Bài thơ Đường xếp thứ nhất khiến thi Tiên Lý Bạch cũng phải khen ngợi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đó là bài thơ Đường được yêu thích nhất từ xưa đến nay. Bài thơ ấy không phải do thi Tiên Lý Bạch hay thi Thánh Đỗ Phủ sáng tác, nhưng lại được thi Tiên hết lòng khen ngợi. Với vẻ đẹp tự nhiên, khí thế phi thường, cùng ý tưởng sáng tạo xuất phát từ cảm ngộ sâu sắc về sinh mệnh con người, bài thơ đã phá vỡ khuôn khổ của luật thơ thất ngôn, trở thành một kiệt tác độc nhất vô nhị trong lịch sử thi ca.

Bài thơ Đường xếp thứ nhất

Vào cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên, nhà phê bình thơ Nghiêm Vũ đã nhận định trong tác phẩm "Thương lãng thi thoại" rằng: "Trong các bài thơ thất ngôn Đường luật, nên xếp bài ‘Hoàng Hạc Lâu’ của Thôi Hiệu đứng thứ nhất".

Trên thực tế, "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu (khoảng năm 704 - 754) không chỉ là bài thơ thất ngôn Đường luật hay nhất, mà còn là bài thơ Đường được người đọc yêu thích nhất từ xưa đến nay, đứng đầu trên bảng xếp hạng. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tác phẩm này

"Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa

Người xưa đắc Đạo thành Tiên đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc đứng sừng sững bên bờ sông Trường Giang.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không, đợi vị Tiên nhân cưỡi hạc bay về tây không trở về

Từ Hoàng hạc lâu nhìn xuống bờ sông Hán Thủy đối diện, lúc trời quang chiếu rọi, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Mặt trời sắp về tây, hoàng hôn sắp đến, phóng tầm mắt ra xa, quên nhà ở đâu?
Trên sông khói toả như sương mù, làm mờ bến đò bên sông, khiến người thêm sầu não.

Dịch thơ (Tản Đà):

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Thôi Hiệu và kiệt tác "Hoàng Hạc Lâu"

Tranh "Hoàng Hạc Lâu" của Hạ Vĩnh thời nhà Nguyên. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Thôi Hiệu là tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 thời nhà Đường, người Biện Châu. Trong những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo, Thôi Hiệu cùng với Mạnh Hạo Nhiên, Vương Xương Linh, Cao Thích,... đều nổi tiếng với tài thơ ca. Tuy có tài năng nhưng con đường làm quan của Thôi Hiệu lại gặp nhiều trắc trở. Trong những năm Khai Nguyên, Thôi Hiệu nhậm chức Thượng thư Tư Huân viên ngoại lang. Đến cuối thời Khai Nguyên, ông đến Hà Đông quân mạc phủ, được tận mắt nhìn thấy biên ải, nên thơ viết về biên ải của Thôi Hiệu thường mang phong cách hào hùng phóng khoáng. Thôi Hiệu mất năm Thiên Bảo thứ 13, hưởng thọ khoảng 50 tuổi.

Theo "Đường tài tử truyện", Thôi Hiệu "khi còn trẻ, ý thơ có sự diễm lệ, phù phiếm, nhiều ý thơ rơi vào chỗ không chín chắn nhưng đến tuổi già đột nhiên thay đổi phong cách, mang theo khí phách hào hùng".

Lời bình này cho thấy từ khi còn trẻ cho đến lúc già, thơ của Thôi Hiệu đã có sự thay đổi rất lớn. Trong chuyến du ngoạn Vũ Xương và lên lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu đã cảm khái sâu sắc, từ đó sáng tác bài thơ thất ngôn "Hoàng Hạc Lâu", tạo nên một kiệt tác muôn đời.

Khi Lý Bạch đến thăm lầu Hoàng Hạc, đọc được bài thơ của Thôi Hạo, cảm thấy khí phách hào hùng rộng lớn trong đó, đã than rằng: "Trước mắt có cảnh nói không được, Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu”, rồi buông bút xuống, rời đi.

