Ấn Độ sở hữu hàng loạt lợi thế để cạnh tranh với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và vị thế địa chính trị của nước này đang suy yếu, thì Ấn Độ đang trỗi dậy. Mặc dù rất khó để dự đoán khi nào hoặc liệu Ấn Độ có vượt qua Trung Quốc hay không, nhưng rõ ràng Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Bất chấp một số bất lợi mang tính cấu trúc, Ấn Độ sẽ vẫn có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua của các cường quốc thế giới.

Năm nay, Ấn Độ đăng cai tổ chức hội nghị G-20. Điều này được Ấn Độ coi như một sự công nhận rằng quốc gia này đã trưởng thành và sẵn sàng vượt qua Trung Quốc. Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về dân số và đang hy vọng vượt qua Trung Quốc về kinh tế và quân sự.

Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã tăng trưởng trung bình 5,5%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vào năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng toàn cầu. Hơn nữa, Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay và dự kiến sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã được hưởng lợi từ việc thuê ngoài của các công ty. Ấn Độ đã thu hút lượng công việc được di dời từ các quốc gia khác, do đó trở thành văn phòng hỗ trợ của thế giới. Công việc hành chính và sản xuất đang chảy vào Ấn Độ, với tỷ trọng sản xuất dự kiến sẽ tăng từ tỷ trọng hiện tại là 15,6% GDP lên 21% vào năm 2031. Trong 10 năm tới, khi nhiều công việc hơn được xuất khẩu sang Ấn Độ, dự kiến phân phối thu nhập trong nước sẽ trở nên bình đẳng hơn. Đồng thời, mức tiêu thụ có thể tăng gấp đôi.

So với Trung Quốc, Ấn Độ có một số lợi thế, chẳng hạn như tỷ lệ sử dụng tiếng Anh cao và dân số trẻ. Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc là 38,4, so với 28,7 ở Ấn Độ. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 12,1 phần nghìn, trong khi của Ấn Độ là 18,7. Mặt khác, Trung Quốc hiện giàu có hơn Ấn Độ nhiều và mặc dù có tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 20,8%, Trung Quốc vẫn có thể mang đến những cơ hội tốt cho dân số trẻ của mình. Nền kinh tế của Trung Quốc vẫn lớn gấp 5 lần nền kinh tế của Ấn Độ, và người Trung Quốc trung bình giàu hơn nhiều, với thu nhập 13.000 USD một năm, so với 2.500 USD của Ấn Độ. Hiện tại, để một người lọt vào top 10% về thu nhập tại Ấn Độ, họ chỉ cần kiếm được 300 USD mỗi tháng.

Cùng với mức lương lao động cao, cái nhìn của thế giới đối với Trung Quốc cũng đang xấu đi. Do đó, quốc gia này đã trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn đối với lĩnh vực sản xuất cao cấp. Ấn Độ sẵn sàng tiếp nhận các công ty di dời và nguồn đầu tư được chuyển hướng. Tuy nhiên, Ấn Độ tụt hậu so với Trung Quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng. New Delhi đã tăng gấp 5 lần đầu tư cơ sở hạ tầng kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền cách đây 9 năm, nhưng đất nước này vẫn còn nhiều việc phải làm. Trung Quốc đã được trang bị các mạng lưới hậu cần, lưới điện, đường bộ, đường sắt và cảng biển đáng tin cậy, trong khi Ấn Độ hiện mới chỉ đang xây dựng các hệ thống như vậy.

Ấn Độ sở hữu hàng loạt lợi thế để cạnh tranh với Trung Quốc
Một công nhân nhà máy làm việc với máy dệt tại một đơn vị sản xuất dệt may ở thành phố Tiruppur, miền nam Ấn Độ vào ngày 25/03/2019. (Ảnh: Arun Sankar/AFP/Getty Images)

Để hoàn thành quá trình chuyển đổi kinh tế và tránh tình trạng thiếu hụt việc làm chất lượng trong thanh niên, Ấn Độ sẽ phải tạo ra 90 triệu việc làm ngoài lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2030. Một hy vọng ở đây là Ấn Độ đã làm tốt hơn Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang lĩnh vực dịch vụ, cung cấp các dịch vụ cao cấp ra nước ngoài. Lĩnh vực dịch vụ đang phát triển giúp tạo ra việc làm cho gần 7 triệu thanh niên tốt nghiệp từ các trường đại học Ấn Độ mỗi năm. Những công việc này được trả lương cao hơn so với công việc sản xuất và đóng góp nhiều hơn vào GDP. Câu hỏi duy nhất là có bao nhiêu công việc sẽ được thêm vào và với tốc độ nhanh như thế nào.

