Tết Nguyên đán: nên giữ hay bỏ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bỏ Tết có phải một xu hướng mới?

Trong tác phẩm văn hóa nổi tiếng của mình là “Việt Nam phong tục” xuất bản năm 1915, học giả Phan Kế Bính viết: “Mồng một đầu năm là Tết Nguyên Đán. Tết này ăn to hơn cả tết trong một năm. Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn rịp sắm Tết, nào người mua tranh mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, đường mứt bánh trái v.v…”

Cách đây vài ba chục năm vẫn còn cái không khí Tết náo nức như thế. Nhưng chừng độ mười mấy năm nay, thì trong xã hội bắt đầu nổi lên một luồng ý kiến về việc giữ hay bỏ Tết Nguyên đán. Nói chính xác hơn là gộp lễ hội Tết Nguyên đán vào cùng với Tết Dương lịch. Còn đầu năm âm lịch thì chỉ cho nghỉ độ 1-2 ngày. Làm như vậy cho tiện với nhịp sống hiện đại và nhu cầu hòa nhập quốc tế, ít nhất là về thời gian làm việc.

Vấn đề này năm nào cũng được mang ra bàn lại, nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, trước khi bàn đến việc nên giữ hay nên bỏ Tết nguyên đán, phải chăng nên tìm lại nguồn gốc và ý nghĩa chân chính của phong tục này.

Tết Nguyên đán là gì?

Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm mới theo lịch truyền thống của một số nước Á Đông như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản… và Việt Nam.

Trước hết nói về lịch truyền thống các nước Á Đông. Các triều đại Trung Hoa gọi là Hoàng lịch (黃曆) - lịch do Hiên Viên Hoàng Đế tạo ra, hay Hạ lịch (夏曆) - lịch nhà Hạ do Đại Vũ tạo ra, hoặc Hoàng lịch (皇曆) - lịch do Hoàng đế ban hành. Các triều đại Việt Nam thường sử dụng lịch của các triều đại Trung Hoa, đến triều Nguyễn thì tự tạo ra lịch riêng, và có các tên là Ngự lịch - dành cho vua, Long Phượng lịch - dành cho miếu thờ và hoàng thân quốc thích, Quan lịch - dành cho quan lại, và Công lịch - dành cho dân thường.

Hiện chúng ta sử dụng từ Âm lịch với ý nghĩa lịch mặt trăng, là cách sử dụng sai của người hiện đại. Bởi lịch truyền thống, nói một cách chính xác là Âm-Dương lịch, tức vừa theo mặt trăng (các tháng), lại vừa theo mặt trời (24 tiết khí hoàn toàn trùng với Dương lịch - lịch phương Tây, lịch mặt trời hiện nay). Như vậy lịch truyền thống thường gọi là Hoàng lịch (do Hoàng đế ban hành), hoặc Công lịch (vua ban hành riêng cho người dân). Sau này tích hợp lịch phương Tây như hiện nay, gọi là Dương lịch, và người ta gọi lịch truyền thống là Âm lịch, Nông lịch, đều là cách gọi sai, gọi một cách tùy tiện, không dựa trên cơ sở căn cứ khoa học nào.

Về mặt từ nguyên, “Tết” là âm đọc chệch theo lối dân gian của chữ “tiết” theo Hán – Việt. Từ “nguyên” 元 trong “Nguyên Đán” 元旦 có nghĩa là sự khởi đầu hay là sơ khai và "đán" 旦 có nghĩa là buổi sáng sớm hay là bình minh. Nghĩa gốc của từ “Nguyên Đán” 元旦 là chỉ "Buổi sáng đầu tiên/Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Hoàng lịch”. Nguyên đán còn được gọi là Tam Nguyên: khởi đầu năm mới, tháng mới, ngày mới, do đó là buổi sáng quan trọng nhất trong năm. Vào ngày này, vua làm lễ tế Trời, Đất, tông miếu. Bá quan và bách tính cũng làm lễ tạ ơn Trời Đất tổ tiên vào ngày này.

Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung Thu v.v. đều là các ngày lễ tế quan trọng trong năm. Như vua Minh Mạng có viết khi ban hành lịch rằng:

Hành lễ trong ngoài giờ đúng chuẩn,
Âm dương năm xét thật không nhầm.
Điều hòa năm hướng cùng muôn cõi,
Đất chở Trời che mãi vĩnh hằng.

Theo quan niệm truyền thống các nước Á Đông, “quân quyền Thần thụ”, quyền vua là do Thần, do Trời ban cho người có đức, thay Trời cai quan bách tính, thuận theo Đạo. Do đó, với các vương triều xưa, thì việc hành lễ, thờ cúng Trời Đất, Thần linh là cực kỳ quan trọng. Đó cũng là lý do vì sau việc đầu tiên vua Nghiêu làm sau khi lên ngôi là sai 4 đại thần đi 4 phương quan sát vị trí mặt trời, mặt trăng, các vì sao trong 4 mùa để làm lịch. Bởi vì như “Lễ ký - Tế thống” nói: “Phàm đạo trị người, không gì cần bằng lễ. Lễ có năm điều, không gì quan trọng bằng tế.”

“Quân quyền Thần thụ”, quyền vua là do Thần, do Trời ban cho người có đức, thay Trời cai quan bách tính, thuận theo Đạo. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Tết nguyên đán của người Việt có phải bắt nguồn từ Trung Hoa?

Hiện nay, đây là điều chưa thể khẳng định được.

Ở Trung Hoa, trong sách “Kinh Lễ” có chép câu truyện này: “Tử Cống trở về sau khi đi xem lễ tế cuối năm. Khổng Tử nói: ‘Tứ (Tử Cống) có vui không?’

(Tử Cống) trả lời: ‘Người dân cả nước vui sướng như điên. Trò không biết thế nào là vui.’

Khổng Tử nói: ‘Hàng trăm ngày lao động, (những người nông dân) được hưởng ân trạch vào một ngày lễ ấy. Đó là điều mà trò không hiểu.'”

Chính là họ đang nói về Tết Nguyên đán ở Trung Hoa xưa. Theo các bằng chứng khảo cổ, Tết ở Trung Hoa bắt đầu từ triều đại Ân Thương, là một triều đại mà con người hết sức sùng tín quỷ thần, khi đó các các nghi thức tế tự long trọng được cử hành quanh năm. Tập tục ăn Tết bắt nguồn từ lễ tế Lạp (hay Chạp), được dùng để cúng tế Trời Đất, Thần Nông và các vị Thần cùng tiên tổ.

Thoạt tiên, vào đời Ân Thương, Tết ở Trung Hoa không phải bắt đầu vào ngày mồng 1 tháng Giêng, mà là đầu tháng 12 (tháng Chạp), tức là tháng Sửu. Sang đến triều đại nhà Chu, Tết bắt đầu từ tháng 11, tức là tháng Tý, rồi sau đó bắt đầu từ tháng 10 tức tháng Hợi vào thời Tần và đầu đời Hán. Chỉ đến năm 140 thời Hán Vũ Đế, tháng Dần tức tháng Giêng mới được chọn làm tháng đầu năm và kéo dài mãi đến sau này.

Còn ở Việt Nam thì sao? Xin hãy nhớ rằng, người Việt Nam gốc là Lạc Việt thuộc bộ tộc Bách Việt. Mà Bách Việt thì ở đâu ra? Từ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép về vị tổ phụ Lạc Long Quân của tộc Bách Việt như sau: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng) là tổ của Bách Việt.”

