Học online và tốt nghiệp trong 3 năm phong tỏa, sinh viên Trung Quốc bị nhà tuyển dụng từ chối

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Họ nói tôi là lính mới. Theo lời của người phỏng vấn, tôi là một trang giấy trắng, không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào", một sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc, vừa tốt nghiệp đại học và đang tìm việc, trả lời truyền thông Hong Kong cho hay.

Tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp sau dịch bệnh đã khiến tình trạng việc làm của thanh niên Trung Quốc ngày càng tệ. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong tháng Năm lên tới 20,8%.

Một bộ phận thanh niên Trung Quốc thậm chí đã từ bỏ sự nghiệp của mình để nhận công việc lao động chân tay với mức lương thấp. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng đang từ chối nhận lứa sinh viên tốt nghiệp đại học trong khoảng thời gian phong tỏa, vì lo ngại rằng họ không thể đạt được các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cần thiết khi được đào tạo từ xa.

Tình trạng thiếu việc làm càng khiến giới trẻ Trung Quốc vỡ mộng. Trên Internet Trung Quốc xuất hiện rất nhiều các bức ảnh tốt nghiệp "chán chường". Đó là bức ảnh chụp cảnh họ vứt bằng tốt nghiệp vào thùng rác, hay ảnh ghép mô phỏng cảnh đốt bằng.

Chính sách phong tỏa Zero Covid của Bắc Kinh làm liên lụy sinh viên

Trang Fortune ngày 1/7 đưa tin, ông Larry Hu, học giả kinh tế Trung Quốc tại Tập đoàn Macquarie, đã viết trong một báo cáo vào giữa tháng 6 rằng: “Do nhu cầu của người tiêu dùng yếu nên các doanh nghiệp không muốn tuyển thêm người; còn người tiêu dùng lại vì thị trường lao động ảm đạm nên không muốn tiêu tiền”.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), bà Miriam Wickertsheim, một nhà tuyển dụng cho các công ty nước ngoài ở Thượng Hải, cho biết những sinh viên tốt nghiệp gần đây mà bà phỏng vấn đều là những người học đại học từ năm 2019 đến 2023. Bà cảm thấy rằng họ không có sức hút đối với nhà tuyển dụng, bởi vì về cơ bản họ đều học online và được cấp bằng qua trực tuyến.

Bà nói: “Người phỏng vấn họ nói rằng, họ hầu như đều học từ xa nên có ít hoạt động xã hội, ít cơ hội làm việc trực tiếp hoặc phối hợp theo nhóm và các kỹ năng xã hội khác. Nhà tuyển dụng nói rằng họ sẽ đợi lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo”.

Connie Xu, một sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc vừa tốt nghiệp đại học và đang tìm việc, nói với tờ SCMP rằng: "Họ nói tôi là lính mới. Theo lời của người phỏng vấn, tôi là một trang giấy trắng, không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào".

Xu than thở: “Học đại học 4 năm thì chúng tôi bị mắc kẹt trong khuôn viên trường tới 3 năm”.

Sau khi tìm kiếm hơn 50 vị trí trên nhiều trang web việc làm, Connie Xu cuối cùng cũng có cơ hội phỏng vấn xin thực tập tại một công ty ở một thành phố lớn ở Trung Quốc. Xu tốt nghiệp hồi tháng 6 với tấm bằng ngôn ngữ và văn học Trung Quốc. Cô tự coi mình là ứng cử viên sáng giá cho vị trí này vì có các kỹ năng cần thiết và kinh nghiệm đứng lớp trong một dự án của trường đại học. Cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút và cô hy vọng sẽ có được một công việc với mức lương cao, nhưng mọi thứ không diễn ra như cô mong đợi.

Vì vậy, Xu phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội và cô không phải là người duy nhất chật vật tìm việc làm. Năm nay Trung Quốc có tới 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động.

Tờ Fortune đưa tin, ông Eswar Prasad, Giáo sư cấp cao về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, đồng thời là cựu Giám đốc khu vực Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng mô hình phát triển thâm dụng vốn của chính phủ Trung Quốc dường như không có tác dụng trong việc kích thích việc làm cho thanh niên.

Ông Prasad nói với Fortune: “Những mâu thuẫn như kỹ năng không phù hợp, v.v., kết hợp với tốc độ tăng trưởng việc làm yếu, đã làm giảm triển vọng việc làm cho giới trẻ Trung Quốc”.

Bà Miriam Wickertsheim, người đã làm việc ở Trung Quốc hơn 13 năm, nói với tờ SCMP rằng bằng cấp của nhiều người trẻ không phải là thứ (thị trường việc làm) cần.

Phục hồi kinh tế Trung Quốc đang mất đà nhanh chóng

Ở một quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại thì đồng nghĩa với việc có ít cơ hội việc làm hơn, đặc biệt là các công việc mang tính kỹ thuật.

Tờ SCMP đưa tin, bà Wickertsheim nói thêm rằng nhiều công ty tư nhân nhỏ ở Trung Quốc – thường là nơi mà nhiều sinh viên mới tốt nghiệp có được công việc đầu tiên – đã bị thua lỗ trong dịch bệnh và vẫn đang phải vật lộn để phục hồi.

Bà nói: "Ngay cả khi các công ty tuyển dụng, thì đó là những vị trí cần người thay thế chứ không phải mở rộng nhân sự”.

Bà cho biết thêm: “Các công ty dành nhiều thời gian và nguồn lực để tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và dạy họ cách mang lại giá trị kinh tế cho công ty. Nhưng hiện nay, trong môi trường kinh doanh đầy thách thức, nhiều doanh nghiệp không còn muốn làm như vậy”.

Fortune đưa tin, ông Gerard DiPippo, nhà nghiên cứu cấp cao tại dự án kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (Center of Security and International Studies) ở Mỹ, cho rằng thanh niên thất nghiệp của Trung Quốc có thể chia thành hai loại.

“Một là những người học thấp, những người có thể chưa học đại học hoặc những người thường làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc xây dựng”.

Ông nói rằng những người có trình độ học vấn cao hơn thường tìm kiếm việc làm tại các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba hoặc Tencent... Tuy nhiên, “các công ty này đã giảm tốc độ tuyển dụng đáng kể trong những năm gần đây”.

Ông bổ sung rằng, tuyển dụng việc làm bán thời gian hoặc thời vụ ở Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm, đây vốn là những công việc thu hút một lượng lớn lao động trẻ.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng đang đầy hỗn loạn do chính sách đàn áp của chính quyền. Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng bị Bắc Kinh đàn áp trong những năm gần đây. Do đó, không gian tìm việc càng bị thu hẹp.

Nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng mất đi động lực phục hồi. Do bong bóng nhà đất tiếp tục bùng nổ, nhiều gia đình cũng trở nên cảnh giác hơn. Các doanh nghiệp đang kìm hãm đầu tư. Chi tiêu của người tiêu dùng đang chậm lại sau đợt bùng nổ tiêu dùng thời đầu hậu COVID-19. Nhiều ngân hàng như Barclays, Goldman Sachs, UBS, Nomura… đều đã hạ dự báo về GDP cả năm của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Học online và tốt nghiệp trong 3 năm phong tỏa, sinh viên Trung Quốc bị nhà tuyển dụng từ chối