Bắc Kinh tự đặt mình vào thế bí về kinh tế và chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các biện pháp quản lý của Bắc Kinh đang khiến kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, ảnh hưởng chính trị của nó cũng suy giảm.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tuyệt vọng. Tuyệt vọng đến mức các quan chức tại một quận ở tỉnh Quảng Đông đã tìm cách hối lộ bất hợp pháp các nhà đầu tư Mỹ.

Theo The Wall Street Journal, bất kỳ “người ra quyết định” nào của công ty Mỹ mang lại đầu tư sẽ nhận được 10% tổng giá trị của thỏa thuận. Chẳng hạn, khoản đầu tư 100 triệu USD của một công ty Mỹ có thể mang lại khoản tiền lại quả 10 triệu USD cho Giám đốc điều hành của công ty. Các cổ đông sẽ bị mắc kẹt với khoản đầu tư tệ hại trong khi CEO dễ dàng kiếm được rất nhiều tiền và sau đó khóc trong tù.

Trong khi đó, giá trị của các khoản đầu tư vào Trung Quốc ngày càng khó ước tính vì chế độ này đang coi các hoạt động thẩm định bình thường của các công ty Mỹ là hoạt động gián điệp và các công ty thẩm định đang rút lui hoặc thu hẹp quy mô tại quốc gia này.

Lợi nhuận do các công ty nước ngoài kiếm được ở Trung Quốc giờ đây khó chuyển về nước hơn, vì vậy họ có nguy cơ không còn lựa chọn nào khác ngoài tái đầu tư vào Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm mục tiêu vào các dự án tư nhân thành công nhất, bao gồm cả những dự án do công dân Trung Quốc thành lập, áp đặt các khoản tiền phạt lớn, lệnh cấm, quy định và tiến hành giam giữ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Bất kỳ công ty hoặc nhà lãnh đạo nào được coi là đối thủ của ông Tập Cận Bình và chế độ độc tài toàn trị của ông Tập đều bị đàn áp.

ĐCSTQ cũng đe dọa giam giữ các công dân Mỹ bình thường. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với việc di chuyển đến Trung Quốc do nguy cơ bị giam giữ sai trái ngày càng gia tăng.

Bắc Kinh tự đặt mình vào thế bí về kinh tế và chính trị
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz được nhìn thấy trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/03/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Các mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Đài Loan, việc tách rời kinh tế dưới hình thức kiểm soát xuất khẩu công nghệ và khoáng sản, thuế quan, phong tỏa hà khắc do COVID-19, vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế, và việc chặn các luồng dữ liệu quốc tế của các cơ quan quản lý của Trung Quốc, đã giáng thêm một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

FDI vào Trung Quốc giảm từ 100 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022 xuống chỉ còn 20 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2023. GDP của Trung Quốc chỉ tăng 3% vào năm 2022, một trong những năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc của MSCI giảm 2% trong năm nay, so với mức tăng 15% của chứng khoán toàn cầu. Đồng CNY (nhân dân tệ) đang ở mức thấp nhất trong 8 tháng, điều này có thể cải thiện xuất khẩu, nhưng khiến một số nhà đầu tư lo lắng khi doanh thu được tính bằng đồng CNY.

Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược tình thế bằng cách ve vãn các nhà đầu tư lớn nhất thế giới của Mỹ trong một hội nghị vào tháng này. Theo một cách khác thường, họ sẽ yêu cầu các nhà đầu tư phản hồi để hiểu rõ hơn về những thách thức mà các nhà đầu tư toàn cầu ở Trung Quốc phải đối mặt. Mặc dù các cơ quan quản lý của Trung Quốc hứa hẹn rằng cuộc đàn áp công nghệ, bắt đầu từ năm 2020, đã kết thúc, nhưng bản chất tùy tiện của nó dưới sự chỉ đạo của ông Tập khiến người ta khó có thể tin vào lời của các cơ quan quản lý.

Đức đang rút lui

Một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất Trung Quốc trong thập kỷ qua là Đức. Volkswagen và BMW sản xuất và bán số lượng khổng lồ xe tại Trung Quốc. Nhưng ngay cả Berlin cũng đang rút lui khỏi Trung Quốc. Ngày 13/07, chính phủ Đức tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm xe điện, công nghệ y tế, dược phẩm, nguyên tố đất hiếm và chip máy tính.