Lạc Long Quân kế thừa ngôi vị của vua cha Kinh Dương Vương ở vùng Kinh, Sở thuộc bờ nam sông Dương tử, ngài cai quản cả một vùng lãnh thổ chạy dài từ đó đến tận sát Quảng Nam ngày nay, gọi là nước Xích Quỷ, rồi Văn Lang của tộc Bách Việt. Như vậy, xếp theo phả hệ tộc Thần Nông thì Lạc Long Quân còn là bậc ông của Viêm Đế Du Võng. Du Võng lại là người cùng thời với Hiên Viên Hoàng Đế ở Trung Nguyên. Hiên Viên Hoàng Đế đánh bại Viêm Đế Du Võng rồi khai sáng nền văn hóa 5000 năm Trung Hoa.

Như vậy có thể tóm tắt rằng: Bách Việt là dòng dõi của Thần Nông, sinh ra từ cuộc hôn phối Lạc Long Quân - Âu Cơ, bắt đầu sinh sống ở miền Nam sông Dương Tử, ít nhất là không muộn hơn thời điểm Hiên Viên Hoàng Đế ở đất Trung Nguyên khai sinh ra tộc Hoa Hạ.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” của nhà Nguyễn, ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương hàng năm lấy tháng 11 làm đầu năm. Cũng theo một số nhà nghiên cứu thì vào thời Hùng Vương, Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng Tý (tháng 11) khi tiết trời chuẩn bị se lạnh. Sau này, do ảnh hưởng từ Trung Hoa, người Việt chuyển sang ăn Tết tháng Dần (tức tháng Giêng). Tuy nhiên ở vùng đất Tổ như Sơn Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc vẫn có những nơi ăn Tết hoặc kỷ niệm ngày đầu tháng 11 như: xông đất, mở cửa rừng, ăn những loại đất có khoáng chất vào người v.v.

Đến đây, chúng ta đã có một số manh mối để phỏng đoán. Đó là người Việt Nam thuộc tộc Bách Việt thờ Thần Nông - ông tổ của nông nghiệp, họ làm nông nghiệp lúa nước và đã có cái Tết Nguyên đán vào đầu tháng 11 âm lịch từ xa xưa. Phải chăng cái Tết này có lẽ còn có trước cả Tết nguyên đán ở Trung Nguyên? Sau này, khi con cháu Triệu Đà đánh mất đất Nam Việt vào tay Hán Vũ Đế, thì người Việt mới chuyển sang ăn Tết nguyên đán vào tháng Dần giống như ở Trung Nguyên.

Dù thế nào thì với những hiểu biết của nhân loại hiện thời, khó có thể khẳng định rằng “Tết nguyên đán của người Việt là học từ Trung Hoa” được.

Ý nghĩa của Tết nguyên đán với người Việt

Theo sử gia Trần Quốc Vượng, việc Hán Vũ đế chọn tháng Dần làm tháng đầu năm là “sự tham khảo ‘Kinh Sở tuế thời kỳ’ của miền Kinh Sở ở Hoa Nam trong bối cảnh của nền văn minh lúa nước.” Như vậy, rõ là có sự tham khảo phong tục của tộc Bách Việt cũ nay đã thuộc phần đất của nhà Hán.

Nhà khảo cứu phong tục Toan Ánh cũng nhận định: “Thực ra Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, hoa cỏ đua mới, khiến cho con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả.”

Việc lựa chọn Tết nguyên đán vào thời điểm đầu tháng Giêng hay tháng Dần theo thiển ý có mấy điểm tiện lợi:

Thứ nhất, thời tiết tương đối phù hợp cho việc cúng tế;

Thứ hai, nó phù hợp cho hoạt động nghỉ ngơi vui chơi, lễ hội;

Thứ ba, nó phù hợp cho thời gian gieo trồng nông vụ tiếp theo.

Chúng ta hãy bàn về những ý nghĩa sơ khởi này của ngày Tết Nguyên đán.

