Bạo chúa khát máu gặp cao tăng, liệu có vì thần thông mà khuất phục?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời “Ngũ Hồ thập lục quốc”, mảnh đất Trung Nguyên liên miên khói lửa, chiến hỏa dai dẳng mãi không ngừng. Nhưng một tăng nhân từ Tây Vực xa xôi lại sẵn sàng dấn thân vào cục diện hỗn loạn ấy để xây chùa và phổ truyền Phật Pháp. Một mình ông có đủ sức thực hiện được điều này?

Người ta vẫn cho rằng, một kẻ hôn quân bạo chúa giết người không gớm tay và một vị tăng nhân đầy từ bi hỉ xả, dường như mãi mãi chỉ là hai đường thẳng song song. Nhưng lịch sử lại chứng minh rằng, hai đường thẳng ấy không chỉ có thể gặp nhau mà còn thực sự đã giao nhau.

Kỳ tăng Phật Đồ Trừng

Năm 310, trong kinh thành Lạc Dương xuất hiện một vị tăng nhân kỳ lạ. Từ trang phục và ngoại hình có thể biết ông không phải người Trung Nguyên, mà là người nước Ô Tràng (Oddiyana, hay Uddiyana) ở Tây Vực, một tiểu quốc nằm ở phía bắc Pakistan ngày nay. Tên gọi của ông cũng có phần xa lạ đối với người Hán: Phật Đồ Trừng.

Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương với tâm nguyện xây dựng một tòa tự viện mở cửa cho bách tính bình dân. Lạc Dương là chốn đô hội phồn hoa, nếu dân chúng ở đây được phép tự do đến chùa lễ bái thì Phật giáo sẽ hồng truyền rộng rãi khắp Trung Nguyên.

Chân dung Phật Đồ Trừng (Ảnh: Wikipedia)

Có thể bạn thắc mắc: Thành Lạc Dương đã có một tòa tự viện quy mô lớn tên là Bạch Mã tự, là ngôi chùa do Hán Minh Đế Lưu Trang xây dựng vào năm 68, vì sao vẫn cần Phật Đồ Trừng đến xây chùa thêm nữa?

Kỳ thực, vào thời ấy các tòa tự viện chỉ là trụ sở do triều đình quản lý, phụ trách việc phiên dịch kinh sách, các cao tăng dịch kinh đều là hòa thượng đến từ Tây Vực và Ấn Độ. Do đó, tự viện không phải là địa điểm tôn giáo, cũng không phải Phật đường, mà chỉ đóng vai trò như văn phòng chính phủ hiện nay.

Chúng ta với tư duy của người hiện đại rất khó lý giải các sự việc thời cổ đại, vì thế vẫn cần giải thích riêng về bối cảnh thời ấy: Thế nào gọi là “tự”? Và thế nào gọi là “phủ”?

Trong triều đình có ba chức quan cao cấp nhất gọi chung là Tam Công, gồm có Thái sư - Thái phó - Thái bảo, hoặc Thái Úy - Tư Đồ - Tư Không. Trong một cơ quan lại có chín nhân vật đứng đầu gọi chung là Cửu Khanh, bao gồm: Phụng thường - Lang trung lệnh - Vệ úy - Thái bộc - Đình úy - Điển khách - Tông chính - Trị túc nội sử - Thiếu phủ. Trụ sở văn phòng Tam Công được gọi là “phủ”, trụ sở văn phòng Cửu Khanh được gọi là “tự”, vậy nên Tam Công Cửu Khanh cũng được gọi là “Tam phủ Cửu tự”.

Ví dụ như bộ phận chủ trì lễ nghi và cử hành đại lễ được gọi là “Hồng Lô tự”, viên quan đứng đầu gọi là “Hồng Lô tự khanh”. Đại Lý tự có vị trí tương đương với Tòa án Tối cao ngày nay, vị quan đứng đầu gọi là “Đại Lý tự khanh”.

Vì là văn phòng chính phủ, lẽ dĩ nhiên dân chúng không thể tự do đến thắp hương lễ bái, nếu vi phạm sẽ bị phán vào tội coi thường pháp đình. Còn Bạch Mã tự thì chính là văn phòng dịch thuật của triều đình, đồng thời cũng là nơi dành cho các thành viên hoàng thất đến lễ Phật. Vì vậy Bạch Mã tự vừa là văn phòng dịch thuật, lại vừa là ngôi chùa riêng của hoàng gia.