Bên cạnh có một vị tăng nhân chứng kiến được cảnh này, đã ngâm rằng "Rượu gặp tri kỷ, tài năng hơn người" (Thăng am thi thoại).

Một lời khen ngợi, một tiếng than thở, quả thực đã nói đúng tình huống lúc bấy giờ. Sau đó, Lý Bạch du ngoạn Kim Lăng (Nam Kinh) và lên đài Phượng Hoàng (năm 747), nhân cơ hội sáng tác bài thơ "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài", cùng với bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hạo đã trở thành những giai thoại lưu truyền ngàn năm.

Cảnh giới độc nhất vô nhị của "Hoàng Hạc Lâu"

Vì sao “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu có thể lưu truyền thiên cổ?
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? (NTDVN tổng hợp)

Bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu đã đưa cảnh đẹp hùng vĩ, độc nhất vô nhị của Hoàng Hạc Lâu lên đến đỉnh cao. Câu mở đầu "Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?" thể hiện hình ảnh một vị Tiên nhân huyền ảo, tuyệt trần thoát tục. Phần cuối của bài thơ là hai câu đối:

"Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?"

Câu thơ đã khơi gợi nỗi niềm tha hương muôn thuở của con người, khiến người đọc đời sau không ngừng ngưỡng mộ, cảm khái suốt cả ngàn năm!

Ba câu đầu của bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" sử dụng điệp ngữ "Hoàng Hạc Lâu" đến ba lần. Lặp từ là lỗi cấm kỵ trong sáng tác thơ ca, huống gì là lặp lại liên tục ba lần, chẳng phải đó là một lỗi rất lớn hay sao? Thế nhưng, Thôi Hiệu đã biến câu chữ vụng về thành chỗ đặc sắc "khí phách cao vời đã tự nhiên sẵn có" (Đường thi kính), "ý đến trước hình ảnh, cái thần ẩn trong lời thơ, hạ bút viết ra liền tạo thành tác phẩm đặc sắc muôn thuở" (Đường thi biệt tài). Những câu thơ này đã in sâu vào tâm trí người đọc.

Bài thơ này là "biến thể kỳ diệu nhất của luật thơ" (Đường thất luật tuyển), chính biến thể độc đáo nhất của thể thơ thất ngôn Đường luật.

Bốn câu đầu tiên không có vế đối, chỉ viết ra theo cảm hứng, mang theo khí phách “hùng hồn, cao ngạo, hoàn toàn lấy khí thế để chiến thắng" (Tăng đính Đường thi trích sao). Ở đây, vị thi sĩ đã sử dụng điển tích người xưa đắc đạo thành Tiên ở lầu Hoàng Hạc, giống như như một lời tự sự êm tai của thơ cổ, thế nhưng kỳ diệu ở chỗ khí vận trôi chảy, phong cách cao xa, ý cảnh phi thường, "khí phách âm điệu, độc nhất vô nhị trong ngàn năm" (Phê điểm Đường thi chính thanh).

Phong cách cổ kính xuất phát từ sự hồn nhiên, khí thế xuất phát từ sự phi thường; ý tưởng sáng tạo xuất phát từ cảm ngộ về cảnh giới sinh mệnh của thi nhân được tuôn trào một cách tự nhiên.

Chính phong thái thẳng thắn và cảm ngộ phi thường đã khiến "Hoàng Hạc Lâu" trở thành một bài thơ thoát tục, không giống những bài thơ khác: "Thơ thất luật có thể xoay chuyển trong một mạch văn, ngũ luật đã khó, thất luật lại càng khó hơn. Sau thời Đại Lịch, người có thể làm được không nhiều. Thơ của Thôi Hiệu phiêu diêu thoát tục, khác biệt, như Tiên nhân phi hành không đặt chân xuống đất, đủ để sánh ngang với Lý Bạch, Đỗ Phủ. Điểm hay ở đây chính là phong cách cao quý và ý tứ phi thường". (Thơ cảnh thiển thuyết).

