Các thí sinh trong Cuộc thi Vẽ tranh Sơn dầu Tả thực Quốc tế NTD chia sẻ kinh nghiệm sáng tác để dẫn dắt xu hướng thẩm mỹ cho xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo sư Trương Côn Luân, chủ tịch ban giám khảo, đã tóm tắt những tác phẩm trong đợt triển lãm lần này, và chia sẻ phương pháp giúp các họa sĩ sáng tác những tác phẩm nghệ thuật truyền thống chất lượng cao, góp phần dẫn dắt xu hướng thẩm mỹ cho xã hội.

Vào chiều ngày 26 tháng 11, trước lễ trao giải "Cuộc thi vẽ tranh sơn dầu tả thực quốc tế" lần thứ 5 năm 2019 của Đài truyền hình Tân Đường Nhân, ban giám khảo đã tổ chức một buổi tọa đàm với các thí sinh. Các thí sinh đã có cơ hội bước lên sân khấu và giới thiệu tác phẩm của mình, chia sẻ về quá trình sáng tác cũng như những câu chuyện cá nhân. Giáo sư Trương Côn Luân, chủ tịch ban giám khảo, đã tóm tắt những tác phẩm trong đợt triển lãm lần này, và chia sẻ phương pháp giúp các họa sĩ sáng tác những tác phẩm nghệ thuật truyền thống chất lượng cao, góp phần dẫn dắt xu hướng thẩm mỹ cho xã hội.

Rất nhiều họa sĩ cho biết, buổi giao lưu đã khiến họ vô cùng xúc động. Đây là một trải nghiệm không thể tìm ở bất kỳ nơi nào khác. Một số thí sinh cho rằng họ cảm thấy như nhận được "ân huệ", khích lệ họ tiếp tục thanh lọc tâm hồn, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao hơn và truyền tải năng lượng tích cực đến người xem.

Các thí sinh mở lòng chia về đức tin và những câu chuyện cá nhân

Có hơn mười họa sĩ đã lên sân khấu chia sẻ và giới thiệu tác phẩm. Trong đó có tác phẩm thể hiện tình yêu thương sâu sắc dành cho gia đình, có tác phẩm khắc họa triết lý về sự trưởng thành; có tác phẩm thể hiện chủ đề chính trị, vạch trần sự độc hại của chủ nghĩa Cộng sản, cũng như có rất nhiều tác phẩm thể hiện sự kính ngưỡng với Thần. Khi chia sẻ đến những chỗ xúc động, nhiều họa sĩ đã không kìm được nước mắt, cũng có người cất tiếng hát. và tất cả đều nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ khán giả.

Tác giả của bức tranh "Ngày 25 tháng 4 năm 1999", họa sĩ Khổng Hải Yến đến từ Hồng Kông, đã chia sẻ về quá trình sáng tác tác phẩm của mình. Cô đã so sánh những tác phẩm theo trường phái hiện đại của cô khi học tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, và những tác phẩm theo phong cách tả thực của mình hiện tại, từ đó giúp khán giả hiểu được những khó khăn khi một họa sĩ quay trở lại với nghệ thuật truyền thống.

Họa sĩ Khổng Hải Yến đến từ Hồng Kông cùng tác phẩm tranh sơn dầu cỡ lớn "Ngày 25 tháng 4 năm 1999" của mình. (Hồng Đạt/ The Epochtimes)

"Những bức tranh theo trường phái hiện đại lúc trước của tôi giống như một tờ giấy trắng rơi vào trong mực đen, không thể rửa sạch. Chính nhờ những thay đổi to lớn trong tính cách và nội tâm, tôi mới có thể sáng tác nên tác phẩm này" - Họa sĩ Khổng Hải Yến cho rằng, đó là kết quả nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và những lợi ích khi tham gia cuộc thi vẽ tranh sơn dầu của Đài truyền hình NTD.

Lauren Tilden, tác giả của bức tranh "Ân huệ của Thiên Chúa", đã dùng một bài thơ để ca ngợi Sáng Thế Chủ sáng tạo ra thế giới. Bức tranh của Tilden miêu tả sự ra đi của một cô bé, và Thiên Chúa sẽ đưa cô bé đến một thế giới tốt đẹp hơn, từ đó, biểu hiện sự tin tưởng rằng "Thiên Chúa ở khắp mọi nơi", cũng như thái độ bình thản, không sợ hãi trước cái chết.

