Bọt từ thịt hầm là tinh chất hay là chất bẩn? Có nên hớt bỏ hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chắc hẳn bạn đã gặp tình trạng bọt trắng nổi lên mặt nước khi hầm thịt. Nhiều người có thói quen hớt bọt này đi vì cho rằng đây là "nước bẩn”.

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Việc bạn có cần hớt bọt hay không tùy thuộc vào thời điểm nó xảy ra.

Khi nào thì nên hớt bọt của thịt?

  • Nên hớt bọt xuất hiện ban đầu

Khi cho thịt vào nồi, lớp bọt đầu tiên nổi lên mặt nước quả thực cần hớt bỏ.

Đây là phần bọt chứa các tạp chất, cặn bẩn, máu và mỡ thừa từ thịt. Tuy không gây hại cho sức khỏe nếu ăn phải, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến hương vị và thẩm mỹ của món ăn.

  • Bọt xuất hiện sau đó không cần hớt

Sau khi hớt bỏ lớp bọt ban đầu, miễn là còn đun lửa, bạn sẽ thấy lớp bọt khác xuất hiện, nhưng không nhiều như lúc đầu. Lâu dần, toàn bộ nồi súp sẽ trở nên đục và chuyển sang màu trắng sữa.

Lớp bọt này có thể được ví như “tinh chất” của thịt. Nếu nghiên cứu kỹ thành phần của chúng, bạn sẽ thấy rằng chúng chủ yếu là các đại phân tử sinh học có trong thực phẩm.

Một số chất đặc biệt dễ tan trong nước như protein, chất béo… Protein rất dễ sinh ra bọt khi phân hủy ở nhiệt độ cao. Loại bọt này không chứa tạp chất và có thể góp phần tạo nên hương vị đậm đà cho món hầm.

Hơn nữa, việc hớt bọt liên tục có thể làm mất chất dinh dưỡng trong thịt. Do vậy, bạn không cần thiết phải hớt bọt liên tục sau khi đã loại bỏ lớp bọt ban đầu.

Tất nhiên, súp dù bổ dưỡng đến đâu cũng không có tác dụng bằng ăn thịt, những người có khả năng hấp thu bình thường và sợ béo phì thì vẫn nên ăn thịt.

Tuy vậy, những người có trạng thái sức khoẻ khác nhau nên lưu ý một số điểm nếu muốn ăn món súp.

Khuyến nghị súp cho các nhóm người khác nhau

  • Người có vấn đề về đường tiêu hóa nên ăn một bát nhỏ súp gà trước bữa ăn chính. Vì nước luộc gà có chứa chất nitơ hòa tan, dễ hấp thu nhanh và có tác dụng kích thích tiết dịch tiêu hóa. Ngoài súp gà, cháo cũng có tác dụng tương tự.
  • Người muốn giảm cân nên uống một chén súp ít năng lượng trước bữa ăn 30 phút; chẳng hạn như cháo loãng hoặc nước dùng… Bằng cách này, bạn có thể giảm lượng thức ăn nạp vào trong các bữa ăn.
  • Đối với người bị tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu cao, việc lựa chọn súp phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sức khỏe.

Ví dụ, đối với bệnh nhân cao huyết áp và người bị rối loạn lipid máu, hạn chế ăn muối và chất béo.

Đối với người bị tiểu đường, cần kiểm soát lượng dầu mỡ và muối, cân nhắc chỉ số đường huyết. Không tuyệt đối cấm uống cháo, nhưng chỉ có thể là loại rất loãng, tốt nhất không nên ăn cháo.

  • Bệnh nhân Gout: Nói không với súp, đồ uống mặn. Điều quan trọng nhất là phải xét đến hàm lượng purin trong thực phẩm, súp cá, súp hải sản không tốt, không nên uống quá nhiều đồ ngọt, đường sẽ thúc đẩy sản sinh axit uric nội sinh. Vậy những nguời này có thể uống gì? Trà nhẹ, cháo và nước lọc.
  • Bà mẹ đang cho con bú: Súp ngũ cốc là lý tưởng. Những món súp nhiều dầu, chất béo thực chất không phù hợp với bà mẹ đang cho con bú, nếu mẹ ăn quá nhiều dầu mỡ, ngoài việc tăng cân còn làm tăng hàm lượng chất béo trong sữa, khiến trẻ bị phù nề.

Vì vậy, tốt nhất nên sử dụng các loại súp nhiều loại ngũ cốc, những loại súp này rất giàu vitamin B1, có tác dụng cải thiện chất lượng sữa mẹ và có lợi cho em bé, chất xơ trong súp cũng có tác dụng ngăn ngừa táo bón.

Theo Song Yun - Aboluowang
Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Bọt từ thịt hầm là tinh chất hay là chất bẩn? Có nên hớt bỏ hay không?