Người bán, người mua online hoang mang khi các đơn vị giao hàng ngừng nhận đơn ngày cận Tết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ shop và khách hàng "khóc ròng" khi các đơn vị vận chuyển ngừng nhận đơn trước dịp Tết Nguyên Đán. Đặc biệt những đơn đã gửi đi nhưng bị kẹt ở một kho trung gian nào đó và có thể sau tết mới đến tay khách hàng.

Trên MXH gần đây, nhiều chủ shop online “kêu trời” vì đơn hàng đã giao cho đơn vị vận chuyển 8-10 ngày nhưng khách hàng vẫn chưa nhận được.

Người bán khổ sở vì shipper đình công

"Các đơn vị giao hàng nay nghỉ Tết sớm do shipper đình công, seller (người bán) tụi em không biết ăn nói với khách như thế nào luôn. Năm nay bên giao hàng nghỉ sớm hơn mọi năm, tụi em cũng không ngờ nên mong được quý khách hàng thông cảm", Ngọc Thảo, một chủ shop thời trang online, đăng bài lên trang cá nhân để thông báo tới khách hàng.

Cô là một trong rất nhiều chủ shop đang hoang mang trước thông tin shipper các đơn vị vận chuyển đồng loạt đình công. Ngày 29/1, trên các diễn đàn, nhiều người cùng chia sẻ nỗi lo "vỡ trận" giao hàng những ngày cận Tết.

“Cuối năm là thời điểm có nhiều đơn nhất nhưng đơn vị giao hàng làm ăn như vậy, chúng tôi không biết sống như thế nào”, một chủ shop khác bày tỏ.

Người bán - người mua đặc biệt lo lắng khi các đơn hàng thực phẩm, đồ tươi sống, hàng phục vụ nhu cầu ngày Tết bị giao chậm sẽ bị hư hỏng hoặc không thể dùng vào các dịp khác.

Theo chia sẻ của một số chủ shop thời trang, đồ gia dụng trên các diễn đàn, họ không được thông báo trước về việc đình công của shipper. Họ cũng không thể liên hệ được với tổng đài hay ứng dụng của các đơn vị vận chuyển. Họ phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho, khách hàng than phiền, hủy đơn, đòi bồi thường hay mất uy tín.

Một số người bán cho biết, năm nay các đơn vị vận chuyển nghỉ Tết sớm hơn mọi năm. Các năm trước, họ vẫn nhận đơn đến 23/12 âm lịch, nhưng năm nay chỉ nhận đến 17 Tết. Nhiều đơn hàng đã gửi trước đó cũng bị ngâm kho 5-7 ngày không giao. Họ không biết giải thích sao với khách hàng, mong được sự thông cảm của họ.

Chiều 29/1, khi đang làm việc, Kiều Anh (sống tại TP. HCM) được bạn trai gửi đoạn clip liên quan đến việc nhân viên một đơn vị giao hàng ngừng hoạt động. Cả hai đều sốt sắng xem vì bạn trai còn một đơn hàng là chiếc áo do đơn vị này vận chuyển, hơn một tuần chưa về đến tay.

“Trên hệ thống, chiếc áo vẫn đang lưu ở kho. Xem tin tức xong, chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần là không biết bao giờ nhận được hàng”, Kiều Anh bày tỏ.

Trước thông tin nhiều đơn vị vận chuyển đồng loạt ngừng nhận đơn hàng do quá tải dịp cận Tết, Kiều Anh lo lắng vì cô còn nhiều quần áo cần đặt để diện vào dịp năm mới này.

Một số người cho biết, họ đã nhận được thông báo từ app rằng hàng đang trên đường giao nhưng hai ngày vẫn chưa thấy shipper liên hệ.

Trong thời đại mua sắm trực tuyến lên ngôi, shipper quá tải là "ác mộng" của người dùng. Chia sẻ tâm trạng với Kiều Anh là rất nhiều người mua hàng online khác, đặc biệt những người ở nơi không có điều kiện mua sắm trực tiếp, hoặc những người vừa nhận thưởng Tết và chỉ vừa bắt đầu sắm Tết.

Phạm Trang (quê Lâm Đồng) cũng hốt hoảng khi thấy thông tin việc giao hàng bị đình trệ. Cô vội vàng lên check tình trạng 4 đơn hàng của mình trên các sàn thương mại điện tử.

“Tôi thở phào khi thấy 3/4 đơn hàng đã nằm ở kho tại quê, nhưng chưa biết bao giờ nhận được. Còn một đơn tối qua mới đặt, là chiếc áo hoodie. Thấy tình hình như vậy, tôi khá lo”, Trang nói.

Sốt ruột chờ shipper gọi điện cũng là tâm trạng của Cao Quân (22 tuổi, hiện sống ở Hà Nội) mấy ngày nay. Vừa đi học, đi làm, Quân vừa thấp thỏm mong ngóng các đơn hàng Tết đã đặt cách đây gần 2 tuần.

Ngày 7/2 (28 Tết), Quân sẽ lên xe về quê. Thay vì mong đợi ngày về, Quân lại phải đếm ngược những ngày sẽ nhận được đơn hàng đã đặt.

Phải tự tìm cách xoay sở

Hiện tại, với những đơn hàng chưa gửi, một chủ shop chuyển sang gửi xe khách hoặc ship hỏa tốc cho đơn tỉnh, ship xe ôm công nghệ với đơn nội thành và không nhận đơn COD (trả tiền khi nhận hàng).

Một chủ shop đồ gia dụng và quần áo, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sáng nay, có thêm khoảng 4 đơn khách đặt, chị buộc phải sử dụng dịch vụ vận chuyển của bưu điện gần nhà. Tuy nhiên, chủ shop cũng không tránh khỏi “hốt hoảng” khi nhìn giá vận chuyển đơn hàng từ Hà Nội vào Tây Ninh, lên đến 106.000 đồng. Chưa kể, thời gian giao hàng lâu gấp 2-3 lần thông thường.

“Bốn đơn hàng mà hết hơn 300.000 đồng tiền vận chuyển. Báo giá như vậy, chắc không có khách dám đặt hàng bên mình nữa hoặc nếu đặt rồi, họ cũng dễ hủy đơn”, chủ shop chia sẻ trên trang cá nhân.

Nhiều khách hàng cũng "khao khát" được nhận đơn trước tết

Nguyễn Phương, nhân viên tại một shop thời trang ở Hà Nội cho biết, gian hàng trên mạng xã hội của cửa hàng cô cũng đang gặp tình trạng tương tự, khi đơn hàng đã gửi đi khá lâu vẫn chưa giao tới tay khách.

Phương cho biết thời gian gần đây, khi bán qua mạng xã hội đang thịnh hành, shop thường xuyên bị hoàn hàng với lý do từ shipper là “không gọi được cho khách”, “khách bom hàng”. Nhưng sau đó khách không nhận được hàng và phản ánh lại là không hề có cuộc gọi nào từ shipper.

Phía một đơn vị giao hàng đã có phản hồi với báo chí rằng, do lượng hàng thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành, nên họ buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ. Họ cam kết sẽ nỗ lực hết sức để xử lý đơn hàng và chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng.

Việt Nam Xã hội

Người bán, người mua online hoang mang khi các đơn vị giao hàng ngừng nhận đơn ngày cận Tết