Tác phẩm “Nữ thần hoa” của Rembrandt thể hiện tình yêu dành cho vợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống hôn nhân, Rembrandt van Rijn đã vẽ nhiều bức chân dung cho người vợ Saskia yêu dấu của mình. Dù là lúc vợ khỏe mạnh hay ốm đau, vị họa sĩ vẫn dùng nhiều phương pháp khác nhau, từ phác thảo, vẽ thực, vẽ màu, v.v.. để vẽ chân dung, mãi cho đến khi vợ qua đời.

Rembrandt đã sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau để miêu tả người vợ của mình. Trong các tác phẩm của ông, Saskia xuất hiện dưới những vai trò như một người phụ nữ, người vợ, người mẹ, hay Nữ thần Muse. Chúng ta có thể thấy hình ảnh nàng Saskia vừa mới thức dậy chưa kịp trang điểm, vui vẻ bên chồng hay có lúc nàng hóa thân thành Nữ thần trí tuệ Minerva của La Mã cổ đại.

Rembrandt có ba bức tranh mang tên "Nữ Thần hoa" (Flora) miêu tả người vợ Saskia thành nữ Thần Flora, biểu tượng cho mùa xuân và sự sinh sôi nảy nở của La Mã cổ đại. Những bức tranh này phản ánh cuộc hôn nhân và cuộc đời ngắn ngủ của người vợ. Đó là hình ảnh nụ hoa hé nở trong tuần trăng mật, đến bông hoa rực rỡ khi mang thai và cuối cùng là hình ảnh nàng Saskia qua đời khi còn trẻ.

Mặc dù chưa từng đến Ý nhưng Rembrandt van Rijn vẫn lấy cảm hứng từ các tác phẩm của những nghệ sĩ Phục hưng phương Bắc như Anthony van Dyck, Peter Paul Rubens và họa sĩ lịch sử Pieter Lastman. Rembrandt học vẽ với Lastman tại Amsterdam vào khoảng năm 1624. Cũng trong thời gian này, ông được tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật Phục hưng Ý, ví dụ như bức tranh "Nữ Thần hoa" (Flora) của Titian trong bộ sưu tập của đại sứ Tây Ban Nha Alfonso Lopez tại Amsterdam.

Tác phẩm "Nữ Thần hoa" của Titian vẽ vào khoảng năm 1515. Vải bạt, sơn dầu, kích thước 79,1 cm × 62,9 cm tại Bảo tàng nghệ thuật Uffizi, Florence, Ý. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Tình yêu nảy nở

Năm 1633, Saskia đến Amsterdam để thăm Hendrick van Uylenburgh, anh họ đồng thời là người phụ trách bán tranh cho Rembrandt. Tại đây, cô gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với Rembrandt.

Vài ngày sau khi đính hôn, Rembrandt đã vẽ bức phác thảo đầu tiên của Saskia bằng bút chì bạc. Đây là một tác phẩm tràn ngập sự tinh tế của tình yêu, đến mức khiến người xem cảm thấy phấn khởi. Saskia đội một chiếc mũ rộng vành, trên khuôn mặt hiện lên nụ cười e ấp, thẹn thùng, trên tay cầm một bông hoa, có thể là một đóa hồng mà Rembrandt vừa tặng cho nàng. Dưới bức tranh, Rembrandt ghi chú: "Đây là chân dung người vợ 21 tuổi của tôi, vẽ vào ngày thứ ba sau khi chúng tôi đính hôn. Ngày 8 tháng 6 năm 1633".

Tác phẩm "Chân dung cô dâu Saskia” (Portrait of Saskia as a Bride) của Rembrandt Harmenszoon van Rijn sáng tác vào năm 1633. Bút chì bạc trên da cừu trắng, kích thước 10,5 cm × 18,4 cm tại Bảo tàng Quốc gia Berlin. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Hai người cưới nhau vào ngày 22 tháng 6 năm 1634. Cùng năm đó, Rembrandt lần đầu tiên vẽ Saskia với hình ảnh Nữ Thần hoa.