Tương truyền, vào năm 67, Hán Minh Đế từng mơ thấy kim thân của một vị Thần cao lớn đến từ phương tây, hào quang tỏa ra sáng chói khắp bốn bề. Tỉnh dậy, ông bèn hỏi quan thái sử về điềm báo trong mộng. Quan thái sử đáp: “Hạ thần nghe nói ở tây phương có một vị Thần tên gọi là Phật, có pháp lực phổ độ chúng sinh”.

Hán Minh Đế bèn phái đoàn sứ giả đi Tây Trúc thỉnh kinh, thỉnh được hai vị cao tăng là Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, cùng với tượng và rất nhiều kinh Phật. Hán Minh Đế đích thân ra đón tiếp hai vị cao tăng, sau đó cho xây dựng Bạch Mã tự để làm nơi dịch kinh. Bộ kinh đầu tiên được dịch sang Hán văn là “Tứ thập nhị chương”, vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Mặc dù được hoàng đế ủng hộ nhưng Phật giáo vẫn chưa thể phổ truyền rộng rãi như ngày nay. Bởi vì vào thời ấy, từ quý tộc cho đến thường dân đều xa lạ với các giáo nghĩa nhà Phật. Đối với những gì không thể lý giải, người ta thường ôm giữ thái độ bài xích, điều quân vương cho là tốt, rất có thể lại không được thần dân tin tưởng và tiếp nhận.

Lý do là bởi Phật giáo yêu cầu đệ tử chân tu phải xuất gia tu hành, đã xuất gia thì phải giữ giới luật, không thể sinh con được nữa. Nhưng giá trị quan của người Hán nằm ở đâu? Nằm ở sáu chữ này: Thiên tử dùng Hiếu trị thiên hạ. Bạn xem, trong thụy hiệu của các vị hoàng đến thời nhà Hán thông thường đều có chữ “Hiếu”, ví dụ như Hiếu Văn Đế, Hiếu Cảnh Đế, Hiếu Vũ Đế, v.v.

Như thế nào mới thể hiện đức “Hiếu”? Người Trung Quốc có câu: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất), chính là phải sinh con cháu đời sau để gia tộc có con cháu nối dõi tông đường, duy trì hương hỏa của tổ tông. Vì muốn tu hành mà phải xuất gia, vì muốn tu hành mà không sinh con đẻ cái, vậy làm sao có thể báo hiếu được đây?

Do đó, các giáo nghĩa Phật giáo mâu thuẫn rất lớn với luân lý Nho gia, và giá trị quan của dân tộc Hán. Đây là chướng ngại lớn nhất trong những ngày đầu Phật giáo truyền bá vào Trung Nguyên, cũng là nguyên nhân vì sao trước khi được Hán hóa, Phật giáo từng bị các nhân sĩ bảo vệ Đạo coi là “tà giáo”. Vì thế, sau thời Hán Minh Đế và trong khoảng 150 năm thời Đông Hán, Phật giáo chỉ lưu truyền trong nội bộ hoàng thất, và một số ít nhân vật thuộc tầng lớp thượng lưu. Từ thời Đông Hán tới Tào Ngụy, triều đình còn ban bố văn bản quy định rằng người Hán không được phép xuất gia.

Vì thế, khi Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương thì Phật giáo vẫn chưa được phổ truyền, trên vùng đất Trung Nguyên vẫn chưa có tòa tự viện nào mở cửa cho bách tính thường dân.

Khi ấy Phật Đồ Trừng đã là một lão nhân 79 tuổi, hơn nữa còn là tăng nhân từ ngoại quốc, không có gốc gác địa phương. Ông biết rằng nếu dựa vào sức của riêng mình để xây chùa thì chỉ là chuyện ngàn lẻ một đêm. Vì thế ông cần đến sự trợ giúp của một người…

Nói đến đây chúng ta hãy giải thích một chút. Thế cục Trung Nguyên có thể dùng một chữ để mô tả: Loạn! Bối cảnh thời ấy cũng giống như câu mở đầu chương trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”: “Thiên hạ phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân”. Sau khi nhà Đông Hán suy bại, các anh hùng nổi dậy tứ phương, ba nhà Tào Ngụy, Thục Hán, Tôn Ngô hình thành thế chân vạc tam quốc. Về sau, một quyền thần nước Ngụy là Tư Mã Ý soán quyền, trải qua ba thế hệ tổ tôn mà tiêu diệt Thục Hán và Tôn Ngô, thống nhất thiên hạ, kiến lập nên vương triều Tây Tấn.

