Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (5) - Tu luyện nhân thể và nghệ thuật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước đây, tôi cho rằng việc sáng tác một phong cách độc đáo là thể hiện “cái tôi”. Tuy nhiên, một khi một phong cách được công nhận và mô phỏng theo, nó cũng trở thành bức “chân dung” quần thể và không còn “cái tôi” trong đó nữa. Hội họa tả thực cổ điển chính thống không thể mô phỏng theo một cách dễ dàng, kỹ thuật và cảnh giới tinh thần của họa sĩ đều được thể hiện ngay trong bức tranh, “cái tôi” được thể hiện một cách chân thực. Khi tôi tu luyện và không ngừng trừ bỏ những quan niệm hậu thiên, “cái tôi” tiên thiên vẫn ở ngay đó.

Là một nghệ sĩ, tôi luôn tìm kiếm cái đẹp vĩnh hằng. Thế nào là đẹp? Làm thế nào mới có thể vĩnh hằng? Là một nghệ sĩ, tôi luôn tìm kiếm cái tôi? Thế nào là cái tôi? Làm thế nào để hiện thực cái tôi? Toàn bộ quá trình tìm kiếm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và sinh mệnh của tôi.

“Cái đẹp” thông qua sự hòa hợp giữa nội dung và hình thức để đạt đến cảnh giới nghệ thuật cao nhất.

Về mặt nội dung, tôi sinh ra ở Trung Quốc Đại lục, từ nhỏ đã sống trong môi trường người người đấu đá lẫn nhau, những gì tôi nhìn thấy và nghe được không phải là sự hòa hợp, cũng không có cái đẹp, chứ chưa nói đến “vĩnh hằng”. Tôi thở dài vì không tìm được cái đẹp. Tháng 1 năm 1987, tôi đã vẽ bức “Chân dung tự họa”, trong bức tranh, tôi bị mắc kẹt trong một vòng xoáy. Tháng 8 cùng năm, tôi đến Mỹ với hy vọng tìm được vẻ đẹp nội tâm.

Sự tàn tạ và lặp lại trong “chân dung tự họa”

Ở môi trường mới, gánh nặng học tập và cuộc sống đã làm tan vỡ ước mơ tìm kiếm sự hoàn mỹ và vĩnh hằng của tôi. Sự thất vọng khiến tôi nghĩ rằng thế gian này không có hoàn mỹ, cũng không có vĩnh hằng, mà chỉ có “tan vỡ”. Tôi giới hạn định nghĩa về cái đẹp vào trong xung đột và tương phản được hình thành bởi sự kết hợp từ “tan vỡ”, tôi cũng coi việc thể hiện “tan vỡ” là sự chân thành duy nhất trong sáng tác.

Về hình thức, tôi đã dành hơn mười năm học hỏi và nghiên cứu kỹ thuật tả thực. Tôi phát hiện ra rằng, mỗi khi tôi bước lên đến bậc thang thứ chín, tôi sẽ dừng lại ở đó. Tôi không thể bước lên bậc thang thứ mười và tôi cũng không muốn bước lên. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ đều sử dụng máy ảnh và máy chiếu, vừa tiện lợi vừa chuẩn xác, nên tôi cũng bắt đầu sử dụng. Thời gian trôi qua, năng lực vốn có của tôi dần dần mai một, tôi ngày càng mất tự tin vào bản thân, nếu không có máy ảnh và máy chiếu thì dường như tôi không dám vẽ tranh tả thực nữa.

Dưới sự giáo dục và ảnh hưởng của các lý luận hiện đại, tôi cho rằng “những thay đổi về hình thức nghệ thuật là sự phát triển của nghệ thuật, hình thức ở giai đoạn sau cao hơn hình thức ở giai đoạn trước”. Như vậy, tôi lại bắt đầu thử các chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Muốn tạo ra phong cách độc đáo của riêng mình và còn cho rằng hình thức và nội dung biểu đạt khác người chính là “cái tôi” và “giá trị của cái tôi”.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng dù tôi cảm thấy tác phẩm của mình rất độc đáo, nhưng vẫn nhìn thấy hình bóng hoặc dấu vết của một trường phái nào đó. Và tôi không biết phải thể hiện như thế nào về mặt nội dung. Trong tâm tôi chứa đầy nỗi lo lắng và chán nản, tôi vẽ những chiếc lá rụng vào mùa thu, những bông hoa héo tàn...Tôi nghĩ đến Sisyphus trong Thần thoại Hy Lạp đẩy hòn đá lên núi, nhưng hòn đá lại lăn xuống, cứ đẩy hòn đá lên núi thì nó lại lăn xuống, sự lặp lại liên tục này là giá trị của bản thân nhân sinh?

