Siro cây Phong có phải một loại đường lành mạnh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài viết này, chúng ta sẽ khám phá các loại đường cũng như những chất tạo ngọt tốt và xấu, khám phá những kết quả không thể ngờ tới khi cắt giảm đường và tìm ra phương pháp tối ưu để đạt được điều đó.

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 6)

Không thể phủ nhận siro cây Phong có vị ngon và ngọt. Có lẽ, bạn cũng giống như nhân vật Ross trong series phim "Friends", thường thấy bản thân say sưa, mê mẩn hộp kẹo cây Phong. Và nếu không phải vậy, thì đừng bắt đầu, vì đó là một ý tưởng tồi. Khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, siro cây Phong thực sự tốt cho sức khỏe hơn đường tinh luyện.

Một số người, thậm chí còn có thể coi siro cây Phong là một siêu thực phẩm.

Navindra Seeram, giáo sư và trưởng khoa Khoa học Y sinh và Dược phẩm của Trường Dược, Đại học Rhode Island, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times: “Nếu bạn bị mắc kẹt trên một đảo hoang và chỉ có thể mang theo một loại thực phẩm thì siro cây Phong chính là thức ăn dành cho bạn”.

Siro cây Phong được sản xuất như thế nào?

Siro cây Phong là chất tạo ngọt tự nhiên, chiết xuất từ nhựa cây Phong, được thu thập và cô đặc mà không cần thêm bất kỳ hóa chất nào. Phương pháp thu thập nhựa cây Phong và làm siro đã được người Mỹ bản địa giới thiệu cho những người đầu tiên định cư ở Bắc Mỹ. Cần khoảng 40 lít nhựa cây để tạo ra 1 lít siro cây Phong.

Việc thu thập nhựa cây để làm siro cây Phong cơ bản là bắt đầu vào cuối đông hoặc đầu xuân, thường từ tháng 2 đến tháng 3 và chỉ kéo dài trong vài tuần lễ. cây Phong tích lũy tinh bột trong quá trình sinh trưởng, tinh bột này sẽ được chuyển hóa thành đường trong mùa xuân khi băng tan. Đường này sau đó trộn với nước, do rễ cây hấp thụ, tạo thành nhựa phong. Khi áp suất thay đổi do nhiệt độ tăng lên và đất tan băng, người ta khoan các lỗ vào thân cây, lắp vào đó các đoạn ống làm thành vòi cho nhựa chảy ra từ thân cây.

Siro cây Phong có thể thay đổi đáng kể tùy theo từng vùng và từ cây này sang cây khác. Điều thú vị là các đặc tính của siro cây Phong liên tục biến đổi trong suốt mùa thu hoạch. Đầu mùa, nước siro tương đối trong, có vị ngọt nhẹ. Càng về cuối mùa, siro trở nên sẫm màu hơn và hình thành nhiều hương vị riêng biệt, có cả vị vani, hạt phỉ, hoa và cà phê, và thậm chí có thể có vị cay.

Canada sản xuất khoảng 75% sản lượng siro cây Phong của toàn thế giới và siro của nước này được phân thành hai loại chính: Loại A Canada và Loại Canada Processing. Loại A Canada lại được chia thành bốn loại nhỏ theo màu siro:

  • Vàng: hương vị tinh tế (delicate flavor)
  • Hổ phách: hương vị đậm đà (rich flavor)
  • Màu tối: hương vị mạnh mẽ (robust flavor)
  • Rất đậm: hương vị đậm đặc (strong flavor)

Loại siro Canada Processing không phân loại màu và thường được sử dụng cho các ứng dụng thương mại quy mô lớn.

Khoan lỗ vào thân cây Phong để thu nhựa. (Marc Bruxelle/Shutterstock)

Thành phần của siro cây Phong: Ảnh hưởng tới lượng đường trong máu

Dựa trên dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), đường chiếm khoảng 60% siro cây Phong, trong khi nước chiếm 32%.

Siro cây Phong chứa ba loại đường: sucrose, glucose và fructose. Sucrose là một đường đôi (disaccharide) bao gồm một phân tử glucose và một phân tử fructose, chiếm 98,3% tổng lượng đường trong siro cây Phong, tiếp theo là glucose (1,1%) và fructose (0,6%).

Mặc dù sucrose chiếm phần lớn lượng đường trong siro cây Phong, chỉ số đường huyết (GI) của nó vẫn thấp hơn so với sucrose. Chỉ số này của siro cây Phong là 54 (pdf) còn của sucrose trung bình là 66. Điều này có nghĩa là nếu tiêu thụ một lượng siro cây Phong tương đương với lượng sucrose thì mức tăng đường máu sẽ tương đối nhỏ hơn.

