Số phận 2 cô công chúa gốc Việt của Hoàng đế Trung Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1970, người dân Việt Nam và hầu như cả thế giới đều xôn xao về câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”, khi một cô bé bán thuốc lá dạo tại Sài Gòn bất ngờ được cha là Tổng thống nước Trung Phi (mà sau này là Hoàng đế Bokassa) tìm đón về nước. Không ngờ sau đó, “công chúa thật” lại xuất hiện.

Chuyện tình của chàng lính trẻ

Bokassa, tên đầy đủ là Jean Bedel Bokassa. Khi Thế chiến thứ II nổ ra, nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Bokassa gia nhập Lực lượng Nước Pháp Tự do. Năm 1950, chàng trung sĩ 29 tuổi Bokassa được cử sang Việt Nam với vai trò lính lê dương trong Quân đội viễn chinh Pháp, và được phân công về Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm nhiệm vụ canh gác Cầu Ghềnh.

Hồi đó, tại những làng mạc xa xôi hẻo lánh, người dân rất sợ những người lính “Tây đen” như ông. Mà thực tế thì những người Tây đen này cũng chẳng dở thói côn đồ gì, đặc biệt trong số đó Bokassa là người có vẻ hiền lành nhất. Khi ấy, gần Cầu Ghềnh có một cái máy bơm nước công cộng để dân chúng trong vùng đến lấy về dùng. Phụ nữ thường ra đó gánh nước mướn để kiếm tiền.

Cô gái nghèo tên là Nguyễn Thị Huệ cũng ra đó gánh nước mướn. Mặc dù làm công việc nặng nhọc nhưng cô vẫn xinh đẹp, da trắng mướt và cũng sợ đám lính Tây đen, nhưng vì mưu sinh nên vẫn đánh liều. Bokassa lần đầu nhìn thấy cô đã thích ngay, còn cô thì tránh anh như tránh tà.

Thế mà dần dà, cô lại cảm thấy mến người lính Tây đen ấy, vì cô thấy Bokassa không làm gì hại mình, vả lại anh còn phụ cô gánh nước, thi thoảng tập tành nói tiếng Việt để giao tiếp với cô theo kiểu rất ngô nghê.

Thời đó lương của lính Pháp rất khá, Bokassa lại quá khéo trong các giao tiếp với phụ nữ. Anh thi thoảng mua cho cô xấp vải, lúc thì chiếc khăn, nước hoa, có lúc còn cho cả tiền. Rồi 2 người yêu nhau lúc nào chẳng hay. Những ngày cuối tuần, Bokassa hay rủ Huệ về Sài Gòn chơi.

undefined
Bokassa năm 1939. (Miền công cộng)

Kết quả của mối tình Phi-Việt này là cô Huệ mang thai. Ngày ấy, con gái chửa hoang là một điều hết sức nhục nhã, nhất là lại có chửa với một anh lính da đen. Không nỡ để cha mẹ buồn lòng, tủi hổ khi cái bụng ngày một lớn, cô khăn gói ra đi.

Bokassa đưa người tình về Tân Thuận Đông, quận Nhà Bè, nơi đơn vị anh đóng quân gần đó. Anh thuê nhà cho người yêu ở. Hai người sống với nhau như vợ chồng. Bokassa được lệnh phải trở về Pháp. Anh trao tất cả tiền dành dụm được cho cô Huệ và dặn: “Khi con chào đời, nếu là con trai thì hãy đặt tên con là Martin, nếu là con gái thì đặt tên là Martine. Sau này, nếu có dịp anh sẽ sang Việt Nam tìm hai mẹ con”.

Cuối năm 1954, cô Huệ sinh hạ được một bé gái với da đen, tóc xoăn, môi dày… giống hệt cha. Nhớ lời người yêu dặn, cô đặt tên cho con là: Nguyễn Thị Martine.

Năm 1960, nước Châu Phi Xích đạo giành được độc lập. Vị tổng thống mới của quốc gia này là David Dacko - vốn có họ hàng xa với Bokassa - quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa Trung Phi, rồi mời Bokassa về nắm quyền chỉ huy quân đội.

Tuy nhiên, Bokassa ngày càng tham vọng về quyền lực. Năm 1966, với lực lượng vũ trang trong tay, ông tiến hành đảo chính, lật đổ David Dacko và tự xưng là Tổng thống suốt đời.

Hai nàng công chúa

Sau 4 năm trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, ông mới nhớ đến mình còn một đứa con gái ở Việt Nam. Ông bèn liên hệ với Chính quyền Sài Gòn và Lãnh sự quán Pháp nhờ tìm đứa con thất lạc.

Rất nhanh chóng, chính quyền đã tìm được tung tích một cô gái lai Tây đen, 17 tuổi, tên là Nguyễn Thị Bái, thường gọi là Ba-xi, đang làm nghề bán thuốc lá dạo ở Sài Gòn.

Nghe tin tìm được con gái, Bokassa sung sướng, vội cho người đón Martine (Ba-xi) về nước trong tiếng kèn chào mừng của dàn quân nhạc và nước mắt hạnh phúc của người cha.

