Tiền thế của Phật Đà - Vua hươu chín màu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hươu chín màu (cửu sắc lộc) có hình tướng đẹp đẽ, tính tình nhân ái, là câu chuyện lưu truyền về kiếp trước của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đôn Hoàng nằm trên một ốc đảo nhỏ trong hoang mạc ngoài biên giới xa xôi, là điểm trọng yếu trên con đường tơ lụa, là Thánh địa Phật giáo có thân phận đặc biệt, nối dài truyền kỳ lịch sử và văn minh huy hoàng của Phật giáo. Đặc biệt là quần thể hang động trên vách đá, với sắc màu diễm lệ cùng tạo hình tráng lệ, đã kể cho nhân thế những câu chuyện xa xưa tưởng như đã bị bụi thời gian vùi lấp.

Bài viết này muốn giới thiệu cùng bạn đọc câu chuyện về Phật Đà, được mô tả bằng những bức tranh điển hình trong hang động Mạc Cao - Hang số 257, với bức tranh “Nguồn gốc vua hươu”. Có lẽ, khi bạn đọc tới nửa chuyện, sẽ phát hiện: Nguyên đây chính là câu chuyện hươu chín màu ngày xưa đã nghe qua!

Lấy hang Mạc Cao làm đại biểu cho nghệ thuật hang động Đôn Hoàng, từ thời đầu hưng khởi, đã đạt tới đỉnh cao mẫu mực của nghệ thuật. Nhìn từ nội dung và đề tài, là các câu chuyện về Đức Phật, kiếp trước của Đức Phật, và các câu chuyện nhân duyên, triển hiện cảnh Phật Đà xả thân phổ cứu chúng sinh, cho đến những Thần tích từ bi độ hóa chúng sinh. Thông qua từng câu chuyện sinh động, thế nhân có thể thể ngộ được lực lượng của chính tín cùng uy đức của Phật Pháp.

Hang số 257, bức “Nguồn gốc vua hươu” chỉ ra thiện ác hữu báo, đừng quên tâm nguyện ban đầu.

Trong các hang động Đôn Hoàng, là các câu chuyện thể hiện bằng tranh, mỗi tranh mỗi cảnh, hay một tranh nhiều cảnh, dùng hình thức thể hiện của nghệ thuật Phật giáo Tây Vực, vẫn còn một loại tranh rất lớn mà ngày nay chúng ta thường gọi là “Tranh liên hoàn”. Từ thời Ngụy Tấn đến nay, Hán địa đều có các tác phẩm tranh liên hoàn như vậy, như “Nữ sử chân đồ”, “Lạc Thần phú đồ”, đều là những kiệt tác làm thế nhân kinh ngạc.

Do tranh cuộn ngang đột phá tính cục hạn của tranh đơn, có thể triển hiện được những nội hàm rộng lớn của Thần thoại Phật giáo, nên dần dần trở thành thủ pháp yêu thích của các họa sĩ vẽ tranh. Tranh vẽ ngang dần dần phát triển từ một đoạn lên hai đoạn, ba đoạn, hình thành lên tranh quy mô lớn, thể hiện tổ hợp các câu chuyện trên bức tranh lớn làm người xem choáng ngợp.

Đặc biệt hơn nữa, trình tự của bức tranh không chỉ từ trái sang phải, mà còn có hướng tập trung từ hai đầu vào chính giữa, nơi ấy triển hiện ra cao trào của câu chuyện hoặc cảnh tượng kết cục. Điển hình nhất là bức “Nguồn gốc vua hươu” hang Mạc Cao số 257.

Thế nhân đều biết, trước khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Ngài đã từng nhiều lần giáng sinh thành Thánh nhân hiền giả, nhân cầm tường thú (cầm, thú hiền hòa), tích lũy vô số thiện hạnh, cuối cùng tu thành chính quả. Hươu chín màu (cửu sắc lộc) có hình tướng đẹp đẽ, tính tình nhân ái, là câu chuyện lưu truyền về kiếp trước của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Hươu chín màu còn được gọi là Cửu sắc Thần lộc (Hươu Thần chín màu), vua hươu, có sừng trắng thanh khiết như tuyết, bộ lông do nhiều màu sắc kỳ diệu tổ thành. Gọi là chín màu, không phải là chỉ có chín loại màu sắc, mà ý là màu sắc phong phú, biểu hiện sự thần thánh, mỹ hảo của vua hươu.

Tương truyền, Lộc vương thường uống nước bên sông Hằng, có cầm thú đi theo. Một ngày, Lộc vương đang tản bộ ven sông, bỗng nhiên nghe tiếng người kêu cứu dưới sông, Lộc vương không kể an nguy lao xuống dòng nước xiết, cứu người đuối nước lên bờ. Người ấy quỳ lạy cảm tạ Lộc vương, và nói, vì ơn cứu mạng nên nguyện ý làm nô bộc cho Lộc vương, suốt đời hầu hạ bên thân. Lộc vương không nhận lời, chỉ yêu cầu người kia giữ bí mật, không tiết lộ hành tung của Lộc vương.