Bài thơ này có khí phách phóng khoáng. Hai câu kết lại bi tráng u sầu, ẩn chứa Thiên cơ sâu xa, kết nối chủ đề của toàn bài. Sinh mệnh con người đến từ đâu? Sẽ đi về đâu? Cuộc đời này chỉ là dừng lại trong chốc lát, trời đất cũng chỉ khách sạn của sinh mệnh, vậy làm thế nào để trở về quê hương thuần khiết ban đầu của sinh mệnh? Đó là câu hỏi chung của con người từ hàng ngàn năm qua. Bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu đã kết nối trái tim muôn thuở. Lời khen ngợi của các thế hệ cho rằng bài thơ này là "thiên cổ đệ nhất tuyệt xướng" (tác phẩm xuất sắc nhất trong hàng nghìn năm) quả thực không sai.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? (Pixabay)

Tìm hiểu về nguồn gốc của lầu Hoàng Hạc

Dòng Trường Giang cuồn cuộn chảy về phía Đông hướng ra biển, nhìn từ bờ bắc Hạ Khẩu có nhiều dãy núi từ tây sang đông nối tiếp nhau: Mai Tử Sơn, Quy Sơn, Xà Sơn, Hồng Sơn, Lạc Gia Sơn, Ma Sơn, Dụ Gia Sơn. Nhiều ngọn núi uốn lượn liên tục tạo thành một dải. Nơi giao hòa giữa núi và nước, phảng phất hình ảnh một con rồng khổng lồ nằm trên sóng. Lầu Hoàng Hạc tọa lạc ngay ở phần eo của con rồng. Khí thế ấy tạo nên cảnh trí giống như Tiên hạc muốn cưỡi rồng bay lên!

Lầu Hoàng Hạc được xây dựng lần đầu tiên vào năm Hoàng Vũ thứ hai (năm 223) thời Tam Quốc. Trong thời kỳ Tam Quốc tranh hùng, hạ lưu của Hán Thủy chảy vào Hạ Khẩu của sông Trường Giang (còn gọi là Lỗ Khẩu, vùng hạ lưu của Hán Thủy vào thời xưa được gọi là Hạ Thủy), kết nối hai vùng Hồ Nam và Tứ Xuyên, là vị trí trọng yếu để tấn công và phòng thủ cả trên bộ lẫn trên sông. Đây là vị trí rất quan trọng mà các nhà quân sự đều muốn giành được, đồng thời cũng là điểm then chốt giống như thanh kiếm chĩa thẳng vào Đông Ngô. Vào năm Hoàng Vũ thứ hai, Tôn Quyền đóng quân ở thành Giang Hạ đối diện với Hạ Khẩu, phía tây thành giáp với sông Trường Giang. Tôn Quyền cho xây dựng một tòa lầu canh gác trên núi Hoàng Hạc ở góc tây nam, gọi là lầu Hoàng Hạc (nay ở phía tây nam Vũ Xương).

Lầu Hoàng Hạc được xây dựng trên đài thành với cây xanh rợp bóng. Lầu chính ở giữa có mái cong vút, khí thế hùng vĩ, tầng dưới là lầu phụ. Lầu chính và lầu phụ đan xen, có hành lang nối thông. Nhìn từ lầu Hoàng Hạc ra xa, mây mù cuồn cuộn, sóng nước mênh mông; bờ trái sông Trường Giang, bờ phải sông Hán Thủy thuộc khu vực Hán Dương, tất cả đều thu vào tầm mắt.

Lầu Hoàng Hạc thời cổ là một kiến trúc ba tầng được xây dựng trên đài thành, cao chín trượng hai thước, cộng thêm mái đồng cao bảy thước, tạo thành con số chín trượng chín thước. "Chín" là con số lớn nhất trong triết học Trung Quốc, chín mươi chín ẩn dụ cho sự "lâu dài", ý nghĩa tôn quý, tô điểm thêm cho nội hàm tinh thần của "giang sơn đệ nhất lâu"- lầu Hoàng Hạc. Mức độ văn hóa tinh thần của lầu Hoàng Hạc đứng đầu trong các lầu nổi tiếng. Bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu với khí thế hùng hồn, cùng với ý cảnh xa xưa, được "thiên hạ tuyệt cảnh" bổ sung, đạt được danh hiệu "thiên cổ tuyệt xướng". Điều này có phải trùng hợp chăng? Hay là hoàn toàn tự nhiên?.

