Rước bệnh vào người vì thói quen xấu sau bữa cơm hàng ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người tin rằng tủ lạnh là nơi lý tưởng để cất trữ thực phẩm, giúp chúng không bị chua, bị hỏng. Nhưng thời gian lưu trữ quá dài cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Thế hệ lớn tuổi thường có thói quen tiết kiệm, chủ yếu là do cuộc sống thời đó khó khăn và thiếu thốn đủ thứ, lãng phí đồ ăn thức uống sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày của mỗi người.

Chị Quỳnh (25 tuổi, Hà Nội) cho biết bố mẹ thường không muốn bỏ hết đồ ăn thừa, hoặc đồ lưu trữ lâu ngày trong tủ lạnh. Trái lại, họ cho rằng tiết kiệm đồ ăn là thói quen tốt và là điều nên làm. Lối nghĩ này không hiếm với người Việt Nam.

Thực ra, đồ ăn thừa lâu ngày có thể hư hỏng, sinh ra nấm mốc, tiềm ẩn nhiều độc tố gây hại cho sức khoẻ, thậm chí dẫn đến ung thư.

Nhìn chung, thói quen này đến từ nhiều lý do, trong đó bao gồm thiếu kiến thức liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ ăn uống khoa học và phương pháp bảo quản thức ăn.

Đồ sắp hỏng lại đem kho thành món mới

Chị Quỳnh cho hay trong gia đình, bố là người phụ trách nấu ăn và đi chợ mỗi ngày. Nhưng vì là người hay quên, nên ông thường mua rất nhiều thịt, cá và rau củ. Quá trình này lặp đi lặp lại khiến tủ lạnh ngày càng chật thêm, đồ cũ chưa dùng đã thêm đồ mới.

Khi dọn dẹp tủ lạnh, không ít lần chị đã phải bỏ đi các túi rau còn nguyên nhưng đã bốc mùi, phần thịt cũng không biết đã cấp đông từ bao giờ, chị nói thêm.

Ngoài ra, bố mẹ của chị cũng quen tích trữ đồ ăn thừa, dù chỉ còn 2 – 3 miếng thịt / cá cũng cho vào hộp để cất trong tủ lạnh. Tiếp đó, họ lại gom các phần thức ăn không tiêu thụ hết trong 2 – 3 bữa cơm để làm nồi kho, rim tổng hợp, từ đó tạo thành món mới.

Về khía cạnh này, Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng nhiều người tin rằng tủ lạnh là nơi lý tưởng để cất trữ thực phẩm, giúp chúng không bị chua, bị hỏng. Nhưng thời gian lưu trữ quá dài cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Ông Sơn giải thích, về mặt dinh dưỡng, một số loại thức ăn nên tránh để qua đêm, đặc biệt là rau. Sau khi để qua đêm, hàm lượng nitrite của chúng đã tăng lên đáng kể, do đó, bất kể phương pháp hâm nóng hay các hình thức làm nóng khác đều không thể tiêu diệt hết các vi sinh vật, vi khuẩn cũng như hàm lượng nitrite trong thức ăn.

Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, người dân cần loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, kể cả thực phẩm chế biến sẵn chưa hết hạn sử dụng. Đối với thực phẩm mốc, người dân nên vứt bỏ, tránh vì “tiếc của” mà cố ăn phần còn lại của thực phẩm (sau khi đã loại bỏ nấm mốc), bởi một khi thực phẩm đã mốc, thì coi như nó đã hỏng, hoàn toàn không tốt cho người sử dụng.

Rất khó để xác định phần còn lại của thực phẩm có bị mốc hay không, vì để xác định được các bào tử vi nấm, thì cần soi bằng kính hiển vi mới có thể phát hiện được. Việc tiêu thụ thực phẩm mốc có thể dẫn đến nhiễm độc chất aflatoxin - có thể gây xơ gan và ung thư gan. Loại chất này hoàn toàn không thể bị tiêu diệt chỉ bằng nhiệt độ (bất kể là 100 độ C hay không).

Ông Sơn nói thêm: “Nấm đã chết nhưng độc tố thì vẫn còn tồn tại”.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng nhiều gia đình Việt thích tận dụng đồ ăn để qua đêm. Một số loại thực phẩm được bảo quản sai cách, lẫn lộn giữa đồ chín và đồ tươi sống, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và ngộ độc.

Ông cho hay các loại vi sinh vật dễ gây ngộ độc ở bếp ăn gia đình là Salmonella, E.coli, A.aureus, Shigella, Rota virus... thường là do vệ sinh kém, bảo quản chưa đúng cách.

Còn có nguy cơ ngộ độc từ các loại độc tố, như độc tố của Clostridium botulinum trong thực phẩm đóng hộp, độc tố của Bacillus cereus trong nhiều loại thực phẩm, tetrodotoxin trong các loại hải sản.

Mặt khác, thời tiết mùa hè nắng nóng, thức ăn sẽ ôi thiu nhanh hơn. Để tránh tình trạng này, cần lưu ý chế biến và nấu vừa phải, đảm bảo lượng đủ ăn trong ngày, hạn chế để thừa lại sang ngày hôm sau.

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khoảng vài phút, vài giờ hoặc 1 – 2 ngày sau khi tiêu thụ thức ăn gây hại. Mức độ nặng hay nhẹ của triệu chứng, kéo dài trong thời gian bao lâu còn tùy vào các yếu tố bao gồm tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp gồm đau bụng, tiêu chảy, chán ăn; buồn nôn, nôn mửa; trong phân hoặc chất nôn có xuất hiện máu; bị sốt; cơ thể yếu ớt, mệt mỏi; đau đầu, choáng váng, chóng mặt; ớn lạnh, rùng mình; đau khớp và cơ

Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, cơ thể bị mất nước và nhiễm độc nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu các dấu hiệu ban đầu không được cải thiện và thấy nhịp tim nhanh, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, sốt cao, bạn cần được bác sĩ thăm khám nhanh chóng để chẩn đoán và điều trị.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Rước bệnh vào người vì thói quen xấu sau bữa cơm hàng ngày