Từ một cô gái lang thang, lam lũ, đời Ba-xi bỗng bước sang trang mới: ngồi xe Limousine, xiêm áo lộng lẫy, kẻ hầu người hạ, ai nấy nể vì…Tất cả khiến cô thật sự choáng ngợp. Cuộc hội ngộ như chuyện cổ tích ấy khiến người dân Việt Nam và thế giới xôn xao, báo chí rầm rộ đưa tin, ca ngợi người cha có nghĩa tình.

Mẹ của Ba-xi chắn hẳn biết rõ Ba-xi là “Martine giả”, nhưng có lẽ không cưỡng lại được hào quang của một bước lên trời hay dưới áp lực nào đó, bà đã im lặng.

Ba-xi - Công chúa giả của Hoàng đế Trung Phi, và mẹ cô. (Chụp video)

Thế nhưng chỉ một tháng sau, “cây kim trong bọc cũng lòi ra”. Một người đàn ông đến tòa soạn báo Trắng Đen cho biết, cô gái mà Tổng thống Bokassa vừa nhận là Martine giả, còn cháu gái ruột của ông mới là Martine thật. Ông ấy đưa ra những bằng chứng thuyết phục như Giấy khai sinh của Martine cùng những tấm hình chụp lúc bà Huệ đang chăm sóc Bokassa khi bị thương ở Bệnh viện Sài Gòn (năm 1953). Đặc biệt là cuộc gọi của bà Huệ sau gần 20 năm không liên lạc. Ông Bokassa xác nhận cô bé làm công nhân bốc xếp lần này mới đúng là con của mình.

Một lần nữa, ông lại đón con gái và cả người yêu ngày trước sang, nhưng lần này âm thầm hơn nhiều. Sau những ngày trùng phùng đầy xúc động, Martine ở lại Trung Phi cùng cha, bà Huệ về lại nước vì người chồng sau của bà đang đợi ở quê nhà.

Bokassa đã tống giam Ba-xi và dự định trục xuất, nhưng sau đó quyết định nhận cô làm con nuôi như một hành động ân sủng.

Martine thật và Ba-xi cùng chung sống, thường được cha cho mặc đồ giống nhau. So với Ba-xi, Martine tỏ ra có khiếu kinh doanh và tự lập. Năm 1972, cô được tạo điều kiện mở một cửa hàng đồ ăn Việt ở Trung Phi và kinh doanh rất phát đạt.

Năm 1973, Bokassa tổ chức kén rể cho hai con. Ba-xi lấy Fidel Obrou - chỉ huy trưởng lực lượng cận vệ Tổng thống Bokassa, còn Martine lấy bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode. Đám cưới được tổ chức linh đình tại dinh thự quốc gia.

Sự độc tài, cuộc sống xa hoa và tội ác kinh hoàng

Năm 1976, Bokassa tự xưng là Hoàng đế Bokassa Đệ nhất, đổi tên nước là Đế quốc Trung Phi. Hai cô con gái gốc Việt nghiễm nhiên trở thành công chúa. Tuy nhiên, tính tình Bokassa ngày càng lập dị, độc tài và xa hoa.

Chỉ riêng lễ đăng quang của ông đã tiêu tốn đến 22 triệu USD, trong khi đó dân chúng đói khổ lầm than. Chỉ riêng chiếc vương miện nạm kim cương của ông đã có giá 5 triệu USD. Trái với mong đợi của ông, hầu hết các nguyên thủ quốc gia được ông mời đều không đến tham dự.

Để thể hiện quyền lực của một "hoàng đế", Bokassa đặt tên cho nhiều công trình ở thủ đô Bengui theo tên mình như Cung thể thao Jean Bedel Bokassa, Đại lộ Bokassa, Đại học Tổng hợp Jean Bedel Bokassa… Bên cạnh đó, ông còn cho xây dựng nhiều "dinh tổng thống" như Villa Kolongo, Villa Berengo, đồng thời là chủ của nhiều nhà hàng ăn uống, xưởng dệt vải, trang trại nuôi gia súc, 2 hãng hàng không dân sự, 1 hãng mua bán ngà voi, v.v.

undefined
Hoàng đế Trung Phi Bokassa. (Wikipedia)

Theo tờ Le Figaro, Bokassa đã tự phong cho mình là "đệ nhất nông dân và đệ nhất thương gia của Đế chế Trung Phi". Những người từng có thời gian thân cận với Bokassa kể lại rằng, ông ta tự cho mình có quyền làm hoàng đế suốt đời, kiêm Bộ trưởng các bộ như Tư pháp, Quốc phòng, Nội vụ và các bộ khác.

Bokassa có hai đam mê lớn nhất cuộc đời là phụ nữ và quyền lực. Ông có khoảng gần 20 vợ và 100 người con, nhưng chỉ công nhận chính thức khoảng 50 người.

Cái kết của nhà độc tài

Thói xa hoa và sự độc tài đã dần khiến Bokassa trở thành một bạo chúa dưới mắt người dân Trung Phi và quốc tế. Đầu năm 1979, con rể của Bokassa là đại úy Fidel Obrou, cũng là chồng của Ba-xi, âm mưu lật đổ ông nhưng bất thành và bị tử hình.

