Những con đường và tòa nhà chung cư dang dở phơi bày vấn đề nợ tiềm ẩn của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường cao tốc Phụng Tân là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành ở thành phố Tuân Nghĩa, một khu vực miền núi thuộc tỉnh Quý Châu. Nơi đây còn có các dự án khác chưa hoàn thành như căn hộ chung cư và điểm du lịch. Đây là mô hình thu nhỏ của cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng mà nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã rơi vào sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhờ tín dụng.

Bloomberg đưa tin hôm 11/7 rằng mô hình đầu tư này rõ ràng không còn bền vững. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp, chính quyền trung ương Trung Quốc dường như không sẵn lòng hoặc không thể tiếp tục theo đuổi sách lược này.

Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đã làm giảm nhu cầu về cơ sở hạ tầng. Điều này khiến việc tìm kiếm các dự án có lợi nhuận để đầu tư ngày càng khó khăn và cũng làm giảm lợi tức đầu tư.

Sự suy thoái của thị trường bất động sản, đầu tàu kinh tế trong quá khứ, cũng khiến nguồn thu chuyển nhượng đất đai của chính quyền địa phương giảm mạnh.

Sự bùng nổ cơ sở hạ tầng ở Quý Châu, một tỉnh nghèo ở phía tây Trung Quốc, diễn ra sau khi Quốc vụ viện ban bố một văn bản vào năm 2012 kêu gọi đầu tư vào Quý Châu để thu hẹp khoảng cách phát triển. Kết quả là, tỉnh này bắt tay vào một loạt các dự án cơ sở hạ tầng, đi cùng quá trình này là sự phô trương và lãng phí.

Theo tờ Nhật báo Kinh tế của chính quyền Trung Quốc, gần một nửa trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới nằm ở Quý Châu. Các sân bay thành phố của tỉnh được kết nối bằng đường sắt cao tốc, các thành phố chỉ cách nhau vài giờ lái xe, và còn có rất nhiều đường cao tốc nhiều làn.

Giờ đây, chính quyền tỉnh Quý Châu đang phải trả các khoản nợ lâu ngày. Các doanh nghiệp nhỏ tham gia xây dựng các dự án đã không nhận được khoản thanh toán. Còn có những người dân trước đó bị bức phải di dời, nay họ yêu cầu được bàn giao nhà mới và được bồi thường vì quá hạn.

Khi chính quyền tỉnh Quý Châu không trả được nợ cho dự án, một số chủ doanh nghiệp nhỏ đã bày tỏ sự bất mãn trên các diễn đàn trực tuyến của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhằm hy vọng thu hút sự chú ý.

Vào tháng 4, chủ một công ty xây dựng đã công khai cầu cứu ông Từ Lân (Xu Lin), Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu, và yêu cầu chính quyền thành phố Tuân Nghĩa thanh toán đầy đủ chi phí xây dựng của dự án cải tạo khu dân cư lụp xụp. Vị chủ doanh nghiệp này đã viết trong phần tin nhắn gửi các quan chức thông qua một nền tảng trực tuyến thuộc tờ Nhân dân Nhật báo rằng, gần 5 năm sau khi xây dựng xong, công ty mới chỉ thu hồi được một nửa số tiền của dự án.

Chủ doanh nghiệp cho hay: "Tôi đã bị các nhà cung cấp và công nhân kiện, điều đó thật tàn khốc, và mỗi năm tôi đều phải trả lãi ngân hàng vì khoản vay của mình. Tất cả những điều này khiến gia đình tôi ngày càng tổn hại nặng nề, chúng tôi vốn không giàu có gì”.

Hơn một tháng sau, chính quyền thành phố trả lời rằng địa phương đang "tích cực gây quỹ và cố gắng hoàn trả các khoản tiền quá hạn sớm nhất có thể".

Bên cạnh đường cao tốc Phụng Tân đang dang dở là hai tòa chung cư không có cửa sổ. Trước kia, chính quyền đã thông báo cho người dân di dời vì các tòa nhà này sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho những con đường mới.

Ông Trần (Chen), một cựu tài xế sống gần đó cho biết, do các dự án của chính quyền hết tiền vốn nên họ đang trát vữa và tân trang các dãy nhà này để bán lại. Ông nói, “Chính quyền thiếu tiền đến mức không thể cung cấp trợ cấp nhà ở tạm thời như đã hứa cho những người bị buộc phải di dời. Mọi người đang phản kháng, nhưng chính quyền không còn tiền. Có quá nhiều ví dụ như thế này ở Quý Châu".

Trọng tâm của cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc là các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (thường được gọi là "trái phiếu đầu tư đô thị"). Phương tiện tài chính của địa phương chính là các doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền địa phương thành lập. Các chính quyền địa phương sẽ phân bổ đất đai, vốn chủ sở hữu, phí, trái phiếu kho bạc và các tài sản khác, từ đó thành lập các công ty có tài sản và dòng tiền để có thể đáp ứng tiêu chuẩn đi vay nợ; và “trái phiếu đầu tư đô thị" là các khoản nợ có lãi do các công ty này phát hành.

Tuy nhiên, trái phiếu đầu tư đô thị hiếm khi tạo ra đủ lợi nhuận để đáp ứng các nghĩa vụ, có nghĩa là hầu hết các phương tiện tài chính này đều dựa vào các phương pháp như đảo nợ, v.v.

Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ năm 2022 tới nay, trong lĩnh vực đầu tư đô thị thường xuyên xảy ra các vụ việc vi phạm hợp đồng phi tiêu chuẩn và thương phiếu (giấy nhận nợ do các công ty có uy tín phát hành để vay vốn ngắn hạn từ thị trường tài chính) quá hạn. Trong năm 2023, những vụ việc tiêu cực liên quan đến đầu tư đô thị sẽ gia tăng. Theo thống kê, từ tháng Một đến tháng Bốn năm nay, trong lĩnh vực đầu tư đô thị đã xảy ra 73 vụ vi phạm hợp đồng phi tiêu chuẩn. Quý Châu, Sơn Đông, Vân Nam và nhiều tỉnh khác đã liên tiếp báo cáo các trường hợp khó trả nợ trái phiếu đầu tư đô thị do đáo hạn, hoặc xin gia hạn và cấu trúc lại, hoặc xoay vòng kiểu “giật gấu vá vai”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những con đường và tòa nhà chung cư dang dở phơi bày vấn đề nợ tiềm ẩn của Trung Quốc