Từ xưa đến nay Tết luôn là dịp tạ ơn Trời Đất, cúng tế Thần linh và tổ tiên

Ở trên chúng ta đã nói rằng Tập tục ăn Tết bắt nguồn từ lễ tế Lạp (hay Chạp), được dùng để tạ ơn Trời Đất, cúng tế Thần Nông và các vị Thần cùng tiên tổ.

Nếu như người Việt Nam tự hào là con cháu Thần Nông, thì người Trung Hoa tự nhận là “Viêm Hoàng tử tôn” - tức là con cháu Viêm Đế, Hoàng Đế, trong đó Viêm Đế thuộc dòng Thần Nông. Như vậy dù là người Hoa hay Việt đều thờ vị thần nông nghiệp là Thần Nông, đó là vị tổ đầu tiên của cả tộc Hoa và Việt. Cả hai nền văn minh Hoa, Việt đều là văn minh nông canh, nghĩa là lấy nông nghiệp để kiến lập quốc gia, lấy nông nghiệp làm cơ sở để sinh tồn và phát triển.

Ca dao Việt Nam có câu:

“Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng…”

Người xưa có lòng biết ơn, có tâm kính Trời, kính Thần, họ sẽ dâng cúng sản vật nông nghiệp sau một năm làm lụng vất vả cho Thần - những sinh mệnh cao cấp có đại công khai sáng nền nông nghiệp cũng như bảo hộ cho mùa màng của họ được thuận lợi.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, dẫu là với người phương Đông hay người phương Tây cũng thế. Người phương Tây cũng dâng cúng sản vật nông nghiệp họ làm ra cho Thiên Chúa của họ. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin như thế trong Kinh Thánh Cựu Ước.

Khi xã hội đông đúc, dần dần có tôn ti thứ bậc, thì chỉ có bậc vua chúa mới được cúng tế Trời và các Thần. Còn thứ dân thì chỉ dâng cúng tổ tiên mình thôi. Đó có thể là xuất phát điểm của văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt và người Trung Hoa vậy. Tết Nguyên đán vì thế chính là một thời điểm quan trọng nhất để tạ ơn Trời Đất, cúng tế Thần linh (Thổ Địa, Táo Quân) và tổ tiên.

Tết Nguyên đán vì thế chính là một thời điểm quan trọng nhất để tạ ơn Trời Đất, cúng tế Thần linh (Thổ Địa, Táo Quân) và tổ tiên. (Chụp video)

Tết là để nghỉ ngơi, vui chơi, lễ hội

Lao động nông nghiệp vốn là thứ lao động nặng nhọc, con người phải đối phó với hết thảy những bất trắc của thời tiết và thiên nhiên, thế nên cần có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lực; Cần có hoạt động vui chơi, lễ hội để nuôi dưỡng tinh thần; Sau những nhọc nhằn cần có chút thời gian để hưởng thụ; Sau những sai lầm cần có thời gian để tổng kết, rút kinh nghiệm cho một năm mới thành công hơn… Và đặc biệt là gia đình, gia tộc cần có một dịp để tụ họp, quây quần, chia sẻ tình cảm, nhắc nhở và phát huy truyền thống.

Trong Tết nguyên đán, người Việt càng xem trọng việc:

Tín Thần, kính Trời, hòa hợp với Trời đất, thiên nhiên… là đặc điểm của người trọng Đạo;

Kính thờ tổ tiên, biết ơn cha mẹ: là hiếu;

Tri ân và trả ơn ân nhân của mình: là nghĩa, như nghĩa thầy trò, nghĩa vợ chồng, nghĩa bằng hữu…

Giao tiếp, ứng xử lễ phép, chừng mực, có trên có dưới: là lễ

Ăn nói cẩn trọng, giữ gìn chữ tín: là tín

Tết Nguyên đán do vậy là một cái Tết của hy vọng, Tết của tình thân và Tết của những giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống.