Bức tranh "Hoàng hạc lâu đồ" của Hạ Vĩnh thời nhà Nguyên. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Dấu tích Thần Tiên ở lầu Hoàng Hạc

Lầu Hoàng Hạc là một thắng cảnh có nhiều dấu tích về Thần Tiên, nổi tiếng về truyền thuyết tu Đạo thành Tiên từ xưa đến nay. Các thi sĩ thời nhà Đường đã vẽ nên bức tranh sống động về những con người đi tìm con đường phản bổn quy chân của sinh mệnh. Bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu còn trực tiếp nhắc đến đến điều huyền diệu ở bên trong. "Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ". Bài thơ này đã mở ra câu chuyện văn hóa Thần truyền về tu Tiên học Đạo của người xưa.

Lầu Hoàng Hạc có liên quan đến rất nhiều câu chuyện tu Đạo thành Tiên. Sách "Nhập Thục ký" của Lục Du chép rằng: Tương truyền, Phí Y, vị đại tướng của nhà Thục Hán đã phi thăng tại lầu Hoàng Hạc. Sách "Nam Tề thư. Chí thứ bảy Châu quận hạ" ghi lại: Tử An, một Đạo sĩ tu Đạo thành Tiên từng cưỡi hạc bay ngang qua lầu Hoàng Hạc. Theo truyền thuyết, Lã Động Tân, một trong Bát Tiên của Đạo giáo cũng từng truyền Đạo và tu luyện tại đây. Sách "Lịch thế chân Tiên thể Đạo thông giám" chép rằng Lã Động Tân "lên lầu Hoàng Hạc và phi thăng vào giờ ngọ ngày 20 tháng 5". Sách "Báo ứng lục" cũng kể về một truyền thuyết về một vị Tiên cưỡi hạc bay lên trời. Những câu chuyện này khiến lầu Hoàng Hạc trở thành một “Thánh địa phi thăng” nổi tiếng.

Lã Động Tân được xem là vị tiên Trung Quốc nổi tiếng nhất. Hình: Bức bình phong Cố thêu Bát tiên khánh thọ Lã Động Tân trục (Ảnh thuộc miền công cộng)

Lời bình:

Bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu làm nổi bật những câu chuyện tu Đạo thành Tiên trong lịch sử, toát lên vẻ đẹp thanh tao, thoát tục. Tinh thần tu Đạo trong văn hóa Trung Hoa đã chảy dài qua dòng lịch sử, lắng đọng trong những vần thơ, hòa quyện vào dòng máu và tâm hồn của con người.

"Hoàng Hạc lâu" là một bài thơ thể hiện mong muốn trở về quê hương chân chính của sinh mệnh bằng tình cảm chân thành, khiến nhiều thế hệ vẫn không ngừng ngâm nga hàng ngàn năm qua, là cuộc gặp gỡ giữa xưa và nay tiếp nối đến ngàn đời, là tiếng lòng đồng điệu của con người.

Chú thích:

[1] "Hoàng Hạc Lâu" là bài bài thơ có số lượng tổng hợp cao nhất về các tiêu chí: số lần được đưa vào các tuyển tập thơ, được đánh giá cao qua các thời kỳ, số bài nghiên cứu , ghi chép trong các tác phẩm lịch sử văn học và liên kết trên mạng Internet v.v... Xem bảng xếp hạng ở cuốn “100 bài thơ Đường phải đọc” (Vương Triệu Bằng và cộng sự, Đài Bắc: Liên Kinh, ấn bản 2014).

Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Bài thơ Đường xếp thứ nhất khiến thi Tiên Lý Bạch cũng phải khen ngợi