Cùng lúc đó Ba-xi hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Bokassa sai người đưa mẹ con sản phụ vào quân y viện do bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode (chồng của Martine) phụ trách rồi lệnh cho anh tiêm thuốc độc vào người đứa bé cho “tiệt nòi giống phản phúc”.

Đúng một năm sau, Bokassa cho Ba-xi một số tiền để cô về Việt Nam sinh sống. Tuy nhiên, trên đường ra phi trường, cô đã bị thủ tiêu. Cuộc đời của người con gái mà mọi người từng ví như “lọ lem hóa thành công chúa” ấy, sau gần 7 năm trong cảnh giàu sang đã phải sớm kết thúc một cách bi thảm.

Ngày 21/9/1979, nước Pháp hậu thuẫn cho vị tổng thống tiền nhiệm Trung Phi là David Dacko tổ chức lật đổ Hoàng đế Bokassa Đệ nhất, buộc Bokassa phải sống lưu vong ở nước Bờ Biển Ngà 4 năm, sau đó Pháp cho ông được đến tỵ nạn chính trị ở tại lâu đài của ông có tên là Château d’Hardricourt, cách Paris 80km.

Chồng của Martine - bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode bị David Dacko ra lệnh xử tử về tội đi theo Bokassa, và tội giết chết con của “người anh hùng” chống Bokassa là đại úy Fidel Obrou (chồng của Ba-xi).

Đại gia đình Bokassa gồm 13 người vợ và gần 40 người con tứ tán khắp nơi, riêng Martine đưa 3 đứa con trốn qua Pháp.

Đến năm 1986, Bokassa quyết định quay trở về Trung Phi với ý định “sẵn sàng phục vụ đất nước nếu có lời mời”. Thế nhưng, ngay khi xuống sân bay, ông đã bị bắt giam. Ngày 12/6/1987, Tòa kết án tử hình về 14 tội, gồm giết những người đối lập chính trị, xa hoa phung phí tài sản quốc gia, giết hàng trăm học sinh đã phản đối việc bắt buộc phải mua đồng phục đắt tiền do công ty của một người vợ ông làm chủ,.v.v.

Năm 1988, Tòa giảm án xuống còn tù chung thân, rồi sau đó ông được phóng thích ngày 1/9/1993. Những năm cuối đời, ông sống ẩn dật trong sự nghèo khó, túng quẫn, thường ra ngoài với bộ áo lính có đeo đầy huy chương. Ngày 3/11/1996, ông qua đời, thọ 75 tuổi.

Về phần Martine, với khiếu kinh doanh, cô đã lập nghiệp tại Pháp và sau đó đón mẹ sang. Hiện bà đang làm chủ 2 nhà hàng lớn tại Pháp và cùng mẹ đầu tư vào một số tiệm kim hoàn và đồ gia dụng.

Đức mỏng mà quyền cao tất sẽ gặp họa

Cuộc đời của vị Hoàng đế Bokassa, quả thật rất đúng với điều mà cổ nhân từng dạy: “Đức mỏng mà quyền cao, công lao ít mà tài lộc nhiều, trí tuệ nhỏ mà âm mưu lớn đều sẽ gặp họa”.

Một người có phẩm đức thấp kém lại ngồi ở vị trí quan trọng; một người có đóng góp ít cho xã hội mà sở hữu tài sản lớn; một người trí tuệ kém mà lại nuôi nhiều tham vọng và nắm lấy quyền lực; đều sẽ gieo nên những mầm mống tai họa.

Khi đứng đầu một đất nước còn nhiều nghèo khó, ông quên mất đó là vị trí để ông phục vụ nhân dân, đưa đất nước phát triển, chứ không phải là để ông tư lợi, hưởng vinh hoa phú quý và sống xa đọa trên sự nghèo khó của nhân dân. Ông quên rằng mình cần phải trọng đức, trau dồi đức hạnh thì mới giữ được phúc báo của mình. Bởi tiền bạc, quyền lực, danh vọng đều là những phúc báo hay phước lành, nếu không có đủ phẩm chất đạo đức, hoặc tệ hơn là lợi dụng quyền lực mà làm điều xấu, thì tất sẽ sớm đi đến kết thúc bi thảm.

Những năm gần đây, dường như có một hiện tượng khá phổ biến, đó là một số người kiếm được rất nhiều tiền thì sau một đoạn thời gian ngắn đã tán gia bại sản, một số người vừa nổi danh lại qua đời hay có người vừa thăng quan tiến chức lại lâm bệnh nặng. Rốt cuộc, nguyên cớ vì sao? Có lẽ chính là vì 4 chữ này: Đức không xứng vị, nghĩa là đức hạnh của người ta không tương xứng với tài phú và danh lợi mà họ đang có.

Phương Lam
Theo Ngẫm radio



BÀI CHỌN LỌC

Số phận 2 cô công chúa gốc Việt của Hoàng đế Trung Phi