Ấn Độ tận dụng cơ hội Trung Quốc bị các doanh nghiệp đa quốc gia xa lánh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước sự suy giảm niềm tin của các tập đoàn đa quốc gia vào Trung Quốc, Ấn Độ đã tích cực thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào nước này và thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất.

Ấn Độ, với dân số đông nhất thế giới và một thị trường khổng lồ, đang được hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu hướng đến “giảm rủi ro” khỏi Trung Quốc.

Công ty nghiên cứu thị trường IMA Ấn Độ đã công bố “Khảo sát điểm chuẩn hoạt động toàn cầu năm 2023” vào tháng 5, khảo sát 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho các công ty B2B (doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp) quốc tế ở Ấn Độ. Nó cho thấy rằng 88% CEO thích Ấn Độ hơn Trung Quốc trong lựa chọn hàng đầu của họ, cho dù họ phải đối mặt với các thách thức về cơ sở hạ tầng, hạn chế pháp lý và các vấn đề liên quan đến kỹ năng ở Ấn Độ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy so với các công ty dịch vụ, nhiều công ty sản xuất đã chọn Ấn Độ, Việt Nam hoặc Thái Lan làm quốc gia thay thế cho Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNCs) đang tích cực khám phá các lựa chọn để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng.

“Trong 5 năm qua, các công ty đa quốc gia nước ngoài đã tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ, một phần là kết quả của việc đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Đặc biệt, các công ty IT & ITES [Dịch vụ được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin] đang gia tăng tỷ lệ lực lượng lao động toàn cầu có trụ sở tại Ấn Độ”, ông Suraj Saigal, giám đốc nghiên cứu của IMA Ấn Độ cho biết.

Cuộc khảo sát cho thấy một xu hướng toàn cầu trong đó các quốc gia ưu tiên hợp tác với các đối tác lâu đời hơn là dựa vào các hiệp định thương mại quốc tế hoặc khu vực.

Ấn Độ tận dụng cơ hội Trung Quốc bị các doanh nghiệp đa quốc gia xa lánh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) khởi động dự án "Sản xuất tại Ấn Độ" ở New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 25/09/2014. (Ảnh: RAVEENDRAN/AFP/Getty Images)

Niềm tin kinh doanh tại Trung Quốc suy yếu

Các yếu tố quan trọng thúc đẩy các CEO này cân nhắc các lựa chọn chuỗi cung ứng thay thế bao gồm sự hiếu chiến địa chính trị ngày càng gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các hoạt động buôn bán và thương mại đáng ngờ cũng như chi phí lao động tăng cao.

Một cuộc khảo sát khác do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) công bố vào ngày 21/06 cho thấy niềm tin kinh doanh tại Trung Quốc của các công ty châu Âu đang suy giảm đáng kể.

Ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Châu Âu, cho biết trong một cuộc họp báo trước khi công bố báo cáo, niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc “gần như ở mức thấp nhất mà chúng tôi từng ghi nhận”.

Sự thay đổi này có thể là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và chi phí gia tăng.

Tăng cường kiểm soát an ninh, sự bảo vệ của ĐCSTQ đối với các công ty trong nước và việc mở rộng luật chống gián điệp của Trung Quốc cũng là những mối quan tâm chung của các công ty nước ngoài.

Vào tháng 4, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích hai công ty tư vấn, Bain & Co. và Capvision, và một công ty thẩm định, Mintz Group, mà không đưa ra lý do chính đáng. Chính quyền Trung Quốc cho biết các công ty nước ngoài phải tuân thủ luật pháp nhưng không nêu tên bất kỳ vi phạm tiềm năng nào.

Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) cho biết trong báo cáo khảo sát hàng năm vào tháng 3 rằng, lần đầu tiên sau 25 năm, Trung Quốc đã rời khỏi danh sách ba điểm đến đầu tư ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ, chủ yếu là do quan hệ Mỹ - Trung Quốc xấu đi và tác động của ba năm áp dụng các biện pháp phong tỏa COVID-19. Các biện pháp phong tỏa đã làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc và làm xói mòn đáng kể niềm tin vào thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ.

Ấn Độ tận dụng cơ hội

Ấn Độ tận dụng cơ hội Trung Quốc bị các doanh nghiệp đa quốc gia xa lánh
Công nhân chuẩn bị bún, thứ được dùng để làm các món ngọt truyền thống được tiêu thụ phổ biến trong tháng lễ Ramadan, tại một xưởng sản xuất ở Prayagraj, Ấn Độ, vào ngày 22/03/2023. (Ảnh: Sanjay Kanojia/AFP qua Getty Images)

Phản ứng trước sự suy giảm niềm tin của các tập đoàn đa quốc gia vào Trung Quốc, Ấn Độ đã tích cực thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào nước này và thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất.

