Cách đặt tên sự vật phản ánh tôn ti trật tự, hài hòa âm dương của người xưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Văn hóa phương Đông phần lớn được xây dựng trên học thuyết âm dương của Đạo gia, nó phản ánh rõ nét qua tên gọi, danh từ, ngôn ngữ, văn hóa và đời sống thường nhật.

"Quyết một phen sống mái" - Nhất quyết thư hùng

Chúng ta hẳn đã quen thuộc với cụm từ "quyết một phen sống mái", vậy "sống mái" nghĩa là gì?

Thực ra “sống mái” là cách đọc trại của “trống mái”. Nguồn gốc và cách dùng của từ “sống mái” lại bắt nguồn từ tiếng Hán “thư hùng” (雌雄).

Thư là con mái, tính nữ; hùng là con trống, tính nam. Thư hùng còn có nghĩa hơn thua, thắng phụ, mạnh yếu, cao thấp.

Quyết một trận “sống mái” hay “thư hùng” đều có nghĩa như nhau cả. “Sống” ở đây chính là “trống” (đực) chứ không phải "sống" (chết). Khi nói rằng quyết đánh nhau “sống mái” người ta tưởng tượng ra cảnh chém giết một mất một còn, từ đó mà dễ nhầm chữ “sống” ở đây là “sống sót”, “sống chết”.

Từ “thư hùng” được dùng đầu tiên trong “Sử ký Tư Mã Thiên”, phần “Hạng Vũ bản kỷ”: “Nguyện dữ Hán vương khiêu chiến, quyết thư hùng” nghĩa là “muốn thách đấu với Hán vương một trận quyết định thắng thua”.

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, hồi thứ 31 có đoạn: “thệ dữ Tào tặc, nhất quyết thư hùng”, nghĩa là “thề sống chết một trận với tên giặc Tào”.

Thư hùng: Nam nữ hay trống mái

Người nam giới xuất chúng được gọi là “anh hùng”, người nữ giới xuất chúng được gọi là “anh thư”. Cho nên “nữ anh hùng” là một lối biểu đạt chỉ mới xuất hiện thời cận hiện đại.

Lại nói, vốn ban đầu, “thư hùng” được dùng chuyên để chỉ giới tính các loài chim, còn các loài thú thì dùng “mẫu tẫn”, trong đó “mẫu” là con đực, “tẫn” là con cái.

Người Trung Hoa cổ đại rất cẩn thận phân biệt trống mái, đực cái. Chó đực, heo đực gọi là nha; chó cái, heo cái gọi là thảo. Bò đực gọi là cổ; bò cái gọi là sa. Ngựa đực gọi là chất; ngựa cái gọi là khỏa. Cừu đực gọi là đê; cừu cái gọi là tang.

Uyên ương - uyên là con trống, ương là con mái; phượng hoàng - phượng là con trống, hoàng là con mái; phỉ thúy - phỉ là con trống, thúy là con mái; kỳ lân - kỳ là con đực, lân là con cái; tỳ hưu - tỳ là con đực, hưu là con cái.

Theo thời gian, người đời sau càng ngày càng lười đi, hoặc giả quên mất ý nghĩa ban đầu, đem gộp hai từ lại làm một danh từ để gọi tên một loài vật.

Ngày nay, việc con trai tên Lân, con gái tên Phượng hẳn là điều phổ thông bình thường, không khiến ai ngạc nhiên. Trong tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” cũng có nhân vật nổi tiếng Vương Hy Phượng - là một người phụ nữ tuy xinh đẹp nhưng đanh đá, chanh chua, cay nghiệt.

Nhân đây cũng lại nói, thực ra thời xưa hiếm khi lấy tên loài vật đặt làm tên người. Bá Hổ cũng là tên tự chứ không phải tên húy của Đường Dần. Nếu như tên Hổ thì thường đó là chữ hổ trong “hổ phách”, ví như nhà nho Phạm Đình Hổ nổi tiếng của nước ta; tên Lân thì là chỉ sắc ngọc chứ không phải con kỳ lân; tên Long thì là long trọng chứ không phải con rồng, v.v… Điều này phần nào cũng phản ánh sự kỵ húy, tôn ti trong quan niệm người xưa.

Người xưa đặt tên sự vật theo đặc tính âm dương

Mặc dù thời gian đằng đẵng đã vùi lấp cải biến rất nhiều điều, nhưng sự đăng đối, âm dương trong cách người xưa gọi tên sự vật, đến nay chúng ta vẫn có thể truy tra dấu vết, dễ thấy nhất là trong lĩnh vực âm nhạc.

Trong tên đàn tì bà thì “tì” - gẩy hướng về phía trước - là dương, “bà” - gẩy lùi về phía sau - là âm.

Đàn nhị và đàn tì bà, ngũ cung tương ứng ngũ hành. (Ảnh Shen Yun)

Truyền thuyết kể rằng “Phục Hy tạo cầm sắt, Nữ Oa tạo sênh hoàng”. Trong hai loại đàn “cầm”, “sắt” - vẫn dùng để chỉ đôi lứa hòa hợp, “cầm sắt hòa minh” - thì “cầm” tượng trưng cho tính dương, “sắt” tượng trưng cho tính âm. Đàn cầm thường được biểu diễn trước mặt quan khách, còn đàn sắt thường ở sau bình phong tạo nhạc nền, tất nhiên tùy theo bối cảnh mà cả hai có thể hợp tấu. Tương tự “sênh” là nhạc cụ lớn, mang tính nam, tính dương; “hoàng” là nhạc cụ nhỏ hơn, mang tính nữ, tính âm.

Trong Chu Dịch có nói: “Nhất âm nhất dương vị chi Đạo”, nghĩa là “Một âm một dương gọi là Đạo”.

Lão Tử nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm bão dương, xung khí vi hòa”.

Tạm dịch: "Đạo sinh ra Nhất (Thái cực), nhất sinh hai (âm dương), hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Vạn vật mang hai khí âm và dương, xung đột và hài hòa lẫn nhau".

Có thể thấy cách gọi tên mang tính “thư hùng” này cũng là một phần trong minh triết phương Đông, phản ánh thế giới quan có tôn ti, thái cực, âm dương của người xưa. Âm dương tuy rằng phân biệt, nhưng lại cần đến lẫn nhau, cần phối hợp với nhau, để đạt được sự cân bằng, hài hòa, viên mãn. Đó cũng là hợp với Đạo, hợp với quy luật của tự nhiên, vũ trụ.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Cách đặt tên sự vật phản ánh tôn ti trật tự, hài hòa âm dương của người xưa