Nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt 275 tỷ USD chỉ trong một ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ đang trên con đường tài chính không bền vững và không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ hạ nhiệt và đạt được sự bền vững.

Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng 275 tỷ USD trong một ngày (theo thông tin ghi nhận từ ngày 29/9 đến ngày kế tiếp là 2/10 - không tính cuối tuần), tăng vọt lên hơn 33.442 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu nợ Debt to the Penny của Bộ Tài chính Mỹ.

Chỉ trong một tháng, nợ quốc gia đã tăng hơn 600 tỷ USD. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden và cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hoà - California) đạt được thỏa thuận trần nợ, tổng dư nợ công của chính phủ liên bang đã tăng gần 2 nghìn tỷ USD.

Những thách thức về nợ của Mỹ đã nổi lên khi thâm hụt liên bang đang trên đà đạt tới 2 nghìn tỷ USD.

Trong tình hình bất ổn ở Washington, một nhóm các đảng viên Cộng hòa bảo thủ cứng rắn đã yêu cầu phải có các thay đổi trong trách nhiệm giải trình, hành động và trong đội ngũ lãnh đạo để xử lý vấn đề nợ quốc gia đang gia tăng.

Ví dụ, dân biểu Victoria Spartz (Cộng hoà - Indiana) đã đe dọa sẽ từ chức nếu một ủy ban xử lý nợ quốc gia và lạm phát không được thành lập vào cuối năm nay.

Bà Spartz nói trong một tuyên bố ngày 2/10: “Tôi sẽ không tiếp tục hy sinh [lợi ích của] những đứa con của mình cho rạp xiếc này khi nó hoàn toàn thiếu vắng khả năng lãnh đạo, tầm nhìn và sự quyết tâm. Tôi không thể một mình cứu nền Cộng hòa này”.

Nhưng các nhà lập pháp không phải là những người duy nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc gia tăng nợ của Mỹ. Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường gần đây đã ám chỉ đến một cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn, đặc biệt là khi lãi suất và lợi tức trái phiếu kho bạc tăng cao.

Ông Les Rubin, nhà kinh tế, người sáng lập và CEO của Main Street Economics, nói với The Epoch Times: “Chúng ta đang phải đối mặt với khoản gia tăng nợ khoảng 20 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới, điều này sẽ khiến chúng ta sẽ có hơn 50 nghìn tỷ USD [nợ] sau một thập kỷ kể từ bây giờ”. “Tất cả những điều này đều không bền vững, và đó chính xác là những gì Bộ Tài chính báo cáo: Con đường tài chính không bền vững và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ chậm lại và đạt được điều đó [sự bền vững]”.

Ông nói, chính phủ Mỹ không có ý định trả khoản nợ này, điều có thể buộc các nhà đầu tư phải nhấn nút tạm dừng mua trái phiếu.

Ông Rubin nói: “Khi các nhà đầu tư khắp nơi không còn tin tưởng nữa, đó là một vấn đề thảm khốc sẽ lan tỏa khắp thế giới”.

Niềm tin và nhu cầu của nhà đầu tư ngày càng trở thành mối lo ngại ở Phố Wall.

Cảnh báo: Nợ quốc gia của Mỹ tăng 275 tỷ USD trong một ngày
Đồng hồ nợ quốc gia tại một trạm xe buýt ở Washington, Mỹ, vào ngày 31/07/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Khủng hoảng nợ

Vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Thị trường Tài chính và Ngành Chứng khoán (SIFMA) tại New York rằng đã có sự suy giảm về "tính thanh khoản thích hợp" trên thị trường Kho bạc khổng lồ, làm tăng thêm chi phí trả nợ tổng thể.

Trong quý III, Kho bạc Mỹ dự kiến sẽ vay khoảng 1 nghìn tỷ USD. Trong quý IV, Kho bạc ước tính vay 852 tỷ USD. Ngoài ra, khoản phát hành nợ quý II đạt 657 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhu cầu về chứng khoán Kho bạc đã giảm kể từ khi Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm của Mỹ vào mùa hè vừa qua.

Yardeni Research cho biết trong một ghi chú: “Thông báo đó thực sự đánh dấu sự khởi đầu cho mối lo ngại của thị trường trái phiếu kho bạc về việc cung quá nhiều so với cầu”. “Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 4,05% vào ngày 1/8. Bây giờ là gần 4,80%”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2, 10 và 30 năm gần đây đã chạm mức cao nhất trong 16 năm. Lợi suất giảm trong phiên giao dịch ngày 4/10 do báo cáo bảng lương tư nhân yếu kém hơn dự kiến từ tổ chức ADP.