Nhưng điều đáng tiếc là, chỉ chưa đầy vài năm sau, dòng dõi Tư Mã lại sinh ra một hoàng đế ngờ nghệch – Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung. Ông chính là vị quân vương thốt ra câu nói ấn tượng nhất trong lịch sử: “Bách tính vô lật mễ sung cơ, hà bất thực nhục mi?” (dân đói không có gạo ăn, sao không ăn thịt?). Huệ Đế bất tài nhưng lại có thê tử là người gian ác và dâm loạn - hoàng hậu Giả Nam Phong. Nhờ có họ, giang sơn mà dòng họ Tư Mã phải vất vả lắm mới giành được, bỗng chốc biến thành món đồ chơi trong tay kẻ cầm quyền. Cũng vì có họ, mà trong hoàng thất rất nhiều kẻ cùng tham vọng thèm muốn ngôi vị đế vương. Anh, em, chú, cháu cùng lao vào cuộc tranh ngôi đoạt vị khiến thiên hạ đại loạn, sử gia gọi đó là “loạn bát vương”.

Chứng kiến thế cục hỗn loạn ấy, các dân tộc thiểu số ở phía bắc như Hung Nô, Tiên Ti, Yết Tộc, Nhung Địch, Đê Tộc, v.v. cũng lăm le nhòm ngó Trung Nguyên, muốn tranh giành hùng bá một phương. Ví dụ như Lý Hùng người Đê Tộc đã dẫn quân tiến xuống phía nam, đánh chiếm Thành Đô và xưng là Thành Đô vương. Một quý tộc người Hung Nô là Lưu Uyên dẫn quân đánh chiếm vùng núi ở Ly Thạch, Thiểm Tây và xưng làm vương, lập nên nhà Tiền Triệu. Những kẻ đục nước béo cò ấy, dù xuất thân là người dân tộc nào, thì các sử gia đời sau vẫn gọi chung họ là người Hồ, và gọi khoảng thời gian ấy là thời kỳ “Ngũ Hồ loạn Hoa” (năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa).

Kỳ thực, không phải tất cả người Hồ đều xuất phát từ phương bắc xa xôi, mà là từ thời đại Tam Quốc và sau thời Đông Hán, họ đã di dời đến vùng Quan Trung ở phía nam, và chung sống với các dân tộc thiểu số ở đồng bằng Hoa Bắc. Trải qua nhiều thế hệ họ đã cư trú ở Hán địa. Những người Hồ có địa vị cao bèn đổi sang họ của người Hán, như họ Lưu, họ Lý... Mặc dù vậy, ngoại hình của họ vẫn có nét đặc trưng riêng như mũi cao, mắt sâu, hoàn toàn khác xa người dân tộc Hán. Hơn nữa họ còn có thể nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, ví dụ như tiếng Đột Quyết, tiếng Hung Nô, thậm chí tiếng Thiên Trúc ở tây phương.

Trở lại với câu chuyện của Phật Đồ Trừng. Sau khi đặt chân đến Trung Nguyên, Phật Đồ Trừng để mắt đến một nhân vật nổi trội trong những người Hồ, đó là Thạch Lặc.

Bạo chúa Thạch Lặc

Thạch Lặc sinh ra ở Vũ Hương, Sơn Tây, là hậu duệ người Yết. Lúc ấy dân tộc Yết bị coi thường vì địa vị thấp kém, phải làm nô lệ cho Hung Nô. Bản thân Thạch Lặc không có tên chữ Hán, mà chỉ có một cái tên theo tiếng Hồ là Bối “㔨”, tuy nhiên chữ Bối “㔨” này đến nay đã không còn được sử dụng nữa.

Trong thời “loạn bát vương”, người Yết bị thứ sử Tinh Châu bắt đến Sơn Tây làm nô lệ. Thạch Lặc cũng nằm trong số đó, thường xuyên phải chịu đói khát, chịu đòn roi. Vì để giữ mạng sống, Thạch Lặc đã tìm đường chạy trốn, ẩn thân nơi núi rừng, nương náu chốn băng đảng sơn tặc, bắt đầu làm cái việc cướp nhà cướp của, sát nhân phóng hỏa. Chính thủ lĩnh băng đảng đã đặt cho ông cái tên “Thạch Lặc” này.