Đài Loan, quốc đảo từ lâu đã nằm dưới sự đe dọa quân sự của ĐCSTQ và Mỹ, nước đi đầu trong việc chống lại mối đe dọa của ĐCSTQ, là hai quốc gia đã chứng kiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Ấn Độ.

Theo một báo cáo công bố vào tháng 10/2022 của Viện Montaigne và Quỹ Trao đổi Đài Loan - châu Á, đầu tư trực tiếp của Đài Loan vào Ấn Độ chiếm 0,07% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ từ năm 2000 đến năm 2017. Nhưng “nhận thức mới về rủi ro địa chính trị liên quan tới Trung Quốc” đã thay đổi tình hình, dẫn đến một xu hướng trong đó cả hai nước đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ tình hình này.

Báo cáo cho biết: “Tính đến tháng 04/2022, với hơn 100 công ty Đài Loan ở Ấn Độ sử dụng 65.000 người Ấn Độ, khoản đầu tư của Đài Loan vào Ấn Độ lên tới 1,5 tỷ USD và đã tăng lên chiếm gần 1% khoản đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan”. “Việc ký kết hiệp ước đầu tư song phương nâng cấp vào năm 2018 đã tăng gấp đôi đầu tư của Đài Loan vào Ấn Độ. Trong năm 2020 - 21, Cục Xúc tiến Đầu tư của Ấn Độ đã nhận được 87 đơn đăng ký từ các công ty Đài Loan trong 17 lĩnh vực, bao gồm điện tử, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin, sản xuất, phát điện, thương mại điện tử và bán lẻ”.

Các công ty Mỹ cũng đang có những động thái tương tự. Kể từ năm ngoái, Apple đã dần dịch chuyển năng lực sản xuất dòng iPhone của mình sang Ấn Độ và bắt đầu sản xuất chiếc iPhone 14 mới nhất tại quốc gia này. Ngoài ra, hai nhà cung cấp của Apple là Foxconn và Pegatron tại Đài Loan cũng đã mở rộng sự hiện diện của họ tại thị trường Ấn Độ.

Điều này cho thấy một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Apple tại Ấn Độ. Ban đầu, Apple tập trung năng lực sản xuất tại Ấn Độ chủ yếu là để phục vụ cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, mục tiêu hiện tại của Apple là thiết lập một trung tâm sản xuất chiến lược ở Ấn Độ để xuất khẩu sang các thị trường thứ ba, bao gồm cả châu Âu, báo cáo cho biết.

Trong ngành công nghiệp bán dẫn, chính sách khuyến khích của chính quyền Modi đã thu hút Foxconn của Đài Loan và công ty khai thác lớn nhất của Ấn Độ Vedanta thành lập một nhà máy sản xuất chip ở Ấn Độ với một liên doanh.

Chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng Narendra Modi đã đạt được nhiều kết quả. Theo một tuyên bố chung được Tòa Bạch Ốc công bố vào ngày 22/06, Micron Technology Inc., gã khổng lồ chip bộ nhớ của Mỹ bị ĐCSTQ cấm bán sản phẩm, có kế hoạch xây dựng một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp chip bộ nhớ trị giá 2,75 tỷ USD ở Ấn Độ, trong đó Ấn Độ trả 70% chi phí.

Ngoài ra, Lam Research có trụ sở tại Mỹ có kế hoạch đào tạo 60.000 kỹ sư Ấn Độ thông qua nền tảng ảo có tên Giải pháp Semiverse của mình để đẩy nhanh các mục tiêu phát triển lực lượng lao động và đào tạo về bán dẫn của Ấn Độ. Công ty Applied Materials đã công bố khoản đầu tư 400 triệu USD để thành lập một trung tâm kỹ thuật hợp tác ở Ấn Độ, theo đến tuyên bố của Tòa Bạch Ốc.

Ấn Độ cũng đang phấn đấu trở thành một trung tâm sản xuất xe điện. Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, ông Modi đã gặp người sáng lập Tesla, ông Elon Musk, người đã nói sau cuộc gặp rằng Tesla sẽ cố gắng có mặt ở Ấn Độ “sớm nhất có thể”.

Về mặt quân sự, Ấn Độ và Mỹ cùng công bố thỏa thuận cho phép General Electric hợp tác với Hindustan Aeronautics để sản xuất động cơ phản lực chiến đấu cho Không quân Ấn Độ.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ tận dụng cơ hội Trung Quốc bị các doanh nghiệp đa quốc gia xa lánh