3 bí ẩn lớn về thời cuộc Trung Quốc năm 2024

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2024, Trung Quốc và thế giới đều bước vào giai đoạn bất ổn cao độ, rủi ro và khủng hoảng là từ ngữ chính xác nhất để miêu tả về nó. Riêng Trung Quốc sẽ phải đối diện với 3 bất ổn lớn sau đây, khiến thế giới phải chuẩn bị sẵn kế hoạch để đối phó với chúng.

Đầu tiên, dịch bệnh ở Trung Quốc liệu có bùng phát trên quy mô lớn hay không?

Mặc dù, tình trạng khẩn cấp về đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã chấm dứt (được WHO công bố ngày 5/5/2023). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh của Trung Quốc rất khác so với các nước khác.

Bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm 2022, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc, với tỷ lệ lây nhiễm lên tới 80% đến 90%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới và gấp 3 lần của Hoa Kỳ. Hơn nữa, số người chết rất lớn, lò hỏa táng hoạt động hết công suất 24 giờ một ngày, đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn chưa công bố con số tử vong.

Điều kỳ lạ là đến tháng 1 năm 2023, dịch bệnh dường như đã thuyên giảm một cách đột ngột. Ngày 16/2, Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng họ đã “đạt được thắng lợi to lớn và mang tính quyết định trong công tác phòng chống dịch bệnh”.

Trên thực tế, dịch bệnh chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc, virus này chỉ tạm thời ẩn náu mà thôi. Bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, các bệnh viện nhi trên khắp Trung Quốc đã chứng kiến ​​lượng bệnh nhân tăng vọt. Làn sóng "đặc biệt mạnh mẽ" bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 10, nhiều nơi tái hiện tình trạng bệnh viện quá tải trong đại dịch. Vào ngày 22 tháng 11 năm 2023, WHO đã chính thức yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về các bệnh có liên quan đến đường hô hấp và các trường hợp chùm ca bệnh viêm phổi gia tăng được báo cáo ở trẻ em.

Chương trình theo dõi các bệnh mới nổi (ProMED), một tổ chức theo dõi các đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu, đã hai lần đưa ra cảnh báo, nêu rõ rằng đợt bùng phát ở Trung Quốc là một "căn bệnh hô hấp không xác định", khác với "viêm phổi do mycoplasma" được nhà chức trách công bố trước đó. Các chuyên gia về virus nước ngoài cũng liên tục nhắc nhở: Bắc Kinh lại che giấu sự thật. Có nguồn tin nội bộ thân cận lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ khẳng định, để che đậy dịch bệnh, chính quyền đã ra lệnh rõ ràng rằng truyền thông không được nhắc đến từ “Virus Corona”. Do vậy, các xét nghiệm mầm bệnh được nhiều bệnh viện thực hiện trên bệnh nhân hoàn toàn không có mục “Virus Corona” này.

Thời đầu của dịch bệnh, vẫn có những “người thổi còi” như bác sĩ Lý Văn Lượng, nhà báo công dân Phương Bân dám đứng ra tiết lộ sự thật, đồng thời các nhân viên y tế Trung Quốc cũng cung cấp một lượng lớn dữ liệu trong các bài nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, thời gian 3 năm nay, Trung Quốc thắt chặt phong tỏa thông tin, giới quan sát bên ngoài càng khó khăn hơn trong việc lấy được thông tin. Dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ diễn biến thế nào vào năm 2024? Tình hình thực sự là gì? Đây đúng là một sự hồi hộp theo dõi lớn nhất. Ở một góc độ nào đó mà nói, tình hình của người dân Trung Quốc còn nguy hiểm hơn năm 2020.

Thứ hai, liệu người đứng đầu ĐCSTQ có xảy ra sự cố bất ngờ hay không?

Nếu nhà lãnh đạo ĐCSTQ xảy ra sự cố bất ngờ, có thể có 2 khả năng. Một là cuộc đảo chính bất ngờ và lật đổ người lãnh đạo đảng. Tại Đại hội 20 vào tháng 10 năm 2022, ông Tập Cận Bình “tiêu diệt” phe Đoàn Thanh niên và hất cẳng Hồ Cẩm Đào, quân đội nhà họ Tập đã thống trị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương, ông Tập dường như đã leo lên đỉnh cao quyền lực.

Tuy nhiên, 1 năm sau đó, tình hình chính trị của ĐCSTQ vô cùng hỗn loạn, từ nền kinh tế Trung Quốc suy thoái trầm trọng cho đến đội ngũ mới của Quốc vụ viện dưới sự dẫn dắt của ông Lý Cường đều bó tay hết cách. Từ việc một loạt các quan chức cấp cao của Lực lượng Tên lửa bị thanh trừng cho đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc ngã ngựa. Từ việc Ngoại trưởng Tần Cương được “thăng cấp ba lần tiếp chỉ trong 1 năm” đến đột nhiên “mất tích” và sau đó bị cắt chức. Từ việc ông Trần Nhất Tân trở thành tâm điểm chú ý sau khi tiếp quản Bộ An ninh Quốc gia đến tin đồn ông Mã Hưng Thụy sẽ thay thế chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương của ông Thái Kỳ, v.v., Những sự kiện trên cho thấy trong nội bộ quân đội nhà họ Tập đã xảy ra đấu tranh lớn. Sự nghi ngờ của ông Tập khiến người nào người nấy đều cảm thấy bất an, còn thế lực chống Tập thì bí mật bắt tay nhau chờ đợi cơ hội vở kịch đảo chính càng kéo dài càng có nhiều sự thay đổi.