Sau vài năm làm đạo tặc, Thạch Lặc nhận ra rằng, nếu cứ tiếp tục cướp của giết người thì tương lai sau này sẽ không có triển vọng, vậy nên ông liền lôi kéo mười tám đồng đảng cùng đi đầu quân cho Lưu Uyên. Từ đó Thạch Lặc như cá gặp nước, như rồng gặp mây, nhờ có tài năng quân sự nổi trội mà ông được Lưu Uyên phong làm đại tướng quân, các huynh đệ đồng đảng đi theo ông cũng được trọng vọng, gọi là “Thập bát kỵ”.

Về sau Lưu Uyên qua đời, Thạch Lặc bèn ly khai khỏi quân ngũ, và tự mình xây dựng lực lượng riêng. Đội quân của Thạch Lặc chiếm lĩnh Cát Ba, chính là huyện Tân Thái, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Thạch Lặc can đảm, thận trọng, lại có tài năng nên rất được bộ hạ tin tưởng. Nhưng dẫu sao, Thạch Lặc và các anh em “Thập bát kỵ” đều xuất thân từ sơn tặc, tính tình nóng nảy, hiếu chiến, hễ thấy không vừa ý là tùy tiện chém giết. Quân đội dưới trướng cũng vô cùng hung hăng, thiện chiến, động một tí là thẳng tay tàn sát, có thể nói là cánh quân đáng sợ nhất trong lực lượng người Hồ vào thời ấy.

Trong một lần bao vây và chém giết hơn mười vạn quân địch và dân thường, Thạch Lặc định bụng sẽ lợi dụng cảnh hỗn loạn để chiếm đóng thêm địa bàn. Nhưng một sự việc xảy ra khiến ông chú ý. Đó là, trong số mười tám anh em Thập bát kỵ có một nhân vật tên là Quách Hắc Lược, vốn là một người thô thiển, vụng về, không có học vấn, duy chỉ biết gan dạ chiến đấu trên sa trường. Nhưng không rõ vì lẽ gì, gần đây Quách Hắc Lược lại đột nhiên thông tuệ lạ thường, có thể dự đoán kết cục thành bại trước mỗi lần xuất chinh, hơn nữa lần nào cũng tiên đoán chính xác.

Thạch Lặc vô cùng hiếu kỳ, liền gọi Quách Hắc Lược đến và hỏi: “Này, gã tiểu tử nhà ngươi đã trúng vận may tử tiệt nào, mà lần nào cũng đoán trúng kết cục chiến trận vậy?”

Quách Hắc Lược chỉ cười một cách bí ẩn rồi đáp: “Ca ca à, đây không phải là vận may chết tiệt đâu nhé, mà là tiểu đệ may mắn gặp được một Thần nhân đó thôi”.

Thạch Lặc cau mày hỏi: “Ý đệ là gì?”

Quách Hắc Lược liền hạ giọng đáp: “Có một vị Thần nhân đến từ Tây Vực đã gia nhập quân ngũ của đệ, tất cả mọi dự báo trước nay đều là do ngài ấy tiết lộ cho đệ đó”.

Thạch Lặc vô cùng mừng rỡ: “Sao đệ không nói sớm cho ta biết? Mau mau mời ngài ấy đến đây”.

Thạch Lặc háo hức thân chinh ra nghênh đón vị Thần nhân. Nhưng vừa gặp mặt, ông không còn tin vào mắt mình: Đây nào phải Thần nhân, mà chỉ là một tăng nhân không có tóc trên đầu!

Kể đến đây, hẳn bạn đã đoán ra vị tăng nhân ấy chính là Phật Đồ Trừng. Và như chúng ta đã bàn đến, lúc đó Phật giáo vẫn chưa phổ biến ở Trung Nguyên, hầu hết mọi người đều ôm giữ thái độ hoài nghi đối với Phật giáo. Thạch Lặc cũng tỏ vẻ ngờ vực, nhìn trân trân Phật Đồ Trừng, ánh mắt như muốn xuyên thủng qua thân ông.

Phật Đồ Trừng biết rằng Thạch Lặc vốn là kẻ sát nhân máu lạnh, nếu không triển hiện một chút thần tích thì khó có thể thu phục được hắn ta. Vậy nên ông vẫn ung dung điềm tĩnh, chỉ khẽ mỉm cười và lấy ra chiếc bát, sau đó múc đầy bát nước và đặt ở trên bàn. Ông thắp một nén hương rồi ngồi xuống lặng lẽ niệm kinh.

Chẳng mấy chốc, trong bát mọc lên một bông sen xanh, trong khoảnh khắc bông sen nở hoa, màu sắc rực rỡ tươi đẹp, tỏa hương thơm ngan ngát khắp phòng.