Trong sự bất lực, tôi vẽ bức “Chân dung tự họa” thứ hai (1995). Trong bức tranh là một giá vẽ khác, trên giá vẽ đó có một tấm vải vẽ, trên tấm vải vẽ đó lại có thêm một giá vẽ, trên giá vẽ đó lại là một tấm vải vẽ nữa…Trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật, trong quá trình tìm kiếm cái đẹp và cái tôi, tôi đã dùng bức “Chân dung tự họa” này làm chú giải cho chính mình.

Tâm càng thuần tịnh, kỹ thuật tả thực cổ điển càng tự nhiên

Năm 1996, tôi may mắn được tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Đây là công pháp tính mệnh song tu, yêu cầu học viên trong khi tu luyện thân thể cần điều chỉnh suy nghĩ và hành vi trong cuộc sống thường ngày, dựa theo các đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ. Trong quá trình tu luyện, cơ thể tôi trở nên khỏe mạnh hơn, năng lượng trong tôi ngày càng dồi dào, nội tâm tôi ngày càng trở nên thuần tịnh hơn.

Một hôm, màu sắc không hài hòa và bố cục hỗn loạn của một bức tranh sơn dầu khổng lồ khiến tôi nhớ về cảm giác lo lắng và hoang mang trước đó, nhưng lúc đó tâm trạng tôi lại vô cùng bình tĩnh. Khi đó, tôi mới nhận ra rằng nội dung và hình thức của một tác phẩm nghệ thuật được quyết định bởi trạng thái nội tâm và sự hiểu biết về cái đẹp của nghệ sĩ. Trước đây, tôi từng giới hạn định nghĩa về vẻ đẹp vào “trong xung đột và tương phản được hình thành bởi sự kết hợp của ‘tan vỡ’”, nguyên nhân là do tâm trạng không trọn vẹn của tôi khi đó tạo thành.

Trong trạng thái tâm trí bình tĩnh, tôi ngày càng có thể cảm thụ vẻ đẹp của sự hài hòa. Từ cuối năm 2001 đến đầu năm 2002, tôi đến Paris và học hỏi từ tác phẩm của các bậc thầy thuộc trường phái phái cổ điển tại Viện bảo tàng Louvre. Tôi quan sát và nhận ra rằng, “miêu tả tinh tế tỉ mỉ mà sinh động, biến tấu màu sắc phong phú mà hài hòa” trong kỹ thuật hội họa của các bậc thầy thuộc trường phái cổ điển, mới là vẻ đẹp chất lượng cao mà tôi đang tìm kiếm.

Các kỹ thuật tả thực cổ điển chính thống thể hiện sự chuyển tiếp và tầng lớp vi tế, càng nhiều tầng lớp thì độ khó về kỹ thuật càng cao. Ví dụ, “tương phản” - một trong những yếu tố của cái đẹp, từ đen đến trắng sẽ là từ một đến mười; nó cũng được chia thành các cấp độ khác nhau từ một đến một trăm. Sự tương phản giữa nóng và lạnh cũng như vậy, ví dụ, để có thể nắm bắt được sự khác biệt giữa nóng và lạnh trong khoảng 0,5 đến 0,6 đòi hỏi phải có kỹ thuật được đào tạo bài bản. Cũng giống như chơi violin, chỉ cần lệch một chút thôi cũng sẽ lạc nhịp, làm thế nào để điều khiển tay và kéo đàn chính xác đến nửa nốt thì đòi hỏi công phu.

Trước đây, tôi quá chú trọng đến sự tương phản và thay đổi, bỏ qua sự cân bằng, và thậm chí coi thường tính đối xứng. Sự thiên lệch này dẫn đến cực đoan về mặt hình thức, và hiệu ứng mà loại cực đoan này tạo thành sẽ khiến cho tác phẩm mang tính khái niệm và đơn giản đi rất nhiều. Nhìn bề ngoài thì cũng nói về sự tương phản, thay đổi, tiết tấu,v.v., nhưng tôi có thể dễ dàng thể hiện những yếu tố này qua hình thức hiện đại, nhưng trong tác phẩm tả thực chất lượng cao thì lại không dễ dàng như vậy.

