Câu chuyện tu luyện của Phật Mật Lặc Nhật Ba (1): Giấc Mộng của Nhạ Quỳnh Ba

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa) là một người tu luyện nhiều truyền kỳ nhất trong những người tu hành có thành tựu ở Tây Tạng, cũng là một vị tu hành Phật giáo, và là triết gia, thi nhân được người Tạng vô cùng tôn kính.

Giới thiệu chung

Mật Lặc Nhật Ba sinh vào khoảng năm 1040, khi cậu được 7 tuổi thì phụ thân qua đời, gia sản được phó thác cho người bác và người cô của cậu cai quản cho đến khi Mật Lặc Nhật Ba trưởng thành. Tuy nhiên, người bác và người cô của cậu đều cực kỳ tham lam và độc ác, họ đã tìm mọi cách chiếm đoạt gia sản của cậu. Họ còn sai khiến cả nhà Mật Lặc Nhật Ba phục dịch như là nô lệ.

Khi còn trẻ, Mật Lặc Nhật Ba tu học tà pháp, mục đích là dùng để báo thù cho gia đình. Sau này cậu cậu bị lương tâm dằn vặt. Khi nhận thức được rằng, những ác nghiệp mà cậu tạo ra sẽ đem lại quả báo ác cho cậu, thế là cậu quyết định tu tập Phật Pháp.

Mật Lặc Nhật Ba theo học rất nhiều vị đạo sư. Đến năm 38 tuổi, anh gặp được tôn sư Mã Nhĩ Ba, và làm môn đồ của ông.

Trong 6 năm đầu, sư phụ Mã Nhĩ Ba không dạy anh Phật Pháp, chỉ giao cho anh rất nhiều công việc khổ cực nặng nhọc, mục đích là tẩy trừ những ác nghiệp mà anh đã dùng tà pháp tạo ra.

Sau đó, sư phụ Mã Nhĩ Ba mới hài lòng truyền thị toàn bộ mật pháp cho anh.

Sau khi từ biệt thượng sư Mã Nhĩ Ba, Mật Lặc Nhật Ba sống một mình trong hang động tĩnh tu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, với sự kiên định đối với Phật Pháp, ông khắc khổ tu hành. Đôi khi Mật Lặc Nhật Ba từ núi sâu đến các làng mạc, dùng thơ ca để truyền bá Phật Pháp.

Mật Lặc Nhật Ba có rất nhiều đệ tử và tín chúng. Sau khi Mật Lặc Nhật Ba qua đời, những người tham dự lễ hỏa táng của ngài đã đích thân nhìn thấy các Thiên nữ từ trên Trời giáng xuống, lấy các viên xá lợi của Mật Lặc Nhật Ba và trở về Trời.

Cả cuộc đời Phật Mật Lặc Nhật Ba giống như một sử thi hào hùng và bi tráng, cảm động lòng người. Những câu chuyện tu hành đặc sắc tuyệt luân của ngài khiến người ta cảm động sâu sắc, khiến người ta rơi lệ.

Giấc mộng của Nhạ Quỳnh Ba

Dãy Himalaya xưa nay là nơi có rất nhiều người tu luyện. Từ xưa đến nay, người Tạng đều sống chủ yếu bằng nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Người dân nơi đây sống cuộc sống thuần thiện chất phác, ai nấy đều giỏi ca múa.

Ngoài ra, người Tạng xưa nay đều sùng bái tín phụng Phật Pháp. Thời đó có người tu hành khổ hạnh tên là Mật Lặc Nhật Ba, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.

Một ngày nọ, trong một chiếc hang giữa vách núi ở một nơi vùng Áp Long, Phật Mật Lặc Nhật Ba giảng diệu Pháp đại thừa. Trong Pháp hội, có các đại đệ tử của ngài là Nhạ Quỳnh Ba, Tịch Quang Nhạ Ba, Nhạn Tổng Nhạ Ba, Phật Hộ Nhật Ba… và các nữ đệ tử Lai Trại Biện, Tiên Đa Mã… và rất nhiều những thí chủ tín chúng nam nữ. Ngoài ra còn có Trưởng Thọ Vương Không Hành Mẫu, và rất nhiều Không Hành Mẫu chứng đắc thành tựu ánh sáng cầu vồng, và các hành giả yoga.