Bức tranh "Nữ Thần hoa" của Rembrandt sáng tác vào năm 1634. Tranh sơn dầu trên canvas, kích thước 125,1 cm × 101 cm tại Bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg, Nga. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bức tranh mô tả Saskia với kích thước bằng người thật, đứng ở tư thế nghiêng người ba phần tư. Nàng Saskia mặc một chiếc váy lụa sa tanh rộng thêu bằng chỉ bạc. Nàng giống như một thiếu nữ với vẻ ngoài ngây thơ và có chút e thẹn. Nàng quay đầu nhìn về phía người xem, như thể đang bị làm phiền. Saskia cầm một cây quyền trượng được trang trí bằng cành lá và đội một vòng hoa trên đầu với một đóa hoa "tulip cánh sọc" ("broken" tulip). Vào thời điểm đó, nhiều nghệ sĩ Hà Lan thích vẽ "hoa tulip cánh sọc". Đó là một loại tulip có cánh hoa nứt thành các mảng sọc.

Có thể Rembrandt biết rõ nghiên cứu của nhà vật lý và nhà thực vật học người Bỉ Carolus Clusius. Clusius là người đầu tiên phát hiện ra rằng những cánh hoa sọc này là do virus gây ra. Màu sắc tự nhiên của loại hoa tulip này bị thay đổi nên cũng không thể sống lâu được. Clusius từng nói rằng sự tồn tại của loài hoa này "chỉ để làm đẹp mắt chủ nhân bằng nhiều màu sắc trước khi chết, như một lời tạm biệt cuối cùng".

Saskia mặc váy rộng và đầu đội vòng hoa có nhiều điểm tương đồng với bức tượng "Nữ Thần hoa" của La Mã cổ đại trong Bảo tàng Capitoline ở Rome. Tuy nhiên, Saskia trong bức tranh của Rembrandt đang nắm lấy một góc váy chứ không phải cầm hoa tươi.

Bức tượng "Nữ Thần hoa" (Flora). Đá cẩm thạch La Mã, được phục hồi bằng vật liệu hiện đại tại Bảo tàng Capitoline ở Rome. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Một năm sau khi kết hôn, vào năm 1635, Rembrandt lại một lần nữa vẽ Saskia với hình ảnh Nữ Thần hoa trong tác phẩm "Nàng Saskia van Uylenburgh trong trang phục Arcadia" (Saskia van Uylenburgh in Arcadian Costume). Lần này, mái tóc đỏ của Saskia xõa dài trên vai, hoàn toàn khác với hình ảnh cô dâu trẻ trầm tư trong bức tranh "Nữ Thần hoa" trước đó. Lúc này, Saskia toát lên vẻ tự tin rạng rỡ. Nàng nhìn về phía bên phải bức tranh, với ánh mắt như dõi theo người chồng đang vẽ tranh.

Tác phẩm "Nàng Saskia van Uylenburgh trong trang phục Arcadia" của Rembrandt sáng tác vào năm 1635. Tranh sơn dầu trên canvas, kích thước 124 cm × 98 cm tại Bảo tàng Quốc gia Luân Đôn. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Ở bức tranh này, tư thế dang rộng hai tay của Saskia rất giống với tư thế của Nữ Thần hoa trong bức tượng La Mã cổ đại, đồng thời nàng cũng cầm nhiều hoa tươi trên tay.

Rembrandt vẽ những bông hoa này vào thời điểm cao trào của "Cơn sốt hoa tulip". Người ta nói rằng khi đó giá củ tulip ngang bằng với giá một căn nhà bên kênh đào Amsterdam. Trong tác phẩm "Thời đại cắm hoa" ("Period Flower Arrangement"), tác giả Margaret Fairbanks Marcus đã viết: "Trước giai đoạn giữa của thế kỷ này, bố cục Baroque điển hình đã phát triển thành những bó hoa lớn được sắp xếp theo hình cuộn hoặc hình chữ S, với cành lá đung đưa theo gió... Phong cách Baroque này tràn đầy sức sống, táo bạo và tự tin với những bông hoa tươi tốt, phong phú chưa từng thấy trong nghệ thuật phương Tây".

Rembrandt đã thể hiện nghệ thuật xếp hoa trong tác phẩm "Nàng Saskia van Uylenburgh trong trang phục Arcadia", đồng thời phản ánh phong cách tranh tĩnh vật hoa cỏ mới. Marcus nói thêm: "Bức tranh này không hề tĩnh lặng, các chi tiết chuyển động như thân hoa cong cong, hoa cúi đầu, cánh hoa uốn lượn khiến người xem phấn khởi. Cảm giác về bức tranh này không hề cứng nhắc hay chật chội, mà toát lên vẻ đẹp phong phú và tao nhã".

