Răng khôn nên nhổ hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Răng khôn là răng mọc cuối cùng của mỗi bên hàm, còn gọi là răng số 8. Chúng thường mọc vào đầu tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn phát triển trí tuệ của cá nhân, có thể tự nhận thức mọi thứ, nên được gọi là “răng khôn”.

Mọc răng khôn không đồng nghĩa với thông minh hơn

Thực ra, sự tồn tại của răng khôn không liên quan trực tiếp đến mức độ thông minh của một người.

Vào thời kỳ tiền sử, điều kiện ăn uống thô sơ đòi hỏi con người phải có khả năng nhai mạnh, và răng khôn có thể phát huy tác dụng nhất định.

Trong thời hiện đại, chức năng của răng khôn dần giảm đi, sự thu hẹp tương đối của xương hàm làm không gian mọc răng khôn bị hạn chế.

Tình trạng mọc răng khôn khác nhau ở mỗi người. Có người răng mọc bình thường, trong khi một số người sẽ gặp phải các biến chứng, chẳng hạn như mọc ngầm, chen chúc… dẫn đến viêm nhiễm, đau đớn, gây khó khăn khi nhai.

Trong trường hợp viêm nhiễm kéo dài, nếu không khám hay can thiệp kịp thời, nó có thể phá huỷ xương xung quanh chiếc răng này, tệ hơn là dễ làm xô cả hàm răng còn lại.

Một số người mọc răng khôn ở tuổi dậy thì, người khác lại không có dấu hiệu mọc răng khôn cho đến khi trưởng thành hoặc lớn tuổi, thậm chí một vài người không có răng khôn.

Nên nhổ răng khôn hay không?

Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc.

Chuyên gia sức khoẻ giải thích: "Răng khôn bị viêm gây ra nhiều phiền toái: Răng khôn có thể tự rụng, hoặc mọc ngầm, làm hỏng răng lân cận; hoặc thỉnh thoảng ‘nhắc nhở’ sự hiện diện của nó bằng cách khiến bạn đau nhức; thậm chí có thể gây viêm nhiễm các răng xung quanh khiến bạn đau đớn. Điều đáng sợ nhất là nó có thể phát triển thành u nang, để lại hậu quả rất nghiêm trọng!"

Điều kiện để nhổ răng khôn thường là do vị trí mọc của răng không thuận lợi, răng mọc quá sâu trong hàm khi xương hàm đã hết chỗ, gây cản trở cho việc vệ sinh, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn, làm tăng nguy cơ viêm nướu và sâu răng.

Nói chung, bác sĩ sẽ khuyên bạn nhổ răng khôn nếu thuộc vào những trường hợp dưới đây:

  • Răng mọc gây các biến chứng đau, u nang, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến các răng lân cận;
  • Răng chưa gây biến chứng nhưng có khe giắt thức ăn giữa răng khôn và răng bên cạnh, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh.
  • Răng mọc thẳng, đủ chỗ, không bị xương và nướu cản trở nhưng không có răng đối diện ăn khớp, khiến răng khôn trồi dài tới hàm đối diện, tạo bậc thang giữa các răng, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm.
  • Răng mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở song hình dạng bất thường, dị dạng, nhỏ, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, tương lai sẽ gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
  • Răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng, bệnh nhân cần làm chỉnh hình, trồng răng giả.
  • Răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể tuỳ tiện nhổ răng khôn, một số trường hợp dưới đây cần bảo tồn răng khôn, chẳng hạn như:

  • Răng mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt với mô xương và nướu, không gây biến chứng. Trường hợp này nếu giữ lại thì bệnh nhân cần dùng chỉ nha khoa và bàn chải chuyên dụng để làm sạch triệt để.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường…
  • Răng khôn liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu quan trọng như dây thần kinh, xoang hàm ... mà không thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt.

Thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho rằng thời điểm lý tưởng nhất để nhổ răng là khi bạn còn trẻ (độ tuổi từ 18 – 25).

Nếu vượt quá độ tuổi này, việc nhổ răng sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn.

Nguyên nhân là khi còn trẻ, răng chưa đóng chóp hoàn toàn, xương hàm chưa quá cứng, mật độ xương xốp, dễ nhổ, lực để nhổ răng cũng sẽ giảm xuống, hạn chế sang chấn.

Hơn nữa, khả năng phục hồi của người trẻ cũng nhanh hơn người lớn tuổi. Ở thời kỳ này, xương xốp, mạch máu dồi dào còn giúp cho việc chữa lành vết thương nhanh hơn. Nhờ đó, thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn hơn và nguy cơ biến chứng cũng thấp hơn.

Mặt khác, người trẻ có ngưỡng chịu đau tốt hơn, giảm bớt sự khó chịu và cơn đau do việc nhổ răng gây ra.

Ngược lại, người càng lớn tuổi thì xương càng cứng chắc, chân răng bám chắc vào xương hàm gây khó nhổ, từ đó kéo thời gian nhổ răng, dễ bị đau nhức sau nhổ răng.

Đối với phụ nữ, nên khám và nhổ răng trước khi mang thai, bởi vì trong khoảng thời này các bà bầu sẽ có sự thay đổi về hormone estrogen và progestorome - có thể kích thích mọc răng, gây sưng nướu lợi.

Nhiều người bị đau răng khôn khi mang bầu và gặp khó khăn khi ăn uống, dẫn đến sa sút sức khoẻ, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình mang thai và thai nhi khi sinh.

Vậy tại sao không loại bỏ răng khôn ngay từ khi nó chưa hình thành chân răng?

Nguyên nhân chủ yếu là do ở giai đoạn này, răng khôn nằm hoàn toàn trong xương hàm, thủ thuật loại bỏ răng khôn lúc này cần xâm lấn lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tất nhiên, thời điểm nhổ răng khôn còn tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể, chẳng hạn như nhu cầu cá nhân, tình trạng phát triển của răng khôn, sức khỏe tổng thể và vệ sinh răng miệng của bệnh nhân. Nha sĩ sẽ đưa ra lời khuyên dựa trên kết quả khám định kỳ và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Ngay cả khi hiện tại răng khôn không có vấn đề gì, bạn vẫn nên khám răng miệng định kỳ vì răng khôn có thể phát triển vấn đề theo thời gian.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Răng khôn nên nhổ hay không?