Tôi phát hiện ra rằng việc nắm vững và áp dụng các kỹ thuật tả thực cổ điển chính thống tương ứng với mức độ thuần tịnh của nội tâm, nghĩa là, nội tâm càng bình tĩnh thì việc áp dụng các kỹ thuật càng tự nhiên. Ngược lại, nếu nội tâm buồn bực và lo lắng thì không thể vẽ ra một tác phẩm tỉ mỉ và tinh xảo. Nhưng sự bình tĩnh nội tâm lại tỷ lệ thuận với tu luyện của một người, càng loại bỏ vật chất xấu ra khỏi suy nghĩ và hành vi thì tâm hồn sẽ càng thuần tịnh.

Vẽ sức mạnh của cơn bão tuyết trong bình hòa

Lấy bức tranh “Nhẫn” làm ví dụ, bức tranh này được hoàn thành vào năm 2005. Đây là một câu chuyện có thật. Nhân vật trong bức tranh là Leon, ông ấy là một học viên Pháp Luân Công người Mỹ đã nghỉ hưu. Ban đầu, ông ấy sống ở Houston, sau khi biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, mỗi ngày ông ấy đều đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston tĩnh tọa, yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Năm 2004, ông ấy đến Manhattan, bất kể mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh giá, ngày này qua ngày khác, đứng bên đường và nói với những người đi ngang qua về sự thật cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Hình 2: Bức tranh “Nhẫn”; tác giả: Uông Vệ Tinh; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 122 x 79cm; năm 2005.

Ở hậu cảnh, tôi bắt đầu sử dụng đầu cọ lớn và rất nhiều sơn, dựa theo tâm trạng lúc đó, tôi muốn thể hiện sức mạnh của cơn bão tuyết bằng những nét vẽ lớn. Tôi đã làm thử một vài lần, thực hiện các điều chỉnh khác nhau. Thực ra, những gì tôi điều chỉnh chỉ là bố cục và kích thước của nét vẽ cùng độ dày của sơn, v.v. Không có cảm nhận về chiều sâu và không có dư vị. Hành động này được thể hiện bằng cảm xúc phấn khích nhất thời, nhiều nhất thì có thể tạo ra một số thay đổi khác nhau về kết cấu. Sự thay đổi kết cấu này là điều tôi đã theo đuổi và dốc sức thể hiện trong quá khứ. Tôi giới hạn “cái đẹp” vào trong sự thay đổi của không gian hai chiều, vì vậy, nó không có chiều sâu, cũng có thể nói là dễ xử lý hơn.

Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi đã sử dụng một tâm trạng rất bình hòa và mạch lạc để tạo ra sức mạnh của cơn bão tuyết, với những thay đổi tinh tế về màu sắc và độ sáng - tối. Hơn nữa, nếu độ tương phản giữa màu sắc và độ sáng - tối không được kiểm soát tốt và bị nhấn mạnh quá mức, hậu cảnh và tuyết sẽ chiếm phần khuôn mặt của nhân vật chính. Vậy làm thế nào để vừa duy trì độ tương phản giữa màu sắc và độ sáng - tối, vừa giảm nó xuống vị trí thứ yếu? Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những thay đổi tinh tế về độ sáng - tối và màu sắc. Thông qua trạng thái tĩnh để vẽ trạng thái động không phải là việc dễ dàng, vì khi làm theo từng bước một sẽ quên đi động thái của tổng thể, để duy trì động thái và vẽ với tâm thái thật bình hòa thì cần phải có năng lực tự chủ mạnh mẽ.

Tương tự, việc khắc họa khuôn mặt cũng như những thay đổi về tính hư - thực của đường viền rõ ràng không phải là điều tôi có thể thể hiện trước đây, vốn đòi hỏi sự quan sát tĩnh lặng cũng như sự thể hiện tinh tế có chừng mực. Hơn nữa, nếu không biết mình cần thể hiện điều gì, không biết thế nào là đẹp, là thiện chân chính thì thể hiện cũng không được tốt, vì đây là điều không thể chỉ dựa vào kỹ thuật liền có thể đạt được.

