp, đám đông xuất hiện trong đám mây đen dày đặc, tượng trưng cho một trận chiến khốc liệt kinh tâm động phách giữa những sinh mệnh chính - phản (“Thanh âm vũ trụ”, Kathleen Gillis).

Bức tranh “Thanh âm vũ trụ”; tác giả: Kathleen Gillis; thể loại: tranh sơn dầu; kích thước: 32×57,5 ​​inch; năm 2004.

Trong ngục, một khối sáng vàng thánh thiện kèm theo một bàn tay to lớn đang đưa xuống, an ủi người tu luyện đang bị trói. (“Tinh thần kiên nhẫn bất khuất”, Kathleen Gillis).

Bức tranh “Lưu Thành Quân, ‘Tinh thần kiên nhẫn bất khuất’”; tác giả: Kathleen Gillis; thể loại: tranh sơn dầu; kích thước: 32×58 inch; năm 2004. (Epoch Times)

Những bức tranh này đều nói về một sự kiện: sức mạnh thần bí mà thế giới không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng lại ẩn giấu trong tầng không gian sâu thẳm. Những điều kỳ diệu xảy ra trong ngục tù là minh chứng cho sức mạnh thần bí này. Đức tin của con người đủ để chuyển biến cảnh quan ngoại tại, cho đến khi lực lượng thần bí này kiểm soát được thực tại và đảo ngược nó.

Không thể phủ nhận rằng Thiên sứ và phép màu là những điều dị thường trong thời đại này. Tuy nhiên, quay đầu nhìn lại lịch sử hội họa, Thiên đường và nhân gian cùng tồn tại trong một bức tranh, Thiên Thần là sự tồn tại chân thực mà con người cổ đại có thể chạm đến được. Đối với những họa sĩ này, tính chân thực có thể chạm đến được của các vị Thần - Phật cũng ấm áp và đáng tin cậy như chính lòng bàn tay của các vị ấy. Đệ tử Đại Pháp cởi bỏ xiềng xích, đường đường chính chính bước ra khỏi nhà tù (“Chính niệm bước ra”, Trần Tiếu Bình). Toàn năng không thể phủ nhận của Thần đã trở lại trong tầm mắt của con người, thay đổi quan niệm của chúng ta về thực tại.

Bức tranh "Chính niệm bước ra" của Trần Tiếu Bình. (Epoch Times)

Bị cách trở bởi vực thẳm nằm giữa nghệ thuật cổ điển và hiện đại, nhóm họa sĩ tu luyện này đang quay trở về với bầu trời chủ nghĩa cổ điển. Đây không phải sự trở về với với mĩ học cũ kĩ. Ngược lại, đây là một cuộc biến cách sâu sắc trong nghệ thuật. Ở một tầng nghĩa cao hơn, đây không chỉ là sự trở về về mặt mĩ học, mà còn là sự gột rửa tâm hồn hiện đại. Nghệ thuật là đứa con của tự nhiên. Chỉ có mĩ học cổ điển sinh ra từ tự nhiên mới có thể phản chiếu và gạt bỏ đống hoang tàn tâm hồn do nền văn minh hiện đại tạo ra.

Tại “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn”, có một bức tranh rất đặc biệt. Nửa trên của bức tranh là hình ảnh Thánh Vương dang rộng đôi cánh to lớn, còn nửa dưới là tầng tầng thế giới chìm trong hỗn loạn. Chùm sáng do Thánh Vương hạ xuống xuyên qua không gian u ám, đến khi chạm tới điểm thấp nhất. Giữa Ngài và chúng sinh trong các giới có một thệ ước thiêng liêng, thệ ước này đã được lập ra từ lâu, đến nay đang được thực hiện. (“Phật Chủ giáng lâm đồ”, Trương Côn Luân), dù là hình tượng hào quang vô biên của Phật Chủ, hay câu chuyện được kể trong bức tranh này, đều vượt xa trí tưởng tượng của con người và khác với giáo nghĩa của bất kỳ tôn giáo nào. Khi bức tranh này xuất hiện trong cuộc triển lãm, chúng tôi biết rằng những gì họa sĩ miêu tả trong bức tranh đã siêu xuất khỏi cuộc bức hại này và còn chạm tới thực tại cao hơn mà ông ấy đã biết đến.

Bức tranh "Phật Chủ giáng lâm đồ" của Trương Côn Luân. (Epoch Times)

Với hào quang muôn trượng, Thần đã trở lại trong tầm mắt của con người. Thứ cùng quay trở lại chính là vũ trụ đã sinh ra vạn vật.

Đó là một bản kế hoạch được định ra từ hàng ức kiếp về trước. Dựa theo sự lựa chọn của mỗi người, sinh mệnh đã đến nơi của riêng mình. Ngày đại thẩm phán mà con người không tin, cùng với hỏa hình và sự khủng khiếp đang nhất tề giáng lâm, trên đỉnh trời là vầng hào quang và bảo tọa vinh hiển mà con người không dám tin vào. (“Bi hỉ lệ”, Trương Côn Luân).

Bức tranh “Bi hỉ lệ” của Trương Côn Luân. (Epoch Times)

Những Thần thoại bị con người hiện đại chế giễu đã quay trở lại trong hội họa, và được treo trên tường viện bảo tàng, cùng với những tâm hồn hiện đại bi thương khó hiểu. Đây là một điều kỳ diệu trong thời đại của chúng ta. Hoàn toàn chính xác, con người đang sống trong thực tại sâu thẳm chồng chất này. Nghệ thuật thăng khởi từ đống hoang tàn, một lần nữa triển hiện những bí ẩn của thế giới và Thiên đường, cùng với ký ức về sinh mệnh đã bị bụi phủ qua hàng ức kiếp.

Đi ngược với thời đại, “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn” là lời mời gọi để những người đã lãng quên cách quan sát có thể quay trở lại ngắm nhìn một lần nữa. Theo Millet - người vẽ tranh bằng cả tâm hồn - cái nhìn chân chính là một loại hiểu biết, là một loại thành kính.

Món quà Thần ban: nghệ thuật đã tẩy tịnh tự thân và một lần nữa dẫn dắt con người nhìn ra sự thật của vạn vật. Cho dù đống đổ nát mà con người đã tạo ra cho mình có hoang tàn bao nhiêu, sự tái xuất hiện của nghệ thuật cũng từ bi bấy nhiêu. Cho dù những vết sẹo của nghệ thuật hiện đại có hằn sâu đến đâu, những hình ảnh hướng tới tinh thần cổ điển này sẽ có sức mạnh chữa lành đến đó. Với sự kiên nhẫn cự đại, thời gian đang chờ đợi nhân loại bước qua cơn bão xuyên thế kỷ của chủ nghĩa hiện đại, buông bỏ nỗi tuyệt vọng như hình với bóng và bước sang một trang hoàn toàn mới khi vũ trụ đang trải qua những thay đổi kinh thiên động địa.

(Còn tiếp)

Hạ Đảo - Tân Kỷ Nguyên
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (2)