Trung Quốc bắt giữ hơn 1.000 người Tây Tạng phản đối dự án đập thủy điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ hơn 1.000 người Tây Tạng trong một đợt trấn áp khốc liệt các cuộc biểu tình ôn hòa của nhóm sắc tộc này để phản đối việc xây dựng một đập thủy điện.

Theo tổ chức nhân quyền có tên “Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế” (International Tibet Network), hơn 1.000 người Tây Tạng, trong đó có nhiều tu sĩ, đã bị ĐCSTQ bắt giữ tính đến ngày 23/2. Các vụ bắt giữ diễn ra tại Derge, một thị trấn thuộc huyện Đức Cách, châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc.

Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế cho biết dự án xây dựng đập thủy điện sẽ buộc cư dân của 2 ngôi làng phải di dời và sẽ nhấn chìm 6 tu viện.

“Hiện chưa rõ tình trạng hiện tại của những người bị bắt”, tổ chức nhân quyền nói. Nhóm này đồng thời lưu ý rằng những người bị bắt đang bị giam giữ tại các địa điểm khác nhau trên khắp huyện Đức Cách.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 25/2, bà Uzra Zeya - Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền - đã viết: “[Tôi] quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về việc PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] bắt giữ hàng loạt người Tây Tạng, những người phản đối việc xây dựng một con đập mà gây ra việc di dời các ngôi làng và phá hủy các tu viện”.

“[Trung Quốc] phải tôn trọng nhân quyền và quyền tự do biểu đạt, đồng thời để người Tây Tạng tham gia vào việc phát triển và thực hiện các chính sách quản lý đất đai và nước”.

“Những tu viện hàng trăm năm tuổi này là nơi ở của hàng trăm tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, là nơi chứa đựng những di tích văn hóa không thể thay thế”.

“[Hoa Kỳ] sát cánh cùng người Tây Tạng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ riêng có của họ”.

Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế cho biết các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào ngày 14/2, khi ít nhất 300 người Tây Tạng biểu tình tại ủy ban huyện Đức Cách. Tính đến ngày 22/2, chính quyền đã bắt giữ hơn 100 tu sĩ Tây Tạng và người dân địa phương.

Theo hãng thông tấn Radio Free Asia, các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc được cho là đã sử dụng vòi rồng, bình xịt hơi cay và súng điện để trấn áp những người biểu tình vào ngày 22/2. Một số người bị bắt đã được đưa vào bệnh viện địa phương để nhận điều trị y tế.

“Thật phẫn nộ với những gì đang xảy ra ở Tây Tạng vào lúc này… những kẻ thực dân [ĐCSTQ] đang đánh cắp mọi thứ chúng tôi có, nhưng hàng nghìn người Tây Tạng vẫn tiếp tục kháng cự”, bà Tenzin Yangzom - nhân viên vận động của Hiệp hội Tây Tạng ở Boston (Mỹ), cũng là người làm việc cho Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế - viết trên X vào ngày 24/2.

Ông Benedict Rogers - nhà hoạt động nhân quyền và phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Vương quốc Anh - đã lên mạng xã hội X gọi cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Tây Tạng là “kinh hoàng và vô nhân đạo”.

“Chúng ta đừng quên Tây Tạng. Hãy #FreeTibet”, ông Rogers viết.

Tây Tạng

ĐCSTQ xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1949, tiếp đó áp một thỏa thuận 17 điểm lên người Tây Tạng để hợp pháp hóa sự cai trị của chế độ. Bất chấp những hứa hẹn trên giấy tờ về quyền tự trị của Tây Tạng, ĐCSTQ đã biến khu vực này thành một nơi mà người dân bị giám sát toàn diện, đồng thời thành lập các trại lao động tại đây.

Đức Đạt Lai Lạt Ma - nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng - đã phải sống lưu vong ở Ấn Độ vào năm 1959 sau khi chính quyền Trung Quốc đàn áp dã man một cuộc nổi dậy, giết chết hàng chục nghìn người Tây Tạng. Cuối năm đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thành lập một chính quyền lưu vong Tây Tạng, với tên chính thức là Chính quyền Trung ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration).

Ông Sikyong Penpa Tsering - người đứng đầu Chính quyền Trung ương Tây Tạng - nói vào ngày 24/2 rằng “dù được đánh giá hay đo lường bằng cách nào thì việc chính quyền Trung Quốc coi thường các quyền của người Tây Tạng là không thể chấp nhận được. Các hành động trấn áp cho thấy Trung Quốc ưu tiên hệ tư tưởng và lợi ích của họ mà bỏ qua nhân quyền”.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả tất cả những người bị giam giữ, đồng thời tôn trọng quyền cũng như nguyện vọng của người dân Tây Tạng. Thế giới cần lắng nghe tiếng nói của người Tây Tạng và đối mặt với sự thật về sự cai trị sai trái của Trung Quốc ở Tây Tạng”.

Theo tổ chức nhân quyền Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng (ICT), việc xây dựng con đập, một nhà máy điện công suất 2.240 MW, ở thượng nguồn sông Dương Tử, sẽ khiến khoảng 2.000 người dân địa phương phải chuyển nơi sinh sống. Tu viện Wonto - một trong sáu tu viện bị ảnh hưởng - là nơi có những bức bích họa có niên đại từ thế kỷ 13.

Đầu tháng này, các nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn Đạo luật Thúc đẩy một Nghị quyết về Xung đột Tây Tạng - Trung Quốc (H.R.533) với tỷ lệ phiếu là 392–28.

Theo một tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đạo luật này nhằm mục đích “khởi động lại các cuộc đàm phán” giữa giới quan chức ĐCSTQ và Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc các đại diện của ông, vì hai bên chưa có cuộc đối thoại chính thức nào kể từ năm 2010.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bắt giữ hơn 1.000 người Tây Tạng phản đối dự án đập thủy điện