30 nguyên tắc giáo dưỡng giúp trẻ hưởng lợi cả đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục con cái trở thành người có giáo dưỡng chính là trách nhiệm lớn nhất của mỗi bậc làm cha mẹ. Giáo dưỡng là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái, một nền giáo dưỡng tốt mới là nền tảng vững chắc cho mỗi đứa trẻ lập thân lập nghiệp trong tương lai.

Đối với một số cách ứng xử lịch sự tối thiểu trong cuộc sống, cha mẹ nhất định phải hướng dẫn và chỉ dạy cho con, nếu không thì sẽ không thể làm tròn bổn phận của mình.

  1. Giữ chữ tín

Giữ chữ Tín là nguyên tắc làm người căn bản nhất, chúng ta cần có thói quen giữ lời hứa của mình, thậm chí là những lời hứa nhỏ nhặt trong cuộc sống, ví như "Tôi mượn sách rồi sẽ trả lại bạn", "Lần sau cùng nhau đi ăn nhé".

Những lời hứa này xem ra như là những lời thỏa thuận nhỏ, nhưng nếu bạn có thể hoàn thành, đối phương sẽ cảm thấy "Ồ, anh/cô ấy vẫn còn nhớ! Hóa ra đó không phải là lời hứa suông". Qua đó, bạn sẽ lưu lại ấn tượng tốt đối với mọi người.

  1. Biết giữ giới hạn

Đừng bao giờ tùy tiện đụng vào đồ của người khác, đồ của người khác mà tùy tiện sử dụng, điều này sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu.

Không tùy tiện sử dụng đồ của người khác chính là thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với quyền riêng tư của những người xung quanh. Trước khi cầm và sử dụng đồ của người khác, bạn cần phải có sự đồng ý của họ.

  1. Tự làm tốt việc của bản thân

Hãy cố gắng hạn chế cầu sự giúp đỡ của người khác càng tốt, chuyện của bản thân thì bản thân cần cố gắng làm cho tốt, đừng việc gì cũng làm phiền người khác. Nếu thực sự cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, chúng ta cần thật lòng cảm ơn họ.

Trong cuộc sống, đừng chuyện gì cũng phải trông cậy vào người khác, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang làm lãng phí thời gian và sức lực của người khác. Ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng của mình, bạn cũng cần phải sống cuộc sống của chính mình. Nếu có thắc mắc hay khó khăn, chúng ta có thể nhờ sự trợ giúp của Google, đọc sách, tham khảo ý kiến chuyên gia, từ đó tự mình phân tích, tìm cách giải quyết.

  1. Giúp đỡ người khác

Khi thấy người khác gặp rắc rối hoặc khó khăn, nếu có thể giúp trong khả năng, chúng ta cần vui vẻ hỗ trợ hóa giải vấn đề.

Có câu nói: Khi bạn tặng người khác hoa hồng, bàn tay bạn vẫn vương vấn hương hoa.

Giúp đỡ người khác là hành động cao đẹp, trên thực tế, giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ bản thân. Khi chúng ta vui vẻ giúp người trong lúc hoạn nạn, tin rằng khi chúng ta gặp khó khăn, sẽ có một bàn tay giúp chúng ta hóa giải.

  1. Thành thật với bản thân

Nếu bạn đồng tình với một ý kiến hay, hãy thẳng thắn thừa nhận điều đó; nếu bạn cảm thấy mông lung và không chắc chắn với một sự việc nào đó, đừng ngần ngại từ chối, đừng trở nên mơ hồ, không chắc chắn, hãy thành thật với chính bản thân.

Ví như, khi bạn tiếp xúc với một người lớn tuổi, đôi khi đối phương sẽ mời bạn đi ăn, nếu bạn cứ cảm thấy ngại, cứ luôn từ chối và một mực nói "Không cần đâu", trên thực tế là đang khiến đối phương cảm thấy mất mặt. Trong trường hợp này, tốt hơn hết là bạn nên thẳng thắn đón nhận lòng tốt của họ, cũng là cách khiến đối phương giữ thể hiện.

  1. Sử dụng ngôn ngữ có chọn lọc

Trong giao tiếp hằng ngày, hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ lịch sự và có chọn lọc. Dù là giao tiếp với người thân, bạn bè, thậm chí là người lạ, cách diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ rất quan trọng.

Chúng ta thường cảm thấy dễ chịu khi giao tiếp với những người ăn nói dễ nghe, có giáo dưỡng. Ngôn ngữ và cách diễn đạt cũng trở thành một phần trong tính cách của con người.

  1. Lắng nghe người khác

Khi người khác đang nói chuyện, hãy chú ý lắng nghe, mắt nhìn thẳng vào đối phương, tai lắng nghe đối phương nói, không được tùy tiện ngắt lời hoặc phán xét một cách phiến diện, đây là phép tắc lịch sự cơ bản khi giao tiếp với người khác.