Một vấn đề mà cả hai nước phải đối mặt là sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các khu vực địa lý. Xung đột giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo ở Ấn Độ rõ rệt hơn so với các vấn đề tương tự ở Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ tổ chức G-20, bạo lực đã nổ ra giữa người theo đạo Hindu và đạo Hồi, cho thấy khả năng xảy ra bất ổn dân sự, điều không có ở Trung Quốc. Hơn nữa, không giống như kế hoạch hóa tập trung của Bắc Kinh, truyền thống dân chủ đa nguyên của New Delhi kém hiệu quả hơn trong việc thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trên toàn quốc.

Quân sự

Theo báo cáo của GlobalFirepower, Ấn Độ hiện đứng thứ tư về sức mạnh quân sự, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trước năm 2020, một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc dường như chỉ là một khả năng xa vời. Kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Quân đội Ấn Độ trên lãnh thổ Ladakh của Ấn Độ, chiến tranh đã trở thành một khả năng rất thực tế. Trong 10 năm qua, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng gấp đôi. Năm nay, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đã tăng thêm 10%, đưa nước này lên vị trí thứ ba trên toàn cầu về chi tiêu quốc phòng. Đặc biệt, hải quân Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hóa để đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ PLA ở Ấn Độ Dương. Hiện tại, Hải quân PLA sử dụng các cảng ở Miến Điện (Myanmar), Sri Lanka và Bangladesh, bao vây Vịnh Bengal.

Năm 2020, Mỹ và Ấn Độ đã ký Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản về hợp tác không gian địa lý (BECA). Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu hàng không và địa hình quan trọng về quốc phòng giữa hai nước. Sau các cuộc đụng độ ở Ladakh, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo cho biết, “Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Ấn Độ khi họ đối mặt với các mối đe dọa đối với tự do và chủ quyền của họ”.

Ấn Độ và Mỹ đều là thành viên của Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad), một nhóm an ninh hướng tới việc đối phó với mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra. Các thỏa thuận liên quan đến quốc phòng khác giữa Mỹ và Ấn Độ bao gồm thỏa thuận Đối tác Quốc phòng Chính (MDP), Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng (DTTI), Bản ghi nhớ Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận An ninh và Tương thích Truyền thông (COMCASA), và Phụ lục An ninh Công nghiệp (ISA).

Lợi thế địa chính trị

New Delhi có một số lợi thế địa chính trị so với Bắc Kinh. Ngoài việc là thành viên của Quad, Ấn Độ còn là thành viên của G-20 và Khối thịnh vượng chung Anh. Ấn Độ đứng đầu một số nhóm kinh tế khu vực và có quan hệ đối tác chiến lược với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Càng ngày, Ấn Độ càng được coi là nhà lãnh đạo của thế giới đang phát triển và là cửa ngõ vào phía nam cho các nước phát triển. Khi Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng tăng về địa chính trị, Trung Quốc ngày càng bị gạt ra ngoài lề. ĐCSTQ đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia bị bỏ rơi như Nga, Iran và Afghanistan. Mặt khác, mối quan hệ chặt chẽ của New Delhi với Moscow là một chướng ngại đối với Ấn Độ trong việc hoàn toàn tuân thủ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và vị thế địa chính trị của nước này đang suy yếu, thì Ấn Độ đang trỗi dậy. Mặc dù rất khó để dự đoán khi nào hoặc liệu Ấn Độ có vượt qua Trung Quốc hay không, nhưng rõ ràng Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ sở hữu hàng loạt lợi thế để cạnh tranh với Trung Quốc