Tết là để chuẩn bị cho nông vụ tiếp theo

Tết nguyên đán là thời gian cuối đông, khi thời tiết giá rét và mùa màng đã thu hoạch xong. Khi này chẳng thể gieo cấy mà phải đợi lúc sang xuân, vậy chi bằng hãy nghỉ Tết, đợi đến khi mưa xuân rơi xuống, tiết trời ấm lên mới thích hợp để bắt đầu nông vụ.

Vì sao có người vẫn muốn bỏ nó đi?

Thực ra, chung quy có 2 loại lý do sau:

Thứ nhất, Tết mang đến những hệ lụy và phiền toái

Ông chủ kêu ca người lao động mê mải ăn chơi, bỏ quên nhiệm vụ;

Nhà quản lý xã hội vất vả với tình trạng giao thông ách tắc, tai nạn giao thông, tệ bài bạc, trộm cắp, tham ô, hối lộ…

Bà nội trợ than vãn nấu nướng, dọn rửa quần quật không được nghỉ ngơi;

Nam giới sợ hãi bị chuốc rượu, ép bia, tiếp khách

Người lớn phật ý vì cách trẻ nhận tiền lì xì

Thanh niên chưa lập gia đình sợ bị gia đình thúc ép, người quen hỏi khó. v.v.

Thứ hai, Tết kéo dài ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và cơ hội giao thương quốc tế

Trong khi Tết xưa chỉ có 3 ngày nghỉ: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” thì Tết ngày nay được nghỉ dài hơn, tới dăm bảy hoặc 9 ngày. Tâm lý nghỉ ngơi, lãn công còn góp phần kéo dài Tết nguyên đán. Tinh thần làm việc trễ nải bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp cho đến ngoài rằm tháng Giêng với các loại hội hè, cúng lễ, đình đám… Năng suất lao động thấp, tinh thần uể oải gây trở ngại rất lớn cho việc hợp tác và giao dịch quốc tế.

Có nên bỏ Tết hay không?

Những phiền toái nói trên, nói cho công bằng, có phải là vì Tết hay không? Tết đã có từ ngàn đời, nếu nó gây phiền toái đến thế, hoặc mất nhiều hơn được, thì kể cũng lạ lùng nếu nó có thể tồn tại lâu vậy mà không thay đổi. Vậy thì cái gì cần thay đổi?

Tỷ dụ như người ta vẫn mượn câu nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để làm lý do lãn công thì chẳng phải con người hiện đại tự tạo ra phiền toái cho mình hay sao? Thực ra, đó là câu nói của nhà nông thời xưa mà thôi, nay áp dụng làm sao được. Lỗi ấy bởi người chứ đâu phải vì Tết.

Tết chỉ là một tập quán, là hoạt động có tính văn hóa, không phải một điều luật có tính bắt buộc. Có ai bắt người lao động lãn công? Có ai buộc bà nội trợ phải nấu nướng dọn dẹp quần quật? Ai ép được người đàn ông uống rượu? Ai quy định người lớn phải mừng tuổi hay lì xì? Và ai bắt buộc được người ta hối lộ? v.v.

Hết thảy đều là tình huống mà mỗi người phải đối mặt, phải tự tìm cách dàn xếp cho ổn thỏa. Hết thảy đều không thể né tránh. Hết thảy đều không phải vì Tết. Tết vẫn là Tết, chỉ có con người là thay đổi, nhưng phải chăng con người chỉ nên thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn?

Giả sử như người Việt không ăn Tết Nguyên đán nữa mà những nét văn hóa không đẹp như sự lười biếng, thói bê tha, thói quen hối lộ để được việc mình, lòng hám lợi, tư duy ích kỷ v.v. mà mất đi cùng với Tết Nguyên đán, thì có thể cũng đáng xem xét. Nhưng ai mà dám chắc.

