Hồi chuông báo động về khủng hoảng nợ công tại Mỹ liên tục bị phớt lờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường đang bỏ qua các cảnh báo. Chính phủ Mỹ cũng phớt lờ những hồi chuông báo động. Cuối cùng, đám đông sẽ nhận thấy rằng mối nguy hiểm là có thật; nhưng hiện tại, âm nhạc vẫn tiếp tục vang lên và các vũ công vẫn đang nhảy múa.

Bạn đã bao giờ ở trong một khách sạn hoặc tòa nhà văn phòng, nơi chuông báo cháy kêu inh ỏi, nhưng mọi người đều phớt lờ và vui vẻ tiếp tục làm việc? Cứ sau vài phút, một giọng nói được ghi âm vang lên, “Cháy! Vui lòng ra khỏi tòa nhà!” nhưng cảnh báo vẫn bị bỏ qua. Trên thực tế, chuông báo động càng kéo dài thì mọi người càng có xu hướng coi thường nó. Với sự lặp đi lặp lại, chúng ta trở nên quen thuộc với những lời cảnh báo. Chỉ khi ngửi thấy mùi khói và cảm nhận sức nóng của ngọn lửa, chúng ta mới nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề. Nhưng, tất nhiên, đến lúc đó thì đã quá muộn.

Mỹ ở trong một tình cảnh tương tự về vấn đề nợ. Các nhà quan sát đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ rằng chi tiêu thâm hụt quá mức của chính phủ, thứ không được tài trợ bằng doanh thu mà bằng những khoản nợ rẻ mạt, cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính, một nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng và khiến đồng USD đánh mất đi vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Những cảnh báo này đã được lặp đi lặp lại liên tục và cũng đã liên tục bị bỏ qua. Và bây giờ ngọn lửa đang ở ngay ngoài cửa.

Trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thâm hụt ngân sách liên bang, vấn đề kéo dài trong sáu năm tính đến thời điểm đó, rơi vào mức 1,7 nghìn tỷ USD lũy kế kể từ năm 2001. Nợ công liên bang của Mỹ lên tới 9,3 nghìn tỷ USD, tương đương 63% thu nhập quốc dân, thứ được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Các biện pháp can thiệp của chính phủ (được hỗ trợ bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ), thứ được các chính phủ trên khắp thế giới sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã dẫn đến mức nợ chính phủ gia tăng mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tại Mỹ, nợ công liên bang đã tăng gấp đôi lên hơn 18 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Thâm hụt liên bang tích lũy đã tăng lên 8,8 nghìn tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo rằng mức nợ này, tương đương với 100% GDP của Mỹ, là không bền vững và thâm hụt ở mức độ này sẽ tạo ra lạm phát.

Nhưng rồi sau đó không có gì xảy ra. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Thị trường chứng khoán đã tạo ra một trong những đợt tăng điểm dài nhất được ghi nhận. Lạm phát không xuất hiện. Lợi ích của nguồn tiền dễ tới ngay lập tức, trong khi hậu quả nằm ở đâu đó trong tương lai xa. Trong một thế giới của “ZIRP”, chính sách lãi suất bằng 0 được các Ngân hàng Trung ương thực hiện và duy trì trong hơn một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng, một bong bóng tài sản khổng lồ đã được tạo ra và cùng với đó là ảo tưởng về sự giàu có. Với mức lãi suất thấp hoặc thậm chí âm, các chính phủ phương Tây có đủ khả năng chi trả cho mức nợ đang gia tăng nhanh chóng của họ. Với lãi suất gần bằng 0, hạn chế tự nhiên đối với chi tiêu thâm hụt và tích lũy nợ đã được loại bỏ. Cùng với đó, nó đã phá hủy mọi kỷ luật tài chính, dù là của các hộ gia đình, doanh nghiệp hay chính phủ.

Tất cả điều này đã xảy ra giữa lúc bộ máy dân chủ của các chính phủ phương Tây đang suy yếu, và đi cùng với đó là sự xuống dốc của khả năng cai trị của các nhà lãnh đạo của họ. Tại Mỹ, một Quốc hội phân cực gay gắt đã mất khả năng lập pháp. Xa rời các chính sách tài khóa hợp lý và coi chính sách tiền tệ như cây đũa thần, mọi người đổ dồn sự chú ý vào Cục Dự trữ Liên bang (để giữ lãi suất ở mức thấp) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ (để cung cấp thanh khoản cho thị trường). Trò chơi này giờ đã đến hồi kết thúc.

