Các thượng nghị sĩ lo ngại: Sau khi cung cấp tàu ngầm cho Úc, Mỹ không còn đủ tàu ngầm để tự vệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong phiên điều trần ngày 6/9 mà tại đó các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ điều trần về hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Hoa Kỳ (AUKUS), các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại đã bày tỏ lo ngại rằng sau khi cung cấp tàu ngầm cho Úc, Hoa Kỳ sẽ không còn đủ tàu ngầm hạt nhân để tự vệ.

Trước đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý rằng Úc sẽ mua 3 tàu ngầm của Mỹ, từ đó có được “tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) được trang bị vũ khí thông thường". Ba nước hy vọng có thể cùng phát triển và sở hữu năng lực quân sự tiên tiến.

Thỏa thuận ba bên đã nêu rõ rằng Washington có thể bán thêm tối đa 2 tàu ngầm cho Canberra nếu cần.

Là một phần của thỏa thuận, Úc đã đồng ý đóng góp khoảng 3 tỷ đô-la Úc (1,9 tỷ USD) cho những nỗ lực của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong việc phát triển và mở rộng công nghệ tàu ngầm, phần lớn số tiền đó sẽ được sử dụng để đẩy mạnh tốc độ sản xuất tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ, Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần ngày 6/9, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đặt nghi vấn rằng liệu nước này có đủ nguồn cung để bán tàu ngầm hạt nhân cho Úc hay không, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh và Moscow đang gia tăng.

Các nhà lập pháp lưu ý rằng Hải quân Hoa Kỳ hiện có 49 tàu ngầm tấn công nhanh, còn thiếu 17 tàu ngầm trong số 66 tàu ngầm tấn công hạt nhân cần thiết để bảo vệ đất nước.

Ngược lại, Trung Quốc và Nga đang trên đà vượt xa sức mạnh Hải quân của Mỹ; Bắc Kinh có khả năng sẽ sở hữu tới 440 tàu chiến vào cuối thập kỷ này so với 290 tàu của Washington, theo một tuyên bố hồi tháng 8 của Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng hòa - Mississippi) - thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng hòa - Tennessee) cho rằng việc Hoa Kỳ cung cấp tàu ngầm cho Úc có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc Hải quân nước này đạt được các mục tiêu phòng thủ tối ưu.

Ông Hagerty nói: “Ngày nay, Hải quân có 49 tàu ngầm tấn công, tức là thiếu khoảng 25% so với mục tiêu là 66 tàu ngầm. Tốc độ sản xuất như tôi biết có thể là 1,2 tàu ngầm mỗi năm. Nếu giao những chiếc tàu ngầm này cho Úc, chúng ta sẽ bị chậm lại từ 3 đến 4 năm trong quá trình sản xuất".

Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Pete Ricketts (Cộng hòa - Nebraska) nói trong phiên điều trần: “Hôm nay chúng ta đã bàn rất nhiều về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, họ có lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới. Họ đang mở rộng năng lực của mình và đây là một phần trong kế hoạch thống trị thế giới vào năm 2049 của họ. Ở một số lĩnh vực, họ đang vượt xa chúng ta, nhưng một lĩnh vực mà họ không thể làm được, đó là các đồng minh của chúng ta; đây là lý do tại sao thỏa thuận này rất quan trọng”.

"Điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để đáp ứng cam kết [với Úc]".

Ông Rickets đã nhắc đến yêu cầu của Hải quân về việc có được 66 tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh để bảo vệ đất nước. Ông cho biết Mỹ hiện có 49 tàu ngầm và gần một nửa trong số đó đang không thể sử dụng được do các vấn đề liên quan đến bảo trì.

Nhà lập pháp nói: “Chúng ta rất biết ơn người Úc vì họ muốn đầu tư 3 tỷ đô-la Úc. Chúng ta sẽ cần bao nhiêu để có được 66 tàu ngầm?".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các thượng nghị sĩ lo ngại: Sau khi cung cấp tàu ngầm cho Úc, Mỹ không còn đủ tàu ngầm để tự vệ