Rembrandt đã đặt hoa tulip, hoa hồng, hoa đào và hoa hồng phấn vào bó hoa của Saskia mặc dù những loại hoa này nở vào các mùa khác nhau. Việc thể hiện các loài hoa từ các mùa và giai đoạn sinh trưởng khác nhau là chủ đề phổ biến trong tranh Vanitas của Hà Lan. Vanitas là một trường phái tranh tập trung vào sự ngắn ngủi của cuộc đời.

Rembrandt vẽ một bó hoa phong phú như vậy thực ra là để nhắc nhở người xem rằng nữ Thần hoa Flora là nữ Thần sinh sản. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với người vợ Saskia đang đóng vai Nữ Thần hoa cùng một chiếc gậy chống. Bụng bầu tròn và ngực đầy đặn của Saskia cho thấy nàng đang mang thai đứa con đầu lòng.

Cặp vợ chồng này có bốn người con, nhưng đáng tiếc chỉ có một đứa con sống qua tuổi thiếu niên.

Vĩnh biệt Flora

Lần cuối cùng Rembrandt vẽ Saskia thành Nữ Thần hoa là vào năm 1641. Tác phẩm "Nàng Saskia với bông hoa đỏ" (Saskia With the Red Flower) này khác với hai tác phẩm trước. Trong bức tranh này, vị họa sĩ đã sử dụng màu đỏ đậm đặc trưng của mình kết hợp với màu nâu hạt dẻ tạo nên một bức chân dung vừa đáng yêu vừa u sầu. Bức tranh không có màu sắc tươi đẹp như lúc này Saskia mới kết hôn hay chuẩn bị sinh con. Bức chân dung ám chỉ về sự kết thúc của cuộc đời Saskia, tưởng niệm cuộc đời của nàng và cuộc hôn nhân của hai người. Sắc mặt Saskia tái nhợt, những quầng thâm nhỏ quanh mắt khiến nàng trông hơi mệt mỏi. Nàng đặt tay trái lên ngực, đứng đối diện trực tiếp với người xem và cầm một bông hoa để tặng cho cả hai vợ chồng.

Bức tranh "Nàng Saskia với bông hoa đỏ" (Saskia With the Red Flower) của Rembrandt được sáng tác năm 1641. Tranh sơn dầu trên gỗ sồi, kích thước 98,4 cm × 82,6 cm. Phòng trưng bày các bậc thầy cổ điển, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Dresden, Đức. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Khí chất dịu dàng trong bức vẽ chân dung đầu tiên của Rembrandt dành cho vợ cũng được thể hiện rõ ràng trong bức tranh này. Vị họa sĩ vẫn chỉ vẽ một đóa hoa. Tuy nhiên, đây không phải là lúc họ bắt đầu chung sống. Saskia qua đời vì bệnh lao và những biến chứng sau sinh khi chưa đầy 30 tuổi. Bức tranh được vẽ vào thời kỳ đỉnh cao của Rembrandt, ghi lại cuộc hôn nhân 7 năm hạnh phúc của họ. "Nàng Saskia với bông hoa đỏ" là lời chào tạm biệt của Saskia với cuộc đời và cũng là lời vĩnh biệt của Rembrandt dành cho người vợ yêu dấu của mình.

Chú thích

Kỹ thuật vẽ bằng bút chì bạc (hay còn gọi là Silverpoint) là một kỹ thuật vẽ truyền thống sử dụng bút chì làm từ kim loại bạc. Kỹ thuật này được sử dụng để vẽ các đường nét mảnh vào cuối thời kỳ Gothic / đầu thời kỳ Phục hưng. Vẽ bằng bút chì bạc sẽ không dễ bị xỉn màu như chì hay thiếc và có thể tạo ra những chi tiết chính xác nên rất được ưa chuộng ở các xưởng tại Florence và Flanders.

Lorraine Ferrier - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Lorraine Ferrier viết về nghệ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Cô theo dõi cách các nghệ sĩ và thợ thủ công Bắc Mỹ và Châu Âu truyền tải các giá trị về cái đẹp và truyền thống trong tác phẩm của họ. Hy vọng sẽ mang lại tiếng nói cho những tác phẩm nghệ thuật và thủ công quý hiếm ít được biết đến, qua đó bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Hiện tại Lorraine Ferrier sống ở ngoại ô London, Anh, tham gia viết bài.



BÀI CHỌN LỌC

Tác phẩm “Nữ thần hoa” của Rembrandt thể hiện tình yêu dành cho vợ