Tình cảnh của shipper giao đồ ăn ở Trung Quốc thời suy thoái kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, lượng shipper (nhân viên giao nhận hàng) trong mảng ăn uống tại Trung Quốc đang bùng nổ, người thất nghiệp, cử nhân, thạc sĩ… cũng chen chân vào ngành này. Phí giao hàng giảm, đơn đặt hàng ít, làm shipper ngày càng khó. Tình hình chi tiêu của người dân cũng phản ánh tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc.

Tháng trước, anh Trần Dịch (Chen Yi), quê ở Giang Tây và hiện đang làm shipper giao đồ ăn tại Thượng Hải, nói với phóng viên The Epoch Times rằng: "Mọi người đều không có tiền và không tiêu dùng. Lượng đơn đặt hàng mang đi đã giảm rất nghiêm trọng, giảm đột ngột theo phương thẳng đứng, tụt mất khoảng 30%".

Đơn đặt hàng ít

"Trước đây chưa từng có hiện tượng này, giờ thì phải đợi đơn, phải liên tục vuốt [ứng dụng đặt hàng] thì mới nhận được đơn", anh cho biết.

Anh Trần đã làm nhân viên giao hàng bán thời gian cho công ty Meituan ở Thượng Hải được 4 - 5 năm, nhưng hiện giờ không còn dễ dàng nữa vì “trước kia đơn hàng thì nhiều mà shipper thì ít, còn giờ là đơn ít người nhiều”.

Meituan là nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc.

Anh Trần Dịch cho biết, giờ đây công việc của mọi người không còn quá bận hoặc đã bị cho nghỉ việc, bị thất nghiệp nên ít người gọi đồ ăn mang về hơn. Trước đây, nhiều người hay đặt món nướng, tôm hùm đất, canh cay tê Malatang… giao tới nhà, nhưng hiện tại đã giảm rất nhiều, điều dễ thấy nhất là đơn hàng ăn vặt buổi tối cũng không còn.

Tháng trước, Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc đã phát hành "Báo cáo Thống kê Tình hình Phát triển Internet ở Trung Quốc" lần thứ 51. Theo đó, tính đến tháng 12/2022, lượng người dùng Trung Quốc đặt mua và giao đồ tại nhà là 521 triệu người, giảm 22,99 triệu so với với tháng 12/2021.

Cô Đổng Trân (Dong Zhen), năm nay 30 tuổi, làm việc toàn thời gian cho nền tảng Ele.me ở thị trấn Thượng Đường, huyện Vĩnh Gia, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.

Ele.me (Bạn đói chưa) là nền tảng giao đồ ăn trực tuyến của Tập đoàn Alibaba.

Hôm 1/4, cô nói với The Epoch Times rằng số lượng đơn đặt hàng của cư dân hiện nay tương đối ít, nhưng lại có rất nhiều người lao vào làm shipper.

Cô Đổng từng cùng chồng kinh doanh một nhà máy bảo vệ môi trường, sau đó tiếp quản quán cơm của mẹ cô. Do dịch bệnh, quán cơm thua lỗ nặng, hai vợ chồng phải đóng cửa tiệm và gia nhập hàng ngũ shipper vì “nhà có hai con, phải gồng gánh già trẻ lớn bé”.

Đổng Trân thuộc thế hệ 9x, vì mưu sinh nên cô đành phải làm nghề này. Cô vừa nói vừa khóc, "Ôi trời, tôi cảm thấy như mình thực sự... (không còn đường nào khác)".

Các nhân viên giao hàng của nền tảng Ele.me ở Bắc Kinh vào ngày 8/3/2021. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Lượng shipper tăng mạnh

Trong "Báo cáo về Trách nhiệm xã hội trước việc bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng Meituan năm 2022", Meituan cho biết công ty có hơn 6,24 triệu người giao hàng, tăng gần một triệu người so với con số 5,27 triệu hồi năm 2021.

Còn theo báo cáo năm 2022 của nền tảng giao đồ ăn Ele.me, họ có 1,14 triệu nhân viên giao hàng. Đến cuối năm 2022, con số này đạt mốc hơn 2 triệu người. Vào tháng 12 năm ngoái, Ele.me cho biết, có thời điểm số người đăng ký làm shipper trong một ngày lên tới 20.000 người.

Cô Đổng Trân nói, đội ngũ nhân viên giao hàng đã rất bão hòa, "Nhóm của chúng tôi năm ngoái có 120 đến 130 người, năm nay có gần 200 người”. Ở chỗ cô cũng có nhiều sinh viên đại học đi giao đồ ăn.