Họa sĩ Lauren Tilden từ New Jersey và tác phẩm "Ân huệ của Thiên Chúa" (Hồng Đạt/ The Epochtimes)

Tác giả Ricardo Vilaria của bức tranh "Khúc an hồn" vốn là một nhạc sĩ. Ông sử dụng tên một bản nhạc của Mozart để vẽ lại những điều mình đã trải qua: Từ một con người luôn phải phục tùng và đầy sợ hãi chuyển sang giai đoạn thứ hai tràn đầy tức giận và phẫn uất, phải mang theo một chiếc mặt nạ với nội tâm đau khổ, cuối cùng tác giả đã phát triển đến một giai đoạn chan chứa tình yêu thương với thiện tâm thuần khiết như một đứa trẻ.

Họa sĩ Vilaria chia sẻ rằng bức tranh này tượng trưng cho những điều trải qua trong quá khứ và hướng đến trong tương lai. Đó chính là phát triển về phía tốt đẹp hơn, trở thành một người tốt hơn.

Họa sĩ người Colombia Ricardo Vilaria và tác phẩm "Khúc an hồn" của anh (Thi Bình/ The Epochtimes)

Họa sĩ Trung Quốc Ông Băng thường vẽ những điều đẹp đẽ như hoa, phụ nữ… nhưng tác phẩm dự thi của cô lại là một bức tranh mang chủ đề chính trị: Tập Cận Bình đứng trên vai Mao Trạch Đông giữa một đống xương khô. Cô không khỏi nghẹn ngào khi mô tả bối cảnh của bức tranh, và những trải nghiệm cá nhân khi gia đình cô bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Cô nói: “Tôi muốn dùng bức tranh này để thức tỉnh người dân Trung Quốc, giúp họ nhìn ra bộ mặt thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đứng lên lật đổ chế độ Cộng sản độc tài này”.

Họa sĩ Trung Quốc Ông Băng và bức tranh "Đầm lầy" của cô (Hồng Đạt/ The Epochtimes)

Họa sĩ người Mỹ Joseph Daily đã tham gia cuộc thi với hai bức tranh "Điều ước của Mary", và "Trước giờ cầu nguyện" (tranh tự họa). Anh chia sẻ rằng, khi nhìn thấy triết lý cuộc thi của NTD, anh đã lập tức quyết định tham gia. Lý do là bởi vì triết lý "vẽ ra hình dáng vốn có của sự vật" trong cuộc thi này từng bị xem là "lỗi thời", thậm chí là "tiêu cực" khoảng 20 năm trước. Do vậy, anh cảm thấy vô cùng vui mừng khi được tham gia cuộc thi này của NTD.

Bức tranh tự họa của họa sĩ người Mỹ Joseph Daily. (Đài truyền hình NTD)

"Tôi thường đeo Thánh giá. Bức tranh này ghi lại khoảnh khắc trước khi tôi đến nhà thờ vào chủ nhật. Tôi cầm Thánh giá trong tay, thể hiện chủ đề hướng vào bên trong để suy ngẫm về bản thân và kết nối với Chúa".

Kathryn Ralli, tác giả bức tranh "Nguồn sức mạnh” (Trụ cột), vẽ một cô gái Trung Quốc đang thiền định. Ralli cho biết vào năm 2003, cô đã nghe về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và câu chuyện ngăn chặn cuộc bức hại của ĐCSTQ của các học viên khiến cô vô cùng xúc động. Cô thường nghe nhiều người hỏi tại sao các học viên Pháp Luân Công không bỏ cuộc trước cuộc đàn áp tàn khốc như vậy. Khi ấy, cô nghĩ đến cây đại thụ và tảng đá phía sau cô gái.

"Tôi đặt tên cho bức tranh này là 'Nguồn sức mạnh' (Trụ cột), bởi vì tôi tin rằng sự kiên định vào đạo đức và niềm tin vững chắc như bàn thạch, là trụ cột của xã hội loài người và cũng là nguồn sức mạnh của tôi".

Hoạ sĩ Katheryn Ralli cùng tác phẩm "Nguồn sức mạnh" (Trụ cột) của cô. (Hồng Đạt/ The Epochtimes )

Giám khảo cuộc thi thảo luận về xu hướng phát triển của nghệ thuật, và khuyến khích các họa sĩ theo đuổi cảnh giới Chân, Thiện, Mỹ cao hơn

Giáo sư Trương Côn Luân, chủ tịch ban giám khảo cuộc thi cho biết, ông rất xúc động sau khi xem các tác phẩm được gửi đến lần này, cũng như khi nghe được tiếng nói từ đáy lòng của các nghệ sĩ.