Thạch Lặc im lặng nhìn Phật Đồ Trừng, xem xem vị tăng nhân đầu trọc này “sắp giở trò gì đây”. Đến khi thấy đóa sen nở ra, Thạch Lặc ngẩn ngơ một hồi lâu mới kịp hoàn hồn. “Thần nhân! Ngài quả thực là bậc Thần nhân!”, rồi vội vàng nhảy xuống khỏi bảo tọa, chắp tay cúi lạy cao tăng.

Phật Đồ Trừng vội đỡ ông ta dậy và nói: “Tướng quân nên lấy nhân nghĩa mà cai trị thì thiên hạ mới hưng thịnh. Nếu giết chóc quá nhiều thì không chỉ thiên hạ suy bại, mà đại nghiệp của tướng quân cũng sẽ đi đến đường cùng”.

Phật Đồ Trừng triển hiện thần thông (Ảnh: Xianfo Qizong / Wikipedia)

Nhưng Thạch Lặc là ai? Là kẻ lòng dạ sắt thép, lạnh lùng nhìn núi thây biển máu mà không hề động tâm. Thạch Lặc nghe thấy lời khuyên của tăng nhân thì chỉ trầm ngâm suy tư, trong lòng không khỏi có phần thất ý. Ông thầm nghĩ: “Nhà ngươi cũng có chút vẻ thần thánh đấy, nhưng không thần thánh đến mức có thể ở đây chỉ huy ta nên phải làm gì và không được làm gì đâu”.

Phật Đồ Trừng không nói lời nào, chỉ mỉm cười rồi quay trở lại doanh trại của Quách Hắc Lược.

Dùng thần thông cảm hóa bạo chúa

Không lâu sau, Thạch Lặc lại dẫn quân xuất chinh và đóng quân ở Thương Khâu, cách huyện Tân Thái khoảng hơn 200 km. Tối hôm ấy đột nhiên có binh sĩ phi nước đại đến cấp báo, mang theo tin khẩn từ Quách Hắc Lược, rằng Đại sư Phật Đồ Trừng nhắc tướng quân hãy chú ý phòng bị, đêm nay Tây Tấn sẽ bất ngờ tập kích vào doanh trại của tướng quân.

Thạch Lặc bán tín bán nghi nhưng cũng không dám khinh suất, lập tức bày đặt bố trí sẵn sàng nghênh chiến. Quả nhiên đêm ấy, một nhánh quân Tấn đột kích vào doanh trại, may nhờ Thạch Lặc sớm đã chuẩn bị nên hoàn toàn không chịu tổn thất.

Từ đó, Thạch Lặc bắt đầu kính phục Phật Đồ Trừng, ông liền mời cao tăng đến làm quân sư trong bản doanh của mình. Ông lắng nghe kiến nghị của Phật Đồ Trừng, nghiêm khắc quản thúc quân đội, không cho phép quân sĩ tùy tiện cướp bóc chém giết nữa, nhờ đó quân đội của Thạch Lặc trở thành đội quân tinh nhuệ có kỷ luật vô cùng nghiêm minh.

Chẳng bao lâu sau Thạch Lặc công hạ Tương Quốc, cũng chính là địa khu Hình Đài ở Hà Bắc ngày nay, sau đó từng bước mở rộng phạm vi, bành trướng địa bàn, trở thành bá chủ bắc phương. Đến năm 319, Thạch Lặc chính thức khai triều lập quốc, kiến lập nên nhà Hậu Triệu, đặt đô ở Tương Quốc.

Đúng vào lúc khi Thạch Lặc đắc ý và chuẩn bị kế hoạch thống nhất thiên hạ thì Tương Quốc lại xảy ra hạn hán. Họa vô đơn chí, các hào nước bảo vệ xung quanh kinh đô không rõ vì sao cũng khô cạn, khiến hệ thống phòng ngự hữu hiệu nhất cũng trở nên vô dụng.

Thạch Lặc nóng lòng muốn xuất chinh, nhưng nay lại phải bận rộn lo toan bảo vệ thành. Phật Đồ Trừng khi ấy đã 88 tuổi đến trước mặt Thạch Lặc và nói: “Sở dĩ nước trong thành hào cạn kiệt là vì Thần long đã ẩn thân rồi, cần phải mời Thần long trở lại thì thành hào mới có nước như xưa”.

Thạch Lặc bối rối: “Thần long? Thần long nào? Từ đâu đến?”