Hồi chuông báo động về khủng hoảng nợ công của Mỹ liên tục bị phớt lờ
Đồng hồ nợ quốc gia tại một trạm xe buýt ở Washington, Mỹ, vào ngày 31/07/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Điểm kết thúc của trò chơi?

Do các biện pháp của chính phủ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (bằng cách in tiền hoang phí), việc chi tiêu vô tội vạ cho các cuộc chiến tranh bất tận ở Afghanistan, Iraq, Syria và bây giờ là Ukraine, và khoản “tiền trực thăng” cứu trợ đại dịch, đến tháng 07/2023, thâm hụt ngân sách liên bang tích lũy đã tăng lên 20,7 nghìn tỷ USD. Vì thâm hụt (theo định nghĩa) không được tài trợ bởi doanh thu, chính phủ Mỹ đã vay tiền từ công chúng, từ các chính phủ nước ngoài và cuối cùng là từ chính họ. Chỉ trong hai năm từ 2020 đến 2022, bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang đã tăng hơn gấp đôi lên gần 9 nghìn tỷ USD, do Ngân hàng Trung ương buộc phải mua nợ do Kho bạc Mỹ phát hành để tài trợ cho các khoản trợ cấp đại dịch. Quá trình này bắt đầu vào cùng thời điểm mà Trung Quốc, trước đây là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của trái phiếu Kho bạc Mỹ, đang giảm nắm giữ nợ Mỹ và thay vào đó tăng dự trữ vàng.

Vào cuối năm 2022, nợ công liên bang của Mỹ ở mức 31,4 nghìn tỷ USD. Chỉ hơn sáu tháng sau, 1,3 nghìn tỷ USD khác đã được thêm vào, nâng tổng số nợ tính đến cuối tháng 07/2023 lên gần 32,7 nghìn tỷ USD, tương đương 123% GDP. Điều này có nghĩa là 97.500 USD nghĩa vụ nợ cho mỗi công dân Mỹ và 254.000 USD cho mỗi người nộp thuế. Nhưng chờ đã, đó không phải là tất cả. Thêm vào đó là khoản nợ 4 nghìn tỷ USD của tiểu bang và địa phương, tương đương với 10.000 USD bổ sung cho mỗi công dân và hàng nghìn tỷ trong khoản thanh toán cho an sinh xã hội, Medicare, v.v., và tổng số nợ của chính phủ hiện đang ở mức không thể trở về như trước, cùng với một tương lai trả nợ bất khả thi.

Khi lãi suất gần bằng 0, chi phí trả nợ có thể được bỏ qua. Nhưng hiện nay, lãi suất đã tăng lên nhanh chóng. Với tỷ lệ lãi suất mục tiêu của Quỹ Fed hiện ở mức trên 5%, chi phí trả nợ của chính phủ - hiện là một trong những hạng mục lớn nhất trong ngân sách liên bang - được tính toán là 745 tỷ USD, tương đương 2,7% GDP, cho năm tài chính 2024. Trả nợ đã trở thành một trong những hạng mục ngân sách lớn nhất, cạnh tranh với các chương trình phúc lợi và chi tiêu quân sự.

Động thái của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần trước nhằm tăng lãi suất mục tiêu thêm 25 điểm cơ bản hiện đặt giới hạn trên của lãi suất ở mức 5,5%, mức cao nhất trong 20 năm.

Điều này sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho lĩnh vực ngân hàng, vốn đã mong manh, và cho cả các doanh nghiệp nhỏ và Phố Wall. Hiện tại, thị trường đang bỏ qua các cảnh báo. Chính phủ Mỹ cũng phớt lờ những hồi chuông cảnh báo. Cuối cùng, đám đông sẽ nhận thấy rằng ngọn lửa là có thật. Tại thời điểm hiện nay, âm nhạc vẫn tiếp tục vang lên và các vũ công vẫn đang nhảy múa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Michael Wilkerson là một nhà đầu tư, cố vấn chiến lược và là người sáng lập ra trang web Stormwall.com. Ông là tác giả của cuốn sách "Tại sao nước Mỹ lại quan trọng: Trường hợp cho một chủ nghĩa ngoại lệ mới", được phát hành vào tháng 10/2022.



BÀI CHỌN LỌC

Hồi chuông báo động về khủng hoảng nợ công tại Mỹ liên tục bị phớt lờ