9 cách đánh giá người để dùng người của cổ nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiền tài là nguyên khí của đất nước, nước muốn cường thịnh ắt phải dùng đúng người. Nghệ thuật dùng người của cổ nhân vẫn luôn hiệu quả cho đến ngày nay. Trang Tử là bậc Thánh nhân của Đạo gia, chủ về Vô vi thanh tĩnh, tuy nhiên sách Nam Hoa Kinh của ông lại có 1 đoạn nói về cách dùng người.

1-Cử đi nhậm chức nơi xa để quan sát lòng trung thành.

Người xưa có câu xa mặt cách lòng, nên khoảng cách và thời gian dài đủ để hiểu lòng và giá trị một con người. Cách này thường dùng với những đại tướng hay yếu nhân nắm nhiều quyền lực ở phương xa. Một là có thể quan sát lòng trung thành, hai là nếu họ có làm gì xấu như tạo phản thì cũng ít ảnh hưởng đến quyền lực của lãnh đạo.

Khi xưa Lý Thường Kiệt danh vọng và quyền lực đều lên đến tột đỉnh, Hoàng đế Lý Thánh Tông bèn điều ông đi nhậm chức phương xa để thử thách. Khi đến trị nhậm địa phương, đức Thái úy Quốc công đã làm rất tốt công việc và thể hiện lòng trung thành tuyệt đối, nên không lâu sau ông đã quay lại triều đình và được trọng dụng còn hơn cả khi xưa.

2-Để người đó làm việc sát bên mình để quan sát sự cung kính thận trọng.

Cung kính không phải là xu nịnh lấy lòng cấp trên, mà chữ Kính là gốc của "Lễ", thể hiện lòng Thành, người có Thành Ý mới có Chính Tâm, có Chính Tâm mới có thể Tu Thân mà Trị quốc bình thiên hạ. Trong khi đó Lễ còn giúp phân định vua tôi tôn ti trật tự, nên người thân cận mà suồng sã không giữ lễ tiết cung kính thận trọng, thực sự không phải là người nên giao quyền lớn hay cơ nghiệp vậy.

3-Để người đó xử lý sự vụ phức tạp để quan sát khả năng ứng biến

Đa phần người làm chức vụ cao hay nắm quyền lớn ngày nay đều than vãn là bản thân quá bận rộn, không đủ thời gian, nên có nhiều việc không làm tốt được. Tuy nhiên kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất là nhìn người giao việc, và phân quyền ủy quyền hợp lý theo cấp bậc. Do đó nếu một người được giao sự vụ phức tạp, hay vị trí cao mà vẫn thong dong tự tại, không bị ảnh hưởng đến tinh thần, thì mới đúng là người nên sử dụng cho việc lớn.

Đức Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật là một vị kỳ nhân nhà Trần, cũng có thể coi là một vị tướng lãnh đại thần thành công viên mãn nhất. Ông thời trẻ thông thạo nhiều thứ tiếng và am hiểu văn hóa tập tục, nên dễ dàng bình định phản loạn làm họ thật lòng quy phục. Trong chiến tranh thì đánh đâu thắng đó, lập kỳ tích huy hoàng cho liên quân Tống Việt. Khi làm đại quan thân vương dù việc nước bận rộn, nhà của ông chưa bao giờ dứt tiếng đàn ca ngâm thơ, và sống rất thoải mái. Thử hỏi ở địa vị như ông, mấy người có thể hoàn tất mọi việc nhanh gọn hoàn hảo và vẫn thong dong như vậy?

4-Đột nhiên hỏi vấn đề, để quan sát sự nhạy bén của người đó

Người ta hiện nay rất giỏi dùng nhiều thứ để biện minh hay ngụy tạo bản sự của chính mình, nên rất khó đánh giá đúng bản chất của một người. Tuy nhiên những câu hỏi bâng quơ lúc thư giãn nhất, để nêu lên quan điểm, có thể nói lên rất nhiều điều về người đó. Chỉ là để làm điều này thì người sử dụng phải có óc quan sát rất tinh tế và nhạy bén.