Phật Đồ Trừng không giải thích gì thêm mà chỉ nói với Thạch Lặc: “Mời đại vương đi theo bần tăng”.

Sau đó, đoàn xa giá tới một nơi rừng núi rậm rạp cách Tương Quốc 5 dặm về phía tây bắc. Trước mắt họ là một con sông rộng, lòng sông trơ đáy vì hạn hán, dưới đáy sông có vết nứt nẻ rộng hơn cả bánh xe. Phật Đồ Trừng nói: “Chính là đây, con sông này là đầu nguồn của thành hào bảo vệ Tương Quốc. Nước sông chảy ra từ lòng đất, nhưng Thần long chưởng quản mạch nước ngầm đã ẩn thân đi rồi, không còn điều tiết nước nữa, do đó dòng sông mới khô cạn. Chúng ta cần phải mời Thần long trở lại thì mới có hy vọng”.

Thạch Lặc vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng đại sư đã nói như vậy rồi thì cứ để ông ấy làm đi. Phật Đồ Trừng yêu cầu dựng một căn nhà cỏ trên mảnh đất trống, sau đó nói với Thạch Lặc: “Bệ hạ, quá trình tầm long có thể sẽ mất vài ngày, thỉnh bệ hạ hãy về cung dưỡng sức, không cần phải nhọc sức chờ đợi, chỉ cần để lại vài thị vệ ở đây là được rồi”.

Nói xong Phật Đồ Trừng liền châm hương rồi ngồi trong nhà cỏ và bắt đầu niệm chú. Ngày đầu tiên không có động tĩnh gì, ngày thứ hai vẫn không có động tĩnh. Đến ngày thứ ba, đáy sông bắt đầu rỉ nước, sau đó một con rồng nhỏ xuất hiện giữa kẽ đá, bay lượn trong con sông khô cạn này rồi biến mất. Trên bầu trời sấm sét vang rền, mưa lớn rơi như trút, nước sông cũng từ từ dâng lên. Chỉ trong phút chốc, con sông lớn lại hiện ra ngay trước mắt mọi người. Một kỵ binh đưa tin cưỡi ngựa từ kinh thành đến báo: “Thành hào đã đầy nước, bệ hạ thỉnh đại sư hãy dừng làm phép”.

Từ đó, Thạch Lặc hoàn toàn tâm phục khẩu phục, phong Phật Đồ Trừng làm quốc sư, hơn nữa còn bái ông làm thầy, tôn kính gọi ông là “đại hòa thượng”.

Tranh vẽ Thạch Lặc trong tác phẩm "Shi Le Reverencing a Buddhist Monk" (Thạch Lặc tôn kính tăng nhân) (Ảnh: Qian Xuan / Wikipedia)

Theo ghi chép trong “Cao tăng truyện”, trong thời gian ở Hậu Triệu, Phật Đồ Trừng đã có vài nghìn môn đệ, ông cũng xây dựng mấy chục tòa tự viện tại đây. Nhờ sự khuyến giáo của ông, thói hiếu sát của Thạch Lặc dù vẫn còn nhưng đã suy yếu đi rất nhiều. Trong nửa sau cuộc đời, có thể nói Thạch Lặc vẫn được tính là một vị quân vương hiền minh.

Nhưng đáng tiếc, người kế nghiệp Thạch Lặc lại là kẻ hiếu sát, khiến Hậu Triệu không tránh khỏi kết cục diệt vong.

Điểm hóa cho Thạch Hổ

Năm 330, Thạch Lặc tiêu diệt nhà Tiền Triệu, Tiền Lương, Liêu Tây quốc và Liêu Đông quốc, chiếm lĩnh một vùng bắc phương rộng lớn, chính thức xưng đế, lập con trai là Thạch Hoằng làm thái tử. Nhưng điều ấy lại vô tình khiến một kẻ bất mãn, đó chính là Thạch Hổ.

Thạch Hổ cũng là người Yết Tộc, từng theo Thạch Lặc đi chinh chiến khắp nơi, lập được nhiều chiến công lừng lẫy. Thạch Hổ kém Thạch Lặc 19 tuổi, quan hệ giữa hai người vẫn luôn là đề tài tranh luận giữa các nhà sử học. Có ý kiến cho rằng Thạch Hổ là em trai út của Thạch Lặc. Cũng có ý kiến cho rằng Thạch Hổ chỉ là con nuôi của Thạch Lặc, hai người không có quan hệ huyết thống, họ “Thạch” của Thạch Hổ chỉ là do Thạch Lặc ban cho.