“Ánh mắt chưa đủ thiện”

Tôi nhớ có một dịp đặc biệt, tôi rất vinh dự khi được trình bày bức tranh này cho Sư phụ của tôi, mong Ngài bình xét và chỉ dẫn cho tôi. Sau khi xem bức tranh, Ngài nói: “Ánh mắt vẫn chưa đủ thiện”.

Lúc đó, tôi không hiểu ánh mắt như thế nào là ánh mắt thiện. Tôi đã mời Leon đến nhà, vẽ đôi mắt của ông ấy trong bốn tiếng đồng hồ. Qua trò chuyện với ông ấy, tôi mới biết ông ấy là người rất giản dị, chỉ trong một thời gian trò chuyện ngắn, ông ấy đã kể cho tôi nghe mọi chuyện về cuộc sống và gia đình của ông ấy. Đôi mắt của ông ấy trong suốt và thuần tịnh, giống như ánh mắt của một đứa trẻ, không có chút tạp chất nào.

Sau đó tôi mới nhận ra đôi mắt trong bức tranh gốc của tôi rất sáng và có tinh thần, đó là ánh mắt của một anh hùng. Sự khác biệt ở đây là gì?

Một anh hùng cũng có những hành động thiện lương, làm những việc tốt cho người khác. Nhưng anh hùng cũng sẽ thể hiện và chứng minh khả năng bản thân, anh ấy sẽ cạnh tranh để giành chiến thắng trong cuộc sống. Nhưng Leon thì không như vậy, ông ấy không thể hiện bản thân, cũng không cạnh tranh, ông ấy không chứng minh bản thân, cũng không đòi hỏi hay muốn trao đổi bất cứ điều gì.

Với trái tim thiện lương và từ bi của mình, tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người hơn nữa hiểu được những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, để những sinh mạng bị bức hại đó có thể được giải thoát càng sớm càng tốt. Chỉ khi đó tôi mới hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn về sự thiện lương của người tu luyện. Đồng thời, tôi cũng nhìn ra phần bất thuần muốn chứng minh bản thân trong thiện tâm của mình. Khi tôi phát hiện và nỗ lực loại bỏ những yếu tố bất thuần này, nội tâm tôi trở nên thuần tịnh hơn. Chỉ khi đạt đến trạng thái đó tôi mới thể hiện được cái “thiện” không truy cầu và nghĩ cho người khác.

Hình 3: Một phần trong bức tranh “Nhẫn”

Để thể hiện tốt bức tranh này, tôi đã mời ông ấy làm người mẫu thêm hai ngày nữa. Tôi cẩn thận vẽ lại đôi mắt cùng những dấu vết do nắng sương để lại - những nếp nhăn như thật trên khuôn mặt. Trước đây, tôi rất khó bước lên bậc thang thứ mười, nhưng tu luyện đã giúp tôi bước lên bậc thang thứ mười dễ dàng hơn. Qua bức tranh này, tôi có thêm thể hội về việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cảm thấy mình là người may mắn có được đặc ân, đó là được tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Sư phụ không chỉ dạy tôi cách làm người, cách tu luyện, mà còn dạy tôi cách thể hiện trong tranh vẽ.

Suy ngẫm về toàn bộ quá trình tìm kiếm “cái đẹp” của mình, đó là vì tôi đã lệch khỏi các đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ, khiến cho các tế bào vật chất của tôi trở nên lười biếng và không có sự gắn kết, tôi đã mất đi tinh thần tập trung và năng lượng của mình, vì vậy, mới xuất hiện trạng thái không thể bước lên bậc thang thứ mười. Cũng bởi vì chúng ta đã lệch khỏi các đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ, nên chúng ta đã phá vỡ vẻ đẹp hài hòa và thay đổi các khái niệm và tiêu chuẩn cơ bản về “cái đẹp”.

Về mặt hình thức, lựa chọn cách thể hiện mang tính khái niệm, đơn giản, cho rằng đó là tiêu chuẩn mỹ học cao hơn. Về mặt nội dung, thể hiện một cách tùy ý theo tâm trạng của bản thân, như “tan vỡ”, “bông hoa héo tàn”, đây là cách thể hiện thiếu trách nhiệm. Bởi vì tôi chỉ quan tâm đến sự trút bỏ của bản thân, lại không nghĩ rằng mình sẽ mang những vật chất tiêu cực đen tối, biến dị và đồi trụy đến cho khán giả.

