Một chất tạo ngọt tự nhiên có khả năng chống lại COVID, Tiểu đường và Ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài viết này, chúng ta sẽ khám phá các loại đường cũng như những chất tạo ngọt tốt và xấu, khám phá những kết quả không thể ngờ tới khi cắt giảm đường và tìm ra phương pháp tối ưu để đạt được điều đó.

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 3)

Một ích lợi nổi bật của chất tạo ngọt từ quả La hán là khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Thật thú vị là nó cũng thể hiện tiềm năng kháng virus chống lại Covid-19.

Tiếp bước theo Cỏ ngọt, quả La hán đã thu hút được sự chú ý rộng rãi như là một chất tạo ngọt tự nhiên. Một lợi ích đáng kể của nó là có thể kiểm soát lượng đường và lipid trong máu. Đồng thời cũng có thể kháng virus, chống lại COVID-19, thậm chí, có đặc tính chống ung thư.

Quả La hán có hình dáng bên ngoài giống một quả dưa nhỏ. Người Trung Quốc cổ đại đã sử dụng nó trong nhiều thế kỷ như là một chất tạo ngọt tự nhiên và thuốc y học cổ truyền.

Theo một bài đánh giá trên tạp chí Frontiers in Pharmacology, quả La hán có chứa nhiều hợp chất dinh dưỡng khác nhau, bao gồm mogrosides, vitamin C, các nguyên tố vi lượng, axit linoleic và các axit béo không bão hòa khác.

"Quả La hán thực sự có chứa đường tự nhiên. Chủ yếu là fructose và glucose. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các loại trái cây khác, đường tự nhiên của quả La hán không thực sự tạo ra vị ngọt. Thay vào đó, một nhóm hợp chất có tên là mogrosides lại mang lại vị ngọt đậm”, Taylor Wallace, phó giáo sư tại Trường Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman thuộc Đại học Tufts và là Giám đốc điều hành của Think Healthy Group LLC, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Ông Wallace cho biết: “Các mogrosides thu được từ quả La hán thông qua chiết xuất và chế biến, không nhất thiết có lẫn fructose hoặc glucose. Vì vậy, chúng là những hợp chất rất giống với những gì có trong các chất tạo ngọt cường độ cao khác”.

Mogrosides ngọt hơn sucrose từ 200 đến 350 lần, chủ yếu chất tạo ngọt trong quả La hán có gốc từ mogrosides. Theo một đánh giá được công bố trên tạp chí Molecules, các mogrosides chiếm khoảng 1,2% trọng lượng quả tươi và 3,8% bột La hán khô.

Nate Yates, phó chủ tịch Diễn đàn giảm đường Toàn cầu tại Ingredion Inc., nói với The Epoch Times: “Mogrosides, dưới góc độ là một chất tạo ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật, là một chuỗi các phân tử và chúng có mùi vị khác nhau”.

Theo đánh giá của tạp chí Molecules, Mogrosides V là chất có thành phần lớn nhất, do đó quả La hán chín đặc biệt ngọt là nhờ có hàm lượng cao của chất này.

Ông Yates cho biết: “Sau khi tiến hành chiết xuất và tinh chế thêm, hương vị trở nên tinh khiết và dễ chịu hơn”.

Chất tạo ngọt từ quả La hán có tác dụng chống lại bệnh Tiểu đường

Cũng giống như cỏ ngọt, đường từ quả La hán là chất tạo ngọt không chứa calo. Vị ngọt của nó được mô tả là tương tự với đường mía, vốn có hàm lượng calo cao.

Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng do Tạp chí International Journal of Obesity công bố năm 2017, 30 nam giới khỏe mạnh được yêu cầu ăn một bữa sáng tiêu chuẩn, và trước bữa trưa một giờ đồng hồ, họ được cung cấp đồ uống có chứa chất tạo ngọt làm từ sucrose, aspartame, cỏ ngọt hoặc quả la hán. Sau đó, họ tự chọn bữa trưa từ một số bữa ăn được cung cấp sẵn, bữa tối cũng được ghi lại. Các xét nghiệm máu và xét nghiệm đo sự thèm ăn được tiến hành tại nhiều thời điểm khác nhau trong suốt quá trình thử nghiệm.