Dù sự thật là gì thì vẫn không thể phủ nhận rằng, Thạch Hổ đã sát cánh giúp Thạch Lặc thu phục thiên hạ, là cánh tay phải đắc lực của Thạch Lặc. Bởi vậy, Thạch Hổ vô cùng bất mãn khi Thạch Lặc truyền ngôi cho Thạch Hoằng mà không phải cho mình. “Hừ, thiên hạ của nhà Hậu Triệu đều do một tay ta đao kiếm liều mạng mới giành được, dựa vào điều gì mà truyền ngôi cho đứa trẻ này chứ?”

Tranh vẽ Thạch Hổ trong liên hoàn họa "Tổ Thích" (Ảnh: Wikipedia)

Năm 333, Thạch Lặc băng hà, Thái tử Thạch Hoằng lên kế vị. Nhưng tân hoàng đế ngồi trên ngai chưa đầy một năm đã bị Thạch Hổ phế truất. Thạch Hổ không chính thức xưng đế mà chỉ tự xưng là Triệu Thiên Vương nhiếp chính.

Thạch Hổ khi còn ở dưới trướng Thạch Lặc, đã nhiều lần tận mắt chứng kiến pháp lực thần thông của Phật Đồ Trừng. Sau khi tiếm quyền, Thạch Hổ vẫn tiếp tục tôn Phật Đồ Trừng làm quốc sư, thậm chí còn cung phụng ông hơn cả thời Thạch Lặc còn sống. Thạch Hổ tuyên bố: Hòa thượng là bảo vật của quốc gia, hòa thượng có thể mặc lụa là gấm vóc như quý tộc, ngồi liễn xa được trang trí và chạm trổ như quân vương. Thạch Hổ dành cho Phật Đồ Trừng chế độ đãi ngộ cao nhất trong triều đình. Mỗi khi Lễ quan cất tiếng: “Đại hòa thượng đến” thì tất cả bá quan văn võ đều phải đứng dậy biểu thị lòng cung kính. Quy cách lễ nghi như thế ngoài quân vương thì chỉ riêng Phật Đồ Trừng mới có.

Phật Đồ Trừng lúc này đã là bậc lão nhân trăm tuổi. Trước thói bạo ngược hung tàn của Thạch Hổ ông đã nhiều lần khuyến giáo, nhưng cuối cùng cũng đành bất lực, chỉ có thể khéo léo khuyên rằng: “Bệ hạ nên ban ân cho bách tính thì vận nước mới thịnh vượng, quốc khí mới lâu dài, còn nếu cứ lạm sát vô cớ thì dẫu cúng Phật bái Phật cũng không có cách nào tiêu trừ được tai họa”.

Nhưng Thạch Hổ cứ như nghe mà không hiểu, một mặt đề cao Phật giáo, cung phụng tăng nhân, mặt khác lại đại khai sát giới, giết chóc bừa bãi. Dưới sự cai trị của Thạch Hổ, các ngôi chùa giống như nấm mọc sau mưa, liên tục xây dựng ở khắp nơi, chỉ trong vòng mấy chục năm đã có hơn 800 ngôi chùa được hoàn thành.

Ở một phương diện khác, Thạch Hổ đem quân chinh chiến khắp nơi, thực hiện chế độ “tam ngũ binh dịch chế”, vắt kiệt sức dân để bổ sung quân dịch. Chế độ “tam ngũ binh dịch chế” nghĩa là, những gia đình có ba đinh nam thì phải có hai người nhập ngũ, những gia đình có năm đinh nam thì phải có ba người nhập ngũ, như vậy lực lượng quân số mới hùng hậu, sẵn sàng nghênh chiến bất cứ lúc nào.

Quân đội đông đảo là thế nên tất nhiên cũng cần số lượng vũ khí và áo giáp tương ứng. Cả nước có hơn 500.000 thợ thủ công chế tạo vũ khí và áo giáp, 170.000 thuyền phu được điều động, bảy phần mười dân số trên toàn quốc tham gia chiến tranh, đâu đâu cũng là cảnh các gia đình chia ly tan tác, tiếng oán than vang dậy đất trời. Càng đáng sợ hơn là, Thạch Hổ đã quen với việc tàn sát, hễ có sự phản kháng thì đều chém giết, bất kể già trẻ gái trai thì cũng đều xử tử như nhau.