Amy Gonzalez, một chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Siro cây Phong là lựa chọn tốt hơn nhiều so với đường tinh luyện. Nó thực sự ngọt hơn, nên có cái lợi là bạn có thể sử dụng ít hơn”.

Cô ấy giải thích rằng với siro cây Phong, chúng ta có thể giảm bớt lượng sử dụng đi ¼ so với đường thông thường trong nấu ăn. Ví dụ: nếu một công thức nấu ăn yêu cầu 1 cốc đường trắng thì chỉ cần thay bằng 3/4 cốc siro cây Phong là đủ.

Giá trị dinh dưỡng của siro cây Phong

Ngược lại với đường tinh luyện, bao gồm chủ yếu là sucrose, siro cây Phong có chứa hơn 250 các chất khác nhau. Các hợp chất này có thể là tự nhiên từ cây Phong hoặc được hình thành trong quá trình chế biến.

“Nó cũng chứa một hỗn hợp các chất khác” Ông Seeram nói.

Siro cây Phong chứa các oligosaccharide, axit hữu cơ, axit amin, vitamin và các khoáng chất khác nhau. Nó cũng giàu các hợp chất phenolic, với nhiều tác dụng sinh học.

Có hơn 67 gam tinh bột trong 100 gam siro cây Phong. Nó cũng chứa 225 miligam kali; 109 miligam canxi; magie, mangan, kẽm và sắt; và một lượng nhỏ thiamin, riboflavin và niacin.

Lợi ích cho sức khỏe của siro cây Phong

Ông Seeram cho biết trong siro cây Phong có chứa nhiều chất nên chúng ta cần được nghiên cứu và phát triển thêm. Các hợp chất phenolic mang lại nhiều lợi ích, bao gồm các đặc tính chống đột biến, chống gốc tự do, chống oxy hóa, chống viêm, chống tiểu đường và thậm chí chống ung thư.

  1. Chống lại tiểu đường

Lượng đường trong máu tăng lên khi thức ăn được phân hủy và hấp thụ bởi các enzyme. Ức chế các enzyme được coi là một chiến lược quan trọng để điều trị bệnh tiểu đường Loại 2.

Chiết xuất siro cây Phong rất giàu hợp chất phenolic, bao gồm ethyl axetate và butanol, có thể ức chế các enzyme chịu trách nhiệm phân hủy tinh bột thành đường. Các hợp chất này cũng có thể cản trở các enzyme hỗ trợ hấp thu đường ở ruột non, làm chậm lại quá trình tiêu hóa nhanh carbohydrate và ức chế lượng đường trong máu sau bữa ăn.

Axit abscisic (ABA) được tìm thấy trong siro cây Phong được cho là có đặc tính tiềm năng chống lại bệnh tiểu đường. Loại hormone thực vật này có cấu trúc tương đồng với nhóm thuốc chống tiểu đường có tên là thiazolidinediones, và các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường Loại 2 của ABA.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Laval ở Canada cho thấy rằng so với siro gạo lứt, siro ngô và dextrose nguyên chất, lượng đường trong máu biến động ít hơn, đáp ứng tiết insulin tốt hơn khi sử dụng siro cây Phong. Các chỉ số liên quan khác, tương tự, cũng đáp ứng tốt hơn.

So với siro gạo lứt, siro ngô và đường Dextrose nguyên chất, biến động đường huyết sẽ nhỏ hơn khi tiêu thụ siro cây. (The Epoch Times)
  1. Chống oxy hóa và chống viêm

Căng thẳng, chấn thương thể chất, nhiễm virus, tiếp xúc với hóa chất cũng như một số yếu tố khác có thể kích thích tế bào giải phóng các chất độc, bao gồm cả các gốc tự do. Căng thẳng oxy hóa gây ra do có quá nhiều các gốc tự do liên quan đến lão hóa và các bệnh thoái hóa, bao gồm ung thư, bệnh tim, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh tự miễn và chứng mất trí nhớ.

Nghiên cứu đã khẳng định rằng các hợp chất phenolic trong nhựa và siro cây Phong có hoạt tính chống oxy hóa, có khả năng loại bỏ các gốc tự do. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Medicinal Food chỉ ra rằng mặc dù khả năng loại bỏ các gốc tự do của siro cây Phong nguyên chất thấp hơn so với nước ép quả Việt quất (Blueberry) nhưng có thể so sánh với nước ép cam và dâu tây. Ngoài ra, loại siro có màu sẫm hơn sẽ có hoạt tính chống oxy hóa nổi bật hơn nhờ có hàm lượng phenolic cao hơn.

  1. Chống ung thư và chống đột biến

Siro cây Phong chứa nhiều hợp chất phenolic khác nhau, bao gồm kaempferol, luteolin, quercetin, myricetin và catechin, đều có đặc tính chống khối u và chống đột biến mạnh.