Kết quả cho thấy những người tiêu thụ đồ uống chứa sucrose có lượng đường trong máu và insulin tăng cao trong vòng một giờ trước bữa ăn, còn những người tiêu thụ đồ uống có chứa một trong những chất làm ngọt khác, bao gồm cả quả La hán, thì không thấy tăng.

Sử dụng chất tạo ngọt từ quả La hán một giờ trước bữa ăn không làm tăng mức glucose máu (The Epoch Times)

Sau khi tiếp tục theo dõi, các nhà nghiên cứu kết luận rằng so với sucrose, các chất làm ngọt tự nhiên, bao gồm cả quả La hán, có tác động hầu như không đáng kể đến lượng đường trong máu sau bữa ăn, sự tác động tới tiết insulin cũng có kết quả tương tự.

Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây, do các nhà nghiên cứu Canada thực hiện, cho thấy rằng tính trong thời gian ngắn hạn, cũng giống như nước, các đồ uống chứa chất tạo ngọt tự nhiên hoặc nhân tạo không chứa calo sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và chức năng nội tiết.

Không giống như với cỏ ngọt, hiện tại chỉ có rất ít nghiên cứu về chất tạo ngọt từ quả La hán được tiến hành trên người. Tuy nhiên, nhiều mô hình tế bào và thí nghiệm trên động vật đã chỉ ra rằng mogrosides mang lại nhiều tác dụng có lợi khác nhau cho cả bệnh tiểu đường Loại 1 và Loại 2, theo một đánh giá được công bố trên tạp chí Foods.

Mogrosides đã được chứng minh là có tác dụng điều tiết các kháng nguyên của lympho bào ở chuột mắc bệnh tiểu đường Loại 1, và cũng có cả tác dụng điều trị triệu chứng. Theo tạp chí Frontiers in Pharmacology, chiết xuất từ quả La hán cũng có thể làm giảm nhẹ và sửa chữa những tổn thương ở tế bào beta tuyến tụy, thúc đẩy bài tiết insulin.

Theo đánh giá của tạp chí Molecules, các mogrosides đã được thấy là có hiệu quả làm giảm lượng đường và lipid trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường Loại 2. Trong một nghiên cứu, người ta cho chuột mắc bệnh tiểu đường sử dụng chiết xuất quả La hán hoặc mogrosides, kết quả, lượng đường trong máu lúc đói, protein glycate hóa trong huyết thanh và tình trạng kháng insulin đã giảm đáng kể. Việc điều trị cũng giúp giảm cholesterol LDL và tăng cholesterol HDL. Ngoài ra, theo tạp chí Frontiers in Pharmacology, mogrosides có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh thận do tiểu đường.

Đồ uống, được làm từ bột và nước của trái cây này, đã được cấp bằng sáng chế tại Trung Quốc. Một bài đánh giá công bố trên tạp chí Frontiers in Pharmacology cho rằng những đồ uống đó thích hợp để sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường.

Hơn nữa, theo tạp chí Foods, các hợp chất flavonoid có trong quả La hán có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và bảo vệ tuyến tụy, trong khi các chất polysaccharides lại có thể cải thiện tình trạng rối loạn lipid và giảm lượng đường trong huyết tương.

Lợi ích tiềm tàng chống lại COVID-19 của quả La hán

Quả La hán, từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) để điều trị ho, đau họng, viêm phế quản và hen suyễn. Theo đánh giá của tạp chí Frontiers in Pharmacology, các ghi chép về hiệu quả của nó trong việc làm giảm đờm, giảm đau, thanh nhiệt và giữ ẩm cho phổi — đây là một số thuật ngữ Y học cổ truyền TCM — có thể được truy nguyên ngược về thời gian 2.000 năm trước.

Jonathan Liu, giáo sư y học Trung Quốc tại Đại học Georgian và giám đốc Trung tâm Liu’s Wisdom Healing Centre ở Canada, nói với The Epoch Times “Đặc biệt, trong mùa hè, nên sử dụng quả La hán khi gặp các triệu chứng như đau họng, khó chịu ở cổ họng hoặc ho”.

