Bình luận: Doanh nghiệp nhỏ Mỹ bị đè nặng bởi chính sách chính phủ lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ là nạn nhân lớn nhất của nền kinh tế lạm phát đình trệ, vốn đang bị đè nặng bởi các chính sách của chính phủ lớn.

Bài bình luận

Bóng ma lạm phát đình trệ đã quay trở lại. Vào ngày 25/4, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ công bố GDP của Mỹ chỉ tăng 1,6% trong quý đầu tiên năm nay, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hóa thực sự đã giảm trong quý do người dân Mỹ đang cạn kiệt tài chính. Báo cáo cũng cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao, tiếp tục xu hướng lạm phát hồi sinh gần đây với mức gấp đôi tỷ lệ mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang.

Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ là nạn nhân lớn nhất của nền kinh tế lạm phát đình trệ, vốn đang bị đè nặng bởi các chính sách của chính phủ lớn (chính phủ gia tăng phạm vi kiểm soát nền kinh tế).

Tổng thống Biden đang tuyên bố các doanh nghiệp nhỏ đang “bùng nổ” dưới sự điều hành của ông. Thực tế là các doanh nhân khởi nghiệp đang phải vật lộn với ba mối đe dọa: nền kinh tế giảm tốc, lạm phát tăng cao và chi phí tín dụng leo thang.

Người tiêu dùng Mỹ có khoản nợ thẻ tín dụng kỷ lục 1,2 nghìn tỷ USD. Họ đang phải đối mặt với tình trạng tiền lương thực giảm sút và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Họ không đủ khả năng để duy trì mức chi tiêu tùy ý của mình, điều mà các doanh nghiệp nhỏ dựa vào để tồn tại và phát triển.

Giờ đây, một gia đình trung bình ở Mỹ phải trả thêm 12.000 USD để được hưởng mức sống như trước khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Và kể từ khi ông Biden nhậm chức, chi phí bán buôn cho các doanh nghiệp nhỏ đã tăng 20%. Để duy trì tỷ suất lợi nhuận ít ỏi, các doanh nhân buộc phải tăng giá, khiến những khách hàng trung thành xa lánh và làm suy giảm nhu cầu. Các nhà bình luận và giới truyền thông không hiểu rằng chỉ có từng đấy khách hàng sẵn sàng trả tiền cho những hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu.

Để đối phó với tình trạng lạm phát quá mức, Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm. Chi phí tín dụng cao đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn, khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể hoặc phải gánh chịu chi phí cực kỳ tốn kém trong việc mở rộng hoặc thậm chí tiếp tục hoạt động.

Fed được cho là sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhưng như tôi đã dự đoán, trước tình hình lạm phát hồi sinh, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mức lãi suất cao hiện nay, kéo dài khủng hoảng tín dụng.

Với những trở ngại này, không có gì ngạc nhiên khi cuộc thăm dò quốc gia về các doanh nghiệp nhỏ của Mạng lưới Người tạo Việc làm cho thấy 2/3 số người được hỏi nói rằng tình hình kinh tế hiện tại có thể buộc họ phải đóng cửa. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết mức tăng giá mà họ đang phải đối mặt cao hơn con số lạm phát chính thức đưa ra. Một phần ba nói rằng tội phạm khu vực gia tăng đang làm giảm thu nhập của họ. Các doanh nghiệp nhỏ đang rên rỉ, chứ không bùng nổ.

Việc đưa tin về Tuần lễ Doanh nghiệp Nhỏ Quốc gia của Mỹ không có gì đáng ngạc nhiên - các phương tiện truyền thông chính thống từ chối thừa nhận rằng các chính sách chính phủ lớn là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Hãy xem xét việc chi tiêu liều lĩnh thúc đẩy ngọn lửa lạm phát. Thâm hụt hàng năm đang trên đà vượt qua 2 nghìn tỷ USD trong năm nay và Mỹ lại có thêm 1 nghìn tỷ USD được gia tăng vào khoản nợ quốc gia cứ sau ba tháng. Việc in tiền này đang nhanh chóng làm mất giá trị của đồng USD, gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.

Chính quyền Biden cũng đang thực hiện một cuộc tấn công quyết liệt với các quy định và luật lệ, thứ đang tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhỏ. Gần đây, họ đã ban hành các quy định mở rộng việc trả lương làm thêm giờ, cấm các hợp đồng không cạnh tranh, bắt buộc sử dụng xe điện và quản lý việc truy cập Internet. Theo Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ, chính quyền Biden đã ban hành hơn 1 nghìn tỷ USD quy định - gấp 30 lần so với dưới thời Tổng thống Trump.

Mối đe dọa lớn nhất của chính quyền Biden đối với các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn ở phía trước. Gần đây, ông Biden đã hứa rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ tăng mạnh thuế với các doanh nghiệp nhỏ bằng cách để Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm hết hạn vào năm 2025 như dự kiến. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đối mặt với mức tăng thuế 20%, việc chấm dứt ưu đãi thuế về khấu hao và khung thuế cao hơn đối với thu nhập của họ. Việc tăng thuế lớn này sẽ đẩy nền kinh tế đang trong lạm phát đình trệ trệ hiện nay vào một cuộc suy thoái.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Alfredo Ortiz là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mạng lưới Người tạo việc làm và là tác giả cuốn sách “Những nhà cách mạng chủng tộc thực sự của nước Mỹ: Tinh thần khởi nghiệp của nhóm thiểu số có thể vượt qua sự phân chia chủng tộc và kinh tế của nước Mỹ như thế nào”.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Doanh nghiệp nhỏ Mỹ bị đè nặng bởi chính sách chính phủ lớn