Nó có thể ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư khác nhau, bao gồm tuyến tiền liệt, phổi, vú và đại trực tràng. Điều đáng chú ý là trong các thí nghiệm, siro cây Phong đặc biệt nhắm vào các tế bào ung thư đang phát triển nhanh chóng trong khi không ảnh hưởng tới các tế bào bình thường.

Chiết xuất siro cây Phong cũng bảo vệ tế bào và có thể chống lại tác động gây đột biến của các hóa chất độc hại.

  1. Hợp chất phenolic độc đáo: Quebecol

Quebecol là một hợp chất hóa học độc đáo phát hiện thấy trong siro cây Phong mấy năm gần đây, và được cho là có đặc tính chống viêm. Điều thú vị là nó không tồn tại tự nhiên trong nhựa cây Phong mà chỉ được tìm thấy với số lượng nhỏ trong siro. Normand Voyer, giáo sư khoa hóa của Đại học Laval, nói với The Epoch Times: “Hóa chất này được tạo ra trong quá trình biến đổi nhựa cây Phong thành siro, đòi hỏi phải đun nóng, đun sôi và bay hơi nhiều”. Ông và các đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp tổng hợp quebecol. Nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới hiện đang nghiên cứu chất này.

Ông Voyer cho biết: “Nguồn cảm hứng đến từ thiên nhiên”, và lưu ý rằng thiên nhiên cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều loại thuốc khác trên thị trường. "Thiên nhiên phục vụ chúng ta bằng việc mang lại các cấu trúc hóa học đẹp đẽ và các hợp chất tự nhiên độc đáo".

Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, quebecol đã cho thấy tiềm năng đáng kể để điều trị các bệnh viêm nhiễm. Ví dụ, nó đã được chứng minh là có tác dụng tích cực đến các tình trạng như bệnh nha chubệnh vẩy nến.

Lựa chọn siro cây Phong như thế nào?

Trước khi sử dụng siro cây Phong thay thế cho đường tinh luyện trong chế độ ăn, điều quan trọng là phải đọc kỹ nhãn mác và hướng dẫn sử dụng.

Một số sản phẩm siro cây Phong thực chất có thể là siro ngô có hàm lượng fructose cao được thêm vào hương vị cây Phong, với chỉ số GI lên tới 68, cao hơn nhiều so với siro cây Phong nguyên chất. Sử dụng lượng đường nhân tạo lớn trong thời gian dài có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa như kháng insulin, tích tụ mỡ bụng và lipid máu cao.

Nên xem nhãn thành phần và chọn những loại là siro cây Phong thật 100%.

Ngoài ra, khi chọn siro cây Phong, hãy chọn những loại có màu sẫm hơn vì chúng có chứa nhiều hợp chất phenolic hơn.

Mặc dù nó có những lợi ích, chú ý không nên ăn quá nhiều siro cây Phong.

Ông Seeram nói: “Đầu tiên và quan trọng nhất, nó thực sự là một chất tạo ngọt. Bạn không nên sử dụng bất kỳ chất tạo ngọt nào với lượng lớn”.

"Tôi có tin rằng đó là chất tạo ngọt thay thế hay chất làm ngọt thông minh hơn [so với] đường chưa tinh chế không? Câu trả lời là có" nhưng ông nói thêm, "bạn nên nhấp từng ngụm chứ không nên uống ừng ực".

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020–2025 (pdf), của USDA, khuyến nghị hạn chế tiêu thụ đường tự do ở mức dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày. Đối với những người cần 2.000 calo mỗi ngày, giới hạn tối đa của lượng đường tự do có thể sử dụng là 200 calo. Lấy ví dụ, 60 ml (khoảng 1/4 cốc hoặc 4 thìa canh) siro cây Phong cung cấp 270 calo.

Chính phủ Anh tiến thêm một bước xa hơn trong khuyến nghị của mình, gợi ý nên giới hạn lượng calo từ đường tự do ở mức dưới 5%. Điều này có nghĩa là đối với người lớn, tổng lượng đường tự do hấp thụ hàng ngày không được vượt quá 30 gam, tương đương với ít hơn 40 ml siro cây Phong (1 thìa canh bằng 15 ml).

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 1)

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 2)

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 3)

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 4)

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 5)

Tiếp theo: Khi nói đến đường tự nhiên mà tốt cho sức khỏe, nhiều người thường nghĩ ngay tới đường dừa. Đáng chú ý, đường dừa có vô số lợi ích sức khỏe mà còn chưa được biết đến rộng rãi.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Flora Zhao

Flora Zhao là cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, chuyên viết về bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác. Trước đây, cô là biên tập viên cho các tạp chí khoa học xã hội.



BÀI CHỌN LỌC

Siro cây Phong có phải một loại đường lành mạnh?