“Nếu bạn thêm vào việc các ngân hàng trung ương không còn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ này nữa, chúng ta thấy rằng việc có tỷ lệ nợ trên GDP cao hiện đang gây ra hậu quả, đó là chi phí lãi vay sẽ tăng…”, ông George Cole, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược lãi suất châu Âu của Goldman Sachs, viết.

Phát biểu tại hội nghị Delivering Alpha của CNBC vào ngày 28/9, ông Bill Ackman của Pershing Square Capital Management cho biết ông nghĩ rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bơm thêm trái phiếu vào thị trường Kho bạc để tài trợ cho các khoản nợ và thâm hụt ngày càng tăng, ngay cả khi nhu cầu đang giảm dần.

Trong năm tài chính hiện tại cho đến nay, chi tiêu liên bang đã tăng 3% và doanh thu từ thuế đã giảm 10%. Theo dự báo ngân sách của Tòa Bạch Ốc, thâm hụt lũy kế được dự báo lên tới hơn 17 nghìn tỷ USD. Ngay cả với Đạo luật Trách nhiệm Tài chính – tên của thỏa thuận giới hạn nợ do Tổng thống Biden và ông McCarthy đưa ra – mức thâm hụt lũy kế dự kiến sẽ chỉ thấp hơn 1,5 nghìn tỷ USD.

Ông Ray Dalio, người sáng lập Bridgewater Associates, cảnh báo rằng Mỹ “sẽ có khủng hoảng nợ ở đất nước này”.

Ông Dalio cho biết vào ngày 28/9 trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: “Tôi nghĩ việc nó thể hiện như thế nào sẽ phụ thuộc vào vấn đề cung-cầu đó, vì vậy tôi đang theo dõi điều đó rất chặt chẽ”.

Cảnh báo: Nợ quốc gia của Mỹ tăng 275 tỷ USD trong một ngày
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lắng nghe trong phiên họp mở của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính tại Bộ Tài chính ở Washington, Mỹ, vào ngày 21/04/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Vấn đề với thanh toán lãi suất

Thanh toán lãi đã trở thành khoản chi ngân sách lớn thứ hai. Trong 11 tháng đầu năm tài chính hiện tại, tổng số tiền trả nợ đã vượt quá 864 tỷ USD. Để so sánh, chi tiêu an sinh xã hội của Mỹ đạt 1,238 nghìn tỷ USD, trong khi chi tiêu quốc phòng đã vượt quá 736 tỷ USD.

Trong thập kỷ tới, các khoản thanh toán lãi vay sẽ có tổng trị giá xấp xỉ 10,6 nghìn tỷ USD, khiến đây trở thành khoản chi tiêu tăng trưởng nhanh nhất trong ngân sách liên bang. Một trong những lo ngại là điều này sẽ lấn át các khoản đầu tư của Mỹ vào các hạng mục ngân sách khác, như quốc phòng, giáo dục, nghiên cứu và phát triển và giao thông vận tải. Chi phí lãi vay ròng ngày càng tăng cũng có thể đe dọa khả năng duy trì các chương trình hiện tại của chính phủ liên bang.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho rằng sẽ có nhiều áp lực hơn liên quan đến việc đảo nợ các khoản nợ sắp đáo hạn của chính phủ Mỹ trong bối cảnh lãi suất gia tăng.

“Lãi suất duy trì ở mức cao càng lâu thì ngày càng nhiều [phần nợ có lãi suất cố định của Mỹ] sẽ được gia hạn ở mức lãi suất cao hơn, tiếp tục khiến các khoản thanh toán lãi của chính phủ ngày càng trở thành một phần lớn hơn trong ngân sách", các nhà kinh tế đã viết trong một bài báo tháng 6.

Theo ông Rubin, nếu lãi suất tiếp tục tiêu tốn một phần đáng kể ngân sách hàng năm, điều đó sẽ buộc chính quyền Mỹ phải vay nhiều hơn. Ông cho biết, chi phí đi vay sẽ tiếp tục tăng vì lãi suất cần phải đủ cao để Kho bạc có thể thu hút đủ nguồn vốn để tài trợ cho khoản nợ quốc gia đang ngày càng phình to.

Ông nói: “Không bao giờ có thể đạt đến điểm ngân sách cân bằng”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt 275 tỷ USD chỉ trong một ngày