Sau khi chứng kiến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức để gây áp lực buộc Liên minh Châu Âu không hỗ trợ Ukraine, Berlin cuối cùng đã nhận ra rằng các chế độ độc tài như Trung Quốc có thể sử dụng thương mại như một công cụ cưỡng chế. “Trong các lĩnh vực quan trọng, [EU] không được trở nên phụ thuộc vào các công nghệ từ các quốc gia [không thuộc EU] không chia sẻ các giá trị cơ bản của chúng tôi”, một tài liệu chiến lược của chính phủ nêu rõ.

Đức tuyên bố rằng họ có thể sẽ ban hành các điều khoản để hạn chế đầu tư tiền của quỹ liên bang cho nghiên cứu và phát triển với Trung Quốc “trong đó có khả năng tri thức bị thất thoát”. Mỹ, Nhật Bản và các nước EU khác nên lưu ý và làm theo.

Bế tắc về kinh tế và chính trị

Chiến lược của ĐCSTQ để phục hồi nền kinh tế của chính nó là đa dạng.

Thứ nhất, khôi phục quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế với phương Tây, đặc biệt là châu Âu. Ngày 15/07, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu EU “làm rõ” “quan hệ đối tác chiến lược” với Trung Quốc, thứ đã được thống nhất vào năm 2003. Mối quan hệ này đặc biệt căng thẳng kể từ năm 2019, khi EU chính thức công nhận Trung Quốc là “đối thủ kinh tế” và “đối thủ có hệ thống”, đặc biệt là do Bắc Kinh ủng hộ sự hiếu chiến của Moscow.

Ông Vương đã sử dụng giọng điệu hống hách điển hình của mình, nói thêm rằng mối quan hệ đối tác “không nên bị dao động”. Mối quan hệ Trung Quốc - EU khó có thể cải thiện nếu không có sự cải thiện đáng kể về nhân quyền và luật pháp quốc tế ở Bắc Kinh, điều khó có thể xảy ra do tham vọng bá quyền của ĐCSTQ. Các nỗ lực đồng nhất hóa văn hóa - đến mức tiến hành diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công - làm mọi việc tồi tệ hơn.

Bắc Kinh tự đặt mình vào thế bí về kinh tế và chính trị
Một người đàn ông đi ngang qua Khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 31/05/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Thứ hai, Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bằng cách định hướng lại sản xuất nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước thay vì tiêu dùng quốc tế. Điều này có thể bao gồm các khoản chi tiêu kích cầu lớn hơn, bao gồm cả trong lĩnh vực bất động sản đang xuống dốc. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, chính sách kích cầu đã bị lạm dụng quá mức, và tình trạng ảm đạm của bất động tại các thành phố ma là một triệu chứng chứ không phải nguyên nhân của tình trạng kinh tế tồi tệ nói chung và việc các khoản kích thích bị chuyển hướng tới các hoạt động sản xuất kém hiệu quả. Thêm vào đó, dân chúng giàu có hơn theo truyền thống có liên quan đến quá trình dân chủ hóa. Điều đó kéo theo những mối đe dọa đáng kể đối với ĐCSTQ vì công dân Trung Quốc có thể muốn dân chủ hóa một khi các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng. Thay vào đó, ông Tập dường như tập trung vào các thị trường xuất khẩu, điều làm tăng sự giàu có và kiểm soát kinh tế toàn cầu của ĐCSTQ.

Thứ ba, Bắc Kinh tìm cách tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và thông qua đó, gia tăng ảnh hưởng kinh tế hoặc thậm chí khả năng kiểm soát đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lạm dụng các mối quan hệ của mình ở Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả các cuộc tấn công quân sự nhắm tới Việt Nam vào năm 1973, 1979 và 1988, và các cuộc chiếm đảo của Philippines vào năm 1994 và 2012. Rất ít nước ở Đông Nam Á thực sự còn tin tưởng Bắc Kinh. Mặc dù họ sẽ giao dịch với Trung Quốc - bao gồm cả việc cho phép Bắc Kinh sử dụng lãnh thổ của họ như một khu vực trung chuyển hợp pháp đến những nơi như Mỹ và Liên minh châu Âu – nhưng họ sẽ không tin tưởng ĐCSTQ đến mức cho phép ĐCSTQ có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn ở quốc gia của họ.

Vì vậy, ĐCSTQ đã tự dồn mình vào thế bí về kinh tế và chính trị. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì ĐCSTQ chưa bao giờ giỏi vận hành trong thị trường tự do hoặc giữa các nhóm dân cư tự do và đa dạng trong các nền dân chủ tự do.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh tự đặt mình vào thế bí về kinh tế và chính trị