Vương hậu của nước ấy một đêm mơ thấy hươu chín màu tuyệt đẹp, khi tỉnh giấc đòi quốc vương tìm bắt hươu chín màu, nói muốn lấy da hươu làm áo choàng, sừng hươu làm cán phất trần. Quốc vương đành nghe theo mà chiều ý Vương hậu, treo thưởng nửa giang sơn tài vật để bắt Lộc vương.

Người kia thấy lợi quên nghĩa, vứt bỏ ân cứu mạng mà dẫn quốc vương mang binh sĩ tới bờ sông Hằng. Lộc vương thấy vậy, bèn nói rõ cho Quốc vương việc cứu mạng kẻ chỉ điểm kia, Quốc vương cảm động muôn phần, liền hạ lệnh không ai được hại đến Lộc vương. Còn kẻ chỉ điểm kia bị ác báo thảm trọng, toàn thân đầy mụn độc, miệng sinh ra mùi thối; Vương hậu do lòng tham không đáy mà bị mất đi sự sủng ái của Quốc vương, cuối cùng bi phẫn mà chết.

Tranh liên hoàn trong hang đá, tái hiện truyền kỳ Lộc vương.

此为敦煌莫高窟的北魏第257窟的《鹿王本生》壁画,表现的是鹿王对国王讲述了溺人背信弃义的事。 
Đây là bích họa trong hang số 257 Đôn Hoàng Mạc Cao thời Bắc Ngụy “Lộc vương bản sinh”, thể hiện cảnh Lộc vương thuật lại với Quốc vương việc người kia vong ân bội nghĩa. (Nguồn ảnh: Miền công cộng)

Phần dưới bức tranh dùng lối vẽ liên hoàn tái hiện truyền kỳ Lộc vương. Bức tranh phân ra 5 cảnh, 8 tình tiết:

Bên trái là cảnh bên sông Hằng, triển hiện cảnh Lộc vương tản bộ bên sông, có người rơi xuống sông kêu cứu; Lộc vương xuống sông cõng người lên bờ; người kia quỳ xuống tạ ơn; Lộc vương dặn dò giữ bí mật.

Bên phải là cảnh vương cung, vương hậu ngồi kề vai bên quốc vương, yêu cầu bắt hươu chín màu; kẻ kia sau khi thấy cáo thị treo thưởng, thấy lợi quên nghĩa mà thành chỉ điểm. Bên phải là cảnh ngoại ô, kẻ chỉ điểm đưa quốc vương và quân đội truy tìm tung tích của Lộc vương.

Phần trên ngay giữa tranh, là cảnh Lộc vương an nhiên giấc ngủ, bầy quạ bay tới gọi Lộc vương tỉnh dậy mà mau chạy; phần dưới là cao trào và kết cục của câu chuyện, cũng là chiếm vị trí trung tâm của bức tranh, ở vị trí bắt mắt nhất, Lộc vương gặp kẻ chỉ điểm, kể cho quốc vương sự vong ân bội nghĩa của hắn, kẻ kia bị chịu ác báo.

Chủ đề của bức tranh có tình tiết bố cục đối ứng phân làm hai, triển hiện sự phi phàm của thợ vẽ cùng sự lý giải sâu sắc về Phật Pháp. Bên trái là cảnh cứu người cùng từ bi, bên phải là chiếm hữu và tham dục, hai lực lượng Thiện, Ác từ hai phía hội tụ lại, giao tranh ở trung tâm, cuối cùng thiện ác hữu báo, tà không thể thắng chính, người vẽ đã dùng nét vẽ xảo diệu mà truyền đạt ra ngụ ý hết sức thâm sâu.

Về phương diện biểu hiện nhân vật của bức họa cũng đạt tới độ tinh tế truyền thần. Khắc họa vương hậu một tay khoác lên vai quốc vương, một chân nghếch lên, lộ rõ vẻ nũng nịu phong tình; cảnh Lộc vương gặp quốc vương, vẽ hươu thần tráng kiện đứng hiên ngang ngẩng cao đầu, kể ra câu chuyện, biểu hiện ra sự tôn quý uy nghiêm, quốc vương gật đầu lắng nghe chăm chú, thể hiện ý hổ thẹn. Nghệ nhân dựa vào vài chi tiết mà đã khắc họa được tính cách, nội tâm của nhân vật, quả thật là những nét vẽ thanh cao tài hoa.

Thái Bình
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Tiền thế của Phật Đà - Vua hươu chín màu