Không chỉ vậy, Thạch Hổ còn điên cuồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Khắp nơi đều có cung vàng điện ngọc, chỉ riêng tại kinh đô Nghiệp Thành đã có hơn 40 tòa lầu cao để vui chơi hưởng lạc. Ngoài ra ông ta còn ra lệnh xây dựng hai tòa cung điện nguy nga tráng lệ là Điện Thái Vũ và Đông Tây Cung, tất cả các cột trụ, các bức tường và màn trong cung đều được dát bằng vàng và ngọc quý.

Có cung điện rồi thì đương nhiên cũng không thể thiếu mỹ nữ. Những thiếu nữ từ 13 đến 20 tuổi trên toàn quốc, cho dù đã kết hôn hay chưa, chỉ cần có đôi chút nhan sắc thì đều bị bắt đưa vào hậu cung.

Năm 345, quan lại các quận huyện vì phải cống nộp đủ số mỹ nữ mà đã ngang nhiên cướp đi hơn 9000 phụ nữ đã có chồng. Những người chồng không thể chịu được nỗi nhục bị cướp vợ đã căm phẫn phản kháng lại, nhưng toàn bộ đều bị giết chết, hơn 3000 phụ nữ cũng tự sát để bảo toàn trinh tiết. Vì điều này mà dân chúng sục sôi căm hận, oán khí thấu tận trời xanh.

Lúc này Phật Đồ Trừng đã là một lão nhân 117 tuổi, ẩn tu trong tự viện, không giao tiếp với bên ngoài. Lần cuối cùng Thạch Hổ đến chùa thỉnh giáo, Phật Đồ Trừng chỉ đáp lại một câu: “Phật Pháp bất sát” rồi lặng yên không nói nữa.

Bắt đầu từ tháng 1 năm 349, Phật Đồ Trừng hoàn toàn tuyệt thực, không còn dùng thực phẩm ở nhân gian. Các đệ tử lo lắng vội vàng báo tin cho Thạch Hổ, xin hoàng đế cử ngự y đến thăm khám. Nhưng Phật Đồ Trừng chỉ xua tay lắc đầu. Ông dặn đệ tử chuẩn bị sẵn quan tài và đào một huyệt mộ đơn sơ. Sau đó, ông nằm nghiêng trên giường và mỉm cười nói với chúng đệ tử: “Thiên hạ sắp đại loạn rồi, ta cũng đành bất lực mà thôi. Trước khuyên không được, nay ngăn cũng không được, ta chỉ có thể đi trước một bước vậy”.

Nói xong, ông nhắm mắt lại rồi lặng lẽ viên tịch.

Thạch Hổ nghe tin Phật Đồ Trừng đã viên tịch thì vô cùng u sầu, bèn cử hành nghi lễ quốc tang long trọng nhất cho ông. Nhưng câu chuyện đến đây vẫn chưa phải là kết thúc.

Không lâu sau có người bẩm báo với Thạch Hổ rằng, các tướng sĩ biên cương từng tận mắt thấy cao tăng Phật Đồ Trừng xuất hiện ở Quan Tây.

Thạch Hổ bàng hoàng chấn động, vội vàng sai người kiểm tra huyệt mộ của Phật Đồ Trừng. Khi nhìn xuống, Thạch Hổ không khỏi giật mình sửng sốt: Trong quan tài không có thi thể mà chỉ có một tảng đá! Thạch Hổ thở dài buồn bã: “Quả nhân họ Thạch, tảng đá kia chính là quả nhân vậy. Cao tăng, ngài đã bỏ ta mà đi, ta tất sẽ không tránh khỏi cái chết!”

Quả nhiên, một năm sau Thạch Hổ mắc bệnh mà qua đời. Hai con trai của ông ta vì tranh quyền đoạt vị mà giết hại lẫn nhau, thiên hạ đại loạn, nhà Hậu Triệu cũng nhanh chóng diệt vong.

Hưng suy hay thành bại chỉ là việc của con người, chỉ có Phật Pháp hồng truyền mới là điều Thần nhân coi trọng. Cho dù bao nhiêu triều đại đã qua đi, thì Phật giáo vẫn từng bước chắc chắc bén rễ ở Trung Nguyên, dần dần phát triển và hưng khởi, các chùa chiền cũng lần lượt mọc lên khắp tứ phương. Vậy là 30 năm sau khi đến Trung Nguyên, Phật Đồ Trừng đã thực hiện được tâm nguyện của ông rồi.

Theo Wenzhao Studio
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bạo chúa khát máu gặp cao tăng, liệu có vì thần thông mà khuất phục?