Anh Trần Dịch ở Thượng Hải nói rằng, hai đồng nghiệp của anh có bằng thạc sĩ, một trong số họ từng là lập trình viên. Anh cho hay, người này bị một công ty thiết kế website cho nghỉ việc, vì phải trả tiền thế chấp mua nhà, còn phải chuẩn bị tiền mua sữa bột cho con nên họ mới đành làm shipper.

"Cha mẹ anh ấy không có tiền, anh ấy cũng không thể ăn bám, không có vốn liếng gì thì phải tự thân vận động thôi", anh Trần Dịch cho biết.

Gần đây, chủ đề về ông Trần Đào (Chen Tao), một người có bằng thạc sĩ và từng làm shipper, đang được thảo luận sôi nổi trên Internet Trung Quốc. Hồi cuối tháng Ba, ông Trần Đào đăng một video tự thuật trên mạng xã hội. Theo đó, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ triết học tại Đại học Tứ Xuyên vào năm 2011, ông đã làm phóng viên văn hóa trong 5 - 6 năm, sau đó thử sức trong ngành quan hệ công chúng và phương tiện truyền thông mới, v.v. Sau khi khởi nghiệp thất bại vào năm 2022 ở tuổi 38, ông đã trở thành người giao hàng ở Bắc Kinh.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng đang xôn xao trước thông tin: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quảng Châu tuyển đủ số nhân viên giao hàng, tỷ lệ nhân viên tốt nghiệp cử nhân lên tới 30%". Cư dân mạng chế giễu rằng, bây giờ shipper cũng là một ngành thâm dụng tri thức.

Ngày 20/3/2023, nhân viên giao hàng của Meituan trên đường phố Bắc Kinh liên tục quẹt điện thoại với hy vọng mau chóng nhận được đơn hàng. (CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Phí giao hàng giảm

Ngoài việc đơn đặt hàng ít, phí giao hàng và phụ phí giảm cũng khiến thu nhập tổng thể của shipper Trung Quốc giảm mạnh.

Tờ New Weekly của Trung Quốc ngày 30/3 đưa tin, phí giao hàng cơ bản của mỗi một đơn hàng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã giảm từ 4 nhân dân tệ (gần 14 nghìn VND) xuống còn 3,5 tệ (gần 12 nghìn VND). Đến cuối năm 2022, phí giao hàng tại Bắc Kinh cũng giảm từ 7,5 tệ (hơn 25 nghìn VND) xuống còn 4 tệ.

Theo quy định ban đầu, phụ phí khi trời mưa là 3 tệ (hơn 10 nghìn VND) cho mỗi đơn, hiện đã giảm một nửa xuống còn 1,5 tệ. Ngoài ra, phí giới thiệu người mới cũng giảm từ 1.500 tệ/người xuống còn 800 tệ, tức là từ 5,1 triệu VND xuống 2,7 triệu VND...

Cũng trong tháng Ba năm nay, Meituan phát đi thông báo cho thấy, phí giao đồ ăn đã giảm mạnh. Với mỗi đơn đặt hàng, phần lớn shipper chỉ được trả khoảng 3 nhân dân tệ (hơn 10 nghìn VND). Nếu đơn hàng có giá trị trên 100 nhân dân tệ (khoảng 340 nghìn VND), shipper cũng chỉ được trả phí khoảng 4 tệ (gần 14 nghìn VND).

Đài Á châu Tự do (RFA) tháng trước đưa tin, nhân viên giao hàng tại Trung Quốc nói rằng phí giao hàng giảm ‘quá chát’. Các công ty giao hàng khác như Dada, SF Express và Tongcheng đã giảm giá tương ứng. Phí giao hàng tận nơi ở Thâm Quyến cũng bước vào “kỷ nguyên 3 nhân dân tệ”.

Cô Đổng Trân ở Chiết Giang nói với The Epoch Times rằng, phí giao hàng trong năm 2021 ở chỗ cô là 4 nhân dân tệ (gần 14 nghìn VND) cho mỗi đơn, qua năm 2022 thì giảm xuống còn 3,8 tệ (gần 13 nghìn VND).

Anh Trần Dịch ở Thượng Hải cũng gặp phải tình trạng tương tự, nếu trời mưa hoặc tuyết rơi thì phí sẽ cao hơn một chút. Trao đổi với phóng viên The Epoch Times, anh cho biết đã bắt đầu làm shipper từ 4 - 5 năm trước, thu nhập hàng tháng khi đó của một mình anh là 12.000 nhân dân tệ (khoảng 41 triệu VND), và chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình anh là khoảng 6.000 tệ. Còn bây giờ, thu nhập của cả gia đình chỉ khoảng 10.000 nhân dân tệ (34 triệu VND).

