Bí ẩn "Ánh sáng Thiên Thần" thời nội chiến Mỹ: Ai có vết thương phát sáng thì sống!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời nội chiến Mỹ đã có một sự kiện thú vị mà gần 140 năm sau mới được giải đáp. Đó là những người lính của cả 2 phe bị thương trong trận Shiloh (6 - 7 tháng 4 năm 1862) phát hiện ra vết thương của họ phát sáng. Điều kỳ lạ hơn là những binh sĩ có vết thương phát sáng lại có tỉ lệ sống sót cao hơn. Thứ ánh sáng dường như mang quyền năng cứu mạng này đã được họ đặt tên là "Ánh sáng Thiên Thần" (Angel's Glow).

Trận Shiloh

Mùa xuân năm 1862, khi nội chiến Mỹ đã diễn ra được 1 năm, thiếu tướng Ulysses S. Grant - chỉ huy lực lượng Liên bang Miền Bắc, người về sau trở thành tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, đã cho quân tiến sâu vào lãnh thổ Liên minh Miền Nam dọc theo sông Tennessee. Đầu tháng 4 năm 1862, Grant cho quân dựng trại tại Pittsburg Landing gần nhà thờ Shiloh, Tennessee nhằm chờ quân tiếp viện của thiếu tướng Don Carlos Buell từ Ohio.

Sáng ngày 6 tháng 4, lực lượng Miền Nam đóng tại Corinth, Mississippi đã bất ngờ tấn công đạo quân của tướng Grant, với ý định tiêu diệt nhanh chóng lực lượng Miền Bắc trước khi đạo quân Ohio kịp đến. Tuy nhiên, lực lượng của Grant với sự góp mặt từ sớm của nhiều binh sĩ từ Ohio đã chống trả quyết liệt và giữ được chiến tuyến. Giao tranh liên tiếp nổ ra cho đến khi trời tối, và đến sáng ngày 7, toàn bộ lực lượng phe Miền Bắc từ Ohio đã đến nơi, lúc này quân Miền Bắc đông hơn quân Miền Nam đến 10.000 người. Lực lượng đông đảo cho phép quân Miền Bắc đẩy lùi quân Miền Nam. Các chỉ huy quân Miền Nam nhận ra không có cơ hội chiến thắng, nên quyết định rút lui về Corinth để bảo toàn lực lượng.

Ulysses S. Grant
Tướng Ulysses S. Grant. (Miền công cộng)

Trận Shiloh chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng có hơn 16.000 binh sĩ bị thương, và 3000 người chết. Lực lượng quân y của Union lẫn Confederate đều không chuẩn bị cho kịch bản này. Không chỉ là những vết thương chí mạng do đạn hay lưỡi lê, những người lính còn đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng.

Các binh lính bị thương đã nằm trong bùn trong suốt 2 ngày đêm chờ quân y, bởi các bệnh viện dã chiến đều quá tải, và phải mất nhiều ngày mới tiếp cận được tất cả các binh sĩ thương vong. Và rồi điều kỳ lạ đã xảy ra khi hoàng hôn buông xuống. Một số người phát hiện ra vết thương của họ phát sáng, thứ ánh sáng yếu ớt màu xanh trong bóng tối chiến trường. Kỳ lạ hơn nữa là khi họ được chuyển đến bệnh viện dã chiến, những người có vết thương phát sáng lại có tỉ lệ sống sót cao hơn. Vết thương của họ sạch hơn, thời gian phục hồi ngắn hơn, và có ít biến chứng sau phẫu thuật hơn so với những người có vết thương không phát sáng. Thứ ánh sáng này được họ gọi là "Ánh sáng Thiên Thần".

Vì không thể giải thích, nhiều nhà sử học, khoa học lúc bấy giờ cho rằng, những người lính có vết thương phát sáng đã bị ảo giác, hoặc đây chỉ đơn thuần là một câu chuyện bí ẩn nơi chiến trường.

Phát hiện

Vào năm 2001 tức gần 140 năm sau trận Shiloh, bí ẩn về "Ánh sáng Thiên Thần" bắt đầu được làm sáng tỏ. Chuyện tình cờ khi Bill Martin - một học sinh khi đó mới 17 tuổi đã có dịp đến thăm chiến trường Shiloh xưa cùng với gia đình. Khi được nghe kể về "Ánh sáng Thiên Thần", Bill đã hỏi mẹ về điều này. Mẹ của Bill là một nhà vi sinh vật học làm việc tại Phòng dịch vụ nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), khi đó đang nghiên cứu về vi khuẩn phát quang sống trong đất, và bà đã khuyến khích cậu con trai làm một thí nghiệm để tìm hiểu.

