Vì sao ‘không nước nào có nhiều người chết vì bệnh dại như Việt Nam’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ước tính khoảng 90% người đến khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, là để tiêm vaccine dại.

Người đàn ông 60 tuổi (ngụ ở TP.HCM), bị chó cắn rách một bên mặt. “Thủ phạm” gây ra tai nạn này lại chính là con chó nhà hơn 10kg đã nuôi được ba năm.

Với vết thương nghiêm trọng, người nhà đã nhanh chóng đưa ông đến Bệnh viện quận Tân Phú để băng bó và kiểm tra.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, bác sĩ chuyên khoa II Danh Thơm, Phó khoa Khám bệnh, đã chỉ định tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại cho nạn nhân. Ngoài ra, ông cũng được tiêm vaccine uốn ván, sau đó chuyển lên khoa Răng Hàm Mặt để tái kiểm tra.

Vết cắn bên mặt của người đàn ông khá sâu và lộ rõ hai vết răng sắc nhọn của con chó. Mức tổn thương được đánh giá ở cấp độ 3, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo bác sĩ Thơm, những vết thương do chó cắn gần dây thần kinh như tay chân, đầu, mặt, cổ hay cằm đều rất nguy hiểm, những người này cần được tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Vì số trường hợp lên cơn dại do chó cắn ngày càng tăng, nên người dân đã bắt đầu lưu ý hơn đến mức độ nghiêm trọng của các vết thương do động vật, thú cưng gây ra.

Thống kê cho thấy, trong suốt hai tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 5.300 lượt tiêm vaccine dại, trung bình mỗi ngày có 88 lượt, có ngày cao điểm lên tới 300 lượt. Trong số này, số người phải tiêm huyết thanh kháng dại là 2.400.

Ước tính khoảng 90% người đến khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, là để tiêm vaccine dại.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết dù đã có đủ vaccine ngừa dại cho cả người và động vật, nhưng mỗi năm vẫn có 70 người chết vì bệnh dại.

Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý chó mèo ở nơi công cộng còn nhiều bất cập, người dân chưa có ý thức và chủ động tiêm phòng dại cho thú cưng, điều này khiến dịch bệnh có xu hướng lan rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng việc phòng chống bệnh dại gặp không ít khó khăn do khâu tổ chức hệ thống từ tỉnh, huyện đến xã có nhiều vấn đề, trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là thiếu các chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo hoàn thành việc kiểm soát tiêm phòng, nâng cao ý thức của người dân cũng như giải quyết vấn nạn thả rông chó mèo.

Theo bà, tình trạng để chó mèo không rọ mõm, tự do chạy lung tung càng làm gia tăng rủi ro cho những người xung quanh.

Nhấn mạnh về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cúc Thú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm đã có 27 người chết vì bệnh dại. Ông nói rằng chưa thấy nước nào có nhiều người chết vì bệnh dại như Việt Nam.

Dữ liệu cho thấy, Việt Nam có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó mèo, trong đó, tổng đàn chó mèo lên tới 7,6 triệu con. Hà Nội là địa phương có số lượng chó mèo lớn nhất với hơn 425.000 con, tiếp đó là Nghệ An với 355.000 con và Thanh Hoá - 322.000 con.

Ông Long cho hay, để bệnh dại không trở thành dịch, tỷ lệ tiêm phòng dại trên chó mèo cần đạt hơn 80%. Mặc dù vậy, tỷ lệ này ở một vài địa phương vẫn chỉ đạt 10%.

Báo cáo của Cục Thú y vào năm 2023 cho thấy, tỷ lệ tiêm phòng trung bình trên cả nước chỉ đạt 58% tổng đàn chó mèo.

Từ đầu năm đến nay, đã có 19 tỉnh triển khai tiêm phòng dại, với tổng số chó mèo được tiêm phòng là hơn 554.000 con. Tỷ lệ đạt trung bình 30% tổng đàn chó của các địa phương này.

Để kiểm soát bệnh dại nói riêng và dịch bệnh lây truyền từ động vật nói chung, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng trong khâu tổ chức thực hiện.

Theo ông Tiến, không thể để mất bò mới lo làm chuồng. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vaccine, hóa chất và các điểm tiêm phòng. Ông nhấn mạnh rằng dù số lượng gia cầm và chó mèo ở nước ta không quá lớn nhưng tỷ lệ tiêm phòng lại quá thấp, hiện trạng này cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao ‘không nước nào có nhiều người chết vì bệnh dại như Việt Nam’?