Trong giao tiếp, hãy lắng nghe và tôn trọng đối phương. Bất luận là đối phương nói gì, chúng ta cũng nên lắng nghe và tiếp thu họ. Muốn được người khác tôn trọng, trước tiên chúng ta cần tôn trọng người khác.

  1. Lịch sự với mọi người

Đừng tùy tiện đánh giá hay bình phẩm người khác dựa trên vẻ bề ngoài. Đồ vật đắt hay rẻ cũng đều có lý do của nó. Cũng giống như khi chúng ta đi mua hàng, khi lựa đồ có người lớn tiếng nói "Ôi, cái này thật là đắt", hoặc là, "Ô, cái này rẻ thật đấy!", đây đều là những hành vi thiếu lịch sự!

  1. Có sự tương tác qua lại

Nếu muốn có được sự giúp đỡ của người khác, trước tiên bạn cần phải học cách cho đi, cho dù là một lời chào hỏi giản đơn, hoặc một nụ cười.

Bản chất của sự giao tiếp giữa người với người là sự tương tác qua lại lẫn nhau, chính là có đi có lại. Bạn muốn đắc được điều gì, bạn cần phải cho đi!

  1. Hãy luôn đúng giờ

Thời gian đối với mỗi người là hữu hạn, hãy chắc chắn bản thân luôn đúng giờ, đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với người khác.

Phàm là việc gì, hãy đến sớm 10 phút. Điều này không chỉ giúp chúng ta làm chủ thời gian, mà còn giúp chúng ta duy trì trạng thái ổn định trước khi bắt tay vào công việc.

  1. Luôn bày tỏ lòng biết ơn

Người có lòng biết ơn là người hạnh phúc nhất, bởi vậy, hãy luôn trân trọng và biết ơn những gì chúng ta đang có. Lòng biết ơn cũng khiến mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.

Luôn bày tỏ lòng biết ơn. (Ảnh pixabay)

Nếu ai đó tặng bạn một món quà nhỏ xinh, ai đó nấu cho bạn một bữa ăn ngon, đừng tiết kiệm lời cảm ơn đến họ nhé. Điều này chắc chắn sẽ khiến đối phương cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc!

  1. Không tùy tiện chỉ trích người khác

Không tùy tiện nói xấu sau lưng người khác, không bình luận đúng sai một cách vô trách nhiệm, không tùy tiện bình luận người khác, cần tôn trọng ý kiến bất đồng của người khác, đây là những quy tắc lịch sự tối thiểu mà chúng ta cần phải học.

  1. Thấu hiểu người khác

Đôi khi, chúng ta vô tình nhận được những tờ rơi trên đường, hoặc có những lúc, chúng ta nhận được những cuộc gọi giao bán hàng và tiếp thị sản phẩm. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy phiền phức và khó chịu, nhưng hãy học cách thông cảm và thấu hiểu cho công việc của người khác.

Cảm giác luôn bị người khác từ chối cũng không phải dễ chịu, phát truyền tờ rơi và gọi điện thoại tư vấn cũng là một công việc, vốn dĩ họ cũng không cố ý làm phiền chúng ta. Sống trên đời, hãy thông cảm và thấu hiểu cho nhau, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

  1. Nghi thức gọi điện

Khi gọi điện thoại, hãy chờ đối phương dập máy trước, sau đó mới cúp máy.

  1. Đối xử bình đẳng với mọi người

Người có phép tắc lịch sự sẽ đối đãi bình đẳng với tất cả mọi người, cho dù là đối với cấp trên, người lớn tuổi, nhân viên phục vụ nhà hàng, thậm chí là nhân viên quét rác ven đường, họ đều sẽ khiêm tốn, lễ phép và tôn trọng, cho dù chức vụ và địa vị của đối phương là gì.

  1. Giữ gìn ý thức trách nhiệm nơi công cộng

Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm nơi công cộng và môi trường sống xung quanh, đó cũng thể hiện mức độ giáo dưỡng của chúng ta. Ví như, vứt rác đúng nơi quy định, không làm hỏng đồ vật ở nơi công cộng, không tùy tiện ngắt hoa và vặt cây...

  1. Không gây ồn ào nơi đông người

Khi ở nơi công cộng và đông người, hãy hạn chế gây ồn ào và ảnh hưởng đến người khác. Khi xem phim hoặc biểu diễn ở chốn đông người, hãy để điện thoại di động ở chế độ im lặng.

Khi đến muộn, hãy nhẹ nhàng đi vào chứ không được ảnh hưởng đến mọi người. Khi mang trẻ theo đến nơi đông người, đừng để tiếng khóc của chúng ảnh hưởng đến người khác... những điều này thực sự rất quan trọng.

  1. Nghi thức khi ăn uống

Ăn xong, cần phải tự dọn dẹp bát đĩa và đồ ăn thừa của mình. Cho dù là ở nhà hay ngoài nhà hàng, hãy cố gắng đừng để người khác phải đi dọn đồ ăn của mình.