Một nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Endocrinology vào năm 2022 đã chứng minh rằng mogroside V có thể nhắm tới nhiều vị trí của COVID-19 một cách hiệu quả, nó có khả năng hỗ trợ điều trị cho những người bị nhiễm vi rút.

Mogrosides cũng có thể ức chế sự giải phóng các yếu tố viêm, ức chế và giảm xơ phổi một cách hiệu quả.

Theo đánh giá của Molecules, rất nhiều nghiên cứu tiến hành trên động vật đã chứng minh rằng chiết xuất quả La hán có thể ức chế ho và tăng tiết đờm rất hiệu quả. Nó cũng có đặc tính chống viêm và có thể kiểm soát bệnh hen suyễn. Ngoài ra, các mogrosides còn thể hiện tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương phổi cấp tính.

Các đặc tính Chống ung thư, Chống viêm và Chống oxy hóa

Mogrosides thể hiện đặc tính chống ung thư

Các mogrosides thể hiện hoạt động chống ung thư, được chứng minh bởi nhiều thí nghiệm khác nhau. Theo một đánh giá trên tạp chí Foods, chúng có thể ức chế sự phát tán và xâm lấn của tế bào ung thư phổi, gây ra hiện tượng tế bào chết theo chương trình, ngăn cản sự phát triển của các tế bào ung thư đại trực tràng và thanh quản.

Hơn nữa, mogrosides còn có thể làm rối loạn chu kỳ phân bào của tế bào ung thư tuyến tụy và gây chết tế bào. Theo đánh giá của tạp chí Frontiers in Pharmacology, chiết xuất quả La hán cũng được phát hiện là có tác dụng ức chế ung thư gan.

Ngoài ra, một bài báo đăng trên Cancer Letters đề cập rằng mogrosides có thể giúp ức chế độc tính của các chất gây ung thư. Lấy ví dụ, chúng có thể giúp ngăn ngừa ung thư da do tiếp xúc với một số hóa chất cụ thể, theo một bài bình luận được công bố trên tạp chí Future Medicinal Chemistry.

Các nghiên cứu trên động vật được đề cập trong một bài báo trên tạp chí Cancer Letters đã chỉ ra rằng các hóa chất thực vật (phytochemicals) trong quả La hán, thậm chí, có thể trực tiếp tiêu diệt các tế bào khối u.

Quả La hán có lợi cho não bộ và hệ thần kinh

Theo đánh giá của tạp chí Molecules, các mogrosides có thể làm giảm tình trạng viêm thần kinh trong não và giúp kiểm soát bệnh Alzheimer. Chúng cũng có thể giảm nhẹ tình trạng suy giảm trí nhớ và ngăn ngừa sự tự hủy của các tế bào vùng Dưới đồi (Hippocampus).

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật được trình bày trong bài đánh giá của tạp chí Foods đề cập ở trên, đã chỉ ra rằng các mogrosides có thể cải thiện một cách hiệu quả các hành vi tâm thần phân liệt ở chuột cũng như điều chỉnh lại sự suy giảm vĩnh viễn một phần của hệ thần kinh.

Quả La hán hoạt động như một chất chống oxy hóa

Một bài đánh giá trên tạp chí Molecules cho biết rằng các mogrosides là chất chống oxy hóa, chúng loại bỏ các gốc oxy hóa hoạt động (ROS), bảo vệ tế bào. Chúng cũng có thể ức chế tổn thương oxy hóa của DNA, qua đó làm chậm lại quá trình lão hóa.

Ngoài ra, các mogrosides cũng cho thấy có tác dụng bảo vệ đáng kể chống lại tổn thương mô do vận động thể dục, bao gồm cả tổn thương cơ tim. Bài đánh giá trên tạp chí Foods cho thấy, các mongrosides cũng có thể cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bằng cách ngăn ngừa mỡ tích tụ trong gan và ức chế quá trình peroxide hóa chất béo.

Ngoài ra, các flavonoids và polysaccharides có trong quả La hán cũng có hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ.