undefined
Bức tượng Phật Mật Lặc Nhật Ba do chính tay đại đệ tử Nhạ Quỳnh Ba (Rechungpa) của Ngài làm, hiện ở Tu viện Phelgyeling, Nepal. (Wikipedia/Lobsang Gyegye/ SA-4.0)

Buổi tối hôm trước, đại đệ tử của Phật Mật Lặc Nhật Ba là Nhạ Quỳnh Ba (Rechungpa) có một giấc mộng. Trong giấc mộng, anh dường như đã đến Tịnh thổ Ô Kim Không Hành. Đó là một tòa thành lớn có rất nhiều kiến trúc bằng ngọc lưu ly. Người trong thành đều mặc Thiên y mỹ lệ. Mọi người đeo các dây thao, các nam nữ Không Hành mang trang sức châu báu. Tất cả đều hướng về Nhạ Quỳnh Ba mỉm cười gật đầu, nhưng không người nào nói với anh một lời.

Bỗng nhiên, một cô gái mặc y phục màu đỏ nhiệt tình chào hỏi anh: “Sư đệ, cậu đến khi nào vậy? Hoan nghênh hoan nghênh”.

Nhạ Quỳnh Ba ngước mắt nhìn, thì ra là Ba Nhiệt Mã, người cùng anh học Pháp với thượng sư Đệ Bố Ba ở Nepal trước đây.

“Cậu đến đúng lúc quá, Bất Động Như Lai hiện đang thuyết Pháp ở đây, nếu cậu nguyện ý nghe giảng, tôi có thể thỉnh cầu Phật giúp cậu”.

Nhạ Quỳnh Ba vui mừng nói: “Nhiều năm nay, đệ vẫn muốn bái kiến Bất Động Như Lai, hôm nay nếu được nghe Ngài đích thân thuyết Pháp, thì đúng là cơ hội nghìn năm khó gặp. Thỉnh sư tỷ thỉnh cầu giúp đệ”.

Ba Nhiệt Mã mời Nhạ Quỳnh Ba ăn một bữa tiệc thịnh soạn, sau đó 2 người cùng nhau đến Pháp hội.

Đó là một cung điện lớn tráng lệ nguy nga. Bất Động Như Lai ngồi trên bảo tọa giữa điện đường, tướng mạo trang nghiêm, không phải điều mà con người có thể tưởng tượng được. Chư Thần nghe Pháp trong Pháp hội nhiều vô biên vô tế như biển cả vậy,

Nhạ Quỳnh Ba chưa bao giờ trông thấy Pháp hội to lớn thù thắng như thế này. Nhìn thấy cảnh tượng này, trong tâm anh quả là vui mừng và cao hứng không nói nên lời. Ba Nhiệt Mã nói với Nhạ Quỳnh Ba rằng: “Sư đệ, xin hãy đợi một lát, để tôi thỉnh cầu sư tôn giúp cậu”.

Một lát sau, Bất Động Như Lai nhìn về phía Nhạ Quỳnh Ba và mỉm cười. Nhạ Quỳnh Ba biết rằng, mình đã được Bất Động Như Lai đồng ý rồi, anh bèn hướng về Như Lai đảnh lễ. Sau đó anh ngồi xuống nghe Pháp.

Hôm đó, Bất Động Như Lai giảng về những sự tích và truyện ký của chư Phật Bồ Tát quá khứ, đều là những câu chuyện hào hùng bi tráng cảm động lòng người. Cuối cùng, Bất Động Như Lai lại giảng sự tích cuộc đời của 3 vị thượng sư Đế Lạc Ba, Na Nặc Ba và Mã Nhĩ Ba. Nhạ Quỳnh Ba chưa từng được nghe những lời giảng thuật tường tận và cảm động như thế này.

Khi sắp kết thúc Pháp hội, Bất Động Như Lai nói với tất cả mọi người rằng: “Trong tất cả các truyện ký, câu chuyện hiếm nhất, vĩ đại nhất và cảm động nhất, thì đó là truyện ký của Mật Lặc Nhật Ba, ngày mai chư vị lại đến nghe ta tiếp tục giảng nhé”.