  1. Giữ gìn hình tượng cá nhân

Hãy chú ý đến hình tượng của cá nhân và vệ sinh nơi công cộng. Ví như, che miệng khi ho hoặc hắt xì hơi, không trang điểm hoặc ngoáy mũi nơi công cộng, không cười nói to nơi đông người...

Giữ gìn hình tượng cá nhân cũng là thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với mọi người.

  1. Nhường đường

Khi đi thang bộ, hãy đi bên phải và chừa làn đường cho những người phía sau đang vội đi qua trước.

  1. Nhường chỗ ngồi

Về chỗ ngồi, khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hãy chủ động nhường chỗ cho người già, người bệnh, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ có thai, đây cũng là những phép tắc tối thiểu.

  1. Chú ý đến tướng ngồi

Hãy chú ý đến tư thế ngồi, không khoanh tay, không bắt chéo chân. Khi ở nơi đông người, đừng rung chân, khi đi xe bus nếu bạn rung chân, điều này sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Chú ý đến tướng ngồi. (Pexels)
  1. Chú ý đến ánh mắt

Đừng nhìn chằm chằm vào ai đó, đó là hành vi bất lịch sự.

  1. Nghi thức trên bàn ăn

Nghi thức căn bản nhất trên bàn ăn là: Khi ăn không phát ra tiếng động, không tùy tiện lật món, không tùy ý gắp hết món mình thích, sử dụng đũa chung để gắp thức ăn chung.

Khi ở nơi đông người, hạn chế ăn đồ ăn có mùi nồng hoặc những đồ ăn vụn.

  1. Trang phục

Nói đến vấn đề trang phục, chúng ta cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh, hạn chế đút tay vào túi.

Trang phục bề ngoài có thể ảnh hưởng đến khí chất và tinh thần của một người. Bởi vậy, hãy lựa chọn những bộ trang phục phù hợp với bản thân trong mọi hoàn cảnh.

  1. Không cảm xúc hóa tâm trạng

Khi gặp khó khăn, trước hết hãy nghĩ cách giải quyết, đừng chỉ biết phàn nàn hoặc nổi giận, điều đó chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ.

Than phiền và tức giận quá mức sẽ chỉ làm tiêu hao sức lực của chúng ta, lẽ ra bạn nên dùng tinh lực đó để giải quyết vấn đề, thay vì lãng phí thời gian vào sự lo lắng, tốt hơn hết bạn nên hành động và đọc sách nhiều hơn.

  1. Đừng tùy tiện bình phẩm người khác một cách tiêu cực

Đồ mà người khác mua hoặc sở hữu, đặc biệt là những thứ đồ họ thích, bạn không nên tùy tiện đánh giá và chê bai. Ví như, bạn đến nhà người khác chơi, bạn nói: "Nhà bạn nhỏ thế!", hoặc "Bộ quần áo mà bạn mua màu xấu quá!"... Trên thực tế, đây là những lời bình phẩm thiếu lịch sự!

  1. Ân cần và chu đáo

Hãy chuẩn bị sẵn một số vật dụng nhỏ cần thiết ở trong túi, phòng trường hợp bạn hoặc người khác cần trong tình huống khẩn cấp, ví như băng cá nhân, giấy vệ sinh, đồ ăn nhẹ, túi đựng rác... điều này sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy bạn là người chu đáo, ân cần.

  1. Ghi nhớ những điều tốt đẹp về người khác

Đừng coi lòng tốt của người khác đối với bạn là điều dĩ nhiên, hãy luôn ghi nhớ những điều tốt của đối phương, điều này sẽ khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên tốt đẹp.

Kỳ thực, dù là cha mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp, khi ai đó tốt với bạn, bạn cũng cần có tấm lòng cảm ơn đối với họ.

  1. Không coi thường và chế giễu người khác

Có một hành vi thiếu giáo dưỡng, được gọi là "Cứ luôn chế giễu và chê bai người khác", đừng bao giờ dạy con bạn trở thành người như vậy, điều này sẽ khiến mọi người xung quanh ghét bỏ và xa lánh.

Có câu: Sự cao quý chân chính của một người không phải đến từ xuất thân, mà đến từ sự giáo dưỡng của người đó. Giáo dưỡng cũng chính là ngọn đèn sáng ươm mầm một đứa trẻ thành người, là căn bản trong việc giáo dục con trẻ thành tài.

Giáo dưỡng là tài sản quý giá của mỗi người, bởi vậy thay vì lưu lại tài sản cho con cái, cha mẹ hãy biến con cái trở thành ‘của cải', trở thành một người tử tế trong xã hội, sở hữu nhân phẩm tốt đẹp.

Thiện Bảo
(Biên dịch và tổng hợp)

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

30 nguyên tắc giáo dưỡng giúp trẻ hưởng lợi cả đời