"Giữa sa mạc cằn cỗi về sáng tạo nghệ thuật trên toàn cầu hiện nay, vẫn có thể nhìn thấy các bạn sáng tác nên những tác phẩm như vậy. Đây là điều không thể tìm thấy ở các tập tranh hay những cuộc triển lãm khác, điều này đủ để thấy được tâm hồn trong sáng và lòng nhân ái của các bạn" - Giáo sư Trương cho biết, do những ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của xã hội loài người, nên các họa sĩ kiên trì theo đuổi hội họa truyền thống của nhân loại đều rất đáng quý.

"Các bạn không chỉ là những họa sĩ xuất sắc mà còn là những người gánh vác sứ mệnh; nghệ thuật là kim chỉ nam của nền văn minh xã hội. Tại sao nghệ thuật của nhân loại ngày nay đã sa đọa đến mức còn tồi tệ hơn cả những lần diệt vong trước, tại sao chúng ta lại thấy được hy vọng? Đó là bởi vì Sáng Thế Chủ mà các bạn vừa nhắc tới đã đến thế gian, và nghệ thuật nhân loại cũng là một phần trong quá trình quy chính".

Chủ tịch ban giám khảo cuộc thi tranh sơn dầu của NTD, Giáo sư Trương Côn Luân đã trao đổi với các thí sinh về định hướng sáng tác nghệ thuật. (Hồng Đạt/ The Epochtimes)

Giáo sư Trương nói rằng tác giả của bức tranh "Ngày 25 tháng 4 năm 1999" đã có thể thoát khỏi trường phái hiện đại để sáng tác tác phẩm theo phong cách hiện thực với trình độ cao như vậy khiến ông tràn đầy tin tưởng vào sự hồi sinh của nghệ thuật.

"Chỉ cần các họa sĩ có tiêu chuẩn, phân biệt được tốt xấu, thì đều có thể làm tốt. Những trải nghiệm được chia sẻ giúp chúng ta thấy được cô ấy đã đạt được thành tựu nghệ thuật như thế nào". Giáo sư Trương khuyến khích các họa sĩ tiếp tục nỗ lực, sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng cao hơn nữa.

Các họa sĩ bày tỏ lòng biết ơn và khen ngợi cuộc thi của NTD là một cuộc thi phi thường.

Các thí sinh tham gia cuộc thi đều ấn tượng sâu sắc với buổi giao lưu, cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn đối với lời giảng giải và chỉ dẫn của Giáo sư Trương

Họa sĩ Đài Loan Thái Tỷ Doanh, người lọt vào vòng chung kết với tác phẩm "Đình viện sâu biết mấy”, xúc động chia sẻ rằng, đây là một sự kiện không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác: "Tôi cảm thấy như nhận được ân huệ".

Họa sĩ Đài Loan Thái Tỷ Doanh và tác phẩm "Đình viện sâu biết mấy” của cô. ( Hồng Đạt/ The Epochtimes)

Cô Thái Tỉ Doanh nói: "Tôi hoàn toàn đồng ý với những điều Giáo sư Trương và các họa sĩ khác đã trình bày. Chỉ có tâm hồn cao thượng mới có thể vẽ nên những bức tranh chất lượng cao". Cô nói tiếp: "Từ nay về sau, tôi cũng muốn bản thân thuần khiết, bởi vì những bức tranh vẽ bằng tấm lòng thiện lượng sẽ truyền tải năng lượng tích cực đến thế giới và tất cả những người xem tranh".

Họa sĩ Đài Loan Lý Bình, tác giả của bức tranh "Tình chị em sâu nặng", cũng chia sẻ rằng khi vẽ tranh, cô đã nhìn thấy hình ảnh của các vị Thần và hình ảnh của những bậc thầy như Da Vinci.

Apelles Zhou, một họa sĩ trẻ tốt nghiệp Thạc sĩ Học viện Mỹ thuật Trung ương, vẫn kiên trì theo đuổi phong cách hiện thực trong dòng chảy nghệ thuật hiện đại. Anh chia sẻ: "Những quan điểm về nghệ thuật và Thần của Giáo sư Trương hoàn toàn giống với nhận thức của tôi".

Họa sĩ Apelles Zhou đến từ New York và tác phẩm "Cô gái đến từ không gian khác chiều" của anh. ( Hồng Đạt / The Epochtimes )

Jennifer Gehr, một họa sĩ đến từ Thụy Sĩ, tác giả của bức tranh "Lời thì thầm", cho biết cô cảm thấy vô cùng vinh dự khi được lắng nghe những câu chuyện, cũng như quan điểm, đức tin của các nghệ sĩ.

Thi Bình - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các thí sinh trong Cuộc thi Vẽ tranh Sơn dầu Tả thực Quốc tế NTD chia sẻ kinh nghiệm sáng tác để dẫn dắt xu hướng thẩm mỹ cho xã hội