Trong lần chống quân Nguyên xâm lăng lần thứ nhất, vua Thái Tông lo lắng hỏi Thái sư Thủ Độ xem có nên hàng để dân chúng khỏi lầm than hay không? Trần Thủ Độ trả lời 1 câu đi vào sử sách: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo".

5-Giao việc gấp rút để xem có thể giữ lời hứa hay không

Chữ Tín là chữ cuối cùng trong Ngũ Đức, nên có thể coi là căn bản nhất của nhân cách, một người không dễ hứa thường sẽ giữ lời tốt hơn người hay hứa bừa. Đặc biệt là hứa trong lúc nguy nan mà giữ được lời thì mới đúng là người nên giao trọng trách.

Khi xưa Thục hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị lúc sắp mất, gọi Gia Cát thừa tướng lại trăn trối và giao hậu sự. Gia Cát Lượng nói 1 câu mà sau này lưu danh thiên cổ: "Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ" (cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi), và sự thực sau đó ông đã làm đúng những gì đã hứa với chúa công của mình, trở thành 1 vĩ nhân mà nghìn năm ai cũng khâm phục.

Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. (Miền công cộng)

6-Ủy thác cho quản lý tiền tài lớn để xem nhân cách của họ có hám lợi hơn nghĩa hay không

Con cá chết vì miếng mồi, người chết vì lợi. Xưa nay quân tử Nho gia giảng câu Lợi và Nghĩa, người quân tử ắt luôn trọng Nghĩa khinh Tài. Nhưng thế nhân ngày nay mấy ai là quân tử, nên giao tiền tài để thử lòng người luôn là cách hiệu quả nhất xưa nay. Đồng thời quan sát xem người đó có dục vọng tích lũy tiền tài lớn quá hay không thì hãy giao trọng trách, cũng là một biện pháp rất hiệu quả vậy.

Nếu mà nói quản lý tiền tài minh bạch là tiêu chí của nhân tài, vậy mới thấy nhân tài nước ta điêu linh và thê thảm thế nào khi mà tham nhũng từ nhỏ đến lớn, từ trên xuống dưới như hiện nay. Ngày xưa vua Trần muốn thử sự thanh bạch của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, bèn cho người đem tiền để trước nhà ông đêm khuya. Sáng sau vào chầu ông đem toàn bộ số tiền dâng lên vua và tâu đúng sự thật. Họ Mạc nhờ đức lớn của ông mà hiển quý nhiều đời, sau này con cháu còn lên ngôi báu là Mạc Đăng Dung.

7-Nói cho họ biết tình trạng nguy nan để xem có tiết tháo hay không, có thể dựa cậy lúc nguy nan hay không

Người ta lúc thoải mái trà dư tửu hậu không có nguy nan, ai cũng nhân nghĩa ngời ngời. Chỉ khi trong tình trạng lửa cháy lông mày, nước mất nhà tan mới biết trung thần hiếu tử vậy.

Vua Trần thấy thế giặc mạnh, hỏi Hưng Đạo Vương xem có nên đầu hàng hay không? Hưng Đạo Vương trả lời bằng 1 câu nói bất hủ: "Bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu thần trước đã". Câu nói vào lúc nguy nan ấy thể hiện khí phách của bậc đại dũng lâm nguy không loạn, là chỗ dựa của xã tắc trước nguy cơ.

8-Cố tình cho uống rượu say xem bản tính có giữ vững nguyên tắc hay không

Người xưa nói rằng uống rượu vào sẽ làm mất bản tính, điều này là vô cùng chính xác. Thế nên khi chọn người làm việc tốt, nhất là chọn lãnh đạo thì việc xem xét khả năng kiềm chế bản thân khi say rượu là rất cần thiết, vì khi say người ta dễ bộc lộ những bản tính bất thiện của mình.

Đại Việt Sử Ký còn ghi lại câu chuyện vua Trần Anh Tông vì rượu suýt mất ngôi báu như sau:

"Bấy giờ Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh.

Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.

Đến giờ Mùi vua mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua hỏi: "Sao ngươi lại ở đây?".