Nhưng điều dám chắc nếu bỏ Tết đó là người Việt sẽ mất đi những ý nghĩa thực sự đã kể trên: ấy là lòng tôn kính với Trời Đất, Thần Phật, là lòng biết ơn đối với tổ tiên, là tình cảm ấm áp, là sự đoàn viên, là đạo đức và truyền thống, là lòng tự hào về nguồn cội trong quá khứ và niềm hy vọng vào tương lai…

Người ta vẫn hay lấy nước Nhật làm ví dụ về việc một nước Á Đông đã từ bỏ Tết Nguyên đán. Vào ngày 3/2/1872, tức năm Minh Trị thứ 5, Nhật Bản chính thức xóa sổ Tết Âm lịch, quyết định đón năm mới theo lịch của người châu Âu – tức ngày 1/1 hằng năm theo lịch dương. Lý do thứ nhất, là để học tập văn minh phương Tây, lý do thứ hai là để giúp chính phủ không phải trả khoản lương tháng thứ 13 cho công chức. Nhưng chính người Nhật ngày nay đã có phần hối hận về quyết định ấy.

Tác giả nổi tiếng người Nhật là Masanobu Fukuoka trong tác phẩm “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của ông có viết về nỗi xót xa này như sau: “Ham muốn vô độ của con người là nguyên nhân cơ bản đưa thế giới đến tình trạng khó khăn hiện nay… Ngày xưa, vào những dịp cuối năm, người nông dân chỉ có một mẫu đất trong tay thường dành ra ba tháng từ tháng giêng tới tháng ba để đi săn thỏ trên đồi. Dù bị gọi là một nông dân nghèo, nhưng ông ta vẫn có tự do theo cách đó. Kỳ nghỉ năm mới kéo dài khoảng ba tháng. Dần dần, kỳ nghỉ lễ này rút ngắn xuống còn hai tháng, một tháng, và bây giờ ngày Tết chỉ còn là kỳ nghỉ ba ngày.

Sự teo nhỏ số ngày nghỉ Tết cho thấy người nông dân trở nên bận rộn thế nào, và đánh mất đi niềm hạnh phúc vui sống về thể chất cũng như tinh thần ra sao…”

Muốn giữ được Tết, phải giữ được mình

Mỗi năm, cứ khi Tết Nguyên đán đến gần, lại có nhiều người Việt trong nước băn khoăn về nó, có người lo ngại, có người muốn trốn tránh nó. Trong khi đó, rất nhiều đồng bào xa xứ lại thấy bồi hồi với mỗi cành đào, chậu quất, chiếc bánh chưng xanh, hương trầm và mùi cỗ giao thừa, có người không tiếc tiền mua pháo Tết, để cộng đồng người Việt được họp nhau lại nghe tiếng pháo nổ rộn ràng, được hít hà mùi nồng thuốc pháo gợi nhớ về những ngày tháng cũ trên quê hương… Xa nhà khi Tết đến Xuân về vẫn luôn là điều người Việt cảm thấy chạnh lòng. Rất nhiều đồng bào ở hải ngoại dù không quá giàu có nhưng dám bỏ ra một khoản chi phí lớn để về quê ăn Tết.

Hỏi rằng họ tìm gì ở quê hương đang đổi thay trong những ngày đầu năm ấy? Tình thân ấm áp, ký ức về Tết xưa, người xưa, cảnh cũ… phải rồi, nhưng dường như còn có một điều thiêng liêng hơn nữa, đó là tấm lòng hướng về tổ tiên, về nguồn cội, là mối dây vô hình kết nối người Việt ở bất cứ nơi đâu. Nói thì nói vậy, hẳn là không mấy người Việt thực lòng muốn bỏ Tết, nhưng làm thế nào để kỳ nghỉ Tết nguyên đán chỉ đem lại niềm vui và hạnh phúc mà không gây nên mệt mỏi, phiền toái, mất mát? Xem ra, thách thức lớn nhất có lẽ là ở chỗ: muốn giữ được Tết phải giữ được mình.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Tết Nguyên đán: nên giữ hay bỏ?