Cựu cố vấn Bắc Kinh: Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên có thể châm ngòi cho khủng hoảng chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc, người từng làm cố vấn cho chính phủ của ông Tập Cận Bình, đã cảnh báo rằng nếu không được xử lý đúng cách, tình trạng thất nghiệp gia tăng ở thanh niên Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị.

Tờ Bloomberg đưa tin, hồi cuối tháng 6, ông Lưu Nguyên Xuân (Liu Yuanchun), Hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, đã công bố "Báo cáo dự báo và phân tích kinh tế vĩ mô Trung Quốc cho giữa năm 2023" tại Diễn đàn Kinh tế vĩ mô Trung Quốc (CMF). Bản báo cáo dài 110 trang đặc biệt đề cập rằng, tình trạng thất nghiệp của thanh niên có thể dẫn đến một "cuộc khủng hoảng chính trị".

Ông Lưu Nguyên Xuân là người đồng sáng lập "Diễn đàn Kinh tế vĩ mô Trung Quốc" - một viện nghiên cứu thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Vào tháng 4/2022, ông từng thuyết trình về các vấn đề phát triển vốn của Trung Quốc tại hội nghị học tập tập thể của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tệ hơn trong thời gian tới

Ông Lưu cho biết trong báo cáo: "Vấn đề thất nghiệp của thanh niên có thể kéo dài trong 10 năm tới và tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ngắn”.

Kể từ đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên Trung Quốc từ 16 - 24 tuổi liên tục tăng. Lần đầu tiên con số này vượt mốc 20% là vào tháng Bốn với 20,4%; đến tháng Năm lại lập kỷ lục mới với 20,8%.

Báo cáo cho biết, vấn đề thất nghiệp ở thanh niên không chỉ là một vấn đề "theo chu kỳ", mà còn là một vấn đề "có hệ thống và có xu hướng". Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, cụ thể là vào quý III, vì năm nay nước này có tới 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.

Học giả cảnh báo: 'Cứ 4 hoặc 5 gia đình thì có 1 thành viên thất nghiệp'

Một học giả khác ở Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự. Tạp chí Fortune đưa tin, ông Vương Minh Viễn (Wang Mingyuan), một nhà nghiên cứu tại Viện Cải cách và Phát triển Bắc Kinh, cho biết: "Vài năm tới sẽ là giai đoạn tìm việc làm thử thách nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa”.

Ông Vương cảnh báo rằng, thất nghiệp có khả năng trở thành một "vấn đề xã hội phổ biến". Cụ thể, "cứ bốn hoặc năm gia đình thì có một thành viên thất nghiệp".

Theo Baiguan, một kênh chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc, các bài viết của ông Vương Minh Viễn hiện đang được các nhà đầu tư và hoạch định chính sách Trung Quốc đọc rộng rãi.

Ngành công nghệ cao suy thoái cũng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng

Theo báo cáo của ông Lưu Nguyên Xuân, các ngành công nghệ cao đang bị giảm tốc độ tăng trưởng, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ gia tăng. Năm nay, ngành công nghệ cao của Trung Quốc lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy thoái sau gần 20 năm.

Theo dữ liệu chính thức của Bắc Kinh, từ tháng Một đến tháng Năm năm nay, giá trị gia tăng của ngành công nghệ cao chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nó giảm tới 6,0 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái và còn thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Báo cáo cho biết, trong gần hai thập kỷ qua, sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao được coi là động lực cốt lõi cho sự ưu hóa cơ cấu và sự ổn định của tổng thể ngành kinh tế công nghiệp Trung Quốc. Trong 5 năm qua, mỗi khi ngành công nghệ cao có xu hướng suy giảm rõ rệt thì tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên lại có xu hướng tăng nhanh; có thể thấy rõ trong các năm 2019, 2020 và đặc biệt là từ năm 2022 tới nay.

Hậu quả của Zero Covid: Khu vực tư nhân trì trệ, thiếu việc làm

Báo cáo cũng đề cập rằng, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên cũng bắt nguồn từ việc khu vực tư nhân bị trì trệ do chính sách phong tỏa Zero Covid.

Theo báo cáo, để giải quyết vấn đề việc làm của thanh niên, phải tạo ra việc làm mới. Nhưng điều này lại phụ thuộc vào việc tạo ra các chủ thể mới trong thị trường. Để làm được vậy thì phải đầu tư sản xuất, đặc biệt là trong khu vực tư nhân.

Báo cáo cho rằng, chỉ áp dụng chính sách trợ cấp thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề thiếu đầu tư tư nhân. Mấu chốt nằm ở việc “hoàn thiện xây dựng pháp quyền” và “kiện toàn việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân”, vì người dân Trung Quốc đã mất niềm tin vào pháp quyền kể từ sau đại dịch Covid-19.

Trong ba năm qua, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh hà khắc nhất trên thế giới. Đặc biệt là đợt phòng tỏa Thượng Hải, nơi có 25 triệu dân, trong gần hai tháng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc.

Báo cáo đề cập rằng, hiện nay, những khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc tập trung ở "5 con số 20%". Đó là tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát trong nhóm thanh niên vượt quá 20%; so với cùng kỳ năm ngoái thì tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 20%, thu nhập từ chuyển nhượng đất đai tại địa phương giảm 20%, diện tích xây dựng bất động sản mới giảm 20%; chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm tới 20%.

Theo báo cáo, điều này cho thấy áp lực tại các lĩnh vực trên đã vượt quá khả năng tự sửa chữa phục hồi.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu cố vấn Bắc Kinh: Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên có thể châm ngòi cho khủng hoảng chính trị