Nhạ Quỳnh Ba nghe thấy mấy người đã nói nhỏ với nhau:

“Nếu còn có những truyện ký hiếm có hơn, vĩ đại hơn như thế này, thì quả thực không thể tưởng tượng nổi”.

“Hôm nay chúng ta nghe những truyện ký về chư Phật Bồ Tát, các Ngài đều là kết quả tu hành nhiều kiếp nhiều đời, nhưng Mật Lặc Nhật Ba lại trong một đời là đã thành tựu được công đức tương đương với chư Phật Bồ Tát, do đó càng hiếm có hơn”.

“Truyện ký tu luyện hiếm có như thế này, nếu để mai một thì quả là quá đáng tiếc. Nếu không phải vì lợi ích của chúng sinh để thỉnh cầu sư tôn thuyết giảng, thì chẳng phải đó là tội lỗi của những đệ tử chúng ta đó sao? Do đó chúng ta nhất định phải khẩn thiết thỉnh cầu, thỉnh thượng sư Như Lai thuyết giảng truyện ký của tôn giả mới được”.

“Tôn giả Mật Lặc Nhật Ba hiện đang ở nơi nào?”

“Tôn giả Mật Lặc à? Ngài nếu không phải đang ở Tịnh thổ Hiện Hỉ thì đang ở Quang thổ Thường Tịch đó sao?”

Nhạ Quỳnh Ba nghe rồi, trong tâm thầm nghĩ: “Tôn giả hiện nay rõ ràng là đang ở Tây Tạng, tại sao nói là ở Quang thổ Thường Tịch? Nhưng bất luận thế nào, những lời này của họ rõ ràng là nói với mình, mình nên thỉnh cầu tôn giả thuyết giảng tự truyện của tôn giả mới đúng”.

Nhạ Quỳnh Ba vừa nghĩ đến đây thì Nhiệt Ba Mã đã thân thiết kéo tay anh lắc lắc nhẹ và nói: “Sư đệ, đệ đã hiểu chưa?”

Lúc này, trong tâm Nhạ Quỳnh Ba càng minh bạch, và bỗng nhiên anh từ giấc mộng tỉnh dậy.

Khi đó, trời đã sắp sáng, trong tâm Nhạ Quỳnh Ba vô cùng hoan hỉ, anh nghĩ: “Đến Ô Kim Sát Thổ nghe Bất Động Như Lai thuyết Pháp, tuy là rất đáng quý, nhưng xem ra việc được ở cùng với thượng sư, thì càng đáng quý hơn, càng hiếm có hơn. Lần này đến Ô Kim Sát Thổ nghe Pháp, chính là thượng sư gia trì.

Những người ở đó nói, tôn giả ở Quang thổ Thường Tịch hoặc Tịnh thổ Hiện Hỉ. Chúng ta lại cho rằng tôn giả ở Tây Tạng. Thực ra thân khẩu ý của thượng sư không khác biệt với chư Phật thập phương. Sự nghiệp công đức là không thể tưởng tượng nổi.

Mình xưa nay luôn cho rằng, tôn giả chỉ ở Tây Tạng, không có gì khác biệt với chúng ta, sống cuộc sống của con người như chúng ta, nào có hay tôn giả đã sớm thành Phật rồi, Pháp thân ở khắp vũ trụ, báo hóa thân biến hóa càng không thể tưởng tượng nổi. Nghiệp chướng của chúng ta quá nặng, do đó thấy Thánh nhân cũng như thấy phàm phu, quả thực là bôi nhọ Thánh giả rồi.

Giấc mơ đêm qua không phải là giấc mộng bình thường, là ám thị mà Ba Nhiệt Mã và các Không Hành khác bảo ta thỉnh cầu tôn giả thuyết Pháp. Mình nhất định phải thỉnh cầu thượng sư”.

Nghĩ đến đây, trong tâm Nhạ Quỳnh Ba sinh ra một tín tâm vô hạn, anh liền chắp tay trước ngực, vô vùng thành kính thỉnh cầu thượng sư, sau đó anh lại nằm xuống và tiến vào giấc ngủ say.

Jing Di Academy
Tường Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện tu luyện của Phật Mật Lặc Nhật Ba (1): Giấc Mộng của Nhạ Quỳnh Ba