Bill cùng với người bạn là Jonathan Curtis đã tiến hành nghiên cứu về vi khuẩn phát quang trong đất, và điều kiện tự nhiên tại Shiloh vào thời điểm trận chiến nổ ra. Họ phát hiện ra rằng, vi khuẩn mà mẹ của Bill đang nghiên cứu và thứ tạo ra "Ánh sáng Thiên Thần" có thể là một. Cụ thể là loại vi khuẩn này sống trong ruột của một loài ký sinh gọi là giun tròn Heterorhabditis bacteriophora và cả 2 đều có vòng đời rất lạ lùng.

Ấu trùng bướm đêm Galleria mellonella bị vi khuẩn P. luminescens ký sinh phát ra ánh sáng xanh dương. (Chụp video).

Giun tròn săn tìm ấu trùng côn trùng trong đất hay trên cây, sau đó ký sinh vào ấu trùng, hút dinh dưỡng từ ấu trùng để tồn tại. Trong quá trình ký sinh, chúng thải ra vi khuẩn Photorhabdus luminescens (P. luminescens). Khi vi khuẩn này được giải phóng, chúng phát quang sinh học, tạo ra ánh sáng màu xanh dịu và bắt đầu tiết ra hỗn hợp hóa chất tiêu diệt vật chủ cũng như ức chế và tiêu diệt tất cả các loại vi sinh vật khác có bên trong vật chủ. Điều này khiến vi khuẩn P. luminescens và giun tròn có thể kiếm ăn, phát triển và sinh sôi không bị gián đoạn.

Khi giun tròn và vi khuẩn ăn hết vật chủ thì giun tròn sẽ quay trở lại ăn vi khuẩn. Vi khuẩn P. luminescens lại một lần nữa trú ẩn trong ruột của giun tròn, nhờ đó nó có thể cùng giun tròn tìm vật chủ mới để ký sinh và tiếp tục sinh tồn. Không quá khó để tìm bữa ăn tiếp theo bởi phần còn lại của vật chủ trước đó vẫn còn chứa đầy vi khuẩn P. luminescens, chúng phát sáng cơ thể vật chủ để thu hút các loài côn trùng khác. Nhờ đó giun tròn sẽ có thể dễ dàng chuyển sang vật chủ mới.

Trở lại với "Ánh sáng của Thiên Thần", Bill và Jon sau khi xem xét những ghi chép lịch sử về trận chiến ở Shiloh đã xác định được điều kiện thời tiết và đất tại Shiloh khi đó rất lý tưởng để P. luminescens và giun tròn sinh sôi. Tuy nhiên, những thí nghiệm về vi khuẩn P. luminescens trong phòng thí nghiệm cho thấy chúng không thể sống ở nhiệt độ cơ thể người, như vậy vết thương của những người lính trong trận Shiloh năm đó không lý tưởng cho vi khuẩn phát triển?

Giải thích cho điều này, Bill tình cờ phát hiện ra rằng thời tiết ở Tennessee vào mùa xuân rất lạnh nhưng đồng cỏ, cây cối vẫn xanh nhờ gợi ý từ bài nhạc đồng quê “Ft. Worth Blues” của Steve Earle trong đó nhắc đến mùa xuân Tennessee “green and cool”. Nhiệt độ vào ban đêm ở Tennnessee vào tháng 4 xuống đủ thấp khiến những người lính phải nằm trong bùn suốt đêm hạ thân nhiệt, từ đó tạo điều kiện lý tưởng cho P. luminescens sinh sôi.

Dựa trên những bằng chứng về sự hiện diện của P. luminescens tại Shiloh và những báo cáo về "Ánh sáng thiên thần", Bill và Jon đã đi đến kết luận rằng vi khuẩn P. luminescens cùng với giun tròn đã xâm nhập vào vết thương của người lính từ đất. P. luminescens không chỉ khiến vết thương của họ phát sáng mà còn giúp cứu mạng họ bởi hỗn hợp hóa học được P. luminescens tiết ra đã giúp tiêu diệt những tác nhân gây bệnh khác khiến vết thương nhiễm trùng dẫn đến tử vong. P. Luminescens lẫn giun tròn đều không lây nhiễm sang người, nó chỉ ký sinh và bị hệ miễn dịch đào thải.

Phát hiện của Bill và Jon đã giúp bộ đôi đạt được giải nhất đồng đội tại cuộc thi International Science & Engineering Fair do Intel tổ chức vào năm 2001.

Tất nhiên cũng phải nhắc lại, trên đây chỉ là phát hiện và của hai nhà khoa học, chúng ta không thể đoan chắc 100% sự thực đã diễn ra như vậy, khi mà những nhân chứng của “Ánh sáng thiên thần” đều đã qua đời từ lâu.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn "Ánh sáng Thiên Thần" thời nội chiến Mỹ: Ai có vết thương phát sáng thì sống!