Ai cần tránh sử dụng quả La hán

Ông Wallace nói: “Chất tạo ngọt từ quả La hán có vẻ khá an toàn, mặc dù được chiết xuất nhân tạo”.

Theo công bố của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, chiết xuất quả La hán được phân loại là an toàn (Generally Recognized as Safe - GRS). Tuy nhiên, chưa có qui định cụ thể về lượng tiêu thụ hàng ngày, điều này cũng có thể hiểu được, bởi vì bằng chứng về giới hạn an toàn đã biết của nó, cao hơn nhiều so với mức người ta cần sử dụng trong thực phẩm.

Theo Y học cổ truyền Trung Hoa (TCM), quả La hán có tính hàn nhẹ và có rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, ông Liu khuyên rằng những người thuộc tính hàn, chẳng hạn như những người thường xuyên đi phân lỏng, có lưỡi to, nhạt màu hoặc có vết răng hằn rõ ở viền lưỡi, nên tránh dùng quả La hán.

Ngoài ra, quả La hán thuộc họ Cucurbitaceae, bao gồm các loại cây phổ biến như dưa chuột, bí ngòi, bí đỏ, dưa. Vì vậy, người dị ứng với những loại quả trên cũng sẽ dễ bị dị ứng với quả La hán hơn.

Lựa chọn chất tạo ngọt từ quả La hán: Những cân nhắc và thách thức

Quả La hán có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng trồng loại quả này có thể gặp nhiều khó khăn. Nó có tỷ lệ nảy mầm thấp và đòi hỏi điều kiện môi trường đặc biệt để có thể tăng trưởng thành công.

Quả tươi cũng khó bảo quản và hiếm khi thấy có trên thị trường. Tuy nhiên, có thể tìm được quả khô trong một số cửa hàng tạp hóa châu Á, cửa hàng thảo dược Trung Hoa và trên mạng.

Phương pháp làm khô truyền thống là sấy bằng không khí nóng ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nổi lên phương pháp sấy lạnh, giúp lưu giữ được nồng độ cao hơn các hợp chất có lợi, đặc biệt là các mogrosides.

Vì có độ ngọt cao, chất tạo ngọt từ quả La hán dạng bột trong các siêu thị thường là đã được trộn lẫn với các chất khác như erythritol, và một số sản phẩm thậm chí có thể chứa sucrose. Quả La hán có thể chỉ chiếm khoảng 1% thành phần của các sản phẩm này.

Quả La hán sấy khô là thức uống ngọt, tốt cho sức khỏe (gnepphoto/Shutterstock)

Làm siro và trà La hán tại nhà

Bạn cũng có thể thử tự làm siro La hán từ quả khô.

  • Loại bỏ vỏ, lấy phần thịt quả và hạt đem ngâm trong nước nóng 90°C trong 30 phút với tỷ lệ 1 gam trái cây khô với 15ml nước, qui trình này đã được mô tả trong bài đánh giá của tạp chí Foods. Sau đó, lọc lấy nước trong và bảo quản để sử dụng dần.
  • Sau đó, lại có thể đổ thêm nước nóng vào tiếp tục ngâm quả và hạt, nhưng nhớ kéo dài thời gian cho những lần ngâm tiếp theo.
  • Đun sôi để cô đặc dung dịch ngâm, ta sẽ thu được siro quả La hán.

Một cách sử dụng đơn giản khác là thêm quả La hán vào trà khi pha, tạo vị ngọt cho trà và có được thêm những lợi ích khác từ các hợp chất của loại quả này.

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 1): Đường làm bộ não thay đổi như thế nào?

Hướng dẫn tối ưu để loại bỏ đường (phần 2): Cỏ ngọt: Sản phẩm tạo ngọt thông dụng có thể làm giảm đường huyết và kháng bệnh Tiểu đường

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Flora Zhao

Tiếp theo: Đây là loại đường phổ biến và gây tranh cãi nhất.



BÀI CHỌN LỌC

Một chất tạo ngọt tự nhiên có khả năng chống lại COVID, Tiểu đường và Ung thư