Nhữ Hài vội vàng lạy rạp xuống đất tâu: "Thần vì mải học, đi lỡ ra đây".

Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo: "Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu".

Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình.

Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.

Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: "Người ở trong sân có còn đấy không?".

Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?".

Vua rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: "Ai soạn biểu cho ngươi?".

Vua thưa: "Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài".

Thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo: "Bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm".

Rồi xuống chiếu cho Quan gia lại vẫn làm vua; các quan về triều như cũ".

Có 1 điều rất quan trọng trong câu chuyện trên là từ đó về sau suốt đời Anh Tông không bao giờ uống rượu, và triều đại ông trở thành 1 thời đại thịnh trị nổi tiếng. Bản thân ông cũng không bao giờ cất nhắc bất kỳ quan lại nào mê rượu. Điều này quả là xứng đáng cho những bậc lãnh đạo xem xét lấy làm bài học vậy.

Về sau suốt đời Anh Tông không bao giờ uống rượu. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

9-Cho sống chung nhiều thành phần phức tạp khác nhau xem thái độ xử thế và sức ảnh hưởng của người đó

Một người lãnh đạo chân chính thì khả năng cảm hóa và ảnh hưởng người khác là vô cùng lớn. nên cho họ sống chung nhiều dạng người để xem lực ảnh hưởng làm thay đổi đội ngũ thế nào là rất cần thiết. Vì lực ảnh hưởng đến từ đạo đức, tinh thần của bản thân và lòng bao dung với người khác, lãnh đạo mà thiếu những điều này không thể thành công. Ngoài ra điều này còn giúp nghiệm thu định lực của họ trước các thói xấu và cám dỗ từ nhiều loại người khác nhau cũng như khả năng dung hòa lợi ích giữa các bên.

Lịch sử còn ghi lại câu chuyện thử người để truyền ngôi của Đế Nghiêu. Thuấn từng cày ruộng Lịch Sơn, đánh cá ở Lôi Trạch, làm gốm bên bờ Hoàng Hà, làm thợ chế nông cụ ở Thọ Khâu, đi buôn ở Phụ Hạ thảy đều làm tốt và người dân những nơi ấy đều phục đức mà trở nên tốt hơn. Nghiêu đem 2 con gái gả cho Thuấn, cả 2 người đều không dám cậy thế mà tuân theo đạo làm vợ. Sai Thuấn đón khách bốn cửa, việc đón tiếp diễn ra trang nghiêm và cung kính. Sau hết tất cả quy trình thì Nghiêu mới nhường ngôi cho Thuấn, mở ra một thời đại mới vô cùng thịnh vượng còn truyền đến ngày nay.

Tu thân, sống thuận Thiên Đạo, giữ đạo đức của chính nhân quân tử mới là con đường đúng

Nghệ thuật dùng người và hiểu người là một trong những tuyệt học vô cùng bác đại tinh thâm trong văn hóa truyền thống. Nó cũng được chứng minh hiệu quả trong việc áp dụng suốt mấy nghìn năm qua. Tuy nhiên để áp dụng được lại không phải là việc rèn luyện nó như thế nào đối với nhân sự, mà là ở chỗ bản thân người dùng nó đạt đến tiêu chuẩn đạo đức cao thượng để đắc được phần tinh hoa đó hay không mà thôi.

Thế nên đi theo tiểu thuật, cầu mong tuyệt kỹ để cải thiện kinh doanh là con đường mòn ngắn ngủi nhất thời. Chỉ có tu thân dưỡng tính của chính bản thân, làm cho đạo đức tự thân trở nên thanh cao, tâm ít dục vọng mới là Chính Đạo mà bậc nhân chủ lãnh đạo cần phải đi.

"Vật họp theo đàn, người chia theo loại", muốn dùng được nhân tài, ít ra bản thân đạo đức phải đủ cao để phục chúng. Khổng Tử có viết: "Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi" (Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh). Đây mới là gốc rễ của việc dùng người hiệu quả.

Tĩnh Thủy



BÀI CHỌN LỌC

9 cách đánh giá người để dùng người của cổ nhân