Thứ hai là người lãnh đạo đảng bị bệnh nặng hoặc chết đột ngột. Trong những năm gần đây, sức khỏe của ông Tập nhiều lần thu hút sự chú ý của giới quan sát bên ngoài. Ví như vào tháng 5 năm 2022, truyền thông Anh tung tin ông Tập bị phình động mạch não và được đưa vào bệnh viện cấp cứu do xuất huyết não. Tuy nhiên ông kiên quyết không muốn phẫu thuật, mà chỉ chấp nhận liệu pháp trị liệu y học cổ truyền Trung Quốc. Một ví dụ khác là vào tháng 8 năm 2023, ông Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, khi xuống máy bay, ông “lảo đảo một cách kỳ dị”, vẻ mặt hốc hác và bất ngờ hủy bài phát biểu. Tình trạng sức khỏe của ông Tập là bí mật hàng đầu của ĐCSTQ, ngoại giới rất khó để biết chính xác.

Tuy nhiên, xét từ những màn minh tranh ám đấu giữa ông Lý Cường và ông Thái Kỳ, có lẽ một trận chiến "người kế vị" đã bắt đầu bí mật trong quân đội nhà họ Tập. Nhà tiên tri ngoại cảm người Anh Hamilton-Parker đưa ra dự đoán rằng: Năm 2024, ông Tập lâm bệnh nặng, được che đậy nhưng dẫn đến “cuộc cách mạng thứ hai”, sau đó ĐCSTQ chia rẽ thêm bước nữa, hỗn loạn bùng phát, ông Tập rớt đài! Nhưng ông ta không chết. Liệu lời tiên tri đó có ứng nghiệm hay không?

Thứ ba, Trung Quốc có chiếm được Đài Loan hay không?

Ngày 15/11/2023, nhân cơ hội thượng đỉnh APEC, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc gặp giữa hai lãnh đạo quốc gia. Theo các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, ông Tập cho biết: “Tôi nghe báo chí Mỹ đưa tin rằng, Trung Quốc có kế hoạch thực hiện hành động quân sự (để thống nhất Đài Loan) vào năm 2027 hoặc 2035, nhưng sự thật là không có kế hoạch như vậy. Chưa có ai nói điều đó với tôi cả”. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập còn nhấn mạnh: "Trung Quốc cuối cùng sẽ thống nhất, và chắc chắn sẽ thống nhất".

Trong lời chúc mừng đầu năm mới 2024 được đăng vào đêm giao thừa, ông Tập nhấn mạnh việc thống nhất là điều tất yếu của lịch sử. Điều này có nhiều cách giải thích. Tuy nhiên, cả Reuters và trang AP đều cho rằng lời lẽ của ông Tập khi nói về Đài Loan có sự gay gắt hơn năm ngoái. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho rằng “thời điểm cũng khá nhạy cảm”. Đài Loan đã có một Tổng thống mới, có lẽ sẽ tiếp nối chính sách của bà Thái Anh Văn, là người mà Bắc Kinh không mong đắc cử nhất. Đây chính là kết quả mà Bắc Kinh không muốn thấy nhất, liệu ĐCSTQ có dùng vũ lực tấn công Đài Loan hay không?

Từ góc độ ra quyết sách lý tính, việc Trung Quốc dùng vũ lực chống lại Đài Loan là tìm đến cái chết:

Thứ nhất, về mặt sức mạnh quân sự, Trung Quốc không nắm chắc phần thắng.

Thứ hai, ông Tập vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được toàn bộ quân đội (vì ví dụ như Quốc hội mới thanh trừ 9 vị tướng).

Thứ ba, quân đội Mỹ có khả năng sẽ hỗ trợ Đài Loan.

Thứ tư, các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm khắc hơn cả đối với Nga sẽ khiến “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, Tầm nhìn 2035 và Mục tiêu Thế kỷ 2049 tan thành bọt nước.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thiếu lý trí khi ra các quyết định, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc chiếm giữ Đài Loan vào năm 2024. Hơn nữa, trong lịch sử ĐCSTQ, nhiều quyết định then chốt đều là không lý trí, ví như Mao Trạch Đông phát động Đại Cách mạng Văn hóa, vụ thảm sát Thiên An Môn "ngày 4 tháng 6" của Đặng Tiểu Bình và cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân, không phải là ông Tập Cận Bình sẽ không mắc lại những sai lầm tương tự.

Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

3 bí ẩn lớn về thời cuộc Trung Quốc năm 2024