"Trước đây, hầu hết mỗi đơn hàng đều trị giá hơn 30 nhân dân tệ (trên 100 nghìn VND), nhưng giờ khách hàng chỉ đặt đồ trên 20 nhân dân tệ (68 nghìn VND), thậm chí hơn 10 nhân dân tệ (34 nghìn VND)". Anh Trần Dịch nói rằng mọi người không dám chi tiền cho những thứ đắt, mà “tình trạng này xuất hiện là do suy thoái kinh tế”.

Vào tháng Ba vừa qua, trang web của Chính phủ Trung Quốc cho biết, từ tháng Một đến tháng Hai năm nay: Tổng thu ngân sách công trên toàn quốc là 4,56 nghìn tỷ nhân dân tệ (662,8 tỷ USD), giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập của chính quyền trung ương giảm 4,5%. Ngoài ra, tổng thu trong ngành Thuế là 3,94 nghìn tỷ nhân dân tệ (572,7 tỷ USD), giảm 3,4%. Trong số các loại thuế chính, tổng thu thuế tiêu thụ giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu giảm 21,6%, tổng thu thuế thu nhập cá nhân giảm 4%.

Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận tài chính thâm niên ở Trung Quốc, nói với RFA vào tháng 3 rằng, việc các khoản thu thuế sụt giảm mạnh đã phản ánh tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc; mức độ suy giảm trong tháng 1 và tháng 2 như vậy là "vô cùng hiếm thấy", nền kinh tế Trung Quốc đang trong trạng thái đình trệ.

Một người giao hàng ở Bắc Kinh đang nghỉ ngơi trên xe điện hôm 1/4/2023. (WANG ZHAO/AFP via Getty Images)

Nỗi khổ của người giao hàng

Cô Đổng Trân nói, trong khi giao hàng, nhân viên giao hàng sẽ gặp phải "thời tiết xấu", "khách hàng ngang ngược", v.v.

Cô kể, “Thành thật mà nói, có lúc việc giao đồ ăn thực sự rất buồn tủi”. Một số khách hàng bất lịch sự sẽ chỉ thẳng vào mặt và mắng mỏ bạn. Khi có gió bão, chiếc ô gắn trên xe máy không thể trụ nổi, chỉ có thể mặc áo mưa, đi ủng mà chạy tiếp.

Cô Đổng và chồng đều đang làm shipper giao đồ ăn. Cô thường nhận đơn vào các khung giờ ăn, còn chồng cô ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng và trở về nhà vào lúc 10 giờ tối. Hai cậu con trai thường phải tự ở nhà, họ lắp camera giám sát tại nhà để "trông coi" các con. Nhiều khi tới 2h chiều cô mới về đến nhà để mang đồ ăn cho con.

Cô cho biết: "Tôi thường xem camera để xem hoạt động của hai đứa nhỏ ở nhà. Kiểm tra xem đứa lớn có làm bài không, đứa nhỏ có quậy phá không, có ai vào nhà không...".

Một trải nghiệm vào năm trước đã để lại cho cô ấn tượng sâu sắc. Hôm đó là một ngày giông bão, trên đường nước ngập rất cao, cô Đổng Trân và chồng vẫn đang giao đồ ăn bên ngoài. Đột nhiên nhà mất điện, tối đen như mực, cô không thể quan sát tình hình các con ở nhà qua camera. "Chắc bọn trẻ sợ lắm, sau đó đứa lớn ôm đứa nhỏ", cô nói. Nhưng cô phải đưa ủng cho chồng trước rồi mới phi vội về nhà với các con.

Cô cho biết, bản thân không dám tưởng tượng cảnh hai con ở nhà một mình như thế, nhưng “thực sự là không còn cách nào khác”.

Anh Trần Dịch cũng từng gặp phải những khách hàng khó tính khi giao đồ ăn. Có lúc phải giao đồ ở khu dân cư cao cấp, thang máy không quẹt thẻ thì không lên được nên anh phải leo thang bộ lên tầng cao.

Anh nói: "Tôi chưa từng có ngày nghỉ, nghỉ một ngày thôi là hôm đó không thể cân bằng thu chi. Ở Thượng Hải, tiền thuê nhà, điện nước và ăn uống đều là phí phải chi".

(Ghi chú: Để bảo vệ danh tính cho nhân vật được phỏng vấn, tên trong bài đã được thay đổi)

Ký giả Cố Tiểu Hoa cũng đóng góp vào bài viết này.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tình cảnh của shipper giao đồ ăn ở Trung Quốc thời suy thoái kinh tế