Phản bổn quy chân và khôi phục năng lực sáng tác thuở đầu

Ngoài ra, tôi từng nghĩ rằng, việc sáng tạo một phong cách độc đáo là đang thể hiện “cái tôi”. Nhưng trên thực tế, phong cách nào cũng chỉ là hình thức bên ngoài và có thể mô phỏng theo một cách dễ dàng. Một khi một phong cách được thừa nhận thì nó sẽ được nhiều nghệ sĩ mô phỏng theo, nó cũng trở thành bức “chân dung” quần thể và không còn “cái tôi” trong đó nữa.

Tuy nhiên, hội họa tả thực cổ điển chính thống không thể mô phỏng theo một cách dễ dàng, kỹ thuật và cảnh giới tinh thần của họa sĩ đều được thể hiện ngay trong bức tranh. Vì vậy, “cái tôi” không cần phải cố ý thể hiện ra, nó đã có sẵn rồi. Nó chỉ bị bao quanh và che đậy bởi nhiều khái niệm và thói quen hậu thiên. Khi tôi tu luyện và không ngừng loại bỏ những quan niệm và thói quen hậu thiên, tôi phát hiện ra “cái tôi” tiên thiên, nó vẫn ở ngay đó, và đó mới là “cái tôi” thực sự.

Hơn nữa, là một nghệ sĩ, tôi không chỉ thể hiện “cái đẹp” trên tấm vải vẽ, mà còn phải bảo vệ những yếu tố chân chính trong vũ trụ. Ở quê hương tôi, những đồng bào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp giống tôi, đang bị nhốt trong các nhà tù, bệnh viện tâm thần, thậm chí bị tra tấn đến chết. Để chấm dứt cuộc bức hại tàn khốc này, khai sáng và dựng lập một môi trường tươi đẹp - nơi một người bình thường có thể sinh sống. Vì chính những đồng bào đang bị đối xử bất công, tôi đã tham gia sáng tác “Triển lãm Nghệ thuật quốc tế Chân - Thiện - Nhẫn”.

Trong quá trình đó, tôi phát hiện ra một bí mật: khi “cái tôi” bị giới hạn trong phạm vi cá nhân, nó giống như một bông hoa tự cho mình là thanh cao, kết thúc cuộc đời của mình trong khi tự sinh tự diệt. Tuy nhiên, khi một cái tôi nhỏ được dung hòa vào cái tôi lớn, khi nó cống hiến chút năng lực ít ỏi của mình để viết nên một chương mới trong lịch sử, thì giá trị của cái tôi nhỏ đó sẽ được thăng hoa và thể hiện ra một cách chân thực. Và khi “cái đẹp” phù hợp với các đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ, thì có thể được bảo tồn trong vũ trụ, nghĩa là nó đã đạt được sự “vĩnh hằng” tương đối.

Hình 4: Bức tranh “Tại sao”; tác giả: Uông Vệ Tinh; thể loại: tranh sơn dầu; chất liệu: canvas; kích thước: 52 x 68,5 inch.

Từ trong quá trình tìm kiếm “cái đẹp” và “cái tôi”, có thể thấy được mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và tu luyện nhân thể. Chính “Pháp Luân Đại Pháp” đã mở ra con đường để tôi có thể tìm thấy “cái đẹp” và “cái tôi”, khiến tôi nhận ra ý nghĩa của việc tu luyện, giúp tôi “phản bổn quy chân” và khôi phục năng lực sáng tác nghệ thuật thuở đầu của mình. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi tràn đầy sự tin tưởng vào lịch sử nghệ thuật - “phản bổn quy chân” của các nghệ sĩ trong quần thể chắc chắn sẽ đưa lịch sử nghệ thuật quay trở về thời kỳ hoàng kim từng có trước đây, thậm chí vượt qua thời kỳ đó và đạt được sự huy hoàng lớn hơn nữa!

Uông Vệ Tinh - Tân Kỷ Nguyên
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (5) - Tu luyện nhân thể và nghệ thuật